Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế

ĐNA -

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (gồm 4 di tích) là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Ở Thừa Thiên Huế đây là hệ thống di tích thứ ba được xếp hạng quốc gia đặc biệt sau Quần thể kiến trúc Cố đô Huế vào năm 2009, Di tích lịch sử đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (trong đó có hệ thống đường qua tỉnh Thừa Thiên Huế) vào các năm 2013, 2018.

Một số di tích tiêu biểu trong cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế bao gồm 09 di tích, địa điểm di tích, được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và xếp hạng từ khá sớm, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở lần xếp hạng này, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 4 di tích đã xếp hạng di tích cấp quốc gia, có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, tiêu biểu trong số 9 di tích trên, bao gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm thời niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ; Địa điểm Trường Quốc Học, là các di tích được phân bổ trên địa bàn thành phố Huế và huyện Phú Vang. Các di tích còn lại gồm: Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); Am Bà; Bến Đá; Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ; và Địa điểm Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba cũng đã được xếp hạng là  di tích cấp tỉnh, và đã được phân cấp quản lý.

Không nhiều người biết rằng, thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người đã từng sinh sống, lao động và học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian gần 10 năm (từ 1895 đến 1901 và từ 1906 đến 1909). Đây là thời kỳ đặc biệt quan trọng để hình thành nên nhân cách, lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và cũng chính trong thời kỳ này, Người đã để lại những dấu ấn sâu sắc tại mảnh đất cố đô biểu hiện vật chất bằng hệ thống 9 khu di tích, trở thành một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thừa Thiên Huế hôm nay.

Các di tích này không chỉ là các điểm tham quan thú vị mà còn trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, bồi đắp tinh thần yêu nước cho các em học sinh.

Việc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt góp phần khẳng định giá trị đặc biệt quan trọng của các di tích này. Đó không chỉ là những mảnh ghép về thời niên thiếu của Người mà còn góp phần lý giải, làm sáng tỏ cho một giai đoạn quan trọng trong tiểu sử của Hồ Chí Minh: 10 năm sinh sống và đi học ở Huế, đất kinh kỳ với bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thuận lợi cho sự phát triển nhận thức, hành động, hình thành nên bước chuyển trong tư tưởng cứu nước, cứu dân của Người trước tuổi 20. Các di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt nói trên cũng là những di tích tiêu biểu nhất, gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, rồi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Di tích thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc – thành phố Huế – tỉnh Thừa Thiên Huế là ngôi nhà đầu tiên Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống cùng thân sinh Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm từ năm 1895 đến năm 1901.

Lễ hội làng Dương Nô được tổ chức hàng năm để ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai thác phát huy các tiềm năng văn hóa địa phương.

Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ tại Trường thi Nghệ An, năm sau đó cụ tham gia kỳ thi Hội đầu tiên tại Kinh đô Huế nhưng không đỗ. Năm 1895, cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa gia đình vào Huế sinh sống để cụ có điều kiện theo học Trường Quốc tử Giám, chuẩn bị bài vở cho kỳ thi Hội tiếp theo. Khi vào Huế, được người quen giới thiệu, gia đình cụ Sắc đã thuê được một căn nhà nhỏ nằm trong khu vực thành nội (là ngôi nhà di tích hiện nay). Ngôi nhà tuy đơn sơ, giản dị với ba gian nhà gỗ, tường bằng gạch vồ, mái lợp ngói liệt; nhà bếp bằng tranh tre, nứa lá nhưng lại chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm tháng thiếu thời trên đất Huế.

Giai đoạn sống tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất nhỏ mới ở độ tuổi từ 5 đến 11, nhưng những kỷ niệm tại đây đã in sâu trong tâm khảm của Người. Đó là hình ảnh người cha mẫu mực, nghiêm khắc, tấm gương sáng cho các con trên con đường học hành, chinh phục tri thức. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã chăm lo đèn sách, tham gia học tập tại Trường Quốc Tử Giám, dự thi Hội 2 lần, khoa Mậu Tuất – 1898 và khoa Tân Sửu – 1901, lấy được học vị Phó bảng vẻ vang cho gia đình, dòng họ, quê hương.

Ngôi nhà này xưa còn ở gần nhà của ông hoàng Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi, linh hồn của Cần Vương; bên cạnh đó là hai trường võ quan của triều đình Huế: Trường Anh Danh và trường Giáo Dưỡng – địa bàn này là trọng điểm của trận địa chống Pháp năm 1885. Đặc biệt, nơi gia đình Người sống còn gần miếu Âm Hồn, ngôi miếu thờ đồng bào và chiến sỹ trận vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô, được xây dựng năm 1895. Những năm tháng sống trong khu vực Thành nội, vốn là một cậu bé thông minh thích tìm tòi, cậu Cung thường hay lui tới chơi ở khu vực miếu, tham gia các buổi lễ cúng âm hồn các chiến sĩ trận vong, cùng cảm nhận tình cảm của đồng bào, xót thương cho những người bị nạn, căm giận sự tàn ác của bọn thực dân cướp nước, nuôi mối hận quân thù trong nhận thức đầu tiên của tuổi thơ của Người.

Đặc biệt, ngôi nhà còn ghi đậm kỷ niệm buồn đau trong trái tim Người: Cuối năm 1900, thân mẫu của Người, bà Hoàng Thị Loan qua đời.

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là bảo tàng thường xuyên có những hoạt động trưng bày triển lãm giàu ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách tham quan học tập.

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ là ngôi nhà nơi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống cùng thân sinh Nguyễn Sinh Sắc, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học, từ năm 1898 đến năm 1900 theo sự giới thiệu của ông Nguyễn Viết Chuyên, nhân viên bộ Hình .

Cùng kiểu kiến trúc với di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan, nhưng Nhà lưu niệm của Người ở làng Dương Nỗ lại có nét đặc trưng riêng, nhà gỗ 3 gian hai chái, tường bao bằng đố ván, cửa bản khoa thượng song, hạ khai; nhà bếp bằng tranh tre. Là nhà ở nông thôn, lại là vùng thấp trũng nên trong nhà còn có kết cấu rầm thượng (hay còn gọi là tra) để cất trữ đồ khi ngập lụt. Xung quanh nhà, cây trái theo mùa thay nhau phủ xanh khuôn viên hơn 1.000m2. Từ các loại hoa như mai, tường vi, nhài, mộc, sứ… đến các loại cây lưu niện như thanh trà, mít, cam, hồng; các loại rau, gia vị, hoa trái theo mùa như ngò gia, sả, chanh, bông ngót, mùng tơi, vả, ớt… của vườn quê. Cùng với các thiết chế văn hóa của làng như Đình làng, nhà thờ họ, nhà thờ chi, nhánh, am miếu… hình thành một không gian văn hóa làng quê giàu bản sắc.

Đình làng Dương Nỗ, nằm trên địa bàn xã Phú Dương, huyện Phú Vang,  cùng với ba di tích: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bến Đá, Am Bà hình thành cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ. Đây là một trong những ngôi đình cổ xưa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển làng xã của cư dân có nguồn gốc từ miền Bắc trên vùng đất mới sau sự kiện Nam chinh của Vua Lê Thánh Tông (1471) vào thành Xà Bàn. Ban đầu đình có cầu trúc đơn giản bằng tranh tre nứa lá, vào đời Gia Long thứ 7 (1808) với sự hỗ trợ của Quận công Nguyễn Đức Xuyên, dân làng đã xây dựng lại Đình làng từ tranh tre nứa lá thành ngôi đình bằng gỗ lim to lớn rộng 5 gian 2 chái mái lợp ngói và hai nhà tăng sau hậu đình. Năm 1943, đình được trùng tu và rút gọn từ 5 gian 2 chái xuống còn 3 gian 2 chái như ngày nay. Đình làng Dương Nỗ là nơi thờ Thành Hoàng (7 vị tiền khai khẩn khai canh của bảy họ trong làng (Nhân thần). Ngoài ra còn có các vị quan chức cao cấp người làng Dương Nỗ có công với đất nước mang lại niềm vinh hiển cho làng.

Năm 1898, Nguyễn Sinh Cung theo cha và anh về sống học tập ở làng Dương Nỗ. Ngôi đình là nơi hằng ngày Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi viếng cảnh, học bài. Đặc biệt là dịp hội hè, tế lễ hàng năm của làng, Nguyễn Sinh Cung và bạn bè cùng lứa tuổi hòa chung với những sinh hoạt truyền thống vui tươi và lôi cuốn đến trực quan sinh động của tuổi thơ. Những khi vui chơi, học bài, xem hội, tình yêu quê hương đất nước đã chắp cánh cho tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung và Đình làng Dương Nỗ đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên. Cho đến sau này, Nguyễn Sinh Cung ngày nào đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người vẫn còn nhắc đến kỷ niệm ấu thơ của mình với Đình làng Dương Nỗ, với trí nhớ tuyệt vời và tình cảm thiết tha: Đình làng Dương Nỗ có cột to. Hồi nhỏ mình (Bác Hồ) thường ra chơi một mình ôm không đặng (được). Cột đình ngày đó đến nay vẫn còn trên vị trí ngày xưa đã minh chứng cho những kỷ niệm tuổi thơ của Bác Hồ. Không chỉ Đình làng mà còn Bến Đá, Am Bà đều in dấu hình bóng của Nguyễn Sinh Cung.

Các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm hiện vật được ngành văn hóa thường xuyên tổ chức.

Địa điểm Trường Quốc Học
Trường Quốc Học tọa lạc tại địa chỉ số 12, đường Lê Lợi, thành phố Huế. Đây là một ngôi trường lâu đời và danh tiếng vào bậc nhất của Việt Nam. Ngôi trường nổi tiếng không chỉ đã được hình thành 125 năm, có kiểu kiến trúc Pháp uy nghi, đồ sộ, không gian xanh mát, mà trường còn là cái nôi, nơi học tập, trưởng thành của nhiều bậc danh nhân trên các lĩnh vực, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh – bậc vĩ nhân của dân tộc. Ngày nay, trường THPT chuyên Quốc Học Huế vẫn là một địa chỉ giáo dục đầy uy tín, đào tạo nhân tài cho tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực.

Trường Quốc Học là nơi ghi đậm dấu ấn Nguyễn Tất Thành trong gần một năm học tập ở đây. Tháng 5 năm 1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc đem hai con trai Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành từ Nghệ An vào Huế để nhậm chức. Đến Huế sau khi đã ổn định nơi ăn, chốn ở, cụ xin cho hai con vào học trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, niên khóa 1906 – 1907 học lớp nhì tiểu học; 1907 – 1908, học lớp nhất tiểu học. Sau hai năm theo học, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành đều là những học sinh xuất sắc, nằm trong danh sách 10 học sinh giỏi nhất của trường Pháp – Việt chuyển thẳng vào trường Quốc Học, hệ trung học, niên khóa 1908 – 1909.

Thời gian Nguyễn Tất Thành theo học tại trường, Người đặc biệt học giỏi môn Hán tự, còn Pháp văn sẵn có tư chất thông minh, cộng thêm với mục đích muốn tìm hiểu tận cội rễ về nước Pháp nên chỉ trong thời gian ngắn Người đã có trình độ Pháp văn vững vàng. Tại đây, Người gặp được những thầy giáo rất tâm huyết với quốc gia, dân tộc; Người học hỏi được rất nhiều điều từ thầy học góp phần mở rộng tầm nhìn, mở mang tri thức, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của Người. Đó là các thầy giáo Hoàng Thông, Lê Văn Miến…

Người học ở trường Quốc Học tuy chỉ có một năm nhưng là một năm hết sức quan trọng tạo nên bước ngoặt lớn trên con đường hình thành tư tưởng cứu nước, cứu dân. Bởi đó là năm Người bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, với những suy nghĩ kiên định và chín chắn đã hối thúc Người cần nhanh chóng tìm một hướng đi đúng cho dân tộc.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng. Cùng trên dải đất miền Trung, di tích quốc gia đặc biệt lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nghệ An); hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế sẽ trở thành những điểm dừng chân thú vị, kết nối các vùng di sản trên con đường hành hương về nguồn của nhân dân cả nước. Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, lấy di sản làm nền tảng, xây dựng Huế thành đô thị di sản của Việt Nam, cùng với hệ thống di sản Cố đô; di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; di sản Hồ Chí Minh đang nỗ lực để trở thành lợi thế trong xây dựng và phát triển của tỉnh.

Lễ tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, từ đầu năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xây dựng đề án: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Đến ngày 5/5/2021, Đề án này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Mục tiêu của đề án là phát triển du lịch Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, phù hợp với các quy hoạch, chương trình trọng điểm phát triển du lịch – dịch vụ của tỉnh; tạo địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời là điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Về mục tiêu cụ thể, trong năm 2021, đề án sẽ xây dựng và đưa vào thực nghiệm các sản phẩm du lịch phù hợp với các đối tượng khách tham quan: Tour tuyến tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với các di tích lịch sử văn hóa và sản phẩm du lịch tại các địa phương; xây dựng chương trình Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 19/5 trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các di tích. Từ năm 2022, địa phương sẽ đưa các tour này vào khai thác phục vụ khách tham quan, du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cơ bản được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được đổi mới trưng bày, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong hệ thống điểm tham quan du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Lượng khách tham quan đến Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu mỗi năm trung bình tăng từ 5% đến 10%.

Các hoạt động giao lưu học tập được ngành văn hóa thường xuyên tổ chức.

Để triển khai đề án này, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra các giải pháp thiết thực, gồm: Nâng cao nhận thức về công tác phát huy giá trị Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế gắn với phát triển du lịch; tổ chức không gian quy hoạch hệ thống dịch vụ tại các điểm tham quan; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa; tuyên truyền, quảng bá bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường sự gắn kết hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp du lịch; xây dựng chính sách tài chính cho hoạt động của bảo tàng và tu bổ, tôn tạo di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Trong những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm về Người tại Thừa Thiên Huế đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách hàng năm. Với sự quan tâm đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích đặc biệt này, trong những năm tới, đây chắc chắn sẽ là những địa chỉ không thể bỏ qua đối với du khách khi ghé thăm Huế, thành phố di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.