Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm Phước Tích trong bối cảnh đương đại

ĐNA -

Làng Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là ngôi làng cổ còn lưu giữ được không gian cảnh quan xanh, cổ kính cùng nhiều ngôi nhà vườn-nhà rường độc đáo; Phước Tích còn có nghề làm gốm truyền thống từ hàng trăm năm nay, từng là một nguồn cung ứng quan trọng các sản phẩm gốm cho chốn cung đình. Chính nhờ những yếu tố này mà làng cổ Phước Tích đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, và đã trở thành một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước với nhiều trải nghiệm di sản văn hóa độc đáo.

Một góc làng cổ Phước Tích

Vài nét về làng cổ Phước Tích
Năm 1306, vua Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa là Chế Mân. Vua Champa đã dâng hai châu Ô và Lý (Rí) cho Đại Việt làm quà sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) cho đổi tên hai châu này thành Thuận Châu (phía nam Quảng Trị) và Hóa Châu (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng ngày nay), đồng thời có chính sách di dân từ phương bắc vào, ổn định dân bản địa. Từ đó, vùng đất Thuận Hóa trở thành vùng biên cương phía nam của Đại Việt.  Năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân chinh phạt Champa thắng lợi, những đợt di dân mới lại tiếp tục diễn ra. Theo các tư liệu thì làng Phước Tích được thành lập vào những năm đầu trong đợt di dân này vào xứ Thuận Hóa. Gia phả của họ Hoàng, dòng họ khai canh ở làng Phước Tích có ghi: “…Đến đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và thứ hai (1470 – 1471), ngài thuỷ tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cảm Quyết, Nghệ An, đã thân chinh đánh đuổi Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiếm địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương. Sau khi xem bói, biết được chỗ đất tốt tươi, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng…”.

Ngài khai canh Hoàng Minh Hùng là người làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngài vốn là võ quan, theo vua Lê Thánh Tông tham gia chiến dịch bình Chiêm năm 1470. Sau đại thắng ngài được ban chức Đô chỉ huy sứ vệ Cẩm y, quản trị phó tướng, phong tước Hùng Minh Hầu. Theo chỉ dụ của nhà vua, ngài đã ở lại, chiêu mộ được một số người đồng hương vào vùng đất này khai hoang lập ấp, những vị này đã trở thành thuỷ tổ của các họ Lê Ngọc, Lê Trọng (ngài Lê Trọng Yên), Lương Thanh, Nguyễn Bá (ngài Nguyễn Trại), Nguyễn Duy, Nguyễn Phước (ngài Nguyễn Phước Đỗ), Phan, Trần (ngài Trần Công Lĩnh) và họ Trương (thập nhất tôn phái). Sau này, làng Phước Tích phát triển thêm năm họ nữa là: Lê Văn, Lương Vĩnh, Nguyễn Đình, Lâm, Hoàng Văn. Hiện nay, tại làng Phước Tích vẫn còn lập miếu thờ ngài khai canh họ Hoàng, văn tế làng xướng tên ngài đầu tiên, các vua triều Nguyễn đã sắc phong “tiền khai canh Hoàng quý công… tôn thần”. Còn các họ khác (11 họ) được sắc phong là tiền khai khẩn.

Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An nhuận sắc năm 1553, đã ghi lại danh mục 180 làng thuộc ba huyện Kim Trà, Đan Điền và Tư Vinh của Hoá châu lúc bấy giờ, trong đó có tên làng Cảm Quyết nằm trong số 60 làng của huyện Kim Trà. Vậy có thể khẳng định, làng Phước Tích ra đời trong trong khoảng thời kỳ cuối thế kỷ XV. Để nhớ về nguồn cội, ngài Hoàng Minh Hùng và các ngài khai khẩn đã đặt tên cho quê hương thứ hai của mình là Cảm Quyết, thuộc huyện Kim Trà, châu Hóa, thừa tuyên Thuận Hoá. Tên làng Cảm Quyết dưới thời chúa Nguyễn được đổi thành Phước Giang, đến thời Tây Sơn, đổi lại là Hoàng Giang, cho đến đầu triều Gia Long đổi lại thành Phước Tích và tên gọi này tồn tại cho đến nay. Làng Phước Tích còn có tên gọi khác là làng “Kẻ Đôộc”, xuất phát từ tên gọi sản phẩm truyền thống của làng là đồ gốm.

Phước Tích còn bảo tồn được không gian xanh cổ kính, cây thị hơn 500 tuổi…

Làng Phước Tích có phía tây giáp làng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) và làng Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng), phía đông và phía nam giáp làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng), phía bắc giáp làng Lương Điền và hai làng Mỹ Xuyên, Phú Xuân (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền). Điểm đặc biệt là hầu hết các làng giáp với Phước Tích đều có ranh giới tự nhiên là sông, ao, hói, chỉ có một phần đất làng Phú Xuân giáp với Phước Tích là quốc lộ 49B đi qua hai làng.

Về đặc điểm đất đai, địa hình, với diện tích là 28ha, gồm các loại: Đất thổ cư (16 ha); đất hồ sen (2 ha); đất vườn (3 ha); đất nghĩa địa (7 ha). Qua các loại đất này, cho thấy mặc dù là một làng tọa lạc ở nông thôn, nhưng Phước Tích không có đất ruộng, chỉ có đất thổ cư xen kẽ với đất vườn, ao hồ. Địa hình Phước Tích tương đối bằng phẳng, chỉ có khu vực cồn Trèng và lò Gốm hơi cao, còn lại là một bình diện phẳng. Người dân Phước Tích sinh sống bằng các nghề thủ công truyền thống (chủ yếu là nghề gốm), dạy học, công chức… Dân số làng Phước Tích có xu hướng giảm dần theo thời gian do đại bộ phận dân làng đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác: Thời kỳ nghề gốm thịnh đạt, toàn làng có 1.900 người. Năm 1981, giảm còn 651 người; Năm 2004 chỉ có 452 người; Năm 2008 có 140 hộ dân với dân số 489 nhân khẩu. Hiện nay, làng cổ Phước Tích chỉ có khoảng 117 hộ với 320 nhân khẩu.

Tuy có biến đổi ít nhiều bởi thời gian, sự khắc nghiệt của thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh và cả những tác động của con người. Song nhìn chung Phước Tích vẫn còn bảo tồn được một không gian khá hoàn thiện của ngôi làng cổ của người Việt ở miền Trung cả về văn hoá vật chất cũng như văn hoá tinh thần. Năm 2009, Làng cổ Phước Tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 832/QĐ-BVHTTDL ngày 03/3/2009 công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Những năm gần đây với sự nỗ lực của Chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, huyện, nghề Gốm Phước Tích đã được hồi sinh và những sản phẩm làm ra vẫn mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời của quê hương Phước Tích nhưng mẫu mã đã thay đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng. Năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 14/04/2014 công nhận làng nghề Gốm Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền là Làng nghề truyền thống. Việc công nhận danh hiệu này sẽ giúp cho gốm Phước Tích khẳng định được thương hiệu gốm đã hình thành từ lâu đời. Đồng thời góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của ngôi làng cố Phước Tích đến du khách trong nước và quốc tế.

Phục hồi nghề làm gốm truyền thống

Giá trị của nghề Gốm Phước Tích
Giá trị lịch sử
Cùng với quá trình hình thành làng Phước Tích là quá trình hình thành, phát triển nghề gốm. Nơi đây có vị trí cao ráo, lò gốm có thể thổi lửa bất cứ lúc nào, thuận tiện mà không sợ ngập úng hoặc bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Đồng thời, ở cạnh nguồn nước của sông Ô Lâu cùng với giao thông bằng đường thủy từ sông Ô Lâu tỏa đi các địa phương trong Nam, ngoài Bắc, rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm của làng nghề. Đây là những tiền đề, cơ sở vững chắc để hình thành và phát triển nghề Gốm Phước Tích về sau. Một trong những nhân vật gắn bó mật thiết với nghề Gốm Phước Tích đã tạo nên tên gọi làng “Kẻ Đôộc”, đó là Ông Đôộc. Qua các lời kể lưu truyền của làng Phước Tích, Ông Đôộc là bạn của ngài Thỉ tổ Hoàng Minh Hùng, vóc người khỏe mạnh, tướng mạo bặm trợn, thạo nghề sông nước và rất giỏi việc làm gốm. Ông Đôộc đã ở lại và truyền dạy tận tình cho dân làng tất cả các quy trình kỹ thuật của nghề gốm. Đến khi mẻ gốm đầu tiên do người trong làng đảm trách ra lò hoàn hảo thì ông Đôộc lặng lẽ ra đi. Dân làng tưởng nhớ công lao của ông nên từ đó gọi sản phẩm của mình là Kẻ Đôộc, hay đồ Đôộc.

Từ khi hình thành đến khi nghề gốm phát triển thịnh vượng đã tạo nên cuộc sống ấm no, khá giả cho người dân Phước Tích. Dân làng đã mua gỗ dựng nhà ở khang trang hơn, xây dựng nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình làng, đền miếu, nhà thờ họ uy nghiêm. Vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, các ngôi nhà rường, đền, miếu đình chùa ở Phước Tích được xây dựng nhiều hơn. Bởi vậy hiện nay, làng Phước Tích còn hàng chục ngôi nhà rường cổ mang nhiều giá trí lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.

Có thể khẳng định sự hình thành và phát triển của làng Phước Tích, của nghề Gốm Phước Tích trong thế kỷ XVIII đã góp phần làm rõ thêm lịch sử hình thành làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, một số nghệ nhân có tay nghề cao đã được điều động làm việc trong các đội thợ Tượng cục của triều Nguyễn đã góp phần hình thành nên diện mạo kiến trúc một số công trình ở cung đình, các lăng tẩm, dinh thự của vua quan triều Nguyễn ở Kinh đô Huế.

Làng có nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng

Giá trị văn hóa
Đặc trưng của sản phẩm gốm Phước Tích là gốm không tráng men, hình dáng cân đối, ít được trang trí thể hiện văn hóa mộc mạc, chân quê, đa dạng về loại hình đã đáp ứng được cho đối tượng sử dụng chính là người dân nông thôn, bình dân ở miền Trung-Việt Nam trong văn hóa gia dụng, văn hóa tín ngưỡng, kiến trúc vào trước năm 1975.

Bên cạnh chế tác các sản phẩm gốm, gạch, ngói âm dương, người dân làng gốm còn sáng tạo và lưu giữ một hệ thống kho tàng tri thức dân gian cũng như ngôn ngữ chuyên dụng nghề nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, tín ngưỡng của nghề gốm. Những giá trị này đang được gìn giữ, sử dụng hàng ngày và phát huy phù hợp trong các hoạt động du lịch tại làng gốm Phước Tích. Hệ thống di tích kiến trúc tín ngưỡng của nghề gốm khá phong phú về loại hình, đang được bảo tồn và phát huy giá trị tốt chứng minh văn hóa tín ngưỡng, văn hóa kiến trúc của người làm gốm Phước Tích khá đang dạng, phong phú.

Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau.

Giá trị khoa học
Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu. Sự tồn tại và phát triển của làng gốm tạo nên một cơ sở dữ liệu khoa học cho việc kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng nghề truyền thống Phước Tích nói riêng và di sản văn hóa Huế nói chung.

Hiện trạng của nghề Gốm Phước Tích hiện nay cũng là đối tượng chân thực nhất phục vụ cho công nghiên cứu về lịch sử, dân tộc học, xã hội học làng xã, kiến trúc nông thôn làng nghề… Qua đó, có thể rút ra được những mô hình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, phát triển kinh tế phù hợp đối với những làng quê, làng nghề khác ở Việt Nam.

Giá trị kinh tế
Hiện nay, khu vực lò gốm đã được đầu tư xây dựng để phục vụ các kỳ Festival Huế (năm chẵn) và Festival nghề truyền thống Huế (năm lẻ). Cùng với đó, có lò gốm kiểu lò Hương Canh, đây là dấu tích của nghề gốm thủ công xưa của dân làng Phước Tích. Ngày 29 tháng 12 năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích tại Quyết định số 3334/QĐ-UBND, trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến việc bảo tồn, khôi phục và phát triển nghề gốm để phục vụ phát triển du lịch làng cổ Phước Tích. Với những định hướng, quyết tâm của các cấp chính quyền, thời gian tới, sản phẩm gốm Phước Tích sẽ ngày càng được cải tiến về mẫu mã cùng với chất lượng bởi những nghệ nhân và một số người trẻ với ước muốn làm sống dậy nghề gốm nổi tiếng của làng, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh thế của địa phương.

Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống.

Hiện trạng của nghề Gốm Phước Tích
Trải qua bao biến thiên của lịch sử nghề Gốm Phước Tích mặc dù đã dần dần không còn hưng thịnh như xưa, nhưng vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với nghề gốm và hàng ngày miệt mài sản xuất đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân vẫn đang hàng ngày cần đến những vật dụng thân quen của gốm Phước Tích. Tuy nhiên, tư duy về nghề sản xuất gốm trong một bộ phận dân cư là không mang lại giá trị kinh tế lớn, biểu hiện ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc sản xuất không thường xuyên, chủ yếu là sản xuất theo thời vụ để phục vụ cho việc tham dự hội chợ thương mại, Festival hàng năm, công nghệ sản xuất chưa chuyên nghiệp, mẫu mã sản phẩm còn thiếu tính sáng tạo. Cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất. Các cơ sở vật chất phục vụ trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm phục vụ du lịch mang tính “tự cung tự cấp”. Chưa chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường để có chiến lược marketing phù hợp để phát triển.

 Hiện nay, làng cổ Phước Tích có khoảng 117 hộ với 320 nhân khẩu, trong đó 63% là hưu trí, nguồn nhân lực chiếm khoảng 37%, thanh niên trong làng phần lớn đi làm ăn xa, một số đi học. Nhưng hoạt động sản xuất gốm, lao động theo nghề này ngày càng ít, hiện nay nghề này có khoảng 17 lao động. Những người trẻ ngày nay ít người muốn nối nghề vì nghề gốm vất vả, thu nhập không bao nhiêu lại đòi hỏi phải có sự sáng tạo không ngừng, cho nên thanh niên trong làng giờ toàn kiếm những công việc khác, còn người già giờ đây chỉ khi nào diễn ra các hoạt động quảng bá làng nghề các cụ mới ra làm để tái hiện lại nghề xưa cho du khách tìm hiểu. Sản phẩm gốm được sản xuất ra chủ yếu hàng ký gửi, phục vụ du lịch, trưng bày ở các lễ hội và gốm trang trí ở trong địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận nên chưa vươn tới được những thị trường có tiềm năng lớn.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống Gốm Phước Tích là việc làm rất cần thiết nhằm sử dụng nguồn lực từ tài nguyên ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Huế trong bối cảnh đương đại. Với những giá trị độc đáo, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Ban quản lý Di tích Kiến trúc Nghệ thuật làng cổ Phước Tích và các đơn vị có liên quan xây dựng hồ sơ di sản “Nghề Gốm Phước Tích” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia trong thời gian đến.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghề Gốm Phước Tích
Xác định mục tiêu việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Gốm Phước Tích là phải đặt trong xu thế đổi mới, hội nhập; có nghĩa là vừa bảo tồn nghề gốm theo hướng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nhưng đồng thời vừa bảo tồn bản sắc văn hóa. Trên cơ sở đó, định hướng bảo tồn và phát huy nghề Gốm Phước Tích mới phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”.

Các sản phẩm gốm Phước Tích phục vụ du lịch

Để thực hiện định hướng trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương và nhân dân về giá trị đặc trưng của nghề Gốm Phước Tích truyền thống. Điều đó có nghĩa phải tạo nên sự nhận thức đúng về vai trò của sản phẩm gốm trong cộng đồng xã hội. Muốn vậy người dân phải có sự hiểu biết sâu sắc và tường tận giá trị nghề Gốm Phước Tích. Sự hiểu biết đó không phải có trong sách vở, trong tư duy của nhà nghiên cứu, mà phải trở thành nhận thức ngay trong chính đời sống cộng đồng, có nghĩa là người dân phải tự hiểu được cái hay, cái đẹp của nghề gốm để có thái độ, trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn những giá trị nghề Gốm Phước Tích. Bởi vậy, vấn đề đầu tiên cần cho việc định hướng và bảo tồn phát huy giá trị nghề gốm truyền thống là xây dựng ý thức trân trọng các giá trị truyền thống của ông cha. Để thực hiện các giải pháp trên chúng ta cần tiến hành các biện pháp cụ thể sau đây:

Thông qua các nghệ nhân Gốm Phước Tích lão thành để tổ chức giáo dục tuyên truyền sự hiểu biết về giá trị, kỹ thuật nghề thủ công này, hoặc lồng ghép các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa nông thôn với việc tuyên truyền giữ gìn nghề gốm truyền thống. Điều đó có nghĩa là phải tăng cường vai trò của cộng đồng làng xã, nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy nghề Gốm Phước Tích.

Thường xuyên tổ chức các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thông qua đó vừa phục hồi các giá trị truyền thống vừa giáo dục thanh thiếu niên hiểu biết những phong tục lễ hội và qua đó sản phẩm gốm có cơ hội được quảng bá. Từ đó kích thích niềm tự hào của người dân về sản phẩm gốm và có thái độ trân trọng nghề Gốm Phước Tích truyền thống.

Thứ hai, cần phải xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Gốm Phước Tích truyền thống trong xu hướng biến đổi và hội nhập hiện nay là công việc tự thân của chính cộng đồng. Điều đó có nghĩa là các nhà khoa học, các nhà quản lý chỉ có thể hướng cho người dân cách thức bảo tồn, phát huy và biến đổi như thế nào, cụ thể ra sao, cái gì không được thay đổi, cái gì có thể thay đổi, tổ chức nghề gốm trong hoàn cảnh mới ra sao,… chứ không thể làm thay, ra chỉ thị, gò ép người dân phải thực hiện theo “kịch bản” của mình. Điều đó mới tạo nên sức sống bền vững cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Gốm Phước Tích. Nếu thiếu điều đó, mọi mong đợi tốt đẹp của chúng ta hoặc là chỉ đạt được một cách khiên cưỡng hoặc là không đạt được. Bởi vậy để làm tốt việc phục hồi và phát huy giá trị nghề Gốm Phước Tích truyền thống theo giải pháp trên, chúng ta cần có các biện pháp sau đây:

Mọi nội dung thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Gốm Phước Tích truyền thống cần phải được sự bàn bạc thống nhất của tất cả các thành viên cộng đồng, đặc biệt là vai trò của trưởng làng, trưởng họ để động viên tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương chính sách phát triển nghề Gốm Phước Tích.

Cộng đồng dân cư tự quyết định cho mình cách thức, nội dung cần bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm; đặc biệt là phải xác định trong quá trình thực hiện nghề gốm hiện nay cái gì phải được giữ gìn như kỹ thuật, mô típ hoa văn…; cái gì có thể thay đổi như mẫu mã sản phẩm… Đồng thời cần gắn việc bảo tồn nghề gốm với lễ hội truyền thống của làng, làm cho tính chất tâm linh gắn kết với tình làng nghĩa xóm và trách nhiệm bảo tồn nghề gốm của cả cộng đồng làng Phước Tích.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy các giá trị nghề gốm truyền thống gắn với đời sống văn hóa cộng đồng và quan hệ xã hội, chuẩn mực đạo đức, giá trị nhân bản của chính cộng đồng dân cư làng Phước Tích. Bởi vậy, muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm chúng ta cần bảo tồn giá trị văn hóa làng Phước Tích. Mất không gian văn hóa truyền thống thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề gốm sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây được coi là định hướng bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống trong môi trường “động” của cộng đồng (khác với môi trường “tĩnh” là bảo tồn và phát huy trong sách vở, trong chủ trương, trong kịch bản…). Để thực hiện giải pháp này, chúng ta cần tiến hành các biện pháp đồng bộ sau đây:

Đối với văn hoá vật thể, cần phải giữ lại những gì là giá trị đặc trưng của văn hóa đảm bảo đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây, như những ngôi nhà rường cổ, nhà vườn truyền thống, đình, chùa, miếu, cây đa, bến nước… Đó là những việc làm cần thiết để bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Gốm Phước Tích truyền thống.

Đối với văn hoá phi vật thể, những nét đẹp trong lĩnh vực văn hóa này được thể hiện qua mối quan hệ cộng đồng, dòng họ, quan hệ giữa người với tự nhiên, giữa người với người… Đó là nề nếp gia phong, lòng yêu quê hương, yêu lao động, sự gắn bó của con người với thiên nhiên, sự mến khách với tình cảm chân thành mộc mạc. Những mối quan hệ đó được thể chế hóa bằng tổ chức xã hội truyền thống với vai trò của những trưởng làng, trưởng họ, với hệ thống hương ước, gia phong. Những giá trị di sản văn hóa phi vật thể này ở làng Phước Tích cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Thứ tư, cần phải tổ chức tập hợp và tạo cơ hội cho các nghệ nhân lão thành truyền dạy nghề Gốm Phước Tích cho người dân trong làng; đây được coi là giải pháp cần thiết để vừa giữ gìn kỹ thuật nghề gốm không bị thất truyền, vừa đảm bảo giá trị chất lượng gốm, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa làng Phước Tích. Đồng thời có chính sách, cơ chế tôn vinh, khen thưởng, xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề Gốm Phước Tích. Để thực hiện giải pháp này, chúng ta cần tiến hành những biện pháp sau:

Thực hiện chương trình thống kê, đánh giá tình hình các nghệ nhân gốm ở làng Phước Tích, việc thống kê này không chỉ dừng lại ở lý lịch trích ngang, mà còn phải đánh giá tình trạng sức khỏe, tri thức, kỹ năng và bí quyết thực hành nghề gốm của từng nghệ nhân lão thành. Để làm được điều này cần có nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các nghệ nhân và lập kế hoạch, biện pháp truyền dạy nghề gốm cho cộng đồng nhân dân trong làng. Đồng thời, tổ chức ghi chép, lưu giữ lại các tư liệu kỹ thuật mà các nghệ nhân truyền dạy để tạo nhiều kênh có thể giữ gìn các giá trị của nghề thủ công này.

Thứ năm, tập trung bảo tồn nghề Gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững. Thường xuyên tổ chức quảng bá, giới thiệu quy trình thực hành và sản phẩm gốm Phước Tích cho mọi người, nhất là khách du lịch một cách chuyên nghiệp và bài bản. Để thực hiện giải pháp này, cần tiến hành một số nhiệm vụ sau: Tổ chức giới thiệu quy trình thực hành nghề gốm và sản phẩm gốm tại các kỳ Festival Huế, Festival làng nghề truyền thống Huế, lễ hội Hương xưa làng cổ, các hội chợ cấp huyện, tỉnh và hội chợ quốc gia, quốc tế. Giới thiệu quy trình và sản phẩm Gốm Phước Tích tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh ở miền Trung. Tích cực quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về làng cổ Phước Tích nói chung và nghề gốm nói riêng. Quy hoạch, xây dựng các điểm nghỉ chân tại chỗ, nhà nghỉ cộng đồng, homstay với mục đích phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh mở rộng thị trường, tăng cường đổi mới các sản phẩm Gốm Phước Tích để phù hợp thị hiếu của du khách. Đây được coi là một giải pháp bảo tồn trong phát triển của nghề Gốm Phước Tích truyền thống. Để thực hiện giải pháp này cần tiến hành các công việc sau: Tổ chức điều tra nghiên cứu xác định những công đoạn nào, yếu tố nào của nghề gốm, sản phẩm gốm cần phải bảo tồn nguyên trạng/ giữ nguyên truyền thống, công đoạn nào, yếu tố nào của nghề gốm/ sản phẩm gốm có thể biến đổi. Thành lập bộ phận tìm hiểu nghiên cứu nhu cầu của thị trường, thị hiếu của du khách về sản phẩm gốm trong nước, từng đối tượng khác nhau và cung cấp những khuôn mẫu, kỹ thuật, những hoa văn cho các nghệ nhân làm gốm đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu du khách. Cần phải thường xuyên tìm hiểu thị hiếu du khách, nhu cầu thị trường để cải tiến mẫu mã sản phẩm và nếu cần có thể bổ sung các mô típ hoa văn mới, màu sắc mới,… Nghiên cứu đưa lò nung bằng khí hóa lỏng hoặc điện năng lượng tái tạo vào nung gốm. Các loại lò này nhỏ gọn so với lò hầm thủ công, ít khói bụi, điều tiết nhiệt độ giúp sản phẩm không nứt vỡ, rò rỉ, vận hành đơn giản, ít hao tốn sức lao động đặc biệt tránh được những hệ lụy từ việc khai thác gỗ vừa bảo vệ nguồn nước và sức khỏe con người. Với nguồn nguyên liệu đất ngày càng có nhiều tạp chất, cần phải đưa máy tinh lọc đất, lưới lọc đất vào sử dụng nhằm phân loại đất chọn ra tạp chất và giữ lại chất đất mịn để tạo hình gốm.

Thứ bảy, có thể định hướng việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề Gốm Phước Tích truyền thống bằng việc nghiên cứu chọn lựa một mô hình mẫu (một gia đình làm gốm điển hình) cho việc bảo tồn, phát huy nghề gốm truyền thống. Từ đó, tổ chức xây dựng những chuẩn mực cho việc bảo tồn và phát huy nghề gốm, từ đó nhân rộng lên các gia đình khác trong làng Phước Tích. Để thực hiện giải pháp này, theo chúng tôi cần tiến hành một số nhiệm vụ sau đây: Khảo sát, điều tra chọn một gia đình có mô hình thực hành nghề gốm hay, tổ chức có hiệu quả. Từ mô hình đã lựa chọn, nhân rộng thêm để các gia đình làm gốm khác nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Điều đó cũng đồng nghĩa phát động phong trào phục hồi và phát huy nghề Gốm Phước tích trong bối cảnh hiện nay.

Có thể nói, nghề Gốm Phước tích là sự kết tinh sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Khi chế tác sản phẩm, các nghệ nhân ngoài việc vận dụng những kỹ thuật được học từ ông cha còn phải tìm hiểu, khám phá và sáng tạo ra những họa tiết, kỹ thuật, mẫu mã mới, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nghề gốm là một trong những đặc điểm nhận diện văn hóa, phản ánh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng cư dân thực hành nghề gốm tại làng Phước Tích. Cùng trong một làng nhưng sản phẩm của mỗi một nghệ nhân có hồn riêng, đặc trưng riêng. Vì vậy hiện nay, nghề Gốm Phước tích đã góp phần lưu truyền, lưu giữ và phổ biến các biểu tượng văn hóa, là động lực để phát triển, phát huy giá trị di sản của các thế hệ tiền nhân, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”.

TS.Phan Thanh Hải

Tài liệu tham khảo
Dương Văn An (2001), Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc tân dịch, hiệu đính, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế (2008), Lý lịch di tích Làng cổ Phước Tích, lưu tại Bảo tàng.
Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Thừa Thiên Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế (2004), Làng di sản Phước Tích, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Huế.
Nguyễn Hữu Thông (1994), Nghề và làng nghề thủ công truyền thống Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.
Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Quang Trung Tiến (1994), Về nguồn gốc nghề gốm ở Phước Tích, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Thông & Nhóm tác giả (2011), Từ kẻ Đôộc đến Phước Tích – Chân dung ngôi làng gốm cổ bên dòng Ô Lâu, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.
UBND huyện Phong Điền (2005), Địa chí Phong Điền, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.