Bảo tàng của người Hoa ở Malaysia mang ý nghĩa rất đặc biệt, là một minh chứng cho lịch sử lâu dài và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Hoa vào sự phát triển của đất nước này. Các bảo tàng thường lưu giữ các hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến văn hóa, truyền thống, và lối sống của người Hoa di cư đến Malaysia các thời kỳ. Đây là nơi gặp gỡ và giao lưu của người Hoa tại Malaysia, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, các bảo tàng này còn cung cấp kiến thức về lịch sử, văn hóa, và xã hội của người Hoa tại Malaysia cho cả người bản địa và du khách quốc tế. Nhờ đó, nâng cao vị thế cộng đồng, giúp tăng cường sự hiểu biết và hòa hợp văn hóa trong xã hội đa dạng của Malaysia.
1. Cộng đồng người Hoa ở Malaysia
Trong đời sống kinh tế văn hoá xã hội của Malaysia người Hoa có một vị trí quan trọng. Suốt quá trình di dân, định cư rồi trở thành một thành phần dân tộc lớn của Malaysia, vấn đề người Hoa luôn là vấn đề được chính quyền sở tại quan tâm đặc biệt. Truyện sử Melayu có ghi chép rằng, những người Hoa đầu tiên đến Malaysia vào khoảng thế kỷ XV-XVII là tổ tiên của nhóm người Hoa Baba – người Hoa eo biển, trong tiếng Melayu gọi là Peranakan vốn xuất thân từ tầng lớp quý tộc Trung Hoa. Con cháu của họ được gọi là những Biduanda Trung Hoa. Bên cạnh đó còn có những người Trung Hoa làm nghề đi biển buôn bán giữa các cảng Nam Trung Hoa và Đông Nam Á đã hợp hôn với phụ nữ bản xứ không theo Islam và định cư lại đây. Từ năm 1874, chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa, chủ yếu là mỏ thiếc, và chính sách không hạn chế nhập cư dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Hoa ở Malaya thuộc Anh. Thậm chí đã có thời điểm cộng đồng người Hoa vượt qua cộng đồng người dân bản địa về mặt số lượng. Vào đầu năm 1900, những người Hoa đến Malaya dưới sự cai trị của Anh để khai thác mỏ thiếc đã có rất nhiều người Hoa định cư ở lại đây. Các thời kì sau đó cho đến khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập vẫn tiếp tục có các đợt di dân từ Trung Quốc đến Malaysia tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Họ ở Malaysia phân bố ở khắp nơi trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở phía Tây Malaysia và các thành phố lớn. Thủ đô Kuala Lumpur cùng với vùng lân cận thung lũng Klang là nơi có nhiều người Hoa nhất ở Malaysia.
Giống như đặc tính cộng đồng người Hoa ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Hoa ở Malaysia có tính cố kết cao, chăm chỉ, cần kiệm, biết chịu đựng gian khổ và giỏi tính toán làm ăn. Chính vì thế càng ngày họ càng khẳng định được vị thế của mình và vươn lên nắm quyền về kinh tế ở đất nước này. Người Hoa đã góp phần đáng kể vào nền kinh tế Malaysia thông qua việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính và sản xuất. Các doanh nghiệp và ngân hàng do người Hoa điều hành đã trở thành những nhà đầu tư chủ chốt, cung cấp nguồn vốn quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia. Bên cạnh đó, họ cũng tích cực tham gia vào ngành công nghiệp, thành lập các nhà máy sản xuất, góp phần vào kim ngạch xuất khẩu và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân bản địa. Họ phát triển nhiều doanh nghiệp và cửa hàng, đặc biệt nổi bật trong các ngành bán lẻ, ẩm thực và dịch vụ. Những khu phố người Hoa như Petaling Street ở Kuala Lumpur hay George Town ở Penang là minh chứng sống động cho sự hiện diện và gắn bó sâu sắc của cộng đồng này trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, họ còn giữ vai trò cầu nối giúp thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc.
Cộng đồng người Hoa tại Malaysia sở hữu những nét văn hóa đặc trưng riêng, được hình thành trong quá trình di cư và sinh sống tại đây. Dưới tác động của bối cảnh lịch sử và môi trường địa phương, họ đã dần hòa nhập với văn hóa bản xứ. Nhờ vậy, bản sắc văn hóa của người Hoa ở Malaysia mang những dấu ấn riêng biệt, khác hẳn so với các cộng đồng người Hoa ở những quốc gia và khu vực khác. Về phương diện ngôn ngữ, người Hoa tại Malaysia vẫn duy trì việc sử dụng tiếng Trung, đặc biệt là các phương ngữ gắn liền với nguồn gốc tổ tiên như tiếng Phúc Kiến, Quảng Đông và Khách Gia. Ngày nay, nhiều người trẻ trong cộng đồng còn thông thạo cả tiếng Mã Lai, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, tiếng Hoa vẫn giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt gia đình và các hoạt động cộng đồng. Việc sống trong môi trường đa ngôn ngữ, thường xuyên sử dụng từ ba đến bốn thứ tiếng, đã giúp người Hoa Malaysia phát triển lợi thế về ngôn ngữ và khả năng thích ứng linh hoạt với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Phần lớn người Hoa tại Malaysia theo đạo Phật cùng với các tín ngưỡng dân gian Trung Hoa như Đạo giáo, Nho giáo và thờ cúng tổ tiên. Những công trình tôn giáo mang đậm dấu ấn văn hóa người Hoa xuất hiện phổ biến, đặc biệt ở các khu vực có đông người Hoa sinh sống. Họ duy trì và tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như Tết Nguyên Đán, lễ hội Nguyên Tiêu và Trung Thu, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tại Malaysia. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa cũng sở hữu nền ẩm thực đa dạng, ảnh hưởng sâu rộng đến ẩm thực Malaysia. Những món ăn như cơm gà Hải Nam, char kway teow và bak kut teh đã trở thành các món ngon phổ biến, được yêu thích trên khắp cả nước.
Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Malaysia. Các hình thức nghệ thuật như điêu khắc tranh, chế tác trang sức từ vàng và ngọc trai vẫn hiện diện trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong các dịp lễ hội truyền thống. Trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn, người Hoa Malaysia có nhiều cơ hội giao lưu và hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ nói tiếng Hoa như Trung Quốc, Singapore và Đài Loan. Khả năng sử dụng thành thạo cả tiếng Hoa và tiếng Anh – hai ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới – cũng giúp văn hóa nghệ thuật của người Hoa Malaysia dễ dàng vươn ra và hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Có thể nói, lịch sử di dân của người Hoa tới Malaysia đều gắn liền với việc tìm kiếm cơ hội kinh tế mới. Hiện cộng đồng dân tộc này kiểm soát gần 70% nền kinh tế của Malaysia. Tuy vậy, cộng đồng người Hoa ở Malaysia là một cộng đồng đa phương ngữ, tín ngưỡng và truyền thống do đến từ nhiều tỉnh và vùng miền khác nhau của Trung Quốc. Do đó, tính trong nội bộ cộng đồng thì bản sắc văn hóa của họ cũng hết sức phong phú đa dạng.

2. Chính sách tác động đến việc phát triển các bảo tàng dân tộc của Malaysia
Các chính sách liên quan đến phát triển văn hoá và bảo tồn di sản đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các bảo tàng dân tộc của người Hoa tại Malaysia. Thông qua việc thúc đẩy sự đa dạng văn hoá, chính phủ đã tạo điều kiện để cộng đồng người Hoa bảo tồn, giới thiệu bản sắc riêng của mình thông qua hệ thống bảo tàng. Những chính sách này không chỉ góp phần khẳng định vai trò của người Hoa trong lịch sử và xã hội Malaysia, mà còn tạo nên không gian giao lưu văn hoá, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các sắc tộc trong quốc gia đa văn hoá như Malaysia.
Đầu tiên, có thể kể đến Chính sách Văn hóa Quốc gia 1971 của Malaysia. Chính sách này dựa trên ba nguyên tắc chính. Thứ nhất, nền văn hóa quốc gia phải dựa trên văn hóa bản địa. Văn hóa của các dân tộc bản địa được coi là nền tảng cho văn hóa quốc gia; Thứ hai, chấp nhận các yếu tố văn hóa khác phù hợp và thích đáng. Những yếu tố từ các nền văn hóa khác có thể được tích hợp nếu chúng phù hợp và đóng góp tích cực vào văn hóa quốc gia; Cuối cùng, những năm 1990, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giới thiệu khái niệm Bangsa Malaysia, nhấn mạnh đến bản sắc Malaysia chung thay vì tập trung vào một nhóm dân tộc cụ thể.
Có thể nói, Chính sách Văn hoá Quốc gia Malaysia năm 1971 khuyến khích sự đa dạng văn hóa và bảo vệ các di sản văn hóa thông qua các chương trình giáo dục, các cuộc triển lãm, và các hoạt động cộng đồng. Chính phủ Malaysia thường xuyên hỗ trợ các bảo tàng văn hóa dân tộc thông qua các khoản tài trợ, đảm bảo sự phát triển bền vững của các bảo tàng và thúc đẩy vai trò của chúng trong việc giới thiệu văn hóa dân tộc đến với công chúng.
Một chính sách liên quan mật thiết tới bảo tồn và bảo vệ di sản, quy định rõ người chịu trách nhiệm và giám sát, quản lý việc bảo tồn, bảo vệ, phục hồi và quảng bá di sản dựa trên nền tảng pháp lý Luật Di sản Quốc gia (National Heritage Act) năm 2005 là Chính sách Di sản Quốc gia. Theo đó, các bảo tàng văn hóa dân tộc được hỗ trợ để lưu giữ và giới thiệu các di sản độc đáo của từng cộng đồng dân tộc. Luật này định nghĩa rõ ràng về di sản văn hóa vật thể như hiện vật, công trình kiến trúc, địa điểm khảo cổ và di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, nghi lễ, ngôn ngữ và tri thức truyền thống. Mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn và phát huy các yếu tố di sản này thông qua các biện pháp như phục hồi, duy tu, nghiên cứu và giáo dục cộng đồng.
Đối với vấn đề đăng ký Di sản Quốc gia, Luật Di sản quy định việc lập danh sách các di sản, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia. Các cá nhân hoặc tổ chức có thể đề xuất các di sản để được xem xét và ghi danh vào danh sách này. Đối với việc bảo vệ quyền sở hữu và quản lý di sản, Luật cho phép các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu di sản vẫn giữ quyền sở hữu, nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo tồn và không được tự ý thay đổi hoặc phá hủy di sản. Chính phủ có quyền can thiệp và hỗ trợ trong việc bảo tồn các di sản quan trọng.
Luật Di sản Quốc gia 2005 đã tạo ra một khung pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc, bao gồm cộng đồng người Hoa. Thông qua các quy định về bảo tồn di sản phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống, ngôn ngữ và tập quán, cộng đồng người Hoa có thể bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa của mình. Ngoài ra, việc thành lập và hỗ trợ các bảo tàng dân tộc cũng được thúc đẩy, góp phần vào việc giáo dục và tăng cường hiểu biết giữa các cộng đồng trong xã hội đa văn hóa Malaysia.
Một chính sách cũng rất quan trọng trong việc phát triển các bảo tàng của người Hoa ở Malaysia là Chính sách Du lịch Văn hóa, hiện được tích hợp trong Chính sách Du lịch Quốc gia 2020–2030 do Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) ban hành. Chính sách này đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch bền vững, cạnh tranh và toàn diện, trong đó du lịch văn hóa và di sản đóng vai trò then chốt. Thông qua Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, chính phủ hỗ trợ các bảo tàng văn hóa dân tộc để thu hút du khách quốc tế và địa phương. Chính sách này góp phần tăng cường hiểu biết về sự đa dạng văn hóa và mang lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng sở tại. Chính sách Du lịch Quốc gia 2020–2030 tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phát triển và nâng cao các bảo tàng của người Hoa tại Malaysia, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng này.

Trong bối cảnh như vậy, Các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử Trung Hoa ở Sarawak, Malacca đã được thành lập để bảo tồn và trưng bày lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Malaysia. Bảo tàng Di sản Baba Nyonya là một bảo tàng tư nhân, được thành lập vào năm 1986 bởi ông Chan Kim Lay, hậu duệ đời thứ tư của gia đình Chan, nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa Peranakan độc đáo của Malaysia. Bảo tàng Lịch sử Trung Hoa được thành lập năm 1993, nhằm cung cấp thông tin về lịch sử của các cộng đồng người Hoa khác nhau và giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị cốt lõi mà tổ tiên họ đã phát triển. Penang Peranakan Mansion ở Penang mở cửa năm 2004, trưng bày văn hóa Baba Nyonya (Peranakan) với bộ sưu tập nội thất và trang phục truyền thống của nhóm người này. Han Jiang Ancestral Temple & Teochew Cultural Museum ở Penang là trung tâm văn hóa của cộng đồng Teochew ở Penang, bảo tồn di sản của người Hoa gốc Triều Châu hay Hakka Heritage Gallery ở Sabah mở cửa năm 2010, trưng bày văn hóa của người Hakka đều là những bảo tàng có ý nghĩa lớn với các dân tộc trong cộng đồng người Hoa ở Malaysia được lần lượt được thành lập.
Như vậy, mặc dù không có quy định pháp lý cụ thể về bảo tàng của người Hoa trong Luật Di sản Quốc gia 2005, nhưng thông qua các quy định chung về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để các bảo tàng của người Hoa thành lập, đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Malaysia.
3. Một số bảo tàng tiêu biểu của người Hoa ở Malaysia
Các bảo tàng văn hóa Hoa được thành lập nhằm lưu giữ và giới thiệu truyền thống phong phú của cộng đồng này. Nhiều bảo tàng như Bảo tàng Di sản Baba & Nyonya ở Malacca và Bảo tàng Tôn Trung Sơn ở Penang đã ra đời để bảo tồn và tôn vinh lịch sử và di sản của người Hoa. Trong thời gian qua, các bảo tàng của người Hoa đã phát triển mạnh mẽ nhờ các chính sách của Malaysia về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bao gồm việc duy trì kiến trúc truyền thống, trưng bày hiện vật quý giá, và giới thiệu các phong tục tập quán đặc trưng của dân tộc.
Bảo tàng Di sản Baba & Nyonya nằm giữa lòng phố cổ Malacca là một ngôi nhà di sản từng thuộc sở hữu của một gia đình Peranakan giàu có, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Baba & Nyonya là thuật ngữ chỉ những người Hoa định cư lâu đời tại khu vực Đông Nam Á và hòa trộn văn hóa với người bản địa, tạo nên một cộng đồng độc đáo cả về ngôn ngữ, phong tục và ẩm thực. Bảo tàng là một kho tàng lưu giữ các hiện vật quý giá như đồ gỗ chạm khắc tinh xảo, đồ sứ Trung Hoa, trang phục truyền thống và các vật dụng sinh hoạt thể hiện rõ nét lối sống tinh tế, giàu bản sắc của người Peranakan. Bảo tàng có Kiến trúc độc đáo pha trộn giữa Trung Hoa, Mã Lai và thuộc địa, kể những câu chuyện lịch sử sống động về một thời kỳ giao thoa văn hóa đầy màu sắc của Malaysia.

Bảo tàng Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) ở Penang là một bảo tàng có ý nghĩa lịch sử vì đây từng là nơi ở và hoạt động của Tôn Trung Sơn, nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng Trung Quốc, khi ông lưu trú tại Malaysia. Bảo tàng giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông, cũng như sự ảnh hưởng của ông đối với cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Tòa nhà bảo tàng là một căn nhà phố cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, từng là nơi sinh sống của gia đình Tôn Trung Sơn trong thời gian ông hoạt động cách mạng tại Penang. Năm 2001 nơi đây được chuyển đổi thành bảo tàng nhằm tưởng nhớ và giới thiệu về cuộc đời cũng như sự nghiệp cách mạng của ông. Bên trong bảo tàng, du khách có thể khám phá các hiện vật quý giá như đồ nội thất cổ, tài liệu lịch sử, và các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Tôn Trung Sơn. Với kiến trúc truyền thống và giá trị lịch sử sâu sắc, Bảo tàng Tôn Trung Sơn là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai quan tâm đến lịch sử và văn hóa Trung Quốc cũng như vai trò của Penang trong bối cảnh lịch sử khu vực.
Penang Peranakan Mansion là một bảo tàng độc đáo nằm tại số 29 đường Church, George Town, Penang, Malaysia, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi ông Chung Keng Quee, một thương gia giàu có và là Kapitan Cina, lãnh đạo cộng đồng người Hoa tại Perak.Tòa nhà ban đầu có tên là Hai Kee Chan và từng là nơi ở cũng như văn phòng làm việc của ông. Kiến trúc của biệt thự là sự kết hợp tinh tế giữa phong cách Trung Hoa và châu Âu, thể hiện qua các chi tiết như lan can sắt đúc từ Scotland, gạch lát sàn nhập khẩu từ Stoke-on-Trent nước Anh cùng với các tấm gỗ chạm khắc tinh xảo và màn che truyền thống của Trung Hoa. Bên trong, bảo tàng trưng bày hàng nghìn hiện vật quý giá, bao gồm đồ nội thất cổ, đồ sứ, trang phục truyền thống và các vật dụng sinh hoạt, phản ánh lối sống xa hoa và văn hóa đặc trưng của cộng đồng Peranakan. Sau khi ông Chung Keng Quee qua đời vào năm 1901, tòa nhà dần bị bỏ hoang và xuống cấp. Đến những năm 1990, nó đã được mua lại, phục hồi và trở thành bảo tàng, nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa Peranakan của Penang.
Han Chiang Chinese Heritage Centre là một trung tâm văn hóa độc đáo có trụ sở tại George Town, Penang, Malaysia được thành lập vào năm 2010. Trung tâm này bao gồm sáu phòng triển lãm và một phòng tài nguyên, trưng bày các hiện vật và tài liệu về lịch sử của cộng đồng người Hoa tại Penang, tập trung vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục và tôn giáo. Một phần quan trọng của trung tâm là Đền tổ Han Jiang, được cộng đồng người Triều Châu tại Penang xây dựng vào năm 1870. Đây là ngôi đền duy nhất ở George Town mang phong cách kiến trúc Triều Châu. Ngoài vai trò là nơi thờ cúng, đền Han Jiang còn là nơi thành lập Trường Han Chiang vào năm 1919, một trường tiểu học Trung Hoa do Hiệp hội Triều Châu Penang sáng lập. Trường được đặt tên theo sông Hàn ở Triều Châu, Trung Quốc, quê hương của cộng đồng Triều Châu tại Penang. Với kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử sâu sắc, Bảo tàng Han Chiang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về di sản văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Penang.
Bảo tàng Văn hóa Cheng Ho (Malacca) giới thiệu về nhà thám hiểm Trịnh Hòa và mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc và Malacca. Sau khi Malaysia và Trung Quốc thực hiện chính sách miễn thị thực vào cuối năm 2023, số lượng du khách Trung Quốc đến Malacca tăng mạnh, đạt 2,69 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 144% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng này đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và tăng trưởng trong ngành du lịch và khách sạn.
Các bảo tàng của người Hoa tại Malaysia không chỉ là nơi bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa phong phú mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua du lịch. Chúng góp phần tạo việc làm, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương và nâng cao vị thế của Malaysia trên bản đồ du lịch văn hóa quốc tế. Du lịch văn hóa tại Malaysia, bao gồm các bảo tàng và di sản văn hóa, đã tạo ra doanh thu trung bình 551 triệu RM mỗi năm trong ba năm liên tiếp. Năm 2018, hơn 17 triệu du khách đã tham gia vào các chương trình du lịch văn hóa, cho thấy sức hút mạnh mẽ của lĩnh vực này của Malaysia. Đặc biệt, du khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch Malaysia. Năm 2019, họ chiếm 11,9% tổng số du khách quốc tế đến Malaysia, với tổng chi tiêu đạt 15,3 tỷ RM (khoảng 3,59 tỷ USD), chiếm 17,8% tổng doanh thu du lịch của quốc gia.
Các bảo tàng của người Hoa tại Malaysia, đặc biệt là bảo tàng Baba & Nyonya, không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày cổ vật mà còn là kho tư liệu sống động về một cộng đồng giao thoa văn hóa hiếm có, những người Hoa định cư từ thế kỷ 15 và hòa nhập sâu sắc vào đời sống bản địa. Những bảo tàng này kể lại câu chuyện về sự giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và Malaysia qua ẩm thực, trang phục, kiến trúc và tín ngưỡng. Đây chính là yếu tố thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch quốc tế, nhất là những người yêu thích lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và quá trình hình thành bản sắc dân tộc.
Một lợi thế rõ rệt của các bảo tàng người Hoa là vị trí chiến lược trong các khu di sản văn hóa lớn như Malacca và George Town, Penang, hai điểm đến nổi bật được UNESCO công nhận. Nhờ nằm trong các tuyến du lịch phổ biến, những bảo tàng này dễ dàng thu hút khách du lịch đang tham quan các di tích, chùa chiền, phố cổ hoặc chợ địa phương. Việc tích hợp tham quan bảo tàng vào các tour đi bộ, xe đạp hoặc food tour không chỉ tiện lợi mà còn tăng giá trị trải nghiệm tổng thể cho du khách.
Không như các bảo tàng truyền thống thường thiên về trưng bày, các bảo tàng Peranakan tại Malaysia ngày càng chú trọng đến yếu tố trải nghiệm, điều này góp phần làm gia tăng sự hấp dẫn đối với du khách hiện đại. Một số bảo tàng đã tổ chức các hoạt động tương tác như mặc thử trang phục Nyonya, lớp học nấu ăn món truyền thống, workshop làm bánh truyền thống hoặc vẽ họa tiết đặc trưng Peranakan. Những trải nghiệm mang tính đa giác quan này giúp khách du lịch không chỉ nhìn thấy mà còn chạm vào và sống trong không gian văn hóa người Hoa, một hướng phát triển rất tiềm năng cho du lịch bền vững.
Với phong cách kiến trúc tinh xảo, nội thất gỗ chạm trổ, gạch lát hoa rực rỡ và cách bài trí cổ điển, các bảo tàng Peranakan sở hữu giá trị thẩm mỹ cao, rất phù hợp với xu hướng check-in, chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Đặc biệt, giới trẻ và khách quốc tế thường tìm kiếm các địa điểm phù hợp để đăng tải lên mạng xã hội trong chuyến du lịch, đây chính là một điểm cộng lớn mà các bảo tàng người Hoa có thể khai thác mạnh hơn. Nếu kết hợp với chiến lược truyền thông hình ảnh thông minh, các bảo tàng hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng số.
Mặc dù tiềm năng rất rõ rệt, nhưng các bảo tàng của người Hoa tại Malaysia vẫn đối mặt với không ít thách thức. Nhiều bảo tàng chưa có chiến lược truyền thông đủ mạnh để tiếp cận du khách quốc tế, nội dung trưng bày đôi khi thiếu chiều sâu hoặc không có phần thuyết minh hấp dẫn. Việc đầu tư vào công nghệ tương tác, đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp và nội dung kể chuyện sáng tạo là điều cần thiết để phát huy tối đa tiềm năng du lịch của các bảo tàng này.
Kết luận
Bảo tàng người Hoa tại Malaysia giữ vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn di sản văn hóa, tái hiện lịch sử nhập cư và khẳng định bản sắc cộng đồng trong một xã hội đa tộc. Dưới định hướng chính sách văn hóa đa nguyên, các bảo tàng này không chỉ là thiết chế lưu giữ ký ức, mà còn là không gian đối thoại liên văn hóa, góp phần thúc đẩy sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững. Việc tiếp tục hỗ trợ và phát triển hệ thống bảo tàng dân tộc, trong đó có bảo tàng người Hoa, là một bước đi chiến lược trong tiến trình xây dựng bản sắc quốc gia đa dạng và hòa hợp. Kinh nghiệm từ Malaysia gợi mở cho Việt Nam những định hướng quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của các cộng đồng thiểu số trong bối cảnh hiện đại. Cần xây dựng chính sách bảo tàng mang tính bao trùm, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, và khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa dân tộc ngoài công lập. Đồng thời, việc lồng ghép bảo tàng dân tộc vào chiến lược giáo dục, du lịch và phát triển bền vững sẽ góp phần củng cố bản sắc đa văn hóa, tăng cường gắn kết xã hội và quảng bá hình ảnh quốc gia một cách toàn diện hơn.
Vũ Thị Duyên
Tài liệu tham khảo
[1] Truyện sử Melayu (2022), Lê Thanh Hương dịch, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr.174-175
[2] Phạm Thanh Tịnh cb (2018), Biến đổi văn hoá Melayu ở Malaysia trong bối cảnh toàn cầu hoá văn hoá, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.57-58
[3] Mohd Fahimi Zakaria, Ashlah Ibrahim (2022), Chinese Civilization in Malaysia: History and Contribution, Journal of Social Science and Humannities, p.2. Link:https://www.researchgate.net/publication/359413926_Chinese_Civilization_in_Malaysia_History_and_Contribution
[4] Phạm Thanh Tịnh cb (2018), Biến đổi văn hoá Melayu ở Malaysia trong bối cảnh toàn cầu hoá văn hoá, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.59
[5] Tham khảo thêm: Gomez, E. T. (1999), Chinese business in Malaysia: Accumulation, accommodation and ascendance, University of Hawaii Press
[6] Tham khảo thêm: Vũ Thị Duyên (2023), Lịch sử di cư và Bản sắc văn hoá người Hoa Malaysia, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10.
[7] Chính sách Văn hóa Quốc gia Malaysia năm 1971. Link toàn văn https://www.pmo.gov.my/dokumenattached/Dasar/04Dasar_Kebudayaan_Kebangsaan.pdf
[8] Law of Malaysia (2006), National Heritage Act 2005 (Act 645), The Commissioner of Law Revision, Malaysia
[9] Link toàn văn tài liệu: https://www.tourism.gov.my/files/uploads/Executive_Summary.pdf
[10] Website Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hoá Malaysia: https://www.motac.gov.my/; Truy cập ngày 30/4/2025
[11] Website Bảo tàng Di sản Baba Nyonya: https://www.babanyonyamuseum.com/; Truy cập ngày 30/4/2025
[12] Link giới thiệu về Chinese History Museum: https://museum.sarawak.gov.my/web/subpage/webpage_view/102
[13] Tham khảo thêm: Nurulhuda Adabiah Mustafa, Nuraisyah Chua Abdullah (2022, Preservation of Intangible Cultural Heritage under the National Heritage Act 2005 [Act 645] vs UNESCO Convention for the Safeguarding of Intangible Cultural Heritage (2003), International Journal Academic Research in Business and Social Sciences, p. 3299- 3316); Link toàn văn bài viết: http://dx.doi.org/10.6007/IJARBSS/v12-i11/15776.
[14] Website Baba & Nyonya Heritage Museum: https://www.babanyonyamuseum.com/; Truy cập ngày 12/04/2025
[15] Website Bảo tàng Tôn Dật Tiên: https://web.archive.org/web/20120508024414/http://www.sunyatsenpenang.com/?page_id=99
[16] Website Penang Peranakan Mansion: http://www.pinangperanakanmansion.com.my/; Truy cập ngày 15/04/2025
[17] Website Han Chiang Chinese Heritage Centre: https://www.hcu.edu.my/chinese-heritage-center
[18] Zhang WenZong (2024) China-Malaysia bond deepens over Malacca heritage; China Daily; https://www.chinadaily.com.cn/a/202412/28/WS676f5a7fa310f1265a1d567e.html; Truy cập ngày 12/04/2025.
[19] Bernama (2019), Cultural tourism nets Malaysia over RM550 million a year, Malaysiakini; Link: https://www.malaysiakini.com/news/482010?utm_source=chatgpt.com#google_vignette.
[20] Xinhua (2023), Resumption of China’s outbound travel to boost Malaysia’s GDP; Link: https://english.news.cn/20230204/fa6bd23095c94fd59f4b5dae9dbe07b4/c.html.