Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích cố đô Huế nhìn từ quá trình quy hoạch, xây dựng kinh đô Huế trong lịch sử  

ĐNA -
Sau khi quy hoạch chung toàn tỉnh và quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác triển khai quy hoạch, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để sớm trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án quy hoạch quần thể di tích cố đô Huế lần này không chỉ kế thừa các bản quy hoạch đã được phê duyệt và triển khai trước đây mà còn nghiên cứu mở rộng để phù hợp với mục tiêu xây dựng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế.
Khu vực Trung tâm thành phố Huế gắn liền với sông Hương. Ảnh: Văn Đình Huy

Cách đây hơn 30 năm, ngày 11/12/1993, tổ chức UNESCO đã đưa Quần thể di tích cố đô Huế vào Danh mục di sản thế giới với một sự công nhận đặc biệt:

Quần thể di tích Huế: Kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, thành phố đã được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 dựa theo các triết lý Đông phương và truyền thống Việt Nam. Sự hòa quyện vào môi trường thiên nhiên, vẻ đẹp của kiến trúc đặc biệt và các công trình có trang trí là một phản ánh độc đáo của nền đế chế Việt Nam ngày xưa vào thời đạt đến đỉnh cao của nó”. (Amadou Mahtar M’Bow, 1999).
Gía trị di sản văn hóa của Huế đã được thế giới công nhận vì đây là nơi duy nhất tại Việt Nam còn bảo lưu được một cách gần như hoàn hảo diện mạo của một kinh đô thời kỳ quân chủ phong kiến. Và sau quần thể kiến trúc cung đình, các di sản phi vật thể (Nhã nhạc-Âm nhạc cung đình Việt Nam, 2003), di sản tư liệu (Thơ văn trên kiến trúc cung đình, 2016, Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh, 2024) đã tiếp nối được UNESCO vinh danh. Di sản văn hóa Huế là một phức hệ vô cùng phong phú và độc đáo.
Chính vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế một cách toàn diện, bền vững và hiệu quả thì cần có một chiến lược quy hoạch cùng những kế hoạch, giải pháp phù hợp trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về lịch sử hình thành, phát triển và những đặc trưng của đô thị Huế cùng những di sản liên quan. Đó cũng là nội dung chính mà tham luận này sẽ đề cập.
Kinh thành và quần thể di tích cố đô gắn với hệ sông Hương đã được quy hoạch bài bản từ đầu thế kỷ 19

Tổng quan về lịch sử xây dựng kinh đô Huế

Khái niệm kinh đô/kinh thành Huế thường được sử dụng với 3 ý nghĩa có nội hàm tương đối khác nhau. Theo nghĩa rộng nhất, khái niệm này dùng để chỉ tổng thể kiến trúc của kinh đô Huế, bao gồm cả Kinh thành cùng toàn bộ các kiến trúc bên trong nó, hệ thống lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, hành cung, chợ búa, cảng khẩu, hệ thống phòng thủ bao quanh… Tức là khái niệm Kinh thành tương đương với khái niệm kinh đô. Theo nghĩa hẹp hơn, Kinh thành Huế dùng để chỉ hệ thống kiến trúc được giới hạn từ vòng tường thành ngoài cùng của Kinh đô Huế trở vào, tức gồm 3 lớp thành: Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành và các kiến trúc bên trong. Còn theo nghĩa hẹp nhất, Kinh thành chỉ có nghĩa là lớp thành quách ngoài cùng mang chức năng phòng thủ của kinh đô Huế.
Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm Kinh thành Huế theo nghĩa rộng nhất, tức tưong đương khái niệm kinh đô. Thời Nguyễn, thường gọi là Kinh sư (1).
Những cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng Kinh đô Huế đã được thiết lập từ thế kỷ XVII với vai trò nổi bật của các chúa Nguyễn.
Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn vùng đất Kim Long (thuộc phường Kim Long, Thành phố Huế ngày nay) để xây dựng thủ phủ của Đàng Trong, đồng thời mở cảng Thanh Hà để tiếp nhận hàng hóa từ Hội An. Một đô thị bên bờ sông Hương với các ý tưởng quy hoạch khá rõ ràng đã được thực hiện.
Năm 1687, sau 51 năm xây dựng thủ phủ tại vùng đất Kim Long, vị chúa Nguyễn đời thứ 5 là Nguyễn Phúc Thái đã quyết định dời đô về đất làng Phú Xuân, cách vị trí cũ 5 dặm về phía hạ lưu. Chính ông là người đã nhìn nhận ra vai trò đặc biệt của vùng đất nằm giữa sông Hương và sông Kim Long với các yếu tố phong thủy hoàn hảo như núi Ngự Bình làm Tiền án, Cồn Hến, cồn Dã Viên trên sông Hương làm thế tay ngai “tả long hữu hổ”… Việc xây dựng thủ phủ Phú Xuân đã được tiến hành ngay sau đó với các hoạt động: “…đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thể chế rất tráng lệ”(2).
Đến năm 1738, sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Khoát một lần nữa tái quy hoạch vùng đất Phú Xuân để xây dựng Đô thành của vương quốc Đàng Trong. Theo ghi nhận của nhiều nhân chứng lịch sử, Đô thành Phú Xuân của họ Nguyễn lúc bấy giờ đã là một đô thị khá hoàn bị về mọi mặt: Kinh thành nằm ở bờ bắc sông Hương, hướng theo trục “Càn-Tốn” (tây bắc-đông nam), quy mô to lớn, kiến trúc hoành tráng; các khu vực đền miếu lăng tẩm bố trí ở phía Tây và Tây Nam; các khu vực buôn bán, chợ búa bố trí tại phía Đông nối kết từ Bao Vinh-Thanh Hà đến tận cảng khẩu quốc tế Hội An (Quảng Nam). Đây là một mô hình đô thị đặc biệt và rất hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam (3).
Thủy hệ bên trong và bên ngoài Kinh thành Huế được thế kế công phu và hài hòa với tự nhiên

Suốt cả thời kỳ quân Trịnh chiếm đóng cho đến hết triều đại Tây Sơn, đất Phú Xuân vẫn giữ vai trò là đô thị trung tâm của Đàng Trong, rồi kinh đô của cả nước thống nhất. Tuy nhiên, thời kỳ này hầu như không có thêm sự xây dựng bổ sung đáng kể nào (4).

Ngay sau khi thống nhất đất nước và thành lập vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã quyết định chọn Phú Xuân để xây dựng Kinh đô cho nước Việt Nam (sau là Đại Nam) thống nhất.
Công việc này được bắt đầu từ năm 1804, kéo dài qua suốt thời Gia Long (1802-1820), qua gần hết thời Minh Mạng (1820-1840) mới cơ bản hoàn chỉnh.
Vua Gia Long đã cho xây dựng Hoàng thành (từ 1804), rồi Kinh thành cùng các công trình kiến trúc liên quan (từ 1805), xây dựng đàn Nam Giao (1806), đàn Xã Tắc (1806), Kỳ Đài (1807), Văn Miếu (1808), trùng kiến lăng các chúa Nguyễn (1807-1808), quy hoạch và xây dựng Thiên Thọ lăng (tức lăng Gia Long)…
Vua Minh Mạng quy hoạch lại Hoàng thành và Tử cấm thành (từ 1821 với việc xây dựng Thế Miếu), xây dựng Ngọ Môn (1833), hoàn chỉnh việc xây tường gạch cho Kinh thành, xây dựng các vọng lâu trên cửa thành (1829-1831), đào hoàn chỉnh sông Ngự Hà bên trong Kinh thành (1825) cùng hệ thống hào, sông hộ thành bên ngoài, xây dựng Hổ Quyền (1830), Võ Miếu, quy hoạch và xây dựng Hiếu lăng (tức lăng Minh Mạng, từ 1840)…
Đến thời vua Thiệu Trị (1841-1847) và vua Tự Đức (1848-1883), Kinh thành Huế vẫn được xây dựng bổ sung một số công trình, đáng kể nhất là Xương lăng (lăng Thiệu Trị) và Khiêm lăng (lăng Tự Đức), một số khu vườn hoàng gia bên trong và ngoài Kinh thành cùng một số biệt cung, hành cung khác. Có thể nói, bốn vị vua đầu triều Nguyễn đã tạo nên một kinh đô Huế hoàn bị và vẫn mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông truyền thống.
Nhưng từ thời vua Đồng Khánh (1885-1888) đến thời các vua Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945), do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, một số công trình đã sử dụng vật liệu mới, thậm chí mang phong cách châu Âu được xây dựng thêm hoặc thay thế công trình cũ ở cả bên trong và bên ngoài Kinh thành, như Tư Lăng (lăng Đồng Khánh), Ứng Lăng (lăng Khải Định), cung An Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức… Điều đó khiến diện mạo kiến trúc của kinh đô Huế càng thêm phong phú, đa dạng.
Như vậy, việc xây dựng kinh đô Huế đã được đặt cơ sở từ thời chúa Nguyễn, nhưng các vua Nguyễn mới thực sự là những người kiến tạo và hoàn chỉnh về mọi mặt, từ quy hoạch đến cấu trúc đô thị. Ở phần viết tiếp theo tôi sẽ phân tích kỹ hơn về quy hoạch và cấu trúc kinh đô Huế.

Bản đồ quy hoạch lăng vua Gia Long (Thiên Thọ lăng) và lăng vua Minh Mạng (Hiếu lăng) của bộ Công triều Nguyễn.

Quy hoạch và cấu trúc kinh đô Huế- Môi trường thiên nhiên và yếu tố phong thủy
Rõ ràng là việc quy hoạch kinh đô Huế thời Nguyễn đã có sự kế thừa những ý tưởng quy hoạch đô thị có từ thời chúa Nguyễn. Năm 1981, Ngài Tổng giám đốc UNESCO khi đánh giá về di sản Huế đã nhận ra điều này:
Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và Cầu Hai. Và chính nhờ thế, họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế, chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm”(5).
Đầu thế kỷ XIX, khi bắt tay vào xây dựng kinh đô của cả nước thống nhất, vua Gia Long đã xây dựng Kinh thành ngay trên đất của Đô thành Phú Xuân cũ nhưng mở rộng quy mô ra cả 4 hướng. Kinh đô Huế được quy hoạch dựa trên các nguyên tắc của khoa học phương Đông về xây dựng thành trì vốn được người Việt Nam tích lũy qua hàng ngàn năm. Các yếu tố phong thủy, các nguyên tắc của Ngũ hành được nghiên cứu và áp dụng hết sức tinh tế.
Về tổng thể, kinh đô Huế được bố trí trong một không gian thật hoành tráng:
Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn: sông lớn giăng phía trước; núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô của nhà vua” (6).
Các tác giả bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn khi mô tả về kinh đô Huế lúc bấy giờ đã phân chia tổng thể kiến trúc Huế thành 9 hệ thống: Thành trì, Đàn miếu, Sơn lăng, Uyển hựu, Đài tạ, Phủ đệ, Quan thự-đồn lũy, Đền thờ và Chùa quán. Dưới đây, tôi cũng sẽ dựa trên sự phân loại này để phân tích quy hoạch và cấu trúc của kinh đô Huế thời Nguyễn, tuy nhiên để đảm bảo tính tổng thể và tính logic, tôi tạm chia thành các phần sau: Thành trì, đài tạ và hệ thống phòng thủ; Đàn miếu và chùa quán; Lăng tẩm; Hệ thống vườn ngự; Phố thị và chợ búa; Hệ thống phủ đệ, Hệ thống hành cung và một số công trình khác.
Kinh thành và hệ thống phòng thủ 
Nhìn một cách tổng thể, thành trì thời Nguyễn bao gồm cả 3 vòng thành bảo vệ kinh đô (Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành) và hệ thống phòng thủ từ xa bên ngoài. Như sách Đại Nam nhất thống chí đã nói rõ, triều Nguyễn dựa vào sự “sâu hiểm” của cửa Thuận An, Tư Hiền để giữ mặt biển cùng sự hiểm trở của Hoành Sơn (đèo Ngang) và Hải Vân Sơn để phòng thủ đường bộ. Trên đường bộ, có hệ thống đồn lũy xây dựng ngay trên đỉnh đèo Hải Vân (Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan) và đèo Ngang (Hoành Sơn Quan) chắn giữ. Ở đường biển thì có cả một hệ thống đồn lũy khá dày đặc từ cửa Tư Hiền qua cửa Thuận An, dọc theo sông Hương đến tận Kinh thành mà nổi bật là Trấn Hải Thành trấn giữ ngay trước cửa Thuận An và Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá Nhỏ) trấn giữ ở góc Đông Bắc Kinh thành.
Tuy nhiên, quan trọng và trực tiếp nhất vẫn là Kinh thành Huế cùng các vòng thành bên trong. Xét về mặt phong thủy, Kinh thành Huế nằm sát bờ bắc sông Hương, trên chính nền cũ của Đô Thành Phú Xuân được mở rộng về 4 phía và vẫn trên trục “tọa Càn, hướng Tốn”, lấy Ngự Bình làm tiền án, hai hòn đảo Cồn Hến (Bộc Thanh) và Dã Viên làm thế tay ngai “tả long hữu hổ”. Ngoài hướng chính là Tây bắc-Đông nam, Kinh thành còn có một hướng nữa-hướng Chính nam-để liên kết giữa Kinh thành và đàn Nam Giao, đàn tế quan trọng nhất của vương triều nằm cách Kỳ Đài 3km về phía nam. Sông Hương ngoài vai trò là “hoành thủy” (dòng nước chảy ngang trước mặt) còn là trục liên kết mềm giữa Kinh thành với các hệ lăng tẩm, đền miếu ở phía Tây và Tây nam và các cảng thị, chợ búa ở phía đông.
Nhìn xa hơn, Kinh thành còn có núi Kim Phụng, Duệ sơn ở phía tây nam làm chỗ dựa, phá Tam Giang, cửa Thuận An và cửa Tư Hiền ở phía đông, đông nam không chỉ là cửa ngõ nối thống ra biển mà còn là “vùng dự trữ” làm nguồn lực để phát triển lâu bền.
Phần “thành” trong “Thành trì” của kinh đô Huế chủ yếu là 3 lớp thành lồng vào nhau:
Kinh thành (hay Kinh Sư thành): Hình dạng gần như vuông, mỗi cạnh dài hơn 2,2km, chu vi xấp xỉ 10km, chiều cao mặt ngoài hơn 6m, chiều dày tại chân thành 21m. Kinh thành có 10 cửa đường bộ (mặt Nam 4 cửa, các mặt còn lại đều 2 cửa), 02 cửa đường thủy đặt ở phía Tây và phía Đông; ngoài ra còn có 01 cửa phụ nối thông qua Trấn Bình Đài ở phía Đông bắc. Vòng tường thành này bao bọc lấy một khu vực có diện tích đến 5.200.000m2. Về mặt cấu trúc, Kinh thành được xây dựng theo phong cách pha trộn giữa kiểu thành Vauban và thành Việt Nam truyền thống. Kinh thành có 24 pháo đài xây lồi ra phía ngoài (7), phía trên tường thành có trổ các lỗ châu mai, có tường bắn cùng 355 xưởng súng, điếm canh bố trí ở cả 4 mặt để bảo vệ. Các cổng thành xây kiểu vọng lâu, cửa chính nằm trong thân thành (ám môn), hai tầng vọng lâu bên trên xây gạch hoàn toàn theo kiểu truyền thống.
Hoàng thành: Hình chữ nhật, mặt Nam và Bắc dài 640m, mặt Đông và Tây dài 568m, chu vi 2416m (8), cao hơn 4m, chiều dày hơn 1m, bao bọc lấy một khu vực rộng hơn 360.000m2. Hoàng thành có 4 cửa bố trí tại 4 mặt (Ngọ Môn phía Nam, Hòa Bình phía Bắc, Hiển Nhân phía Đông, Chương Đức phía Tây), nguyên có 4 khuyết đài xây lồi ra ở chính giữa của 4 mặt, năm 1833, vua Minh Mạng triệt bỏ Nam khuyết đài để xây cửa Ngọ Môn.
Tử cấm thành:  Hình chữ nhật, chiều dài cạnh Đông và Tây là 308m, chiều dài cạnh Nam và Bắc là 342m, chu vi 1.300m, tường thành cao hơn 3m, dày 0,6m, bao bọc lấy một khu vực rộng hơn 90.000m2. Tử cấm thành nguyên có 10 cửa trong đó quan trọng nhất là Đại Cung môn ở mặt Nam (mặt Đông nguyên có 4 cửa nay chỉ còn 3 là: Duyệt Thị, Hưng Khánh, Cấm Uyển; mặt Bắc có 3 cửa: Văn Phòng, Tường Loan, Nghi Phụng; mặt Tây có 2 cửa: Tây An và Gia Tường).
Ngoài ra, ở góc Đông bắc Kinh thành còn gắn liền một pháo đài nhỏ là Trấn Bình Đài. Căn cứ vào tư liệu của triều Nguyễn có thể biết, chu vi mặt ngoài vòng thành là 1.048,648m, cao 5,1m, thân dày 14,875m, trên dày 1,19m, dưới dày 1,8275m. Mặt trong chu vi 884,17m, cao 2,8475m, trên dày 0,595m, dưới dày 0,8925m (9). Thực ra, Trấn Bình đài là một thành phụ của Kinh thành, có hình lục giác không đều, tựa như hình một chiếc vương miện. Ở mặt Tây, Trấn Bình đài nối với Kinh thành bằng một cây cầu bằng gạch bắc qua hào, rồi có cửa Trấn Bình môn trổ xuyên qua thân thành. Trấn  Bình đài cũng được xây theo kiểu Vauban với tường bắn, pháo nhãn, phòng lộ, hào, thành giai… tạo thành một cứ điểm kiên cố để bảo vệ cho Kinh thành trên đường thủy nối ra biển.
Bản đồ kvbv khu vực Kinh thành Huế năm 1991.

Ngay trên tường thành mặt Nam của Kinh thành có 2 công trình khá độc đáo được xếp vào phần “Đài tạ” của sách Đại Nam nhất thống chí, đó là:

Kỳ đài (đài cờ): Nằm chính giữa mặt Nam Kinh thành, xây năm 1807 với 3 tầng bệ cao 17,5m, trên có cột cờ, trước làm bằng gỗ, sau xây bê tông. Kỳ đài là một dạng kiến trúc đặc biệt khác hẳn với kiến trúc truyền thống, tuy nhiên, về mặt ý nghĩa và phương pháp xây dựng, nó vẫn là một kiến trúc hoàn toàn kiểu Việt Nam (10).
Quan Tượng đài (hay Nam đài – đài xem thiên văn, khí tượng): Nằm ở góc Tây nam của Kinh thành, được xây năm 1827, dưới xây bệ gạch hình vuông, cao 4m, trên có đình bát giác cắm cờ ở cả 8 hướng. Đây là công trình dự báo khí tượng thủy văn cổ duy nhất còn lại ở nước ta.
Phần “trì” trong “Thành trì” của Huế được tạo thành một hệ thống-hệ thủy đạo (11) với những nét rất đặc trưng: bao bọc các lớp thành từ bên ngoài và liên kết với nhau từ bên trong để đóng nhiều vai trò cả phòng thủ, về phong thủy, về điều hòa môi trường và cấp thoát nước. Hệ thủy đạo của Kinh thành ấy đã được xây dựng và điều chỉnh, tạo cho địa cuộc Kinh thành cái thế “Tứ thủy triều quy”- bốn mặt đều là nước vây bọc. Sông Kim Long từ đầu thời Gia Long đã bị lấp hẳn ở phần phía tây để triệt tiêu cái họa “tà lưu thủy” gây bất an cho chủ nhân Kinh thành, nhưng một phần dòng sông chảy bên trong đất Kinh thành thì được cải tạo lại thành các ao hồ và một đoạn của Ngự Hà. Từ năm 1825, do nhu cầu giao thông và cấp thoát nước, vua Minh Mạng cho đào thêm đoạn Ngự Hà ở phía tây, nối thông ra bên ngoài (qua Tây Thành Thủy Quan), khiến cho hệ thoát nước của Kinh thành trở nên hoàn hảo.
Về quy hoạch bố trí bên trong Kinh thành, từ giữa thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã chia Kinh thành thành 95 phường, nhưng đến đầu thế kỷ XX chỉ còn lại 10 phường (và nay chỉ còn lại 4 phường). Bố trí các khu vực cụ thể như sau:
Ngoài Hoàng thành nằm ở trung tâm, hơi lệch về phía nam, khu vực phía Đông Hoàng thành là nơi tập trung các cơ quan, nha thự của triều đình, gồm: Lục bộ (6 bộ với cơ cấu từ Thượng thư đến Tham tri, Thị lang), Tôn Nhân phủ, Cơ Mật viện, Quốc Sử quán, Đô Sát viện, Hàn Lâm viện, Quốc Tử giám (giai đoạn muộn), trường Anh Danh-Giáo Dưỡng trường (trường huấn luyện võ bị cho con em các võ quan)… Ngoài ra tại khu vực này cũng có một số phủ đệ của các hoàng tử và quan lớn của triều đình, như Hoàng Công phủ của vua Hàm Nghi, phủ Thái Quốc Công, Phúc Thiện đường của vua Tự Đức, Chánh Mông đường của vua Đồng Khánh, phủ của các đại thần Trương Đăng Đản, Trương Như Cương, Quảng Thiện đường (nơi học tập của các hoàng tử, công chúa)…
Khu vực phía Tây Hoàng thành là nơi bố trí các đàn tế, miếu thờ cùng một số cơ quan khác, như: Đô Thành Hoàng miếu, đàn Xã Tắc, Âm Hồn đàn, Linh Hựu quán, đàn Tiên Nông và Tịch Điền, trường Thi, Lý Thiện ty, Khâm Thiên giám, Tân Miếu (từ cuối thế kỷ XIX)…
Khu vực phía Bắc Hoàng thành (từ Đông bắc qua Tây bắc) là nơi bố trí hệ thống vườn ngự, kho tàng và một số cơ quan phục vụ của triều đình như hồ Tịnh Tâm, cung Khánh Ninh, cung Bảo Định, vườn Thư Quang, vườn Thường Mậu, vườn Thường Thanh, vườn Phong Trạch, Kinh Thương (kho thóc gạo), Võ Khố (kho chứa đồ võ bị), Tàng Thơ lâu (kho chứa tài liệu, sổ sách), Hỏa Dược – Diêm Tiêu khố (kho thuốc súng), nha Hộ Thành…
Góc Đông bắc của Kinh thành, giáp với Trấn Bình đài là khu vực dành cho quan chức đứng đầu phủ Thừa Thiên, khu vực này có tường giới hạn, trong có 3 tòa công sở dành cho quan Phủ doãn, Đề đốc và Phủ Thừa (12).
Bố trí dọc theo bên trong vòng tường Kinh thành, đặc biệt là gần vị trí các cửa thành là các đơn vị binh lính của triều đình làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ Kinh thành và có cả những đội lính thợ được trưng tập từ toàn quốc về kinh đô để sản xuất, chế tác những mặt hàng cần thiết phục vụ triều đình và hoàng gia.
Ngay trong Kinh thành có một số chợ để phục vụ nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của quan chức và binh lính làm việc trong Kinh thành như chợ Tây Linh (sau đổi thành chợ Tây Lộc nay vẫn còn), chợ Thừa Thiên (ngoài cửa phủ Thừa Thiên), chợ Cầu Đất (bên ngoài cửa Chương Đức)…
Hệ thống đàn miếu, chùa quán
Theo đúng nguyên tắc Ngũ Hành và các nguyên tắc bố trí của thành trì phương Đông truyền thống, hệ thống đàn miếu, chùa quán chủ yếu được bố trí ở phía Nam, Tây nam và phía Tây Kinh thành, cả ở bên trong và bên ngoài. Chính hệ thống đàn miếu, chùa quán này là yếu tố giúp giữ yên mặt tây của Kinh thành và nối kết giữa phần dương cơ (Kinh thành và các kiến trúc dành cho người đang sống) với thế giới âm phần (miền lăng tẩm) ở phía tây.
Theo thứ bậc về tầm quan trọng, triều Nguyễn xếp việc thờ cúng tế tự ở các miếu đàn thành 3 bậc: Đại tự, Trung tự và Quần tự. Theo sự phân loại này, 4 miếu thờ tổ trong Hoàng thành cùng đàn Nam Giao được xếp vào bậc thứ nhất (đứng đầu của hàng Đại tự), rồi mới đến đàn Xã Tắc (bậc 2 của Đại tự); sau đó là Văn Miếu, Võ Miếu, Khải Thánh từ, miếu Lịch Đại Đế vương, miếu Lê Thánh Tôn, miếu Đô Thành Hoàng, miếu Trung Hưng Công Thần, miếu Trung tiết Công thần, chùa Thiên Mụ, điện Huệ Nam, đàn Sơn Xuyên, đàn Âm Hồn, đền Hiền Lương, đền Trung Nghĩa ..vv.
Bốn tòa miếu chính của triều Nguyễn gồm Triệu Miếu (thờ Nguyễn Kim), Thái Miếu (thờ các đời chúa Nguyễn), Hưng Miếu (thờ Nguyễn Phúc Luân) và Thế Miếu được bố trí hai bên của phần Ngoại triều chứ không theo nguyên tắc “Tả Tổ, hữu Xã” của thành trì phương Đông truyền thống (13). Đây là nét khác biệt đồng thời thể hiện việc đặc biệt coi trọng tổ tiên của triều Nguyễn.
Đàn Nam Giao: Nằm ở ngoại ô phía Nam của Kinh thành, ngay trên hướng Chính nam, gồm đàn tế chính 3 tầng tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân, Trai Cung và các công trình phụ thuộc, trong một khuôn viên rộng hơn 100.000m2. Đây là đàn tế quan trọng nhất của triều Nguyễn.
Đàn Xã Tắc: Nằm ở phía Tây Hoàng thành, gồm đàn tế chính với 2 tầng đàn cùng các công trình phụ thuộc, nằm trong khuôn viên rộng hơn 3,6ha. Lễ tế tại đây được tổ chức hàng năm và chỉ xếp sau lễ tế ở đàn Nam Giao.
Văn Miếu (14), Võ Miếu (15), Khải Thánh từ, Quốc Tử giám là một cụm kiến trúc phục vụ việc đề cao Nho giáo, đào tạo nhân tài theo hệ thống đào tạo của Nho học. Cụm kiến trúc này liên kết với điện Hòn Chén (16) ở phía thượng nguồn sông Hương và chùa Thiên Mụ (17), đền Hiền Lương (18) ở phía dưới để tạo nên một cụm kiến trúc tâm linh có quy mô rất lớn.
Miếu Lịch Đại Đế vương: nằm ở phía Nam Kinh thành  (sau lưng Nhà ga Huế hiện nay), được dựng năm 1823, là nơi thờ các vị minh quân trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam. Phía Đông miếu này là miếu thờ Lê Thánh Tôn (Tông), được dựng năm 1809.
Miếu Đô Thành Hoàng: Nằm bên trong Kinh thành, gần vị trí của đàn Xã Tắc, được dựng đầu thời Gia Long. Đây là nơi thờ Thành Hoàng của kinh đô.
Linh Hựu quán: Nằm phía Tây bắc của Hoàng thành, ở bờ bắc Ngự Hà. Đây là quán thờ của đạo Lão, được dựng năm 1829, quy mô to lớn, được vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 thắng cảnh của kinh đô. Năm 1885, quán bị thực dân Pháp chiếm đóng, sau đó bị dỡ bỏ.
Bản đồ kvbv lăng Thiệu Trị năm 1991.

Hệ thống chùa Phật Giáo đại đa số được xây dựng ở phía Tây và Tây nam Huế, đa số được xây dựng trong thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn (19). Đây là một hệ thống kiến trúc cảnh quan mang phong cách Huế rất đặc trưng, góp phần quan trọng làm nên diện mạo kiến trúc đặc sắc của kinh đô Huế.

Hệ thống lăng tẩm
Tức thế giới âm tồn tại song song với thế giới của những người đang sống. Đối với các kinh đô của Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử, việc quy hoạch khu vực lăng tẩm dành cho vua chúa luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Hệ thống lăng tẩm của Huế đều nằm ở phía Tây-Tây nam của Kinh thành, có dòng sông Hương, vừa đóng vai trò là tuyến giao thông quan trọng vừa đóng vai trò là trục liên kết mềm, nối giữa thế giới dương cơ và âm phần với phần trung gian là hệ thống đền miếu, chùa quán ở phía Tây như chúng tôi đã phân tích.
Bản đồ quy hoạch lăng Gia Long Bản đồ quy hoạch lăng Minh Mạng của bộ Công
Từ thời chúa Nguyễn, khi chọn Huế làm kinh đô, lăng mộ các chúa đã được quy hoạch ở phía Tây- Tây nam Huế, bên cạnh sông Hương (20). Sau khi xây dựng kinh đô thống nhất của đất nước đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã dành rất nhiều thời gian công sức cho việc lựa chọn khu lăng tẩm cho ông và gia đình. Người tìm ra cuộc đất này lại chính là Lê Duy Thanh, con trai Lê Quý Đôn. Theo tôi, Thiên Thọ lăng là khu vực mà vị hoàng đế đầu triều đã chuẩn bị cho cả dòng họ ông, một vùng đất rộng đến hơn 2.875 ha (5.750 mẫu), có đầy đủ các yếu tố của một cuộc đất “vạn niên cát địa”. Từ tên gọi đến cách thức bố trí, khu lăng Thiên Thọ có khá nhiều điểm tương đồng với khu Thập Tam Lăng thời Minh ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Vua Minh Mạng lại muốn thay đổi. Để tìm được một cuộc đất ưng ý cho việc xây dựng Hiếu lăng, ông đã mất đến 14 năm ròng rã (1826-1840), nhưng bù lại, vùng đất dưới chân núi Cẩm Kê quả là tuyệt hảo về phong thủy. Và quan trọng hơn, ông đã mở ra một hướng quy hoạch mới cho các lăng tẩm của vua chúa đời sau. Vua Tự Đức đã chọn lựa khu đất cho phụ thân ông (lăng Thiệu Trị-Xương lăng) và cho bản thân ông (Khiêm lăng) cũng theo cách nhìn của vua Minh Mạng, nhưng đẩy về phía hạ lưu sông Hương.
Có thể nói, lăng Thiệu Trị (Xương Lăng) là một mẫu hình về sự kết hợp các dòng nước giữa một vùng đồng bằng ít núi non. Tuy nhiên núi Thuận Đạo (chủ sơn của lăng) thấp nhỏ, khó đủ điều kiện để “tàng phong”- đảm bảo sự lâu bền cho cuộc đất.
Lăng Tự Đức (Hiếu Lăng) cũng là một mẫu mực của một cuộc đất tốt với đầy đủ các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ. Lăng dựa vào mạch núi chính kéo tới đồi Vọng Cảnh (điểm vào “Thiên-Địa trục”), xung quanh có các dãy núi nhỏ vây bọc che chở. Trước mặt nước tụ về đủ sức tạo nên hồ nước lớn mà quanh năm vẫn lưu thông (Lưu Khiêm hồ), xứng đáng với câu ngợi ca:
“Tứ bề núi phủ mây phong,
Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”.
Hồ Tịnh Tâm qua tranh mộc bản triều Nguyễn (1845)

Các khu lăng Dục Đức (An lăng), Đồng Khánh (Tư lăng), lăng Khải Định (Ứng lăng) do điều kiện lịch sử nên không được chọn lựa công phu như 4 khu lăng đầu triều, tuy nhiên chúng vẫn có phong cách riêng và góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn.

Hệ thống vườn Ngự: Đa số vườn Ngự (21) hay vườn hoàng gia đều nằm bên trong phạm vi Kinh thành.
Hầu hết các vườn Ngự đều được xây dựng trong thời kỳ trị vì của 3 vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (1820-1883). Đây là thời kỳ hàng loạt Ngự viên được xây dựng, dạng thức cũng rất phong phú, có loại vườn Ngự mang dạng hoa viên chốn cung cấm (cung uyển), như vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ, Doanh Châu, Ngự Viên, Trường Ninh cung; có loại mang tính chất biệt cung-hoa viên như hồ Tịnh Tâm, cung Khánh Ninh, cung Bảo Định, vườn Thường Mậu, vườn Thư Quang, vườn Thường Thanh, có loại vườn mang tính chất một trang trại dân dã như Dữ Dã viên trên cồn Dã Viên… Theo thống kê của tôi, trong thời Nguyễn có khoảng 30 Ngự viên với nhiều loại hình khác nhau.
Về quy hoạch, các Ngự viên của triều Nguyễn được bố trí chủ yếu ở phía Đông và Đông bắc trong Hoàng thành và Tử cấm thành (loại cung uyển); ở bên ngoài thì bố trí men theo bờ sông Ngự Hà, chủ yếu là phía Bắc, Đông bắc và Tây bắc của Hoàng thành. Riêng Dữ Dã viên trên Cồn Dã Viên là một khu vườn đặc biệt, tựa như một hành cung nằm bên ngoài, phía Nam của Kinh thành.
Các Ngự viên thường chỉ có quy mô vài ba mẫu, Tịnh Tâm Hồ thuộc hàng lớn nhất cũng chỉ đạt đến 20 mẫu (10ha), tuy nhiên các công trình kiến trúc trong Ngự viên lại rất phong phú về thể loại và đa dạng về hình thức. Về thể loại thì có điện, đường, lâu, các, tạ, quán, tự, trai, đình, hiên, lang, kiều, cống… . Về hình thức, thì có loại 1 gian, 3 gian, 5 gian, một tầng, 2 tầng, 3 tầng..; bình diện hình vuông, tròn, lục giác, bát giác..; mái lợp ngói ống, ngói âm dương, ngói liệt, men vàng, men xanh..; lang thì có trường lang, dực lang, vạn tự hồi lang… . Các công trình này hầu hết đều có quy mô khiêm tốn, kết cấu có thể đơn giản nhưng rất tinh xảo và trang nhã, được bố trí hài hòa với cảnh trí chung.
Hệ thống phố thị và chợ búa
Vẫn tuân theo nguyên tắc quy hoạch có từ thời chúa Nguyễn: bố trí cảng thị, khu buôn bán, chợ búa ở phía Đông, trong đó trung tâm là khu Bao Vinh-Gia Hội-Chợ Dinh-chợ Đông Ba. Toàn bộ khu này chiếm trọn các khu đất dọc theo sông Đông Ba, sông Hương từ phía Đông bắc đến Đông nam (chủ yếu men theo các trục đường Bạch Đằng, Chi Lăng, Gia Hội hiện nay). Về cuối triều Nguyễn, phố thị “xâm chiếm” cả vào bên trong Kinh thành, nhưng vẫn nằm ở phía Đông (đường Mai Thúc Loan hiện nay). Có thể thấy nguyên tắc “Tây miếu, Đông thị” (phía Tây là miếu, đền, phía Đông là chợ búa) đã được triều Nguyễn áp dụng một cách thống nhất.
Hệ thống phủ đệ
Tức các Phủ (ban cho hoàng tử sau khi lấy vợ) và Đệ (ban cho công chúa sau khi lấy chồng). Hầu hết hệ thống phủ đệ đều được bố trí bên ngoài Kinh thành, dọc theo bờ sông Hương và các phụ lưu, chi lưu của nó như sông Kim Long, Bạch Yến,  sông An Cựu, sông Như Ý… Các phủ đệ đều có diện tích rất rộng (từ vài mẫu đến vài chục mẫu), được xây dựng theo kiểu nhà vườn rất đặc trưng kiểu Huế. Theo thống kê, thời cực thịnh, tại kinh đô có khoảng 85 phủ đệ. Hệ thống kiến trúc này vừa làm phong phú vừa tạo thêm nét độc đáo cho tổng thể kiến trúc Huế.
Hệ thống hành cung và các công trình phục vụ giải trí khác
Tại kinh đô, triều Nguyễn đã cho xây dựng một số hành cung, chủ yếu dọc theo sông Hương và ở các điểm danh thắng để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhà vua. Tiêu biểu là hành cung Hương Giang, hành cung Cồn Hến, hành cung Thuận An, hành cung Thần Phù, hành cung Thúy Vân (dưới chân núi Thúy Vân). Các hành cung này đa số được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, lợp tranh hoặc vỏ cây đờm.
Triều Nguyễn cũng cho xây dựng một số công trình phục vụ nhu cầu giải trí khác, tiêu biểu nhất là Hổ Quyền, trường đấu dành cho voi và hổ. Công trình này nằm ở địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều huyện Hương Thủy (nay thuộc Thành phố Huế).
Không ảnh lăng vua Minh Mạng (Hiếu lăng).

Quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ Quần thể di tích cố đô Huế theo pháp luận hiện hành và những vấn đề bất cập hiện nay

Sau khi triều Nguyễn cáo chung, từ tháng 9/1945, kinh đô Huế trở thành cố đô. Việc quản lý cố đô Huế từ thời điểm đó đến tháng 4 năm 1975 trải qua nhiều chính quyền khác nhau, quần thể di tích cố đô Huế cũng bị thu hẹp về phạm vi và cũng có sự thay đổi nhiều lần về cơ quan quản lý, tuy nhiên vai trò của hoàng tộc nhà Nguyễn đứng đầu là bà Thái hậu Từ Cung (thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại) vẫn còn khá rõ nét. Dẫu vậy, do chiến tranh và nhiều khó khăn khách quan, chủ quan, việc quy hoạch, bảo vệ hệ thống di tích đồ sộ của triều nguyễn vẫn còn rất nhiều bất cập.
Sau năm 1975, chính quyền mới đã kế tục việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản của cố đô Huế. Tháng 6/1982, Công ty Quản lý di tích lịch sử danh thắng Huế được thành lập (từ 5/1992 đổi thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) để quản lý toàn diện hệ thống các di tích thuộc về triều Nguyễn. Từ năm 1991, một hệ thống bản đồ về các di tích triều Nguyễn do Công ty quản lý đã được thực hiện với sự xác nhận của các cấp chính quyền địa phương. Hệ thống bản đồ này được thực hiện theo Pháp lệnh Bảo vệ sử dụng di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh ban hành ngày 4/4/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (Số 14-LCT/HĐNN7). Năm 1992, một bộ hồ sơ về Quần thể di tích cố đô Huế với 17 điểm di tích đã được trình lên UNESCO để đến ngày 11/12/1993, Quần thể di tích này đã được ghi tên vào Danh mục di sản thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2010, sau khi yêu cầu quốc gia sở tại gửi lại hồ sơ với một số tiêu chí bổ sung để công nhận Hồi cố, Ủy ban Di sản thế giới chỉ xác nhận lại danh mục Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận di sản thế giới gồm có 14 điểm di tích. Ngoài các di tích có trong Danh mục di sản thế giới, Trung tâm còn được giao cho quản lý một số di tích khác. Đến nay, theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm hiện quản lý và phối hợp quản lý 47 điểm di tích. Dẫu vậy, so với tổng thể các di tích của triều Nguyễn thì quy mô và số lượng các di tích được giao cho đơn vị chuyên môn quản lý vẫn nhỏ và ít hơn rất nhiều.
Chẳng hạn Thiên Thọ lăng (lăng vua Gia Long) có diện tích bảo vệ nguyên thủy khoảng 2.875 ha nhưng theo khoanh vùng bảo vệ năm 1991chỉ còn khoảng 81,1 ha (22,025 ha khu vực I và 59,010ha khu vực II), và đến năm 2012 chỉ còn 20,7ha. Lăng vua Minh Mạng nguyên thủy được khoanh vùng rộng khoảng 500 ha, theo bản đồ KVBV năm 1991 chỉ còn khoảng 137,2 ha (42,8 ha khu vực I và 94,43ha khu vực II), nhưng đến năm 2012 thì chỉ còn 34,1ha. Khu vực lăng vua Tự Đức nguyên thủy được khoanh vùng bảo vệ khoảng 220 ha, theo bản đồ kvbv năm 1991 chỉ còn khoảng 50 ha (17,1 ha khu vực I và 11,4ha khu vực II), đến năm 2012 thì chỉ còn 13ha…
Không ảnh lăng vua Tự Đức (Khiêm lăng).

Mặt khác, do thực hiện khoanh vùng bảo vệ di tích theo luật và phải giới hạn trong những khu vực nhất định nên nhiều khu vực đồi núi, khe suối, ao hồ vốn được xem là các thực thể tự nhiên- các yếu tố phong thủy gắn bó chẽ với di tích thì nay đã không thuộc khu vực bảo vệ của di tích (tức không thuộc khu vực I, II của di tích) nên không hề xuất hiện trên bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích. Phần lớn các khu phố cổ (Bao Vinh, Gia Hội…), hệ thống phủ đệ, nhà vườn truyền thống cũng ở trong tình trạng tương tự. Nếu so với quy hoạch và cấu trúc kinh đô Huế với các thành phần: Thành trì, đài tạ và hệ thống phòng thủ; Đàn miếu và chùa quán; Lăng tẩm; Hệ thống vườn ngự; Phố thị và chợ búa; Hệ thống phủ đệ, Hệ thống hành cung và một số công trình giải trí…thì vẫn còn vắng bóng một số lượng không nhỏ các công trình. Đây là sự bất cập rất lớn khiến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể di tích cố đô gặp nhiều khó khăn

Thêm một điểm nữa là tình trạng dân cư sống trong khu vực di tích (bao gồm cả vùng lõi và vùng đệm) rất phức tạp. Dân cư sống trong khu vực này thường bị gắn với các thuật ngữ như “lấn chiếm”, “xâm phạm” di tích, và là đối tượng cần phải xem xét để di dời đi nơi khác. Nhưng trên thực tế có một bộ phận dân cư đã gắn bó lâu đời với di tích, thậm chí họ vốn được triều Nguyễn thừa nhận, cấp phép…cho ở vì các mục đích khác nhau. Chính vì vậy, công tác khoanh vùng bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di tích theo pháp luật hiện hành vẫn còn những điểm chưa phù hợp, cần được nghiên cứu, điều chính.
Không ảnh lăng vua Thiệu Trị (Xương lăng).

Giải pháp nào để bảo vệ, phát huy giá trị di tích cố đô Huế phù hợp và hiệu quả

Giải pháp về quy hoạch
Trước hết cần tiến hành quy hoạch lại toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế với một quan niệm mới, phù hợp với tình hình thực tế và quan trọng nhất là tạo ra cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích một cách bền vững và hiệu quả.
Theo đó, cần nghiên cứu mở rộng việc khoanh vùng bảo vệ cho các khu di tích. Tất cả các yếu tố cảnh quan, phong thủy gắn liền với khu di tích cần phải được xem xét để bảo vệ hoặc tìm cách phục hồi với khả năng cao nhất (nếu đã bị phá hủy hay bị tác động làm biến dạng). Các khu dân cư nằm trong vùng di tích hoặc cận kề khu vực di tích cần phải được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng để tìm cách nếu không thể di dời thì phải duy trì, cộng sinh cùng di sản.
Và đặc biệt là cần có một sự liên kết toàn diện, đầy đủ toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế trong sự kết nối hữu cơ với các thành phần khác của đô thị Huế: phố cổ, cảng thị, chợ búa, nhà vườn, khu dân cư, cảnh quan và các yếu tố thiên nhiên…
Trên quan điểm này, tôi cho rằng đề án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế mà Trung tâm đang tiến hành hiện nay là phù hợp, có khả năng giải quyết các hạn chế, bất cập hiện nay.
Giải pháp về quản lý
Bên cạnh giải pháp về quy hoạch thì giải pháp về quản lý cũng hết sức quan trọng. Cần nghiên cứu bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm để mở rộng việc quản lý hay phối hợp quản lý các di tích, cảnh quan liên quan. Bên cạnh đó cần xây dựng các cơ chế phối hợp một cách hiệu quả giữa Trung tâm với chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành trong tỉnh. Đặc biệt, làm sao phải xây dựng được mối quan hệ cộng tác, cộng hưởng nhịp nhàng giữa cộng đồng dân cư sống trong vùng hoặc kề cận khu di sản để thực hiện chức năng cộng sinh, cùng bảo tồn, cùng khai thác phát huy giá trị di sản. Có như vậy thì việc bảo tồn khai thác quần thể di tích cố đô huế nói riêng và các di tích ở cố đô Huế nói chung mới thật sự hiệu quả và bền vững.
Giải pháp về giáo dục, tuyên truyền
Đây cũng là một giải pháp rất quan trọng nhằm làm cho cộng đồng các tầng lớp nhân dân và du khách hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với di sản. Cần nghiên cứu để đề xuất các phương pháp, cách làm phù hợp để quảng bá, giáo dục, tuyên truyền về di sản, đưa luật pháp về di sản văn hóa đến với mọi người và thấm sâu trong cộng đồng. Mục đích cuối cùng vẫn là để người dân thực sự là chủ thể của di sản, sẵn sàng tham gia một cách tự nguyện và có trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Kết luận
Bảo tồn, khai thác và phát huy một cách hiệu quả, bền vững quần thể di tích cố đô Huế đòi hỏi có sự hiểu biết toàn diện sâu sắc về lịch sử hình thành, phát triển của đô thị Huế nói chúng và các di sản nói riêng. Đồng thời cần có một một quan niệm mới cũng như cách tiếp cận mới trong việc tái quy hoạch tổng thể hệ thống di tích triều Nguyễn để làm sao gắn kết các di tích với toàn bộ các cảnh quan, yếu tố phong thủy, các khu dân cư… liên quan.
Hơn 30 năm trở thành Di sản thế giới, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích cố đô Huế đã đạt được những thành quả đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch cũng như công tác quản lý, phát huy giá trị. Vì vậy, trước thời cơ và vận hội mới là trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản, đồng thời, để di sản cố đô được bảo tồn bền vững và khai thác hiệu quả, thực sự trở thành nguồn lực chủ đạo cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thì cần có sự đầu tư thích đáng về nhiều mặt, trong đó công tác quy hoạch phải đóng vai trò tiên phong và tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển./.
TS.Phan Thanh Hải/Ủy viên HĐSVH Quốc gia Việt Nam
Thư mục tham khảo
1.Amadou Mahtar M’Bow (1999), “Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của Thành phố Huế”, in trong sách Huế-Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế. 
2.Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn toàn tập- tập I), Nxb KHXH, Hà Nội
3.Nội Các triều Lê- Trịnh (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Viện KHXH Việt Nam, Nxb KHXH, 4 tập, Hà Nội.
4.Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 13: Bộ Công.
5.Phan Thanh Hải (2004), “Tìm hiểu nguồn gốc đô thị Huế từ việc khảo sát hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn”, NCLS, số 9-10.
6.Phan Thanh Hải (2007), “Phong thủy trong quy hoạch đô thị Huế, một cái nhìn lịch sử”, Tạp chí Huế, Xưa và Nay, số 83 (9-10), Huế. 
7.Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2001), Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009). Thư viện pháp luật.vn.
8.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập I: Kinh sư, Nxb Thuận Hóa, Huế.
9.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam Thực Lục, Tập I, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Chú thích:
1.Trong bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, khái niệm Kinh sư thường sử dụng để chỉ kinh đô Huế, nhưng đôi khi khái niệm này cũng có 2 nghĩa khác, tương tự như hai nghĩa hẹp hơn mà chúng tôi đã nêu. Khi mô tả về 3 vòng tường thành của kinh đô Huế, người ta đã sử dụng các khái niệm: Kinh sư thành, Hoàng thành và Tử cấm thành.
2.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr4.
3.Khi phân tích về cuộc đất này, Lê Quý Đôn đã hết lời ca ngợi: “Đất rộng bằng như lòng bàn tay, rộng độ hơn mười dặm, ở trong đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật giữa đất bằng ngồi vị càn (tây-bắc), trông hướng tốn (đông-nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông; đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu”. Nhìn trên toàn cục thì : “Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thuỷ (nước về phía hữu) ôm đằng trước: một là nguồn Hữu-trạch chảy xuống là sông Phú-xuân, hai là sông nhỏ An-nông, ba là ngồn Hưng-bình chảy vào đầm Hà-trung, bốn là nguồn Phúc-âu chảy qua Cao-đôi mà vào phá Hà-trung, năm là nước tự đèo Mệt-mỏi chảy xuống đèo Cảnh-dương. Có ba lần long sa (cát ở bên tả) ngăn bên tả: một là phố Thanh-hà ở bên tả sông cầu Lạc-nô, hai là các xã Thuận-phước Thuận-hòa ở bên tả thượng lưu sông con ngã ba Sềnh, ba là các xã Bình-trị Thai-dương ở bên tả hạ lưu phá Tam-giang thẳng đến cửa Eo” (Lê Qúy Đôn toàn tập, Sđd, tr 112-113). 
4.Xem thêm Phan Thanh Hải (2008), “Từ Đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn đến kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn- Diện mạo và những điểm khác biệt”. Kỷ yếu hội thảo Tây Sơn – Thuận Hoá và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ – Quang Trung, UBND tỉnh- Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế. 
5.AMADOU Mahtar M’bow (2003), “Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của thành phố Huế”. In trong tập Di sản văn hóa Huế-20 năm bảo tồn và phát huy giá trị, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế, tr 9.
6.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1969), Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, tr11.
7.Đại Nam nhất thống chí cho biết:”Bốn phía trên mặt thành có 24 pháo đài”và cho biết tên của các pháo đài theo các hướng: Hướng nam (mặt tiền) gồm các pháo đài: Nam Minh, Nam Hưng, Nam Thắng, Nam Chính, Nam Xương, Nam Hanh. Hướng đông (mặt tả) gồm các pháo đài: Đông Thái, Đông Trường, Đông Gia, Đông Phụ, Đông Vĩnh, Đông Bình.Hướng tây (mặt hữu) gồm các pháo đài: Tây Thành, Tây Tuy, Tây Tĩnh, Tây Dực, Tây An, Tây Trinh. Hướng bắc (mặt hậu) gồm các pháo đài: Bắc Định, Bắc Hoà, Bắc Thanh, Bắc Trung, Bắc Thuận, Bắc Điện.
8.Các số đo của Hoàng thành và Tử cấm thành đều lấy từ kết quả khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu phối hợp Trung tâm BTDTCĐ Huế (HMCC) và Viện Di sản thế giới-Đại học Waseda (HW).
9.Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 13: Bộ Công, tr.321.
10.Cấu trúc Kỳ đài kiểu 3 cấp tượng trưng cho Thiên- Địa-Nhân. Kỳ đài lại đóng vai trò là bình phong trực tiếp che chắn cho Hoàng thành và có mối liên hệ mật thiết với các công trình trên trục Dũng đạo của Kinh thành: Ngự Bình sơn- Phu Văn lâu- Kỳ đài-Ngọ Môn-điện Thái Hòa… Ca dao cổ của Huế cũng có câu: “Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu, Kỳ đài 3 cấp, Phu Văn lâu 2 tầng” phản ánh rõ mối quan hệ trên.
11.Cụ thể, hệ thủy đạo của Kinh thành bao gồm: hệ thống sông hộ thành (Hộ Thành hà) bao bọc phía ngoài Kinh thành, hệ thống hào bảo vệ sát chân thành, một con sông Ngự Hà chảy xuyên qua giữa lòng Kinh thành, và gắn kết với nó là cả một hệ thống hồ, ao, kênh, hào, cống, rãnh… tạo nên một mạng lưới thống nhất với nhiều công năng: cấp và thoát nước, điều hòa khí hậu môi trường trong Kinh thành, đóng vai trò về phong thủy..vv. 
12.Năm 1885, khi Pháp đánh chiếm Kinh thành, phủ Thừa Thiên tạm thời dời vào chùa Diệu Đế, sau đó chuyển về vị trí cũ của Đô Sát viện (1890), đến năm 1899 thì dời qua vị trí bờ Nam sông Hương đối diện với Kinh thành (tức vị trí UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay). Xem Cadière, Kinh thành Huế-địa danh, tr 96.
13.Tức là bên trái thờ tổ tiên (thường là Thái Miếu), bên phải là đàn Xã Tắc. Nguyên tắc này xuất hiện từ thời Thương-Chu ở Trung Quốc, được ghi trong sách Khảo công ký.
14.Văn Miếu được xây dựng năm 1808 gần vị trí Văn  Miếu cũ thời chúa Nguyễn (lập từ năm 1776) là nơi thờ Khổng Tử và tôn vinh các tiến sĩ (bắt đầu mở khoa thi từ năm 1822). Tại Văn  Miếu Huế hiện nay vẫn còn 32 tấm bia khắc tên 293 vị Tiến sĩ Văn của thời Nguyễn.
15.Võ Miếu được xây dựng năm 1835 thời vua Minh Mạng, nằm phía dưới Văn Miếu, là nơi thờ các võ tướng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam. Hiện tại di tích này vẫn còn 3 tấm bia Võ Công Bi Ký, Võ Công Tả Bi và Võ Công Hữu Bi cùng 2 tấm bia khắc tên 10 vị Tiến sĩ Võ được tuyển trong 3 kỳ thi thời Tự Đức, các năm 1865, 1868 và 1869.
16. Điện Hòn Chén, tên chữ là điện Huệ Nam (đặt năm 1886 thời Đồng Khánh), vốn là đền thờ nữ thần Pô-Nư-Ga của người Champa, sau được Việt hóa thành nữ thần Thiên Y A Na và đều được các vua Nguyễn phong là Thượng Đẳng Thần. Đây là đền thờ Mẫu rất độc đáo của Huế. Lễ hội tại điện Hòn Chén được triều Nguyễn thừa nhận và cho phép tổ chức rất linh đình. 
17.Chùa Thiên Mụ được Nguyễn Hoàng dựng năm 1601, là ngôi chùa gắn liền với vận mệnh của dòng họ Nguyễn. Suốt trong thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn, chùa Thiên Mụ luôn được xem là quốc tự, được đầu tư chăm sóc, tu bổ thường xuyên. 
18.Đền Hiền Lương (Hiền Lương từ) được dựng năm 1858 ở phía Đông chùa Thiên Mụ, bên trong thờ 40 vị lương thần của triều Nguyễn từ thời Gia Long đến thời Tự Đức. Nay di tích này không còn.
19.Ngoài chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương, Huế còn có không ít chùa nổi tiếng được xây dựng bởi các danh tăng người Minh Hương và người Việt trong thế kỷ XVII-XVIII, như Báo Quốc, Từ Đàm, Linh Quang, Thiền Lâm, Thuyền Tôn… Dưới triều Nguyễn, các chùa này đều được trùng tu và mở rộng quy mô, đồng thời nhiều ngôi chùa mới được xây dựng thêm khiến hệ thống chùa Huế thêm phong phú, đặc sắc.
20.Xem bản đồ Giáp Ngọ niên Bình nam đồ của Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 chúng ta đã thấy các địa danh “Đoan Công mộ” (mộ Chúa Nguyễn Hoàng), “Thụy Quận mộ” (mộ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên), “Nhân Quận mộ” (mộ Chúa Nguyễn Phúc Lan) có trên bản đồ, đúng trên vị trí hiện có của các di tích này.
21.Về khái niệm vườn Ngự hay Ngự viên, theo chúng tôi, có nội hàm tương đối rộng. Dù trong các sử sách của triều Nguyễn đã dành những phần riêng khi chép về dạng kiến trúc đặc biệt này (Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ xếp vào mục “Viên  hồ”, Đại Nam nhất thống chí xếp vào mục “Uyển hựu”..), nhưng khái niệm vườn Ngự có lẽ không đơn thuần chỉ là các ‘Cung uyển” mà còn bao gồm cả các biệt cung, li cung, thậm chí cả lăng tẩm (như lăng Tự Đức)..mang chức năng như các hoa viên đặc biệt của bậc vua chúa. Ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,  vườn hoàng gia (Royal garden) được xem như một loại hình kiến trúc riêng biệt như các loại hình cung điện, lăng tẩm, chùa quán…