(Đà Nẵng). Đúng vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4, kể từ ngày mai (30/4/2024), Bảo tàng Dà Nẵng sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Tại Bảo tàng Đà Nẵng, từ sáng nay (29/4/2024), khách tham quan đã được xem triển lãm chuyên đề “Hào khí Điện Biên – Một thiên sử vàng”, giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tài liệu, hiện vật qua 3 chủ đề nội dung: “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” ; “Cuộc chiến 56 ngày đêm “chấn động địa cầu” và “Quảng Nam – Đà Nẵng chia lửa cùng Điện Biên”. Triển lãm sẽ mở cửa kéo dài đến hết ngày 17/5/2024.
Hình ảnh tại triển lãm chuyên đề “Hào khí Điện Biên – Một thiên sử vàng”. Ảnh: T.Ngọc
71 năm về trước, vào cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hạ quyết tâm mở chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954 đập tan “Kế hoạch Navarre” mà đỉnh cao, chính là trận quyết chiến tại Điện Biên Phủ.
Trải qua 3 đợt tấn công trong suốt 56 ngày đêm, quân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ – được phía Pháp cho là “Pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội Pháp ở Đông Dương.
“Nhớ lại những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên, đúng là anh em chúng tôi lúc đó đã khoét núi, ngủ trong hầm đất, kể cả sống, sinh hoạt trong lòng đất những đêm ngày trời mưa lớn, chúng tôi chia nhau cơm vắt, … sự hy sinh phải nói là “máu trộn bùn non”. Để làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”, những gian khổ mà người lính cụ Hồ đã phải chịu đựng không thể diễn tả hết bằng lời” – cựu chiến binh Nguyễn Văn Toản, hiện tại số nhà 62 Thi Sách, Hải Châu, Đà Nẵng, rưng rưng nước mắt kể lại.
Kênh truyền hình quốc tế Frane 24 (của Tập đoàn France Médias Monde – Cộng hòa Pháp) trong phóng sự tài liệu “Việt Nam kỷ niệm chiến thắng lịch sử chống lại chế độ thực dân Pháp”, nhấn mạnh rằng “Chiến nổi bật (của Việt Nam tại Điện Biên Phủ) giữ vai trò là “cột mốc” trong lịch sử phong trào giành độc lập trên thế giới. Chiến thuật thiên tài áp dụng ở Điện Biên Phủ năm 1954, được (các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hòa) nghiên cứu cẩn thận. Và giới sử gia, các nhà quân sự đã bình luận chiến thằng này trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Lịch sử đã chứng minh rằng, chiến thắng “chấn động” Điện Biên Phủ đã đưa đến hội nghị hội nghị Genève (thụy Sỹ, năm 1954) về lập lại hoà bình ở Đông Dương, và Hiệp định Genève được ký sau đó, đã không chỉ kết thúc thắng lợi, cuộc kháng chiến kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập (2 tháng 9 năm 1945), chống thực dân Pháp và sự can thiệp Mỹ; chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương và chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kể từ đó, được nhắc đến như một “tên gọi thiêng liêng” là nguồn lực cổ vũ mạnh mẽ, thôi thúc, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại; mang lại niềm tin tất thắng lợi cho các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh. Trong muôn vàn gian khó, thậm chí bị đàn áp đẫm máu, vẫn đứng lên đấu tranh tự giải phóng, chấm dứt ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
“Cuộc chiến ác liệt kéo dài 56 ngày đêm tại thung lũng hẻo lánh phía tây bắc Việt Nam, đã làm sụp đổ chế độ thực dân của Pháp, đồng thời giúp Việt Nam nổi bật lên trên thế giới với tư cách một quốc gia độc lập sớm” – Hãng AFP bình luận.
Đúng vào ngày 7/5/2024, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tổ chức tiếp Giờ học trực tuyến “Hào khí Điện Biên”, hoạt động do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phối hợp tổ chức.
Khách đến Bảo tàng Đà Nẵng (sáng 29/4/2024) và xem triển lãm chuyên đề “Hào khí Điện Biên – Một thiên sử vàng”. Ảnh: T.Ngọc
Tại thành phố Đà Nẵng, 2 trường tiểu học đã chính thức đăng ký tham gia gồm: trường Điện Biên Phủ và trường Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê). Các em học sinh khối lớp 5 sẽ có giờ giờ học trực tuyến qua phần mềm Zoom cùng với các bạn học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác. Giờ học trực tuyến “Hào khí Điện Biên” còn tiếp tục vào ngày 10/5/2024.
Chương trình Podcast #2 “Chia lửa cùng Điện Biên” cũng sẽ được phát sóng vào đúng Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên 2 nền tảng: Spotify và Youtube: Bao Tang Da Nang – DaNangMuseum. Nội dung Podcast tái hiện lại chiến thắng của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng trong trận đánh tiêu diệt chiến đoàn cơ động số 10 (gọi tắt là GM10) của thực dân Pháp tại núi Bồ Bồ (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Chiến thắng Bồ Bồ được xem như trận Điện Biên Phủ trên đất Quảng Nam – Đà Nẵng, góp phần “Chia lửa cùng Điện Biên” và là đòn sấm sét cuối cùng, dập tắt mọi ý đồ định gỡ gạc chút ít lợi thế trên bàn đàm phán; buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genève vào ngày 20/7/1954.
Vào lúc 8h00, ngày 9/5/2024, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ phối hợp với Trường THCS Trưng Vương, quận Hải Châu, tổ chức buổi giáo dục trải nghiệm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn tháng 5”.
Chương trình có tính đổi mới về hình thức, tập trung vào hoạt động tương tác, trải nghiệm của các em học sinh với các vị khách mời, từ đó, giúp các em hiểu hơn ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như sự cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ (5/1954). Có 2 vị khách mời sẽ giao lưu với thầy và trò, gồm ông Võ Văn Hội – Cán bộ văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng ; ông Từ Trường Thổ (đường Tăng Bạt Hổ, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) – Nghệ nhân làm dép cao su.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng có một phần đóng góp trực tiếp cũng như gián tiếp của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Trên chiến trường Liên khu V nói chung và vùng đất Quảng nói riêng, quân và dân ta đã mở nhiều đợt tiến công, trận đánh làm kìm chân, chia cắt và phân tán lực lượng cơ động của Pháp, không cho chúng có điều kiện đưa quân chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, chiến sỹ được rèn luyện từ thực tế trận địa, cũng đăng ký tham gia các đoàn quân trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Tuần qua, các ngành, đoàn thể, UBND các Quận cũng đã có nhiều hoạt động ôn lại truyền thống vẻ vang của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tổ chức thăm, tặng quà, tri ân các bậc cách mạng lão thành, nguyên là chiến sỹ đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên. Bí thư Quận ủy Hải Châu ông Trần Thắng Lợi và đại diện lãnh đạo phường Hòa Thuận Tây đến đến thăm Thương bệnh binh, bác Hồ Ngọc Phụng, sinh năm 1931 (hiện ở tại tại K463/06 đường Trưng Nữ Vương); bác Nguyễn Văn Toản, sinh năm 1920 (hiện tại số nhà 62 Thi Sách)./.
T.Ngọc – M.Q.Hiển
Bạn đọc quan tâm thể thao: Thừa Thiên Huế, tổ chức Festival Huế 2024 đúng dịp nghỉ lễ và triển khai giải đua xe địa hình chinh phục thử thách – Victory Challenge Sailun Cup 2024 & Lễ hội cắm trại xe 3 miền do Tạp chí Đông Nam Á – ASEAN và Công ty CP Tập đoàn Kỷ Nguyên tổ chức (21/6 – 23/6/2024) tại công viên hồ Thủy Tiên, thành phố Huế.