Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong vận dụng quan điểm chủ nghĩa Marx–Lenin về quân đội cách mạng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam

ĐNA -

Học thuyết quân sự của C.Marx cùng với tư tưởng V.I.Lenin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là một bộ phận quan trọng trong chính thể học thuyết Marx–Lenin về chiến tranh và quân đội, vũ khí lý luận của các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân nói chung, của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng quân đội. Đảng ta xác định, chủ nghĩa Marx–Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. 

Chủ nghĩa Marx–Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn đã chứng minh, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa toàn diện quan điểm của chủ nghĩa Marx–Lenin về quân đội cách mạng, vận dụng đúng đắn, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, phù hợp với địa lý, dân cư, văn hóa, đất nước, con người và truyền thống dân tộc Việt Nam. Tính trọng tâm, trọng điểm được thể hiện ở chỗ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của từng yếu tố trong sức mạnh chiến đấu của quân đội như: yếu tố quân số, tổ chức, cơ cấu biên chế; nhân tố chính trị – tinh thần và kỉ luật; số lượng, chất lượng vũ khí trang bị kĩ thuật; trình độ huấn luyện và thể lực; trình độ khoa học và nghệ thuật quân sự; bản lĩnh lãnh đạo, trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ các cấp…Tuy vị trí, vai trò các yếu tố không ngang bằng nhau nhưng chúng luôn tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự tác động đó chính là cơ chế tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, giúp Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, chứ không phải là sự vận động riêng lẻ của một yếu tố nào. Do vậy, trong quá trình xây dựng quân đội phải có cái nhìn tổng thể, tổng hợp tất cả các yếu tố, không được tuyệt đối hóa hoặc hạ thấp, xem nhẹ một yếu tố nào, cụ thể:

Thứ nhất, phải đảm bảo toàn diện trong vận dụng quan điểm chủ nghĩa Marx–Lenin về quân đội cách mạng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
C.Marx và Ph.Angghen là những người đặt nền móng cho học thuyết của giai cấp vô sản về chiến tranh và quân đội. Hai ông đã giải thích thực sự khoa học bản chất của chiến tranh và quân đội trên cơ sở những quy luật phát triển xã hội mà các ông đã phát hiện ra. Hai ông đã đưa ra các quan điểm về bản chất giai cấp của chiến tranh; về vai trò bạo lực; về nguồn gốc, bản chất, chức năng và lịch sử phát triển của quân đội; về khoa học quân sự. Tiếp thu các quan điểm của C.Marx và Ph.Angghen, V.I.Lenin đã tiếp tục phát triển luận điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx khi đưa ra các luận điểm về nguồn gốc ra đời và bản chất của quân đội; về quân đội kiểu mới; về sức mạnh chiến đấu của quân đội vô sản; về học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa…

Vận dụng toàn diện và sáng tạo nội dung V.I.Lenin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Marx và Ph.Angghen về quân đội vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu để đủ sức đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc và tinh thần quốc tế cao cả; thường xuyên chú trọng việc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; coi kỷ luật là sức mạnh của quân đội và ra sức củng cố, đẩy mạnh công tác chính trị trong quân đội, tạo môi trường dân chủ, đoàn kết cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng nhân tố con người trong quân đội có phẩm chất, năng lực toàn diện, có đạo đức cách mạng, tri thức quân sự, sức khỏe và trình độ văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ; đồng thời, chú trọng xây dựng quân đội về tổ chức, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.

Đây là cơ sở, là nền tảng để Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp tình hình mới, hoạch định đường lối, chủ trương đúng đắn để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, tăng cường các tiềm lực sức mạnh quân sự quốc gia, củng cố nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vững chắc; phát huy sức mạnh, trí tuệ, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tạo ra ưu thế mới để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

Thứ hai, vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về quân đội cách mạng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam phải có trọng tâm, trọng điểm.
Chủ nghĩa Marx–Lenin khẳng định, quân đội kiểu mới – quân đội của giai cấp công nhân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, đó là nguyên tắc cốt tử trong xây dựng quân đội cách mạng. Nhận thức sâu sắc điều đó, nên ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng thành lập các tổ chức đảng, bố trí cán bộ của Đảng trong các đơn vị quân đội để thiết lập, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đây chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Marx–Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán thực hiện nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm tòi thử nghiệm, tổng kết thực tiễn, qua đó bổ sung, phát triển chủ trương, quan điểm, cơ chế lãnh đạo để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Dựa trên lý luận công tác đảng, công tác chính trị của theo quan điểm của chủ nghĩa Marx–Lenin, nắm chắc đặc điểm, tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập chế độ công tác đảng, công tác chính trị và bộ máy công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội một cách đúng đắn, phù hợp, góp phần tăng cường hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến bản chất và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Nhận thức được điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, coi đó là nguyên tắc cơ bản, là vấn đề sống còn của quân đội cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Chính trị trọng hơn quân sự, quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(1). Theo Hồ Chí Minh, chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của Quân đội. Chính trị không chỉ là đường lối, chính sách của Đảng mà còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ. Quan điểm này, không chỉ đúng với học thuyết Marx–Lenin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, mà còn kế thừa những giá trị truyền thống đặc sắc về xây dựng quân đội của các thế hệ trước “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa” cho quân đội.

Thứ ba, phải làm tốt công tác dự báo, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Xây dựng quân đội hiện nay, xét về tổng thể là từng bước hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là thực hiện “bước một, dàn đều”, mà cần lựa chọn một số lực lượng, ngành, lĩnh vực, bộ phận quan trọng để đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Tuy nhiên, việc xác định quy mô, tính chất và mức độ hiện đại đến đâu phải cân nhắc kỹ, dựa trên cơ sở khoa học, dự báo chính xác khả năng thực tế của quân đội, đất nước cũng như diễn biến cụ thể của tình hình và nhất là phải căn cứ vào Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là vấn đề tất yếu, quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” được hình thành, đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương thức giữ nước trong mọi thời đại. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng nhiều biện pháp là vấn đề luôn được coi trọng, nổi bật là: các hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, bảo vệ hòa bình, tránh nạn binh đao; chăm lo xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện “khoan thư sức dân” làm kế sâu rễ, bền gốc, “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy, trị nước từ khi chưa loạn”, v.v. Đặc biệt, với tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược và từ thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có nhận định đúng và hiểu rõ những nguy cơ đe dọa hòa bình của đất nước từ sớm, từ xa. Người từng chỉ rõ: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.

Kế thừa tư tưởng ấy và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng bổ sung, phát triển và nâng lên tầm cao mới thành kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tinh thần đó thể hiện tập trung trong chiến bảo vệ Tổ quốc; luôn thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia – dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt, giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.  Bảo vệ Tổ quốc từ sớm nghĩa là về thời gian phải bảo vệ từ trước, chủ động phòng ngừa, tích cực chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa có chiến tranh, nguy biến. Bảo vệ Tổ quốc từ xa nghĩa là về không gian phải chủ động bảo vệ từ bên ngoài biên giới lãnh thổ của đất nước. Do đó, phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong quân đội; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh, xây dựng đơn vị đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để tạo sức mạnh tổng hợp sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thúy/Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

Tài liệu tham khảo:
*Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội 2005, tr.217.

*Viện Khoa học xã hội và nhân văn, Xây dựng Quân đội về chính trị, lý luận và thực tiễn, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội 2016.
*Lương Cường, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội 2017.