Thứ Bảy, Tháng 4 19, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bài 1: Đà Nẵng thất thủ, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ

Kỷ niệm 50 năm, ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3/1975

ĐNA -

(Đà Nẵng). Cách nay đúng nửa thế kỷ (tháng 3/1975 – 2025), thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Xe tăng (Quân đoàn 2) bộ đội chủ lực trên đường Hùng Vương – Đà Nẵng, ngày 29 tháng 3 năm 1975.Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị – Huế  (tên khác chiến dịch Xuân Hè 1975) chính thức mở màn ngày 6/3/1975, chỉ một ngày, sau khi Bộ Tư lệnh Mặt trận 475, quyết định khởi sự chiến dịch Tây Nguyên.

Sau khi giải phóng (phần còn lại) của tỉnh Quảng Trị, ngày 21/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Huế, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn quân phòng ngự của chính quyền Sài Gòn ở Huế, mở rộng vùng giải phóng các tỉnh miền Trung đến Đà Nẵng. Sau khi làm chủ Huế (vào ngày 26/3/19750, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở ngay chiến dịch tiến công, giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Bản đồ chỉ rõ các căn cứ quân sự liên hợp (của Quân đội Hoa Kỳ), đóng dày đặc trên địa bàn Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng (mới) cũng dành một không gian về chứng tích chiến tranh. Trong ảnh bên phải là khu vực trưng bày “Đà Nẵng – Kho bom đạn khổng lồ) Bản đồ, nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh bên phải: T.Ngọc.

 Đà Nẵng lúc đó là căn cứ quân sự liên hợp lớn. Nguyễn Văn Thiệu (Tổng thống ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa), từng tuyên bố sẽ tử thủ Huế (trên sóng phát thanh lúc 13h30, chiều ngày 20/3/1975). Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Thiệu lại có lệnh “phủi bỏ” Huế, qua điện MẬT, chỉ đạo Ngô Quang Trưởng (vào tháng 3/1975, là Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 1) rằng “Nếu cần, thì lui về tử thủ Đà Nẵng mà thôi”. Lệnh di tản Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I, từ Huế vào Đà Nẵng cũng được triển khai sau đó.

Bỏ Huế, tử thủ Đà Nẵng bằng mọi giá … rồi tan rã, tự tháo chạy trong hỗn loạn
Bảo vệ Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975 có đến hơn 100.000 ngụy quân. Trong đó lực lượng quân đội trực tiếp tham chiến khoảng 75.000 binh sĩ (cộng với 15 tiểu đoàn bảo an; 240 trung đội dân vệ và 24.000 nhân viên phòng vệ dân sự). Nhiều binh chủng quân đội Việt Nam Cộng Hòa, được cho là “thiện chiến” – theo lời kêu gọi (ngày 26/3/1975) của Nguyễn Văn Thiệu, sẽ “bằng mọi giá, tử thủ Đà Nẵng”, được bố trí gồm: Liên đoàn biệt động quân 17, Thiết đoàn 11 và tàn quân của Thiết đoàn 20, 7 tiểu đoàn pháo binh; Sư đoàn bộ binh 3 (gom cả tàn quân của các sư đoàn bộ binh 1 và 2), Sư đoàn thủy quân lục chiến 1 (có tàn quân từ Lữ đoàn 147). Bảo vệ Đà Nẵng từ trên không có 279 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu của Sư đoàn không quân 1. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh (Ngụy quân) Quân đoàn 1 – Quân khu 1.

Quân Giải phóng tiến vào trụ sở  Bộ Tư lệnh Quân đoàn I – Quân Khu 1 (tại Đà Nẵng). Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.

Chủ quan với suy nghĩ rằng lực lượng hiện có (nêu trên) đủ sức bảo vệ Đà Nẵng, Thiệu quyết định, rút Sư đoàn Dù lên đường về bảo vệ Biệt khu Thủ đô (Sài Gòn-Gia Định). Từ đêm 20/3/1975, cũng theo lệnh của Thiệu, Sư đoàn này lập tức rời khỏi Đà Nẵng.

Co cụm nhiều lực lượng để bảo vệ vùng duyên hải, lấy Huế (rồi sau đó bỏ Huế), chỉ chọn Đà Nẵng làm  “trung tâm phòng thủ chiến lược như một lá chắn thép”, Thiệu mong sẽ cản được bước tiến của đoàn quân giải phóng đang hừng hực khí thế tổng tiến công (từ cả 2 hướng bắc-nam, với hai chiến trường gắn với hai chiến dịch trước đó ở vùng Trị-Thiên và Nam-Ngãi).

Điều mà Thiệu không nghĩ đến là lực lượng ngụy quân Việt Nam Công hòa, thời điểm đó, đã hoàn toàn rệu rã. Sáng 29/3, các cánh quân giải phóng, các binh đoàn chủ lực đã từ Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc ra, từ đèo Hải Vân tràn xuống đã hoàn toàn chiếm lĩnh thành phố mà không vấp phải sức kháng cự nào đáng kể.

Bộ Chi huy Quân khu V hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng. Người trong ảnh là Đại tướng Võ Chí Công – Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu uỷ V, Chính uỷ Quân khu V. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.

 Tướng (Ngụy) Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ 1965 đến 1975), sau này thuật lại trong hồi ký của mình (The final collapse/ Sự sụp đổ cuối cùng):

“Từ ngày 27/3/1975: Tất cả kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng trở thành vô hiệu trước sự rối loạn và phẫn nộ của những người tỵ nạn.

Trong khi đó, từ hướng Bắc Đà Nẵng, 2 Sư đoàn 324B và 325C, cùng với một Trung đoàn xe tăng, hai Trung đoàn pháo binh “của cộng sản” tiến theo thung lũng Núi Tượng bao vây hướng Tây thành phố. Từ hướng Nam, Sư đoàn 711 phối hợp Sư đoàn 304 và một số đơn vị yểm trợ đã đánh dọc theo sông Thu Bồn, chiếm 2 quận Đại Lộc và Đức Dục. Từ giây phút đó (tức vào chiều 28/3/1975), Đà Nẵng đã nằm trong tầm đại bác của đối phương”.

Góc nhìn khác của một người trong cuộc, còn viết tiếp câu chuyện của ngày 27, 28 và 29/3/1975:

 “Tối 27/3/1975, trên làn sóng truyền tin PRC 25 của Sư đoàn 3 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, binh lính còn nghe sang sảng giọng của Thiếu tướng – Tư lệnh Sư đoàn 3 Nguyễn Duy Hinh kêu gọi binh lính Sư đoàn 3 Bộ binh và các đơn vị đã tan rã từ Huế chạy đường bộ vào Đà Nẵng hãy cùng nhau tái phối trí để phản công chặn đứng sức tiến công của “Cộng sản” ở đèo Hải Vân.

Thế nhưng nửa đêm về sáng 29/3/1975, Thiếu tướng Hinh xách toàn bộ tiền lương mấy chục triệu đồng của lính sư đoàn mình, dắt díu vợ con cùng bộ sậu leo lên trực thăng chạy ra tàu hải quân, rồi sau sang Hạm đội 7 Mỹ để “tử thủ”. Lính Sư đoàn 3 còn phẫn uất ở chỗ đang bị pháo binh quân Giải phóng bắn cấp tập vào đội hình, mà mở máy lên vẫn nghe ra rả lời kêu gọi tử thủ của tướng Hinh, dù lúc này đã yên vị trên tàu Mỹ (1).

Bức ảnh này được chính các tướng Ngụy Sài Gòn công bố trong hồi ký của mình, kèm theo chú thích: Quân lực Việt Nam Cộng hòa tháo chạy khỏi Đà Nẵng trên bãi biển Mỹ Khê.

Thực ra, Thiệu đã có ý đồ “tái phố trí lực lượng, chỉ bảo vệ “những vùng đất phì nhiêu, giàu tài nguyên” ngay từ thời điểm, quân giải phóng và các binh đoàn chủ lực, nổ súng tấn công Buôn Mê Thuộc (sáng 11/3/1975). Tại phiên họp quan trọng diễn ra ngày 2 ngày sau đó (13/3/1975), Thiệu nhận định: “Trong hoàn cảnh này, Quân đội (Việt Nam Cộng hòa) không làm gì khác hơn là thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất đai phì nhiêu có nhiều tài nguyên, … giữ lại những vùng màu mỡ, nhiều khoáng sản, có thềm lục địa (lời của Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc họp). Và tướng Cao Văn Viên khẳng định: Vùng đất mà Tổng thống (Thiệu) nói đến, chính là Đà Nẵng” (trong The final collapse/ Sự sụp đổ cuối cùng).

Điều này cũng giải thích vì sao ban đầu, Thiệu hô hào “tử thủ giữ Huế bằng mọi cách, bảo vệ Huế đến cùng”. Nhưng cũng chính Thiệu (như Tướng Viên tiết lộ qua hồi ký nói trên) đã lệnh cho Ngô Quang Trưởng (qua một mật lệnh từ Dinh Độc Lập, gửi qua Bộ Tổng Tham mưu, chuyển ra Đà Nẵng cho tướng Trưởng), rằng “Nếu tình hình bắt buột thì chỉ cần bảo vệ Đà Nẵng mà thôi.Quân Đoàn 1 (của Trưởng) sẽ không đủ quân để bảo vệ cùng lúc 3 cứ điểm Huế – Đà Nẵng – Chu Lai”.

Đà Nẵng rõ ràng có một vị trí chiến lược rất lớn.

Lữ đoàn viễn chinh số 9 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều – Đà Nẵng, ngày 8/3/1965. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.

Nhiều tài liệu lịch sử thống nhất ghi nhận: Vào ngày 8/3/1965, 3 tàu vận tải quân sự (gồm: USS Henrico, Union và Vancouver), đã lần lượt đưa 3.500 lính Thủy quân Lục chiến (thuộc Lữ đoàn viễn chinh số 9), đổ bộ lên  bãi biển Xuân Thiều – Nam Ô – Đà Nẵng (Hải quân Mỹ gọi tên bãi biển này là Red Beach Two). Lực lượng này được triển khai nhằm bảo vệ các căn cứ không quân Mỹ (2).

Nhưng trước đó, Mỹ cũng đã gửi khẩn cấp đến căn cứ ở Vũng Tàu một đơn vị nhân viên Hải quân, và chuẩn bị đổ bộ lực lượng của Hạm đội 7 lên Nam Việt Nam.Tàu khu trục và tàu sân bay (thuộc Hạm đội 7) vào thời điểm đề cập, đã có mặt sẵn sàng ở ngoài khơi Nam Việt Nam (3).

Nhưng sự lựa chọn cuối cùng sau đó vẫn là Đà Nẵng.

Trần Ngọc

(1) trích từ bài viết trên Blog Việt Nam thịnh vượng “Tuyên bố “tử thủ” rồi …bỏ chạy” của tác giả Bình Nguyễn.
(2): Nguồn: U.S. Marines land at Da Nang, History.com.
(3) Như vậy, cần cần lưu ý rằng, nhiều nhận định xem ngày 8/3/1965 là lần đầu tiên Mỹ đổ bộ vào Việt Nam (bãi biển Xuân Thiều – Nam Ô Đà Nẵng), thậm chí “lần đầu tiên quân đội Mỹ vào Đà Nẵng, có mặt ở chiến trường”, hoặc “Đà Nẵng là nơi đầu tiên, quân đội xâm lược Mỹ chọn đổ bộ” là chưa chính xác.

Ngày 18/11/1961, Chủ tịch Ủy ban quốc tế về giám sát đình chiến (tại Việt Nam, theo Hiệp đinh Genève-1954), trong bức điện gửi Tướng Navarane (Ấn Độ), đã nhấn mạnh “Mỹ đang tìm cách đưa quân đội vào xâm lược Việt Nam. Và dẫn chứng : “Ngày 10/11/1961, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gửi tới Việt Nam 30 máy bay và nhiều trực thăng vũ trang.Một đơn vị không lực Mỹ cùng hàng trăm người , máy bay chiến đấu B.26 đã được đưa tới căn cứ Biên Hòa. Không lực 13 của Mỹ cũng đã gửi một đơn vị tiên phong đến căn cứ Đà Nẵng.

Cùng với các đại diện của Canada và Ba Lan, đại diện Ấn Độ đã tham gia trong Ủy ban Giám sát quốc tế (ISC), giám sát (các bên, gọi là Ủy ban hỗn hợp cho Việt Nam với các đại diện từ Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trong thực hiện những điều khoản (của Hiệp định Genève), kể cả theo dõi các mức độ và quy mô vi phạm (ISC được thành lập theo điều 34 của Hiệp định), đảm bảo hiệu quả cho Hiệp định.

Tướng Võ Nguyên Giáp trong 2 bức điện đề ngày 15/12/1961 và sau đó, vào ngày 28/2/1962, đã phản đối sự có mặt của các lực lượng tác chiến trực tiếp của Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam.”Đó là những vi phạm cực kỳ nghiêm trọng các điều khoản 16.17.18, 19 của Hiệp định Genève, những vi phạm tạo nên ở Nam Việt Nam một tình hình cực kỳ phúc tạp và nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

Lực lượng viễn chinh quân đội Mỹ thực tế đã bắt đầu trực tiếp dính líu đến cuộc chiến tranh Nam Việt Nam, đổ bộ vào Nam Việt Nam từ 1961. Cuộc đổ bộ vào ngày 8/3/1965, chỉ là cuộc đổ bộ đầu tiên ở cấp Lữ đoàn của Thủy quân lục chiến. Do quân số đổ bộ khá đông, có một thông báo (của phía Mỹ), lần đầu tiên, được gửi cho chính quyền (bù nhìn) của Ngụy quyền Sài Gòn. Giới quan sát (lúc đó) và sử gia (sau này) cùng cho rằng: Việc đã rồi, gửi cho có gửi, để hợp thức hóa vấn đề tăng sự hiện diện ngày càng nhiều của quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam mà thôi.

Chú giải (3) xem thêm: Gérard Lê Quang “Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân” (Nguyên tác: Giap ou la guerre du peuple, của Éditions DeNoel, 1973); Bản Việt ngữ của Nhà xuất bản Thế giới và Thaihabooks, 2024 (trang 198-199). Bản quyền Việt ngữ: Thaihabooks.

Tư liệu hình ảnh trong bài, chúng tôi sử dụng nguồn ảnh của Bảo tàng Đà Nẵng. Toàn bộ tư liệu về Ngày Giải phóng Đà Nẵng, sẽ được trưng bày trong Triển lãm chuyên đề, trong dịp 29 tháng 3 năm 2025.

Mời độc giả xem tiếp:
Bài 2: Đà Nẵng thất thủ, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ.