Tiến sĩ Sử học Phạm Minh Thế, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, luôn nhấn mạnh rằng, “Khi mặt trận Đà Nẵng thất thủ thì sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa đúng là chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ.
![]() |
![]() |
Các đơn vị chủ lực của Quân giải phóng tiến qua cầu Trịnh Minh Thế, bên trái các anh là Cầu De Lattre (ảnh trái, ảnh tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng); cầu Trần Thị Lý (cầu De Lattre cũ) và cầu Nguyễn Văn Trỗi (cầu Trịnh Minh Thế cũ) ngày nay. Ảnh: T.Ngọc.
Phá sản ý định co cụm chiến lược của Ngụy quyền
Sự thất thủ ở Đà Nẵng, nhất là những lời tuyên bố “tử thủ” ở Huế, ở Đà Nẵng rồi lại bỏ rơi binh lính, bỏ rơi chiến trường và bỏ chạy của các tướng lĩnh như Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Duy Hinh và trước đó là Phạm Văn Phú ở Ban Mê Thuột đã làm cho tinh thần chiến đấu, phản kháng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên toàn miền Nam rệu rã, hoang mang đến cực độ. Họ không còn tinh thần chiến đấu nữa. Đó là sự suy sụp lớn về tinh thần, đẩy quân đội này đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi” (1).
Ngay sau phiên họp ngày 25/3/1975, và đi đến quyết định tận dụng thời cơ, đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến, nhằm giải phóng toàn bộ miền Nam trước thời hạn, sau khi giải phóng Đà Nẵng, giải phóng một loạt các tỉnh thành miền Trung (từ Quảng Trị đến Quảng Nghĩa), Bộ Chính trị lại họp khẩn phiên vào sáng ngày 31/3.
Tại cuộc họp mở rộng này của Bộ Chính trị, khi Đà Nẵng mới vừa giải phóng được 2 ngày – giới Quân sự và Lịch sử, gọi đây là cuộc họp lịch sử, thảo luận sâu để có “đòn chiến lược cuối cùng” của cuộc tổng tấn công và nổi dậy, làm chủ căn cứ quân sự liên hợp của ngụy quyền – ngụy quân; chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo “khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía Đông và phía Tây Sài Gòn – Gia Định, sử dụng “nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch”. “Đánh một trận là thắng”. Phương châm là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Đọc lại Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, độc giả càng hiểu được bối cảnh ra đời của bức điện hỏa tốc lịch sử:
![]() |
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một phiên họp của Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch tại Tổng hành dinh (Nguồn ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng)- Bìa cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng.
“Ngày 4/4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đang hành quân: “Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”… Ngày 7/4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại và viết. Ông tự bạch thêm rằng, hào khí cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung Nguyễn Huệ “lại hiện về trong ký ức tôi”.
Sử chép : Mờ sáng ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân , Từ Tam Điệp Đại quân Tây Sơn chia làm 5 đạo quân thần tốc tiến công. Quân chủ lực củaTây Sơn do Quang Trung đích thân chỉ huy đã tập trung binh lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi; đây là vị trí quan trọng của quân Thanh ở phía Nam Thang Long. Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Đô đốc Long và Quang Trung Nguyễn Huệ trong bộ chiến bào sạm đen khói súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào thành Thăng Long giữa tiếng reo hò hân hoan của binh lính và dân chúng kinh thành.Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789); Đại quân Tây Sơn do người anh hùng áo vải chỉ huy đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long – Đông Đô khỏi ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh.

Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn – Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân – cũng từng chia sẻ rằng, về thu thập thông tin nói chung, thông tin tình báo nói riêng, họ (tức người Mỹ) là những bậc Thầy. Người Mỹ biết rất nhiều thứ, nhưng người Mỹ quên lịch sử Việt Nam có điều này: Việt Nam, trong lịch sử, đã có những chiến thắng mùa Xuân, quét sạch ngoại bang. Ý của Tướng Phạm Xuân Ẩn đó là chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789).
Cùng với Tây Nguyên, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng giải phóng khẳng định nếu tốc độ chiến dịch tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975, không thần tốc, táo bạo, chớp ngay thời cơ “1 ngày bằng 20 năm, để cho địch có thời gian củng cố, chắc chắn toàn Dân và toàn Quân sẽ phải mất rất nhiều thời gian, xương máu, phải huy động thêm nhiều nguồn lực, mới giải phóng được miền Nam.
Cột mốc 29 tháng 3 năm 1975 không chỉ là dấu son đỏ thắm, với riêng Đà Nẵng, mà cả miền Trung và miền Nam. Hơn một tháng sau, ngày 30/4/1975, tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” đã ấn định một chiến thắng vẻ vang và tầm vóc đi vào lịch sử của Việt Nam và nhân loại: Việt Nam thống nhất giang sơn liền một cõi, sạch bóng ngoại xâm, xóa sổ chế độ ngụy bang tay sai cầm quyền.
![]() |
![]() |
Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, 29 tháng 3 năm 1975-2010. Ảnh: T.Ngọc.
50 năm sau (1975-2025), Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế là hình mẫu của quốc gia phát triển, đóng góp cho thành tựu của các mục tiêu thiên kỷ mà loài người luôn hằng mong chinh phục.
Người Đà Nẵng luôn tự hào rằng: Vào năm 1858, Liên quân Pháp-Tây Ban Nha cũng chọn tấn công vào cửa Hàn (Đà Nẵng). Đây là trận đánh đầu tiên, mở màn của chiến tranh Pháp – Việt 1858-1884 trong lịch sử Việt Nam (2).
Thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm địa điểm tấn công đầu tiên vì Đà Nẵng có một vị trí quân sự quan trọng, hải cảng rộng và sâu, thuận tiện cho tàu chiến vào ra, lại nằm trên trục đường Bắc – Nam, có thể sang Lào, Campuchia. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có cánh đồngNam – Ngãi để nuôi quân, còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp.
Đặc biệt, kế hoạch của địch là đánh nhanh thắng nhanh để chiếm lấy Đà Nẵng làm căn cứ bàn đạp, từ đó đánh vào nội địa, vượt đèo Hải Vân, rồi tấn công Huế tiêu diệt sinh lực của triều đình nhà Nguyễn tại đây; đó chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, (Từ Đà Nẵng, hành quân ra kinh đô Huế khoảng 100km), nên cũng ít tổn hao sức lực, có thể “đánh nhanh thắng nhanh” mà không tiêu tốn nhiều tiền của, nhân lực, thuận lợi nhất trong thực hiện ý đồ chiến lược của Pháp và Tây Ban Nha.
![]() |
![]() |
Bảo tàng Đà Nẵng mới, dành một không gian rộng, trưng bày – giới thiệu – tái hiện (bằng công nghệ nghe nhìn hiện đại) cuộc tấn công vào cửa Hàn năm 1858 của Liên quân Pháp-Tây Ban Nha và Người Đà Nẵng đã làm nên “thắng lợi lớn và duy nhất của quân và dân ta ở mặt trận” buổi đầu chống ngoại bang phương Tây. Ảnh: T.Ngọc.
Nhưng cho đến hết năm 1858, quân địch vẫn không mở rộng được địa bàn chiếm đóng, phá vỡ thế phòng thủ của ta. Kế hoạch và chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh thất bại. Giới sử học thừa nhận: Có thể coi đây là thắng lợi lớn và duy nhất của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược từ 1858 đến 1884 (3).
Và cách đây chừng 10 năm thôi, Đà Nẵng là cứ điểm tiền tiêu, nơi xuất phát chính của các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam , khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc Hải phận đất nước (sự kiện 75 ngày Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông của giàn khoan Hải Dương 981, năm 2014). Cũng từ sự kiện này, lần đầu tiên sau 20 năm, tổ chức ASEAN đã có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông.
Lịch sử đã có những lần trao gửi sứ mệnh lớn như thế cho một Đà Nẵng kiên cường, nghĩa cảm.
![]() |
![]() |
Tinh thần một dạ kiên trung với Đảng,ý chí bất khuất , một lòng sắt son vì Nước, của Người Đà Nẵng, phong trào yêu nước Đà Nẵng, được thể hiện từ những ngày đầu khi cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ, và kéo dài suốt 30 năm. Bia di tích lịch sử-văn hóa Miếu Cây Sung, thể hiện đầy đủ nội dung ấy.Ảnh: T.Ngọc.
Trần Ngọc
(1) Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam về Chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng.
(2) Nguyễn Quang Ngọc, “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1884)”, Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, 2005, trang 208-210.
Các kỳ trước:
Đà Nẵng thất thủ, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ. Bài 1
Đà Nẵng thất thủ, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ. Bài 2