Quảng Nam – vùng đất hơn 550 năm lịch sử, mang ý nghĩa mở cõi về phương Nam, được hình thành từ cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Nổi danh là “đất văn hóa”, “đất khoa bảng”, “địa linh nhân kiệt”, Quảng Nam là nơi sản sinh nhiều danh nhân, lưu giữ kho tàng di sản quý giá. Với sự đa dạng về sinh thái, tộc người, tôn giáo và văn hóa, Quảng Nam không chỉ là điểm sáng du lịch miền Trung mà còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, đang vươn mình phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Việc đảm bảo và thu hút nguồn nhân lực phát triển văn hóa, con người Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo vệ, phát huy các giá trị đặc sắc này trong tiến trình phát triển bền vững.

Tiềm năng văn hóa – con người Quảng Nam
Quảng Nam cũng là vùng đất giao thoa tiếp biến văn hóa từ rất sớm với nhiều nền văn hóa, từ tiền sơ sử đến văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa, Đại Việt và các nền văn hóa lớn trên thế giới. Người Việt ở Đàng Trong đã hình thành nên những phong tục, tập quán riêng, trân trọng giá trị văn hóa của người bản địa. Thời trung đại tại xứ Quảng còn diễn ra cuộc giao lưu văn hóa với người Hoa, người Nhật và các nước châu Âu. Trong lịch sử, thế kỷ XVII, Quảng Nam là trung tâm kinh tế lớn nhất của xứ Đàng Trong. Hội An lúc bấy giờ với vai trò là một hải cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Tàu thuyền từ các nước phương Đông và phương Tây vào ra buôn bán nhộn nhịp. Cái tư tưởng mở của người Quảng Nam được hình thành từ rất sớm qua yếu tố giao lưu hội nhập với nước ngoài. Người Quảng Nam không bị gò ép bởi “dĩ nông vi bản”. Nếu như ở đất Bắc cái nhìn của người Việt vùng châu thổ là xa rừng nhạt biển thì khi vào vùng đất mới Quảng Nam họ lại biết tận dụng lợi thế biển và nguồn hàng nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại để mở cảng buôn bán với các nước. Ngoại thương ở Hội An dưới thời các chúa Nguyễn đã mở ra một mô hình kinh tế mới có tính chất như một đặc khu kinh tế. Về sau tư tưởng mở ấy đã được phát huy, người có tư tưởng mở trong việc canh tân đất nước với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” không ai khác đó chính là nhà yêu nước Phan Châu Trinh – thủ lĩnh của phong trào Duy Tân. Có thể nói lúc bấy giờ cụ Phan là người đầu tiên nhận ra vấn đề toàn cầu hóa. Bàn về vấn đề này để thấy rằng vùng đất Quảng Nam có sự giao lưu tiếp biến văn hóa từ rất sớm và đã để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc, nhân loại. Tiêu biểu là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cùng với nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh…
Như đã đề cập, Quảng Nam cũng được xem là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố văn hóa; đồng bằng, vùng biển, trung du, miền núi và cả văn hóa đô thị, tất cả hòa nguyện làm nên bản sắc đặc trưng của văn hóa xứ Quảng. Quảng Nam hiện nay còn bảo lưu kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ như: Văn hóa tín ngưỡng – lễ hội, làng nghề truyền thống – hiện đại, ẩm thực, trang phục, điêu khắc… và những sản phẩm văn hóa tinh thần như: Tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học – nghệ thuật, tri thức dân gian, diễn xướng dân gian… Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ đã được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng với nghệ thuật Bài chòi là nghệ thuật Tuồng, hát Sắc bùa, Bả trạo, dân ca, hò khoan đối đáp… Ngoài ra, Quảng Nam còn có 18 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Xuyên, Nông Sơn), Lễ hội Bà Phường Chào (Đại Lộc); Nghề khai thác yến sào Thanh Châu (Hội An), Nghề mộc Kim Bồng (Hội An), Múa tân tung, da dá của người Cơ Tu (Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang)…
Vùng núi phía Tây của tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo ra kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo thể hiện bản sắc riêng. Nổi bật là loại hình kiến trúc nhà ở, nhà làng truyền thống tiêu biểu như: Gươl, Ưng, Rông… là những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu. Nhà làng truyền thống được đồng bào miền núi xem như một ngôi trường học, ở đó diễn ra sự trao truyền bày dạy kinh nghiệm trong sản xuất, sinh hoạt, ứng xử giao tiếp với con người, với tự nhiên. Nhà làng là biểu tượng của vẻ đẹp kiến trúc, mà còn là biểu tượng của sự nâng đỡ, tương tác thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng. Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của đồng bào tộc người thiểu số cũng rất đa dạng, phong phú, với nhiều loại hình lễ hội, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn học truyền miệng, nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công truyền thống. Ngoài ra, các dân tộc miền núi còn có nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như: Lễ hội Cầu mưa (dân tộc Cor), Lễ hội mừng lúa mới, mừng Gươl mới, lễ kết nghĩa ăn thề (dân tộc Cơ Tu), Lễ hội Tết mùa (dân tộc Bh’noong), Lễ hội cúng máng nước (dân tộc Xơ Đăng), Lễ ăn trâu huê (dân tộc Cor, Ca Dong)… Các lễ hội đã quy tụ các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như múa Tân tung, da dá, múa ca đấu, múa cồng chiêng, nói lý hát lý… đó là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa vẻ đẹp cộng đồng. Ngoài ra, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học diễn ở Quảng Nam đã cho ra những kết quả phát hiện khảo cổ học có giá trị. Các di tích khảo cổ học nổi tiếng ở Quảng Nam như Gò Mả Vôi, di chỉ Bàu Trám, Bàu Dũ, Gò Dừa, An Phú, Chiên Đàn, phế tích Chăm Gò Chùa, An Hòa, các di tích khảo cổ học ở Hội An. Hay các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước nổi tiếng – khai quật con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, các phát hiện về các nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt của các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chăm-Pa. Quảng Nam cũng là mảnh đất sinh ra nhiều danh nhân, nhà chí sĩ yêu nước, nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công…
Từ những giá trị đặc trưng cơ bản của văn hóa, con người Quảng Nam qua hàng trăm năm đã tạo tiền đề, nền tảng, động lực để tiếp tục bồi đắp, phát huy giá trị con người trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa hôm nay. Tất cả những yếu tố đó làm nên một Quảng Nam giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Bảo đảm và thu hút các nguồn nhân lực để phát triển văn hóa, con người ở Quảng Nam
Nguồn nhân lực (nguồn lực con người) là tổng thể những tiềm năng của từng cá nhân, cộng đồng tạo ra sức mạnh tổng hợp góp phần phát triển văn hóa, con người ở Quảng Nam. Với vai trò là chủ thể sáng tạo, con người được xem là nguồn lực chính, là trung tâm, là mục tiêu, gốc rễ, động lực để lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa không nằm ngoài mục đích phát triển văn hóa dựa trên nguồn lực con người. Bảo đảm, thu hút nguồn nhân lực là khâu quan trọng nhằm đảm bảo sự lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, và đạo tạo lại, tuyển dụng con người có trình độ năng lực đáp ứng các nhu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa, con người ở Quảng Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Tại Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa con người và văn hóa: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Trong đó vấn đề phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII của Đảng xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Kế thừa nội dung trong các Nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Tập trung chăm lo phát triển con người toàn diện về đạo đức, trí tuệ, trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo góp phần phát triển văn hóa, con người.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển văn hóa, con người, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò của văn hóa và con người ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội lớn như: Festival Di sản Quảng Nam… có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, động lực tinh thần to lớn trong Nhân dân. Công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa được quan tâm đẩy mạnh.
Toàn tỉnh hiện có 458 di tích được xếp hạng; 04 Di tích cấp quốc gia đặc biệt; 03 bảo vật quốc gia; 64 Di tích cấp quốc gia. Nhiều di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được khôi phục, bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của các tầng lớp Nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà đã phát huy tinh thần nhiệt tình sáng tạo trong nghệ thuật và trách nhiệm công dân trong hoạt động sáng tác nhiều tác phẩm hướng độc giả vươn tới những giá trị chân thiện mỹ, giàu tính nhân văn sâu sắc. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư và từng bước hoàn thiện phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa của người dân .
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm mới, nội dung phong phú, có hiệu quả thiết thực; công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với việc giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng từng bước được quan tâm, thực hiện hiệu quả .
Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước . Hệ thống giáo dục các cấp được tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở gia đình, nhà trường cộng đồng, xây dựng văn hóa công sở, ứng xử văn minh.
Hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị với Quảng Nam được đẩy mạnh. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hội nghị, hội thảo quốc tế, các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, hoạt động ngoại giao Nhân dân . Thông qua các hoạt động này góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới…
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển văn hóa, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện, trong đó trọng tâm là xây dựng đạo đức, lối sống, nhân cách. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng nhằm nâng cao thể lực tầm vóc con người Quảng Nam được triển khai, nhân rộng và phát triển mạnh được đông đảo Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Số người tham gia tập luyện thể thao trong toàn tỉnh nâng cao rõ rệt .
Tập trung các nguồn lực bảo đảm, thu hút nguồn nhân lực để phát triển văn hóa, con người Quảng Nam một cách khách quan, khoa học, hiệu quả
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức vào làm việc trên lĩnh vực văn hóa thông qua thi tuyển khoa học, minh bạch, khách quan; đảm bảo cơ sở vật chất, bố trí cán bộ đúng vị trí việc làm, tạo điều kiện giúp cá nhân phát huy tối đa năng lực, sở trường của bản thân, có cơ hội để cống hiến cho sự phát triển văn hóa, con người.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa góp phần củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ văn hóa từ tỉnh đến các địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; củng cố hoạt động Hội Văn học – Nghệ thuật. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường tự do, lành mạnh, nhân văn, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tác các tác phẩm văn học xuất sắc, giá trị về tư tưởng, đạt chất lượng cao về nghệ thuật, xứng tầm với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương, phục vụ phát triển văn hóa, con người, phụng sự đất nước. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ hơn 100 tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam; xuất bản 05 tập sách sách, kỷ yếu về văn hóa, con người Quảng Nam. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hàng năm xét Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng định kỳ 05 năm 01 lần.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam chú trọng xây dựng và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, phát triển, chủ động tạo nguồn cán bộ văn hóa trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Động viên, khích lệ, tôn vinh, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở miền núi trong hoạt động văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chú trọng khai thác yếu tố công nghệ, thông tin, kỹ năng nghề nghiệp… của các chuyên gia, nhà khoa học và người lao động có tay nghề cao trong việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới.
Xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp nhằm kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đảm bảo và thu hút nhân lực về làm việc, phục vụ phát triển văn hóa, con người
Nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để bảo đảm, thu hút nguồn nhân lực
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam tập trung nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đào tạo cán bộ văn hóa, nâng cao chế độ đãi ngộ, lương thưởng thu hút cán bộ, công chức, viên chức, nghệ nhân, nghệ sĩ… trong ngành văn hóa, tránh việc chảy máu chất xám. UBND tỉnh Quảng Nam đã trình HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 23/01/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 – 2030; trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm đến công tác bảo đảm và thu hút nguồn nhân lực phát triển văn hóa, con người như: Hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng thực hành, trao truyền di sản của thành viên câu lạc bộ/đội/nhóm Bài chòi và cộng đồng (trong đó bao gồm hỗ trợ kinh phí ăn, đi lại cho các học viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia lớp tập huấn); hỗ trợ tổ chức tập huấn, truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi cho các Nghệ sỹ, diễn viên trẻ kế cận… UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể .
Việc thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan trong hoạt động văn hóa luôn được chú trọng, cụ thể hóa trong các thủ tục hành chính cấp phép về mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, chi trả nhuận bút, thù lao cho các tác giả, đạo diễn; qua đó, góp phần khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị phục vụ công chúng. Kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sản phẩm lệch lạc.
Chú trọng đến yếu tố đặc thù trong bảo đảm, thu hút nguồn nhân lực
Bên cạnh các tiêu chuẩn theo quy định cần nghiên cứu chọn người tài, nguồn nhân lực có trình độ cao, có năng khiếu, có thành tích công tác trong ngành văn hóa. Đảm bảo thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nguồn như: các trường đào tạo, cơ quan, tổ chức, địa phương khác. Đây là yếu tố quyết định đối với hoạt động phát triển của ngành. Thực hiện có hiệu quả các quy định, chính sách về tuyển dụng, khuyến khích, khen thưởng văn nghệ sỹ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhất là những những người có chuyên môn, nghệ sỹ hoạt động trên lĩnh vực bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp trong lĩnh vực văn hóa; thường xuyên “tự soi, tự sửa” gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai có hiệu quả việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; xây dựng các tiêu chí văn hóa trong hoạt động và quy chuẩn đạo đức gắn với ngành, nghề, chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa.

Một số giải pháp nhằm tiếp tục bảo đảm và thu hút các nguồn nhân lực để phát triển văn hóa, con người ở Quảng Nam
Để bảo đảm và thu hút các nguồn nhân lực để phát triển văn hóa, con người ở Quảng Nam, trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, củng cố sự nhận thức từ trong Đảng đến toàn xã hội về sức mạnh nội sinh của văn hóa, mỗi cán bộ đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa bằng những việc làm cụ thể; phải có cách nhìn đúng đắn, nhạy bén về các vấn đề thời đại, khắc phục những tập tục lạc hậu, lỗi thời. Trên cơ sở đó, nêu cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương trong đời sống xã hội. Làm cho tình yêu quê hương, đất nước quyện chặt làm một, trở thành máu thịt, trở thành văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người và vùng đất Quảng Nam.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các chương trình, Đề án của tỉnh văn hóa, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Ba là: Cân đối chính sách kinh phí hàng năm đầu tư cho các đối tượng được thu hút yên tâm công tác. Áp dụng các điều kiện luật pháp cho phép trong cơ chế tài chính để sắp xếp lại biên chế, bố trí các hoạt động dịch vụ công, triển khai đề án nghiên cứu khoa học, đào tạo nhằm nâng cao đời sống, đảm bảo phúc lợi cho cán bộ. Sử dụng hợp lý nguồn nhân lực đang có, tạo dựng hình ảnh thu hút nguồn nhân lực thông qua hình ảnh của người đứng đầu cũng như cơ chế, chế độ đãi ngộ cán bộ. Tiếp tục cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, văn hóa cơ quan, tâm lý phù hợp với nền hành chính. Có cơ chế công nhận, khen thưởng, đánh giá cán bộ văn hóa trên kết quả làm việc; có cơ cấu tổ chức, bộ máy, thành lập bộ phận tham mưu về bảo đảm và thu hút nguồn nhân lực, có năng lực chuyên môn nghiên cứu, đề xuất xây dựng những chính sách tối ưu về quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ văn hóa.
Bốn là: Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực cho văn hóa, coi trọng công tác cán bộ, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, có chuyên môn sâu, có trình độ nghiệp vụ chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa, con người. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức giỏi về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn nỗ lực, phấn đấu vì sự phát triển chung của tỉnh.
Năm là: Cần có chiến lược, chính sách căn cơ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Những năm qua, kinh tế – xã hội miền núi phát triển nhanh bên cạnh mặt tích cực cũng dẫn đến nguy cơ mai một nhiều giá trị văn hóa quý giá. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy kỹ năng, kiến thức, tri thức văn hóa của đội ngũ nghệ nhân, bởi họ được xem là báu vật sống nắm giữ bí quyết nghề nghiệp. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân sáng tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ các tri thức văn hóa mà họ tích lũy được trong cộng đồng khuyến khích các nghệ nhân phát huy tài năng đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Quảng Nam cần tăng cường mời các chuyên gia, nghệ nhân nước ngoài vào giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm giúp cho đội ngũ nghệ nhân và thợ lành nghề tiếp cận với kinh nghiệm và kỹ thuật thủ công mỹ nghệ của các nước tiên tiến. Kết hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng do các chuyên gia trong nước thực hiện.
Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa không nhiều, phần lớn là lực lượng cán bộ chuyên về công tác quản lý, thiếu nguồn nhân lực làm công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm cán bộ còn những hạn chế nhất định phần lớn là luân chuyển từ các ngành khác đến. Việc bố trí cán bộ làm công tác văn hóa phải qua đào tạo chuyên môn; tránh luân chuyển tùy tiện cán bộ trong lĩnh vực này.
Tiếp tục nghiên cứu chính sách bảo đảm, thu hút nguồn nhân lực, xác định danh mục, lĩnh vực, đối tượng thu hút nhân lực trong ngành văn hóa, xây dựng chính sách quảng bá rộng rãi đến các cơ quan, cơ sở đào tạo. Tích cực tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực văn học, nghệ thuật; chú trọng các cơ chế, chính sách trong tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật các địa phương.
Sáu là: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương thức hoạt động của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh nhằm tập hợp, đoàn kết, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Tiếp tục nâng cao chất lượng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Đất Quảng, tặng thưởng Văn học, nghệ thuật Quảng Nam; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng và nâng mức thưởng để có các tác phẩm văn học, nghệ thuật vượt trội, xứng tầm với truyền thống cách mạng, văn hóa của tỉnh. Xây dựng Đề án phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đề án phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận trong các loại hình nghệ thuật truyền thống đến năm 2030.
Bảy là: Xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, thể chất, tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên.
Tám là: Tập trung phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về một số chuyên ngành trong lĩnh vực văn hóa như bảo tàng, di tích, khảo cổ, nghệ thuật biểu diễn truyền thống…., tập trung phát triển đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu. Đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học có phẩm chất chính trị, có đạo đức, có ý thức phục vụ Nhân dân, có trình độ chuyên môn cao.
Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người xứ Quảng nhằm nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng, giàu tính nhân văn, bảo lưu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…
Có thể nói, thước đo sự phát triển văn hóa và nguồn lực văn hóa cũng chính là sự phát triển con người, nguồn lực con người. Sự hoàn thiện con người được thực hiện trong văn hóa. Do đó, quá trình xây dựng nền văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa Quảng Nam cũng chính là quá trình xây dựng và phát triển con người và nguồn lực con người Quảng Nam, phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người – khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam một cách toàn diện; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và cũng là mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời, cần xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc xứ Quảng; khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, bền bỉ của con người xứ Quảng, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
TS.Nguyễn Thanh Hồng/Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam.
Tài liệu tham khảo
1.Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Hội thảo triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; thực hiện các giá trị văn hóa, con người Thừa Thiên Huế, Hội thảo khoa học, Thừa Thiên Huế, ngày 10/4/2024.
2.Cục Di sản văn hóa (2022), Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, tập I, tập II, Nxb. Thông tấn.
3.Huỳnh Công Bá (2018), Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam – Đà Nẵng từ giữa thế kỳ XV đến giữa thế kỷ XVIII, Nxb. Đà Nẵng.
4.Nguyễn Văn Xuân toàn tập (2021), tập 4 (Nghiên cứu, lược sử), Nxb. Hội Nhà văn.
5.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (2023), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Mỳ Quảng – Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc xứ Quảng”, Nxb. Đà Nẵng.
6.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (2021), Kỷ yếu Hội thảo Quảng Nam – 550 năm hình thành và phát triển, Nxb. Đà Nẵng.