Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bàn về lễ phục & quốc phục Việt Nam

ĐNA -

Năm 2023 vừa qua cả nước ta đang hân hoan rộn rã kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023), thật vui vì các vấn đề về văn hóa, bản sắc truyền thống, bản sắc dân tộc được rất nhiều người, nhiều diễn đàn quan tâm trao đổi, thảo luận, trong đó có câu chuyện về quốc phục, lễ phục Việt Nam.

Thực ra quốc phục, lễ phục không phải là vấn đề mới mà đã được dư luận quan tâm, thảo luận từ khá lâu. Cách đây hơn 10 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã từng có hẳn một đề án cấp nhà nước về lễ phục, tuy nhiên, nay vẫn câu chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ do nhiều nguyên nhân…

Vua Hàm Nghi mặc áo dài ngũ thân tay chẽn.

Đôi điều về lễ phục và quốc phục Việt Nam
Nhìn chung trên thế giới, ở tất cả mọi quốc gia đều không có quy định về quốc phục mà chỉ có quy định về lễ phục, tuy nhiên, ý niệm và tính biểu tượng của quốc phục lại thường rất cao bởi gắn liền với truyền thống văn hóa và niềm tự hào của cả một quốc gia. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có quốc phục.

Quốc phục là loại hình trang phục truyền thống, được cộng đồng dân tộc/quốc gia sử dụng trong thời gian dài, mặc nhiên được xem là trang phục chung. Quốc phục được sử dụng trong các lễ tết truyền thống, các nghi thức lễ tân ngoại giao quan trọng, vì vậy nó được cả cộng đồng trân trọng, tự hào. Nói đến quốc phục hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến bộ Kimono của người Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc, Sari của Ấn Độ, váy Skilt của Scotland, bộ Kebaya của Indonesia… Còn ở Việt Nam, chắc chắn sẽ là Áo dài!

Áo dài là loại hình trang phục tiêu biểu, đã đi cùng lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển đất nước của người Việt Nam, tuy ở các thời kỳ khác nhau có sự thay đổi nhưng đó vẫn là chiếc Áo dài! Khoảng đầu thế kỷ XVII, ở Đàng Trong đã xuất hiện một loại áo dài mới, rất phù hợp với môi trường sống, quan niệm sống và tính cách của người Việt hồi đó: Áo ngũ thân (hay áo năm thân). Đây cũng là tiền thân của các loại hình áo dài truyền thống đương đại của nước ta hiện nay. Từ năm 1744, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã quy định, áo ngũ thân trở thành loại thường phục chung của cư dân toàn xứ sở. Sang đầu thế kỷ XIX, trong những năm 1827-1837, sau khi thống nhất và ổn định tình hình đất nước, vua Minh Mạng đã đưa ra quy định bắt buộc tất cả người dân Việt Nam, từ Bắc chí Nam đều phải sử dụng trang phục áo ngũ thân, và xem đây là sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập với nền văn hiến lâu đời, có chế độ y quan (áo mũ) rực rỡ!

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Nguyễn Văn Tố, thành viên chính phủ VNDCCH mặc quốc phục.
So với các loại hình áo dài khác (cả áo dài nam và nữ), áo ngũ thân tay chẽn là loại trang phục giản tiện, gọn gàng vì nó là loại thường phục dành cho tất cả mọi đối tượng, không phân biệt địa vị, giai tầng xã hội (rất khác so với triều phục vốn có sự phân biệt rất rõ ràng về thứ bậc). Tuy nhiên, áo dài ngũ thân lại mang trên mình những ý nghĩa rất sâu sắc. Trang phục áo dài ngũ thân đầy đủ bao gồm 4 bộ phận: khăn vấn, áo, quần và giày/guốc. Đối với đàn ông Việt, chiếc khăn vấn (từ đầu thế kỷ 20 xuất hiện loại khăn đóng sẵn để giản tiện hơn và phù hợp với việc cắt tóc ngắn) có hình chữ Nhân hay chữ Nhất, không chỉ làm tôn lên dáng vẻ khuôn mặt, khắc phục được các hạn chế về mái tóc, giúp họ cao hơn vài phân mà còn khiến họ không thể nhầm lẫn với đàn ông các dân tộc khác. Chiếc áo ngũ thân có chiếc cổ tròn, cao từ 3-4cm, giữ cho người mặc luôn nhìn thẳng; áo có 5 thân, gồm hai thân trước, hai thân sau (được đấu nối với nhau do ngày xưa khổ vải hẹp) và một thân con bên trong, biểu tượng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc; 5 hạt cúc áo thì biểu tượng cho 5 phẩm chất cao quý làm người (ngũ thường): Nhân, Lễ, nghĩa, Trí, Tín (hoặc Dũng), cũng biểu trưng cho 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội (ngũ luân): Vua-tôi, thầy-trò, cha-con, chồng-vợ, và bạn bè. Chiếc quần trắng ống rộng giúp người mặc thoải mái. Đôi hài (thành thị) hoặc guốc gỗ (vùng nông thôn) được sử dụng cùng, nhưng từ đầu thế kỷ 20, tiếp thu ảnh hưởng của văn minh phương tây, trang phục áo ngũ thân đã kết hợp với giày tây, hay giày hạ hoặc các loại dép da…Với nữ giới thì chiếc áo ngũ thân (cấu tạo cũng gần tượng tự chiếc áo nam) khiến cho họ trở nên đoan trang, kín đáo mà vẫn nền nã, nữ tính. Áo ngũ thân nữ có cổ áo thấp để khoe chiếc cổ cao 3 ngấn duyên dáng; phối cùng áo là khăn lươn vấn đầu một hoặc hai lớp, cùng quần trắng và hài hoặc guốc mộc, sau này thường kết hợp với các loại giày cao gót được thiết kế phù hợp.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các nguyên thủ quốc gia Á- Âu mặc áo dài Việt Nam trong hội nghị APEC 2006.

Bên ngoài áo ngũ thân tay chẽn, khi có nghi lễ thì ông cha chúng ta sẽ khoác thêm một chiếc áo tay rộng (gọi là áo lễ hay áo thụng), cùng kiểu cổ tròn, cổ đứng (viên lĩnh, lập lĩnh) như áo tay chẽn hay vạt chéo (giao lĩnh) tùy theo nghi lễ, còn hầu hết những lúc khác chỉ mặc thường phục tay chẽn.

Có thể nói, áo dài ngũ thân là loại trang phục độc đáo, riêng có của người Việt, vừa tiện dụng, phù hợp với môi trường sống, tầm vóc và tính cách của người Việt Nam lại vừa rất đẹp và không kém phần trang trọng, kín đáo.

Từ đầu thế kỷ XX, sau khi bị thực dân Pháp đô hộ, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh phương Tây và các phong trào cải cách, các loại âu phục dần chiếm lĩnh và thay thế Áo dài truyền thống, đặc biệt là đối với áo dài nam. Tuy vậy, trong thời kỳ này, Áo dài vẫn được gọi là Quốc phục để phân biệt với Âu phục, là loại trang phục mới tiếp thu của người châu Âu. Áo dài đã trở thành một danh từ riêng và được giữ nguyên dạng “áo dài”/ “ao dai” trong nhiều bộ từ điển lớn trên thế giới khi viết về trang phục đặc trưng của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, chúng ta đã đề nghị toàn bộ các vị nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị APEC mặc áo dài Việt Nam trong một buổi lễ rất trang trọng của nước chủ nhà. Năm 2022, trong diễn văn bế mạc Seagames thứ 31 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước của hồn sen, nón lá và áo dài”.

Một dân tộc luôn tự hào mình có lịch sử hàng ngàn năm, một đất nước có nền văn hiến rực rỡ lâu đời… vậy mà không có Quốc phục?! Đây hoàn toàn không phải là “chuyện nhỏ” mà thực sự là một vấn đề rất lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay. Vậy sao chúng ta còn phải băn khoăn và đi tìm Quốc Phục cho mình?!

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân luôn mặc áo dài trong các nghi lễ ngoại giao (ảnh: tiếp thủ tướng Campuchia Hunsen)

Lễ phục và những quy định bất cập hiện nay
Khác với quốc phục, lễ phục lại có quy định chặt chẽ, cụ thể. Ở các nước Âu Mỹ, lễ phục cũng có lịch sử lâu đời và được quy định rất chặt chẽ với các loại hình khác nhau. Trong các nghi lễ trọng thể mang tính quốc gia, quốc tế họ thường sử dụng loại lễ phục White-Tie (trang phục áo đuôi tôm màu trắng, thắt nơ trắng); đối với các nghi lễ mang tính riêng tư hơn như lễ đính hôn, lễ cưới thì thường sử dụng loại lễ phục Black-Tie (thắt nơ đen) và kèm theo các quy định rất chặt chẽ về các phụ kiện đi kèm (mũ, cổ áo, tay áo, khuy áo, đai bụng, giày, tất). Còn bộ comple/veston (quần âu, áo sơ mi, áo vét và cà vạt) mà chúng ta thường thấy thì chỉ xếp vào loại thường phục (Business Suite), có thể mặc ở chốn công sở hay trong mọi hoạt động hàng ngày.

Cán bộ ngành VHTT TTH luôn mặc quốc phục trong nghi lễ chào Cờ và các dịp lễ hội hay ngày tết truyền thống.

Ở nước ta, trong thời quân chủ, lễ phục cũng được quy định rất chặt chẽ cho cả bốn loại hình nghi lễ quan trọng nhất: Quan, hôn, tang, tế, chứ không sử dụng tùy tiện. Theo quan điểm truyền thống, trang phục (chế độ Y quan, tức áo mũ, nghĩa chung là trang phục) là biểu hiện của một quốc gia độc lập, một nền văn hiến và tự chủ nên hầu như các triều đại sau khi thành lập đều tiến hành định chế triều phục. Một chế độ “Y quan rực rỡ” luôn là niềm tự hào của các triều đại độc lập. Tương truyền, vào năm 1407, khi Hồ Qúy Ly bị giặc bắt và giải đến Kim Lăng, triều đình nhà Minh có hỏi ông về phong hóa của người Việt, ông đã tự hào và khẳng khái trả lời: “Y quan Đường chế độ/Lễ nhạc Hán quân thần”. Nghĩa là Áo mũ tương tự nhà Đường, Lễ nhạc như vua quan nhà Hán (Đường và Hán là hai triều đại lí tưởng của phong kiến Trung Hoa). Nghĩa là ngay từ thời Hồ (đầu thế kỷ XIV), Việt Nam đã có một nền văn hiến Y Quan rực rỡ, khong hề kém cạnh những triều đại văn minh, điển hình nhất của Trung Quốc.

Triều Nguyễn là triều đại có quy định chặt chẽ, tỉ mỉ nhất về các loại lễ phục. Bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các biên soạn đã dành một dung lượng khá lớn ở phần Bộ Lễ để nói rõ những quy định về lễ phục của triều đại. Như vậy, trước năm 1945, chúng ta có lễ phục với những quy định cụ thể.

Đại sứ CHXHCNVN Đinh Tòan Thắng trình quốc thư lên Tổng thống Pháp.

Hiện nay, chúng ta chưa có một quy định riêng về lễ phục, nhưng tại Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tường Chính phủ ban hành (Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg) thì đã có quy định: Lễ phục nam giới là bộ comple, áo sơ mi, caravat, và với nữ giới là áo dài truyền thống và bộ comple nữ. Quy định này xem ra chưa phù hợp vì ít nhất 2 điều: Thứ nhất, bộ comple, như trên đã viết, chỉ là bộ thường phục của các nước Âu Mỹ, dù hiện nay đã rất phổ biến trên toàn thế giới, nhưng làm sao lại có thể trở thành lễ phục của một quốc gia? Và thứ hai, tại sao lễ phục của nữ giới là áo dài truyền thống mà nam giới lại không có loại trang phục này?

Chủ tịch UBND tỉnh TTH Phan Ngọc Thọ mặc quốc phục tiếp khách quốc tế.

Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc, khách quan nhìn thẳng vào vấn đề trên.
Theo tôi, hoàn toàn có thể quy định: Lễ phục của người Việt Nam là Áo dài truyền thống, bao gồm cả hai giới nam và nữ. Chiếc áo dài của ta hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về tính trang trọng, vẻ đẹp, bản sắc văn hóa… của một bộ lễ phục. Nhưng cần có quy định cụ thể về quy cách, màu sắc, họa tiết trang trí và các phụ kiện đi kèm và có quy định về việc sử dụng loại hình lễ phục này trong các nghi lễ gì. Ít ra trong các ngày lễ tết truyền thống, các lễ hội, nghi thức văn hóa thì sử dụng Áo dài là điều nên làm, và phải trở thành quy đinh về lễ phục đối với cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Và nếu làm được điều này thì chắc chắn sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự phục hưng của chiếc áo dài dân tộc. Các ngành dịch vụ, nghề may đo áo dài, nghề sản xuất vải sợi và các phụ kiện liên quan của nước ta cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Áo dài cả nam và nữ sẽ sớm “phủ sóng” trên các diễn đàn, nhất là diễn đàn văn hóa, du lịch, thời trang và công nghiệp sáng tạo. Từ đó, chuyện định hình Quốc phục và Lễ phục của nước ta cũng sẽ trở nên dễ dàng.

Một quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm với nền văn hiến lâu đời thì không thể không có quốc phục và lễ phục!

Có thể nói, áo dài ngũ thân là loại trang phục độc đáo, riêng có của người Việt, vừa tiện dụng, phù hợp với môi trường sống, tầm vóc và tính cách của người Việt Nam lại vừa rất đẹp và không kém phần trang trọng, kín đáo.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải/Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, người chủ trì đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam “bàn” về vấn đề Lễ phục và Quốc phục hiện nay.