Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng lưu giữ và trưng bày đến 9 báu vật quốc gia

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 18/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 73/QĐ-TTg, công nhận 29 Bảo vật Quốc gia (đợt 12, năm 2023), đang được lưu giữ – trưng bày tại các Bảo tàng, Trung tâm Bảo tồn Di sản; các Chùa, tháp; lưu giữ tại cơ quan công quyền và bộ sưu tập tư nhân. 

Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 vừa được công nhận là báu vật quốc gia. Ảnh: Lý Hòa Bình và Musée Cham.

Hệ thống Bảo tàng, từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đến Bảo tàng các địa phương Đắc Lắc, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Bình, Bạc Liêu, Trà Vinh đều có cổ vật được công nhận là báu vật quốc gia. Đặc biệt Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng – là di tích lịch sử cấp thành phố – có đến 3 cổ vật được công nhận. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội là nơi có số lượng báu vật quốc gia được công nhận nhiều nhất (6).

Đặc biệt, nhiều tác phẩm tạo hình độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Champa cũng được công nhận trong đợt 12, năm 2023: Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỷ VIII – IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận; Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định; Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niên đại: Thế kỷ XVI – XVII, hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

3 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa được công nhận
Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 là bức chạm khắc trên sa thạch, dùng trang trí trên tấm trán cửa của tháp E1 tại Mỹ Sơn. Nội dung bức chạm mô tả sự hình thành vũ trụ theo thần thoại Ấn Độ. Đó là buổi hỗn mang của tạo hóa, Thần Vishnu nằm thiền định trên biển vũ trụ mênh mông đen tối, có rắn thần Shesha bảy đầu nâng đỡ. Tay phải Thần chống giữ đầu mình, tay trái cầm chặt một cuống sen mọc ra từ rốn, và trên đài sen. Phía chân thần Vishnu là hình ảnh một vị đạo sĩ đang chúc phúc cho cho cuộc đản sinh.Thần Brahma đã ra đời trong tư thế xếp bằng thiền định. Từ đây, Thần Brahma bắt đầu tạo ra thế giới.

Hai chim thần Garuda (mình người chân chim) ở hai đầu bức phù điêu, gợi liên tưởng đến các tượng cùng chủ đề trong nghệ thuật Môn – Dvaravati ở Thái Lan thế kỷ VII – VIII. Phù điêu Đản sinh Brahma này được phát hiện và đưa về Bảo tàng năm 1935.

Phù điêu Apsara Trà Kiệu (Vũ nữ Apsara) có niên đại thế kỷ XI và là kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc Champa, một hình mẫu điêu khắc Champa tiêu biểu nhất về chủ đề vũ nữ Apsara.

Tác phẩm đặc tả hai vũ nữ Apsara với tư thế múa (tribhaṅga) uốn cong duyên dáng. Trên cổ, tay, và vòng eo có đồ trang sức là những chuỗi hạt ngọc được chạm khắc tinh xảo. Các vũ nữ khoác lên mình áo váy, tà váy buông xuống giữa hai chân và được thắt nơ ở sau lưng. Điểm đặc biệt về tạo hình là nghệ sỹ đã chạm khắc gương mặt hai vũ nữ với vẻ đẹp dịu dàng, nhưng sắc sảo, hàng lông mày hơi cong, đôi mắt hình hạnh nhân. Tổng thể đường nét từ gương mặt đến động tác vũ đạo của hai vũ nữ gây ấn tượng mạnh cho người xem. Các Apsara – theo Thần thoại Ấn Độ – là những nàng tiên xinh đẹp của thiên giới, họ  được sinh ra từ cuộc Khuấy Biển Sữa giữa các vị thần.

Phù điêu Vũ nữ Apsara còn sinh động khi xuất hiện đầy đủ các nhạc công tài hoa Gandharva (họ thường biểu diễn cùng các Apsara) và đang chơi một loại nhạc cụ dây (tên là Tuila).

Đề xuất thứ ba được công nhận là Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 ( Thần Shiva) được tìm thấy rất sớm (năm 1903, tại Tháp C1, Mỹ Sơn). Rất tiếc, khi tìm thấy tại tháp C1, tác phẩm này đã không còn nguyên vẹn, đôi chân từ đầu gối trở xuống bị gãy.

Căn cứ vào hình dáng, trang phục và đặc biệt là hai cánh tay đưa ra phía trước của bức tượng; Nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chămpa, người có công lớn trong xây dựng  Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ông Henri Parmentier cho rằng, đây là hình ảnh khất thực của Thần Shiva.

Một hướng nghiên cứu khác, dựa trên phong tục thờ Thần – Vua (ở Vương quốc Chămpa), lại cho rằng đây là tượng hiện thân Thần – Vua được thờ cúng tại Mỹ Sơn, một thể loại tác phẩm rất hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa, xuất hiện cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ IX.

Bổ sung cho nhìn nhận này là phát hiện của các nhà khảo cổ Pháp (đầu thế kỷ XX), các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đồ trang sức trong tháp C7 (gần bên tháp C1 – nơi đặt bức tượng Thần Shiva nói trên). Bộ trang sức này bằng vàng (cân nặng đến 1,5kg). Phát hiện này không hề tìm thấy trong các tác phẩm khác có cùng chủ đề. Theo các nhà khảo cổ Pháp, đồ trang sức đã được sử dụng cho chính vị Thần khi tế lễ, bởi đôi tai của tượng đã có sẵn lỗ để đeo trang sức.

Như vậy, thành phố Đà Nẵng đệ trình 3 đề xuất, thì cả 3 đề xuất này đều được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y. Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đến thời điểm này có đến 9 bảo vật quốc gia. Năm 2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón 174.364 lượt khách (tăng hơn 250% so với năm 2022, và là Bảo tàng có đông nhất du khách đến tham quan tại Đà Nẵng). Trong đó, có 158.290 lượt khách quốc tế (chiếm đến 90,78%); và 16.074 lượt khách nội địa.

“Trong hàng ngàn hiện vật quý, Bảo tàng hiện lưu giữ, trưng bày khoảng 300 -350 hiện vật có giá trị văn hóa – nghệ thuật và lịch sử rất cao. Đây là những di vật có mức độ hiếm, cực quý. Công tác bảo tồn và trưng bày triển lãm các bộ sưu tập hiện vật ở Bảo tàng điêu khắc Chăm, phải nói được đầu tư bài bản, phát huy được giá trị các hiện vật. Chúng tôi được biết, ngành Văn hóa thành phố và Bảo tàng, cũng thường xuyên bổ sung nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị cao.

Để phát huy tối đa giá trị các hiện vật, phục vụ nhu cầu này của du khách, các phòng trưng bày được cải tạo nâng cấp, bục bệ được thiết kế lại cho phù hợp, lắp đặt các pa nô trưng bày, trang bị hệ thống chiếu sáng hiện vật, hệ thống thuyết minh điện tử kết hợp tai nghe, duy trì sự xuất hiện và hỗ trợ của thuyết minh viên tại điểm trưng bày. Như chúng ta đều biết, du khách đã chọn điểm đến là Bảo tàng, thì phần lớn không chỉ tham quan cho biết, mà gắn với nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu. Đà Nẵng luôn thỏa mãn mong ước trải nghiệm và khám phá của du khách”, ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ./.

Hòa Bình – Trung Đức