Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy gìn giữ nét đẹp văn hóa



ĐNA -

Người đàn ông chế tác khèn nổi tiếng ở vùng Mường Ảng, được biết đến là một trong những nghệ nhân ưu tú đa tài; ông Lý A Lệnh ở bản Chan 2, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên). Không chỉ đam mê, am hiểu khèn Mông, ông còn là người thành thục diễn xướng sáo Mông, đàn môi và chế.

Góp phần gìn giữ bảo tồn nhac cụ dân tộc

Nghệ nhân Lý A Lệnh chế tác đạo cụ khèn Mông. Ảnh:TTXVN

Dưới hiên của căn nhà gỗ, người đàn ông có mái tóc hoa râm, nước da đỏ đang cặm cụi chế tác khèn và xung quanh ngổn ngang ống trúc và vô số vật dụng mà chỉ riêng ông mới gọi được tên cũng như hiểu rõ công năng của chúng trong quá trình chế tác cây khèn. Ông Lý A Lệnh đang dùng dao “lá lúa” loại nhỏ, sắc lẹm để chau chuốt bầu khèn bằng gỗ pơmu. Nhiều năm qua, ông đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn nhạc cụ quý này bằng cách chế tác, biểu diễn, nhất là truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Ông Lệnh cho biết, với người Mông, cây khèn, cây sáo không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là vật thiêng. Từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên, âm thanh của những nhạc cụ này luôn có mặt. Đó là tiếng nói của tâm hồn, phương tiện kết nối cộng đồng. Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ và cũng là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, hướng con người đến những khát vọng thuần hậu, vươn lên trước những khó khăn của cuộc sống.

Vào mùa Xuân hay những dịp lễ, hội, tiếng khèn của người Mông vang vọng khắp núi rừng, nương đá tai mèo, đánh thức cả chim muông, cây cối nơi bản rẻo cao. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, tiếng khèn thấm sâu vào máu thịt người Mông, âm thanh của tiếng khèn là cuộc sống, tâm hồn, cốt cách người Mông. Bởi vậy mà chàng trai Mông nào thổi khèn hay, múa khèn giỏi sẽ luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người.

Với những đóng góp cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mông, tháng 7/2019, ông Lý A Lệnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian. “Được Nhà nước ghi nhận, giúp tôi có thêm động lực để cùng những nghệ nhân khác tích cực gìn giữ, bảo tồn và truyền bá nét đẹp văn hóa dân tộc Mông cho thế hệ sau” –  nghệ nhân Lý A Lệnh chia sẻ.

Phát huy giá trị nét đẹp văn hóa của người Thái

Nghệ nhân Vàng Văn Thức say sưa ngân nga lời hát then của dân tộc. Ảnh sưu tầm.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức ở bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) là một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong những điệu Then cổ. Trong cộng đồng dân tộc Thái trắng nơi đây, ông được mọi người kính trọng gọi là “Mo Thức”. Từ nhiều năm nay, không kể ngày nắng hay ngày mưa, mỗi khi gia đình nào cần cúng giải hạn, cầu mùa, cúng cưới hỏi hay làm lễ cấp sắc…, mo Thức đều lặn lội đến tận nơi để “hành lễ”. Không chỉ là người có khả năng thực hành nghi thức Then, bằng tài năng thẩm âm và tình yêu đặc biệt đối với văn hóa dân tộc Thái trắng, ông Thức còn học tập, nghiên cứu và chế tác thành công cây đàn tính tẩu có hình dáng đẹp, âm sắc đạt chuẩn dựa trên kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh.

Ngoài hát và truyền dạy Then, ông Vàng Văn Thức còn cùng nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ khác tham gia thực hành Then để xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam”. Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú về các loại hình di sản văn hoá. Mặc dù vậy, nhiều năm trước, việc phát huy các giá trị này đã gặp không ít khó khăn. Phần do thiếu nguồn kinh phí, việc đầu tư, bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống các dân tộc chưa toàn diện, mới tập trung khôi phục các lễ hội tiêu biểu của một số dân tộc; nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê, nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả; một số làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống của các dân tộc có nguy cơ mai một; các hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tuy đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng đủ nguồn lực…

Để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc, nhất là khơi gợi tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ, mới đây, HĐND tỉnh đã thành lập đoàn công tác tổ chức khảo sát về cơ cấu tổ chức và hoạt động của đội văn nghệ quần chúng tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Trước đó, nhằm phát huy kết quả đạt được của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết được ban hành là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành và nhân dân gìn giữ nét đẹp văn hoá các dân tộc trong tỉnh.

Tiến Chí