Thứ năm, Tháng mười 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất 100% thông qua Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

ĐNA -

Vào lúc 14g20 ngày 20/9/2024, tại kỳ họp thứ 10, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương hoàn thiện Đề án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoa XV xem xét quyết định.

Khu vực trung tâm thành phố với hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa. Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng để trở thành Thành phố trực thuộc trung ương sau gần 5 năm nỗ lực và quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: Quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (sáp nhập 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông) và huyện A Lưới là phù hợp và đã giành được sự ủng hộ đông đảo của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế và những người yêu mến Cố đô Huế từ nhiều vùng miền của đất nước và cả bà con Việt kiều ở nước ngoài.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, giữ gìn đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” và Nghị quyết số 83/NQ-CP, ngày 27-5-2020, của Chính phủ, về “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế_Ảnh: VGP

Về phát triển kinh tế công nghiệp: Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh cũng như các ngành công nghiệp chủ lực, chi phối tạo sự tăng trưởng mạnh về phát triển công nghiệp và xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi công nghiệp của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; tăng dần các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu kinh tế cửa khẩu A Đớt để kêu gọi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Hình thành các khu công nghiệp chức năng, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, nghề và sản phẩm chủ yếu vào các khu công nghiệp. Phát triển cụm công nghiệp chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn khu vực dân cư và các dự án đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành, nghề truyền thống và các dự án có quy mô nhỏ gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động của địa phương.

Tính đến nay, tỉnh đã thực hiện xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 100% thủ tục hành chính trên địa bàn được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) nhằm giám sát, điều hành các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế(1),…

Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Internet

Đối với ngành công nghiệp: Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh, như công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may (hướng tới xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dệt may tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên); phát triển ngành năng lượng sạch; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu cát, thạch anh; công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế gắn với trung tâm y tế chuyên sâu của vùng và cả nước. Ưu tiên phát triển một số ngành, như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh, như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững. Tăng cường hỗ trợ, giám sát tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô đầu tư lớn (Dự án Nhà máy Kanglongda Huế, sản xuất ô tô Đăng Kim Long, KCN Phú Bài IV,…) để sớm đi vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu kinh tế và các khu công nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư.

Đối với ngành dịch vụ – du lịch: Tập trung phát triển ngành du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp; trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; trong đó, tập trung khai thác hiệu quả Quần thể di tích Cố đô Huế, phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với khu quần thể sân golf Huế,… Phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng và kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ. Mở rộng quy mô bệnh viện Trung ương thêm các khu chức năng phục vụ dịch vụ y tế cao cấp trong chăm sóc sức khỏe.

Thừa Thiên Huế định hướng phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh Internet.

Đối với ngành dịch vụ có lợi thế: tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số, như du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục – đào tạo, y tế chuyên sâu. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triển lãm và hội nghị quốc tế,… Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài; phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây trở thành trung tâm logistics xanh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử tự động. Khuyến khích phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng; cơ sở thương mại truyền thống theo hướng hiện đại. Tiếp tục thực hiện và các chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học, trao đổi sinh viên và giảng viên với các đại học đối tác nước ngoài.

Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGap. Tập trung công tác dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc,… gắn với chế biến, xuất khẩu. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt; phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, hướng tới nông thôn mới thông minh, giàu bản sắc văn hóa Huế.

“Huế thân thiện” Ảnh: Hoàng Quốc Vinh – Giải nhất cuộc thi Ảnh thời sự, nghệ thuật “Huế – Vùng đất thân thiện”

Đối với việc bảo tồn di sản và văn hóa: đến nay, toàn tỉnh có 03 hệ thống, quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục Kiểm kê của Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt, công bố. Cố đô Huế cũng là vùng đất bảo tồn, gìn giữ nhiều di sản mang tầm thế giới với 08 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế (Di sản thế giới); Nhã nhạc Việt Nam – Âm nhạc cung đình triều Nguyễn (Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu đại diện của nhân loại); Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (Di sản tư liệu thế giới và Di sản tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương); đồng sở hữu 02 di sản: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại); 09 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia cùng hàng vạn cổ vật, tư liệu quý được gìn giữ, phát huy trong các bảo tàng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Thừa Thiên Huế còn là nơi bảo lưu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể phong phú bao gồm các loại hình nghệ thuật, âm nhạc dân gian, ca múa nhạc cung đình, trang phục, nếp sống, ẩm thực; nhiều làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời và nhiều lễ hội đặc sắc… Trên địa bàn tỉnh, có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô. Trong đó, di sản nghệ thuật ca Huế đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ẩm thực Huế phong phú và mang nhiều nét đặc trưng với khoảng 1.300 món bao gồm các món ăn cung đình, các món ăn dân gian và các món ăn chay. Ngoài ra, trang phục truyền thống Huế mà nổi bật là chiếc áo dài đã tạo nên phong cách riêng của vùng đất, đặc biệt, lối sống Huế, là một tài sản văn hóa quý luôn được coi trọng, giữ gìn và phát huy. Ngày nay, các đặc trưng di sản văn hóa đã và đang được bảo tồn, phát huy trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất Thừa Thiên Huế. Hình ảnh Huế được quảng bá và khẳng định bằng các thương hiệu đã được vinh danh: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”.

Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong các năm 2023-2024, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, liên tục, đều khắp, cổ vũ khí thế chính trị, truyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, điểm đến du lịch với bạn bè trong nước, quốc tế; góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần phong phú và phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ cho các tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài nước đến thăm Huế. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi động, hấp dẫn. Hoạt động mỹ thuật, trưng bày, triển lãm diễn ra đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của du khách và quần chúng nhân dân. Công tác chiếu phim lưu động phục vụ đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động thư viện được tập trung triển khai, đảm bảo phục vụ tốt người đọc.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo, các giá trị văn hóa phi vật thể đã được khai thác đưa vào phục vụ du khách. Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội cung đình có quy mô lớn đã được tái hiện chân thực, đặc sắc. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tập trung triển khai, bước đầu đã tạo được những chuyển biến mới trong ý thức của người dân. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp được quan tâm. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện có hiệu quả các mô hình “Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng”; Quản lý trật tự xã hội thông qua dịch vụ “Đô thị thông minh Huế S”; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng – xanh – sạch, không rác thải”; “Huế không tiếng còi xe”; “Huế – thành phố bốn mùa hoa”; “Mai vàng trước ngõ”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”…

Lễ hội đường phố trong Tuần lễ Festival Nghệ Thuật quốc tế. Huế 2024 là một cuộc chơi đa sắc màu dành cho cộng đồng và du khách trong dịp này.

Địa danh Huế đã có từ lâu đời nhưng dùng để chỉ “một thành phố lớn” được quy hoạch chỉn chu bên bờ sông Hương thì có từ đầu thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long để xây dựng thủ phủ, đồng thời Chúa cũng cho mở cảng Thanh Hà ở phía hạ lưu để mở rộng buôn bán giao thương với nước ngoài và tiếp nhận nguồn hàng hóa quốc tế từ cửa Hội An. Điều đó có nghĩa là ngay từ khi hình thành, đô thị Huế đã có quy mô lớn và được cấu trúc theo một hình thái đặc biệt: Đô thị song đôi/song sinh (Twin cities) với trung tâm chính trị đặt trên đất Kim Long- Phú Xuân và trung tâm kinh tế đặt ở Thanh Hà- Hội An. Từ năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, đô thị Huế càng được mở rộng, nâng cấp với tên gọi mới là Đô thành Phú Xuân.

Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước và chọn Huế làm kinh đô, triều Nguyễn đã kế thừa trọn vẹn ý tưởng quy hoạch đô thị có từ thời chúa Nguyễn nhưng mở rộng quy mô hơn nhiều để kinh thành Huế xứng đáng với vị thế là kinh đô của nước Việt Nam rộng lớn nhất trong lịch sử

Cấu trúc đô thị Huế hồi đó bao gồm 9 hệ thống: Thành trì, Đàn miếu, Sơn lăng, Uyển hựu, Đài tạ, Phủ đệ, Quan thự-đồn lũy, Đền thờ và Chùa quán. Đó là một phức hệ kiến trúc hoàn chỉnh liên kết với nhau trong một khoảng không gian thống nhất và rộng lớn, kéo dài từ chân núi Trường Sơn đến phá Tam Giang, ra biển Đông và chạy dọc về phía nam đến Cầu Hai- Lăng Cô. Cho đến nay, phần lớn các di sản gắn liền với các phức hệ kiến trúc trên vẫn được bảo tồn rất tốt và trở thành những bộ phận cấu thành nên Quần thể di tích cố đô Huế, di sản thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận và vinh danh từ năm 1993.

Như vậy, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương với quy mô toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là hoàn toàn phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế, đồng thời mới kế thừa trọn vẹn các di sản lịch sử, văn hóa phong phú đa dạng và có quy mô rất lớn mà cố đô Huế đang được sở hữu, đặc biệt là 8 di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh, trong đó có 6 di sản thuộc về riêng Huế.

Có một điều rất đặc biệt đã trở thành một trong những đặc trưng của người dân Thừa Thiên Huế đó “Tâm thức Huế” mà ai cũng sẵn có trong mình và luôn tự hào. Không chỉ là người ở thành phố Huế hiện nay mà dù là người Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy hay Phú Lộc, Phú Vang, thậm chí là người ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới thì họ vẫn luôn nghĩ và nhận mình là “Người Huế”, xem Huế là quê hương.

“Tâm thức Huế” này không phải ngẫu nhiên mà có, mà là kết tinh của lịch sử hình thành phát triển của vùng đất cùng lịch sử xây dựng, phát triển đô thị Huế với sự chung tay đóng góp của bao thế hệ người dân Thừa Thiên Huế.

Từ tâm thức đó đã chuyển thành khát vọng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng tất cả các tầng lớp nhân dân để xây dựng cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành một Thành phố Huế có quy mô rộng lớn- thành phố trực thuộc trung ương, có vị thế tầm vóc xứng đáng là một trong những đô thị trung tâm của đất nước và khu vực Đông Nam Á và châu Á về văn hóa và du lịch (Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành ngày 24/5/2021).

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn gìn giữ bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa phong phú mà cố đô đang sở hữu. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho đất nước; trong đó, thành phố Huế trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông nam châu Á, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị./.

Thế Cương – Hải Phan

Tài liệu tham khảo:
1.Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Tác giả Nguyễn Văn Phương – Tạp chí Cộng Sản.
2.Thừa Thiên Huế phát huy thế mạnh về văn hóa – di sản làm nền tảng cho đề án xây dựng cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025. Tác giả: Phan Thanh Hải – Tạp chí Đông Nam Á. 

Các bài viết liên quan:
1.Thừa Thiên Huế phát huy thế mạnh về văn hóa – di sản làm nền tảng cho đề án xây dựng cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025

2.Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng với vị thế mới – Thành phố trực thuộc Trung ương