Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

ĐNA -

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các bài viết của một số người bình luận, xuyên tạc về các vấn đề thời sự Việt Nam, trong đó có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Đặc biệt, trên fanpage của Đài Á Châu Tự do (RFA) có bài viết “Đến bao giờ Đảng mới lắng nghe những lời nói thật”, trong đó, có đoạn: “Những câu nói như “nói thẳng, nói thật, góp ý, những việc cần làm ngay…” tôi nghe từ lâu lắm rồi nên không còn niềm tin nữa. Họ nói chỉ để mà nói thế thôi. Nó chỉ là đồ trang sức. Thực chất một chế độ độc tài không bao giờ muốn nghe những lời phản biện, cho dù đó là những lời góp ý xây dựng chân thành… Ở Việt Nam thì con đường nó vẫn còn xa, tức là nói đòi hỏi một quãng đường để tiếp cận những cái mà trên thế giới người ta nhìn thấy như một chân lý”. Để minh họa, bài viết lấy vụ việc ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bị khai trừ ra khỏi Đảng ngày 15/11/2018, chúng coi đây là “tấm gương” về góp ý xây dựng Đảng…

Thực chất, đây là một trong số những luận điệu lố bịch, kệch cỡm mà các thế lực cơ hội, thù địch thường dùng nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng lái dư luận, đánh lừa những người thiếu hiểu biết để hùa theo chúng để chống phá Đảng và Nhà nước. Luận điệu kệch cỡm này thể hiện ở chỗ:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Thứ nhất, vấn đề dám nhìn nhận khuyết điểm, nói lên tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc mang tính xây dựng được Đảng ta hết sức coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947): “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Cùng với đó, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, như: Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 22/9/2021 về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 37-QĐ/TW năm 2021 “về những điều đảng viên không được làm” nhấn mạnh: đảng viên không được thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng. Đặc biệt, bảo vệ những cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách) là một nội dung trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân… Những chủ trương, quy định này được coi là “tấm lá chắn” bảo vệ cán bộ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh và xứng đáng với vai trò, sứ mệnh của mình.

Thứ hai, Đảng khuyến khích tinh thần nói thẳng, nói thật, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và người dân nhưng phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (2013) quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Lịch sử diễn ra tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã chỉ ra bài học xương máu, chứng minh rõ âm mưu, ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch trong việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô bị xóa bỏ, ngay lập tức, các đảng phái xuất hiện “như nấm sau mưa”, ngoài Đảng Cộng sản Liên Xô còn có tới 153 tổ chức đảng phái khác ra đời và cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản. Đến đầu năm 1991, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn trên danh nghĩa và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào cuối năm 1991 là tất yếu, khi Đảng Cộng sản đã mất quyền lãnh đạo. Không đi theo “vết xe đổ của Liên Xô”, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam là yêu cầu có tính nguyên tắc.

Bên cạnh đó, việc góp ý xây dựng chế độ, xây dựng đất nước phải tinh thần thượng tôn pháp luật và vì lợi ích chung. Điều 14, Hiến pháp 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Không có gì nực cười hơn khi chúng lấy dẫn chứng coi Chu Hảo là “tấm gương” về góp ý xây dựng Đảng, bởi lẽ, ông Chu Hảo đã có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngay từ khi phát hiện vi phạm, các tổ chức Đảng đã nhắc nhở, kiểm điểm, nhưng ông không khắc phục, mà còn tiếp tục có những vi phạm mới, rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội. Quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo là hết sức đúng đắn!

Thứ ba, trong quá trình lãnh đạo đất nước, làm sao tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Điều này không chỉ riêng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng thực tế đã chứng minh, trong suốt 92 năm qua, Đảng luôn dũng cảm nhận lỗi và nỗ lực để khắc phục, sửa chữa. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII và XIII đều ban hành những nghị quyết, kết luận quan trọng về xây dựng, chính đốn Đảng. Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nội bộ Đảng, không chỉ là sự mong muốn của đông đảo đảng viên chân chính, mà cũng chính là mong muốn của các tầng lớp nhân dân. Bởi mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam không có gì khác là đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; đem lại quyền sống, quyền làm chủ cho người dân; lợi ích của Đảng cũng chính là lợi ích của mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, cuộc chiến chống tham nhũng được thực hiện ráo riết, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được xét xử nghiêm minh, được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đảng đã và đang tiếp tục có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Trên đây là những minh chứng sinh động từ thực tiễn không thể phủ nhận. Trước những luận điệu phi lý, thiếu thiện chí của các lực lượng cơ hội chính trị, thù địch, người dân phải tỉnh táo đề phòng và cần chung sức đấu tranh, phản bác.

Hà Tiên