Sáng 24/12/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Với sự tham dự hơn 700 đại diện các cơ quan báo chí, quản lý trên cả nước. Tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm mong muốn nền báo chí cách mạng nước nhà luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, góp phần củng cố và lan toả Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Các nhà báo chúng ta hãy tiếp tục giữ mãi ngọn lửa và sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, thông tin khách quan, trung thực, có trách nhiệm, sắc sảo và nhân văn về tình hình đất nước, về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền của đất nước.
Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 09/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 – 2025”. Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan truyền thông chủ lực, các cơ quan báo chí lớn, có sức ảnh hưởng, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội. Các cơ quan báo, đài chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, tăng cường đăng tải các tin, bài tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến theo đúng quan điểm, mục tiêu Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm dẫn chứng, báo chí đã đồng hành cùng đất nước, đóng góp to lớn sau gần 3 năm phòng, chống dịch và hồi phục nền kinh tế trong những lúc khó khăn nhất, nhiều tờ báo đã mở tuyến bài hay, ý nghĩa về chân dung y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chiến đấu với dịch; vinh danh nhân vật hết lòng vì cộng đồng. Một số cơ quan báo chí đã khắc hoạ những con người bình dị, thầm lặng, có sức lan toả trong đời sống. Những chuyên mục, tin bài nói trên khi đăng tải tạo hiệu ứng tốt, thu hút bạn đọc. Chúng ta cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Báo chí cần cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Báo chí phải phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của nhân dân, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.
Báo chí cần tham gia sâu, rộng hơn nữa vào hoạt động truyền thông chính sách; tăng cường năng lực phân tích, giải thích, định hướng, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu, tin theo. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng cần làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí để công tác truyền thông chính sách bảo đảm hiệu quả.
Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí cũng là một giải pháp quan trọng để báo chí thực hiện tốt vai trò kiến tạo và truyền tải thông điệp tích cực. Cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các cơ quan báo chí chung tay, chủ động triển khai, duy trì thường xuyên, kiên trì thực hiện hiệu quả, thực chất để phát huy giá trị nhân văn của báo chí, đồng thời lên án và bài trừ những quan điểm, phương pháp làm báo lệch lạc.
Báo chí không được đánh mất vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, nhưng phản biện, phê phán nhằm xây dựng, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là việc khó của báo chí nhưng không phải không thể thực hiện, muốn làm được cần sự đồng lòng của những nhà báo, phóng viên chân chính, có nghề.
Ông đề nghị từng cơ quan, từng lãnh đạo báo, đài, từng người làm báo không được xem nhẹ, “tầm thường hóa” vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Truyền thông về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến là một sứ mệnh lớn lao của báo chí. Đất nước ta có vô vàn người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhưng đa phần trong số đó chỉ được biết đến trong một nhóm người, một cộng đồng nhỏ. Khi được báo chí phát hiện, khích lệ, tôn vinh, những tấm gương cao quý đó có cơ hội được tỏa sáng, nhân rộng, truyền cảm hứng và động lực.
Theo ông, gương người tốt, việc tốt, vượt khó, vươn lên phải được thể hiện một cách sinh động, được kể một cách hấp dẫn và thú vị hơn, để mang lại nhiều giá trị cho độc giả và có giá trị thúc đẩy xã hội. Gắn gương người tốt, việc tốt với sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ; doanh nghiệp, doanh nhân thực sự điển hình, có nhiều đóng góp cho xã hội, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng. Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ với một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt.
Ngoài những mặt tích cực của báo chí cách mạng, thứ trưởng Nguyễn Thành Lâm còn nêu nhiều tiêu cực trong báo chí. Ông nêu rõ, hiện nay trong báo chí vẫn còn nhiều tin bài thiếu tính nhân văn, chạy theo thị hiếu giật gân mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Mỗi ngày, mở điện thoại, máy tính ra đọc báo chí điện tử, đập vào mắt chúng ta vẫn là những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên báo chí, và thậm chí của cả một số toà soạn báo và tạp chí. Vẫn còn nhiều mẩu tin, bài báo thiếu tính nhân văn, quá sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu thính giả mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tuỳ tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền. Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm, thậm chí là coi thường tuyến đề tài về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến – do quan niệm sai lầm là viết về việc tốt, người tốt sẽ không có khả năng thu hút độc giả.
Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụi bại; hàng trăm, hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người. Nhiều người trong cuộc và độc giả khi đọc một số bài báo đã phải thốt lên “Tại sao, vì cái gì mà người viết bài lại có thể ác đến như vậy???”
Khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và với năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội. Báo chí không được đánh mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, nhưng phản biện, phê phán nhằm xây dựng, phản biện, phê phán đến đâu thì vừa phải, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là một việc khó. Việc khó thì cần những con người xuất sắc. Khó nhưng không phải là không làm được, khi báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khi có sự đồng lòng, quyết tâm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” của những anh chị em làm báo chân chính và có nghề.
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt gần 1,9 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn ba tháng đối với hai cơ quan báo chí; thu hồi thẻ nhà báo đối với một lãnh đạo cơ quan báo chí.
Đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại. Tìm kiếm giải pháp bao giờ cũng khó hơn là bình phẩm, chỉ trích. Các cơ quan báo chí hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhìn nhận và cho rằng báo chí cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển đất nước bền vững.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong bối cảnh năm 2022, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trong cả nước; các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội…
Thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu. Phân tích, nêu bật kết quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước được đẩy mạnh, tạo thành phong trào, là một điểm sáng trong năm 2022. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.
Bên cạnh đó, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả báo chí đã đạt được trong thời gian qua. Năm 2022, với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Việt Nam là một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, là quốc gia có tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Với mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo, để báo chí xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt mà báo chí cần phải quán triệt và vận dụng, đó là tính nhân văn, tính hiện đại được xác định rõ trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong các hội nghị của Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan báo chí cần phải làm tốt hơn nữa công tác định hướng tư tưởng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp tuyên truyền trong thời gian tới. Sứ mệnh của báo chí là đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và phải đảm bảo tính nhân văn; báo chí phải khơi dậy lòng yêu nước, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Cùng với việc thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, báo chí cần tiếp tục thể hiện tốt vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng tiên phong trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin, đối ngoại.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là: Quán triệt thực hiện Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; rà soát, đánh giá, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, quản lý báo chí, xuất bản, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí; quan tâm đến nguồn lực con người, đầu tư ứng dụng công nghệ và tài chính cho báo chí; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí.
Hiện tại, Việt Nam có 127 báo và 670 tạp chí; 72 đài phát thanh, truyền hình. Đến tháng 9/2022, doanh thu của các báo, tạp chí từ quảng cáo, phát hành là 4.700 tỷ đồng, ngân sách nhà nước cấp 4.800 tỷ đồng. Với đài phát thanh, truyền hình, tính đến 11/2022, tổng kinh phí hoạt động là 15.092 tỷ đồng, trong đó nhà nước cấp 4.911 tỷ đồng, còn lại là doanh thu dịch vụ. Nhân sự trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.
The Cuong-MinhTrung.