Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bài 1: Chuyển đổi số ở một phường ngoại ô Đà Nẵng

ĐNA -

(Đà Nẵng). An Khê (Quận Thanh Khê), là phường ngoại ô của thành phố Đà Nẵng, đặc thù cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ – công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Phần lớn người dân buôn bán nhỏ lẻ,  chủ yếu là lao động phổ thông.

Lãnh đạo phường An Khê chọn đột phá đầu tiên của chuyển đổi số là không ngừng cải cách hành chính, hoàn thiện chính quyền điện tử, lấy sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu và động lực. Ảnh: T.Ngọc.

Bắt tay vào chuyển đổi số, Phường gặp không ít khó khăn, môi trường thực thi gặp khá nhiều hạn chế. Nhiều người dân vẫn muốn gặp cán bộ hướng dẫn và nhận kết quả trực tiếp, theo cách giao dịch truyền thống, chưa quen với tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

“Đã vậy, vấn đề an toàn trong sử dụng điện thoại thông minh, kết nối vào môi trường mạng, còn gặp những chuyện như tìm cách khai thác thông tin của người dùng, nhất là tài khoản ngân hàng, rồi lừa đảo, …. Đây là câu chuyện “mặt trái” của xã hội số và cũng là một thách thức lớn đặt ra cho lực lượng tuyên truyền vận động người dân tham gia chuyển đổi số”, anh Đỗ Văn Thành – cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Phường cho biết.

Từ thực tế như một đặc thù, lãnh đạo địa phương đã chọn đột phá đầu tiên của chuyển đổi số là không ngừng hoàn thiện chính quyền điện tử, cung cấp tốt các dịch vụ công trực tuyến. Bởi phần lớn người dân trên địa bàn đều đi làm tại công ty, xí nghiệp, chỉ nghỉ được vào chủ nhật, số còn lại, cũng không ít, lại bận bịu công việc kinh doanh, việc này, việc khác.

Hiểu được người dân khi cần giao dịch hành chính, thường gặp khó khăn về thời gian, mặt khác, cũng không rành thủ tục, có khi phải “lên Phường” nộp hồ sơ nhiều lần. Mô hình “Ngày Chủ nhật gần Dân” ra đời … Vào ngày Chủ nhật thì công dân mới rảnh, sao chính quyền lại không phục vụ vào lúc này ! Cán bộ, chuyên viên đi làm thêm Chủ nhật thì đã sao ! Rất thực tế và đúng với tinh thần công bộc.

Chuyển đổi số cũng là thi đua “Dân vận khéo”
“Khi Quận ủy Thanh Khê có chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Đảng uỷ phường An Khê chúng tôi, kịp thời có kế hoạch triển khai thực hiện nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, … Xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính, UBND phường An Khê xây dựng mô hình “Ngày Chủ nhật gần Dân”.

Một phiên làm việc của “Ngày Chủ nhật gần Dân” tại phường An Khê. Người ngồi thứ hai, từ phải sang, hàng phía trong, là anh Đỗ Văn Thành – cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Phường. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

 Chúng tôi xem đây là bước hiện thực bài học lớn về tư tưởng và phong cách đạo đức của Bác. Phải gần Dân, sâu sát Nhân dân . Chính quyền ở cấp cơ sở càng vì nhân dân mà nâng cao mức độ phục vụ. Rồi chuyển đổi số cũng phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm”.  “Ngày Chủ nhật gần Dân” ra đời như thế, như một việc phải làm và là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền”, bà Hoàng Thị Kim Loan – UV. BTV Quận uỷ, Bí thư Đảng bộ Phường nhấn mạnh.

Không câu nệ và chỉ chú trọng hình thức, chạy theo phong trào, phường An Khê đã soạn rõ nội dung những việc phải làm trong “Ngày Chủ nhật gần dân”. UBND phường xác định những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, thì vào các ngày chủ nhật của tuần đầu tiên hằng tháng, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả ngay.

Để quy trình hồ sơ đạt yêu cầu, Phường bố trí Tổ hỗ trợ (lực lượng công chức, công an, đoàn viên) tư vấn các thủ tục. Người mắt kém, tuổi cao, hoặc vì lý do gì đó không thể tự khai hồ sơ, hoặc có yêu cầu hỗ trợ, anh chị em Tổ hỗ trợ sẽ xin thông tin để khai vào biểu mẫu, sau đó cùng kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, rồi mới hướng dẫn công dân nộp hồ sơ theo lĩnh vực. Tùy trường hợp, anh chị em công chức, các bạn đoàn viên, cán bộ – chiến sỹ công an Phường, còn kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn thêm người dân về dịch vụ công trực tuyến, sau này có thể thực hiện ngay tại nhà.

“Chúng tôi giải thích để bà con hiểu rằng, đó chính là chuyển đổi số. Bà con sẽ đỡ phải mất thời gian trong đi lại. Nhà nước rồi chính quyền địa phương đều đã có Cổng dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng khá tiện lợi. Nếu có loại thủ tục hành chính theo quy định có nộp phí, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con cách nộp trực tuyến, … Hẳn nhiên, những hoạt động như thế này, bước đầu chỉ mới góp phần thay đổi nhận thức ở bà con. Ít ra bà con cũng nắm bắt được một cách mới mà chính quyền đã tạo ra, cũng chỉ để phục vụ chính nhu cầu của người dân”, Chị Võ Thị Hoài Thanh – Cán bộ tư pháp – hộ tịch Phường An Khê tâm sự.

Anh Dương Bảo Khang cán bộ tư pháp – hộ tịch hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, liên quan đến lĩnh vực. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

Lực lượng Công An phường cử cán bộ, chiến sĩ tham gia Tổ hỗ trợ, còn chia sẻ các yêu cầu “thiết thân” về thủ tục liên quan, như đăng ký thay đổi thông tin cư trú, đăng ký tạm trú, tạm vắng, cấp mới CCCD, xử lý vi phạm hành chính. 2 năm gần đây còn tư vấn người dân về phòng cháy chữa cháy. Một số nội dung như vướng mắc trong thực thi chấp hành pháp luật; tranh chấp về tài sản, thừa kế hay những vấn đề về hôn nhân,….cũng được cơ quan Công an Phường giải thích, hỗ trợ pháp lý chu đáo.

“Ngày Chủ nhật gần Dân” lãnh đạo phường đều có mặt và làm việc như một ngày hành chính trong tuần. Phó Chủ tịch cùng Chủ tịch UBND trực tiếp tham gia với Tổ hỗ trợ, tiếp đón công dân.

Có bà con chỉ yêu cầu về giao dịch hành chính; nhưng cũng có bà con mang theo tâm tư, nguyện vọng muốn trình bày, chúng tôi đều chăm chú lắng nghe, ghi nhận đầy đủ. Đây là vấn đề tư tưởng, mình có trách nhiệm nắm bắt dư luận, sau đó có giải pháp phù hợp, như vậy thì không tạo bức xúc dư luận kéo dài, có khi lại trở thành “điểm nóng” phức tạp.

Tôi cho rằng, chuyển đổi số, phải gắn chặt với yêu cầu thường xuyên, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm: Phải cải cách hành chính, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ thì nhất định, sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực, sự hài lòng thực sự của nhân dân. Đó chính là góp phần xây dựng nền hành chính công vụ minh bạch và tiện lợi, đưa công tác cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, chứ không chỉ nói suông. Và đây cũng là thực hành “Dân vận khéo” của Đảng và Chính quyền, các tổ chức phường An Khê”, bà Bùi Thị Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND Phường phân tích.

Kiên trì với nội dung của “Ngày Chủ nhật gần Dân, chuyển đổi số song hành với cải cách hành chính, khai thác tốt các ứng dụng và tiện ích của hệ thống chính quyền điện tử”, phường An Khê đã mở ra môi trường để người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu hành chính công, giảm đi lại trực tiếp, việc gì cũng cứ phải đến cơ quan hành chính.

Chị Bùi Thị Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND Phường  An Khê (bìa phải ảnh) và cán bộ VP.UBND phường, trao Chứng nhận kết hôn đến Công dân kèm theo Thiệp Chúc mừng của Chính quyền địa phương. Ảnh: VP.UBND phường chia sẻ.

 “Từ khi địa phương tuyên truyền mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến,  kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng (các tiện ích như góp ý, tra cứu điện, nước, nhà vệ sinh công cộng,…) trên Ứng dụng Danang Smart City, hoặc truy cập các trang dichvucong.gov.vn , dichvucong.danang.gov.vn để thực hiện nhiều dịch vụ công, trong 3 năm qua, cao điểm là 2023-2024, Phường đã có được 20.236 tài khoản định danh điện tử (trong đó, 7 tháng của năm 2024, là  8.000 tài khoản được cài đặt, kích hoạt). Chúng tôi đánh giá, đây là bước tiến đáng kể, là tiền đề để nâng cao tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính, được xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Hiện cơ quan Công an phường, cùng 90 Tổ Công nghệ số cộng đồng và đề án 06 vẫn tiếp tục vận động nhân dân cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Tôi tin rằng, một thời gian nữa thôi, bà con sẽ quen dần với việc sử dụng tài khoản VNIED, bắt đầu để thực hiện giao dịch hành chính công trực tuyến qua tài khoản. Trước mặt, việc tích hợp giấy tờ đã là một tiện ích mà bà con đã, đang thực hiện. Khi cần chỉ xuất trình giấy tờ điện tử đã xác thực, không phải mang theo giấy tờ bản giấy, bản in” – Trung tá Nguyễn Bá Việt, Trưởng Công an Phường nhìn nhận.

Vận hành song song chuyển đổi số với cải cách hành chính, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ trả hồ sơ sớm của UBND Phường An Khê đạt 70% và trả đúng hẹn là 30% (chấm dứt tình trạng trễ hẹn hồ sơ, gây phiền hà, trễ việc của tổ chức và công dân). UBND Phường còn ghi nhận, tìm hiểu và đã đề xuất lên UBND thành phố, xem xét cắt giảm tối thiểu thêm 30% thời gian thực hiện của 10% số thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh (trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp phường, xã), rút ngắn thêm thời gian trả kết quả cho người dân và tổ chức.

Chủ tịch UBND Phường An Khê, ông Trần Văn Khánh (bìa phải ảnh) cùng tham gia vận động không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

“Ngày Chủ nhật gần Dân”,  với những việc làm hết sức cụ thể, tính thiết thực cao, vừa là mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”, vừa lồng ghép linh hoạt, những nội dung của chuyển đổi số; vừa trước hết, đã làm thay đổi lề lối làm việc của cán bộ thực thi công vụ, từ tác phong hành chính quan liêu, sang tâm thế lắng nghe, phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”.

Thay đổi từ chuyển đổi số ở một phường ngoại ô
Một đơn cử cho thay đổi nhận thức từ chính người dân: Ngoài các tuyến phố kinh doanh hoa cây cảnh, thủ công mỹ nghệ không tiền mặt, chuyển đổi số tại địa bàn qua mô hình “Chợ không dùng tiền mặt” cũng đã đi vào hoạt động, đó cũng là hai điểm chợ đầu tiên của Phường: chợ Tân An, chợ Thuận An.

Ông Trần Văn Khánh – Chủ tịch UBND phường An Khê, cho biết thêm: Vận dụng mô hình chính quyền điện tử năng động và linh hoạt qua chuyển đổi số, từ mô hình “Ngày Chủ nhật gần Dân”, phường An Khê đã tiến tới thí điểm sử dụng bộ nhận diện trách nhiệm công vụ, xây dựng điểm chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân.

Được biết, UBND phường An Khê được UBND quận Thanh Khê chọn và giao tổ chức thí điểm sử dụng bộ nhận diện và xây dựng điểm chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân, theo tinh thần quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông). Bộ nhận diện của Tổ công tác một cửa phường An Khê, dựa trên những cam kết và các giá trị cốt lõi, thể hiện được 5 tinh thần trong lề lối làm việc và phục vụ (khoa học, hiệu quả, hiện đại, sẵn sàng và thân thiện).

UBND phường An Khê tích cực nêu cao trách nhiệm công vụ khi đã có bộ nhân diện, xây dựng thành công mô hình điểm chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

Với những kết quả ban đầu rất khả quan, Phường Triển khai, mô hình “Ứng dụng zalo trong cải cách hành chính” trên điện thoại di động với tên gọi “Chính quyền điện tử phường An Khê”.  Trong đợt cao điểm triển khai mở tài khoản định danh điện tử lưu động (mức 2), UBND phường chỉ đăng tải lịch lên Zalo “Chính quyền điện tử phường An Khê”. Vậy là nhân dân đều biết cụ thể thời gian, địa điểm để tham gia. Rồi mô hình “Thông báo kết quả qua tin nhắn SMS”.

Đây là kết quả bước đầu trong hiện thực tinh thần hành động của một chính quyền số “tiếp cận nhanh, giải đáp nhanh và hoàn tất nhanh”, đồng hành với tinh thần “3 thể hiện”: Tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc với Nhân dân; Chuyên nghiệp trong giải quyết công việc với nhân dân; Bảo đảm “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, hài lòng hơn”.

“Thông tin, kiến nghị phản ảnh qua “Chính quyền điện tử phường An Khê” được cơ quan có trách nhiệm quan tâm, tiếp thu, có hướng khắc phục, xử lý nhanh. Hôm bữa, tôi báo tin tại địa bàn có sự cố mất an toàn, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của bà con nhân dân. Các anh chị lãnh đạo Phường nhanh chóng xử lý. Rõ ràng đây là kênh thông tin, giao tiếp tương tác có hiệu quả giữa nhân dân, tổ chức với chính quyền địa phương. UBND Phường cũng thường xuyên chia sẻ thông tin thiên tai, các quy định pháp luật có hiệu lực, tình hình dịch bệnh, như tả lợn châu Phi ở Hòa Vang vừa rồi.

Đại diện Tổ công nghệ số và đề án 06 số 11, hướng dẫn người dân sử dụng Trang thông tin điện tử phường An Khê trên nền tảng Zalo. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

 Khai thác tiện ích từ nhiều kênh, kể cả mạng xã hội là cách để chính quyền điện tử của Phường tạo ra môi trường hai chiều rất hiệu quả. Tôi kêu gọi, vận động bà con hãy gửi kiến nghị, phản ảnh về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hoặc ở khu dân cư mình có điều gì thì kiến nghị gửi lên trang “Chính quyền điện tử phường An Khê”. Không nên tự đăng, phát chia sẻ qua trang cá nhân, làm nhiễu thông tin, và không tích cực lắm, có khi là thiếu tính xây dựng”, ông Bùi Minh Thành (Bí thư chi bộ 2 An Xuân, An Khê) phân tích.

“Song song với gọi điện và phản ánh, qua ứng dụng, người dân dễ dàng gửi tin nhắn góp ý, kiến nghị đến Đảng bộ, chính quyền. Chúng tôi cho rằng, đây là kênh người dân thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, đề xuất chính kiến và phản biện xã hội, thông qua, tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Người dân cũng đề đạt một số nội dung, cách thức làm để mô hình chuyển đổi số phát huy hiệu quả hơn. Tôi cho rằng đây chính là đóng góp của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ngày một sát dân hơn, vững mạnh hơn”, ông Trần Văn Khánh – Chủ tịch phường An Khê (quận Thanh Khê) khẳng định.

Trần Ngọc

Kỳ 2: Chuyển đổi số ở một phường ngoại ô Đà Nẵng, tiếp theo và hết.