Thứ Năm, Tháng Bảy 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bàn sâu giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho miền Trung – Tây Nguyên

ĐNA -

(Đà Nẵng). Chương trình “Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩ ; Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” đã chính thức khai mạc sáng nay tại Đà Nẵng (28/6/2024). Đây là một trong chuỗi các hoạt động do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra. Ảnh: T.Ngọc.

Chuỗi hoạt động nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 11/7/2023, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương. Rất đông đại biểu là tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, các Tổng lãnh sự, lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; đại diện UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mặt tại hội nghị.

Trong thời gian vừa qua, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Vùng đạt đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).

Quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước) và có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người tăng 8,7% so với năm 2022 (đạt 75,62 triệu đồng/người). Trong đó, một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Thuận (8,1%). Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành của vùng đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm. Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,51%, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước; thu hút FDI năm 2023 tăng cao nhất trong 5 năm qua với tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 1,5 lần so năm 2022…

Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi. Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đồng thời tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhiều tỉnh, thành phố miền Trung có cảng hàng không quốc tế lớn, có cảng biển; giữ vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây. Ảnh: T.Ngọc.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022. Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…

“Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra. Kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển.

Ngoài ra, tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc. Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn.

“Nội dung trọng tâm của hội nghị lần này là thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng, tôi rất mong đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.

Các đơn vị chức năng của Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại. Hội nghị cần thu nhận được nhiều thông tin và giải pháp giá trị, sớm góp phần đưa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vươn tầm phát triển mới, xứng đáng với vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng.

Theo nhìn nhận, kinh tế biển ở miền Trung chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển cũng chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được lợi thế. Ảnh minh họa: T.Ngọc.

Đặc biệt phát huy các sáng kiến đóng góp khả thi, có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bấp bênh, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam phải đương đầu với lạm phát, lãi suất cao khiến suy giảm tổng cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại với Việt Nam…” – Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng cũng giữ vai trò chủ trì, điều phối phát biểu các địa phương, với các tham luận: Những đề xuất với Bộ Công Thương và Bộ ngành liên quan nhằm hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn (Sở Công thương tỉnh Quảng Bình); Xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa (Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa) ; Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua địa phương (Sở Công thương tỉnh Quảng Nam).

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và hệ thống phân phối cũng dóng góp nhiều tham luận hữu ích, gợi ý hướng hợp tác, đầu tư, liên kết: Vai trò của hệ thống phân phối trong việc hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước (Tập đoàn Central Retail) ; Công tác xúc tiến thương mại thông qua hệ thống phân phối quốc tế (Công ty TNHH AEON Việt Nam);Hoạt động hợp tác với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm khu vực miền Trung trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com; Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị (Hiệp hội Rau quả Việt Nam – VINAFRUIT); Giải pháp ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và thúc đẩy thương mại hành lang kinh tế Đông Tây (Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung và Tây Nguyên).

Đại biểu nóng lòng chờ đợi giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia. Ảnh: T.Ngọc.

Khu vực miền Trung (hay còn gọi Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “mặt tiền” của quốc gia, “khúc ruột” của Tổ quốc là “cửa ngõ” ra biển cả, “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Mianmar, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngày 4/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2050, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại; phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Cảng biển, các khu kinh tế ven biển khu vực Trung bộ hướng đến mục tiêu hiện đại, đa dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á. Ảnh: T.Ngọc

Vể phía Bộ Công Thương, với vai trò và trách nhiệm của 1 trong 6 Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chương trình kết nối giao thương, tại các phiên làm việc tại hội nghị (khách sạn mường Thanh) cũng như ngay tại không gian Khu trưng bày sản phẩm (bờ Đông cầu Rồng từ ngày 27/6 đến ngày 30/6/2026).

Phiên kết nối giao thương tại khu trưng bày diễn ra giữa các doanh nghiệp địa phương khu vực miền Trung với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại gồm: Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam ; Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam; Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce; Công ty TNHH AEON Việt Nam; Công ty CP TM Bách hóa xanh; Công ty SaiGon CO.OP và Tập đoàn Ecofarm.

Cũng tại khu trưng bày, 16 địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam ( Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế), với hơn 200 nhà cung cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp đều có gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của mình. Ban tổ chức dự kiến sẽ thu hút đông đảo số lượng khách trong nước và quốc tế tới thăm quan và giao dịch (thời điểm này Đà Nẵng cũng đang thu hút rất đông du khách, trong đó rất đông du khách đến Đà Nẵng để xem lễ hội pháo hoa quốc tế và du lịch biển)./.

Trần Ngọc