Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam



ĐNA -

Lịch sử Việt Nam mãi mãi khắc ghi ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay). Bản Tuyên ngôn Độc lập có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển. Tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 chứng minh rõ ràng nhất cho tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập có giá trị lịch sử, pháp lý, giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Bản Tuyên ngôn chính là lời tuyên bố trước thế giới về sự tái sinh của một quốc gia, một dân tộc.
Mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn ngay Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép tại Quảng trường Ba Đình rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết mang tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng, và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.  Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là mục tiêu đặt ra cho cách mạng và cũng là ước nguyện của nhân dân Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc, có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do luôn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các đơn vị giải phóng quân tại quảng trường Ba Đình trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945

Độc lập dân tộc phải luôn gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân
Cách mạng tháng 8/1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng không có mục đích nào khác ngoài mục đích mang lại độc lập tự do cho đất nước, quyền lợi cho nhân dân. Mục đích ấy đã được ghi rõ trong bản Luận cương chính trị của Đảng tháng 10 năm 1930 mà đúng ba mươi năm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ ràng: “Thấm nhuần chủ nghĩa Marx-Lenin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”.

Trước đây, những chí sĩ đầu tiên giương cao ngọn cờ chống giặc Pháp xâm lược là các vị vua ái quốc và sĩ phu Nho học yêu nước. Từ phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy là một chặng đường chống giặc bi tráng, nhưng cuối cùng đều thất bại. Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lịch sử khi giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân để giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, xóa bỏ chế độ cũ và thiết lập, xây dựng nên chế độ mới, cuộc sống mới tiến bộ hơn. Mục tiêu cao cả của con đường do Đảng và Bác Hồ lựa chọn là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Vệ Quốc đoàn và nhân dân thị xã Quảng Ngãi mít tinh, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập qua máy phóng thanh ngày 2/9/1945.

Nữ du kích, tự vệ giải phóng quân ở chiến khu về Hà Nội dự lễ độc lập, ngày 2/9/1945.

Độc lập dân tộc phải được gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục tiêu của Cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này. Từ năm 1946, Bác Hồ đã chỉ ra rằng: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Bác mong muốn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Người còn căn dặn cán bộ ta: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân…” hay “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh…”

Hạnh phúc của nhân dân, không gì khác cả, đó chính là ham muốn, ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Mỗi người dân thực sự trở thành một chủ nhân của chế độ mới và cán bộ chính quyền phải thực sự là công bộc của dân. Họ phải lo nỗi lo của dân, khổ nỗi khổ của dân, đau nỗi đau của dân và luôn hết lòng vì nhân dân phục vụ. Chính quyền cách mạng là chính quyền của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa, không phải là thứ bánh vẽ rực rỡ hay khẩu hiệu sang sảng dùng để mị dân. Các tầng lớp nhân dân trong xã hội theo Đảng làm Cách mạng tháng Tám và kháng chiến sau này với niềm tin Đảng Cộng sản Việt Nam không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của dân tộc.

Cách mạng tháng Tám đưa dân tộc Việt Nam được sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới. Chúng ta tự hào với những chiến công kỳ tích trong chiến đấu, giải phóng bảo vệ Tổ quốc và các thành tựu to lớn, quan trọng của công cuộc dựng xây đất nước.

Quảng trường Ba Đình ngày nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại hai kẻ thù lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại hòa bình, thống nhất cho đất nước. Dân tộc Việt Nam đã anh dũng, kiên cường và khéo léo chống lại sự bành trướng xâm lược để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Dân tộc Việt Nam đã sang cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ vô cùng khủng khiếp trong thế kỷ XX.

Từ một đất nước có cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp, đến nay, qua hành trình đổi mới cương quyết, cùng sự sáng tạo không ngừng, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, nhân dân đã có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau 35 năm đổi mới, quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp khoảng 12 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 29,5 lần đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia có nền kinh tế dẫn đầu thế giới về thương mại; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần…

Hiện nay, Việt Nam trở thành hình mẫu, điểm sáng, câu chuyện hay của công cuộc xóa đói giảm nghèo vô cùng gian nan, có sức lan tỏa, truyền cảm với nhiều nước. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Là thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam luôn tự hào là một thành viên trách nhiệm, tích cực với những đóng góp không hề nhỏ để có một ASEAN như ngày hôm nay. Những con số ấy đủ sức chinh phục các hoài nghi và đánh đổ các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù hận.

Số báo tháng 9/2023 của Tạp chí in Đông Nam Á

Cách mạng tháng Tám thành công đã cho chúng ta bài học về sức mạnh của nhân dân. Phải đưa tinh thần Cách mạng tháng Tám vào công cuộc chống giặc nội xâm hôm nay. Đó là, phải hết sức tin dân, trọng dân, dựa vào dân để chống tham nhũng. Khi nhân dân đồng lòng thì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhất định sẽ thành công.

Một đất nước phát triển, một xã hội trong sạch, một chế độ dân chủ là ước mong của nhân dân ta. Người dân Việt Nam phải thực sự có hạnh phúc ngay trên Tổ quốc của mình.

Thế Cương/tổng hợp