Thứ Ba, Tháng 5 20, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo vệ lịch sử dân tộc, bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh và trách nhiệm của chúng ta hôm nay

Bài viết nhân ngày sinh nhật lần thứ 135 của Bác ( 19/5/1890-2025 ).

ĐNA -

Lịch sử dân tộc Việt Nam là một bản anh hùng ca bất tận, kết tinh từ mồ hôi, xương máu, trí tuệ và bản lĩnh của biết bao thế hệ ông cha suốt hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử không chỉ là những mốc thời gian khô cứng, những trận đánh đã qua, hay những nhân vật kiệt xuất, mà hơn hết, đó là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, giữ gìn và truyền bá những giá trị văn hóa, đạo lý của dân tộc; Lưu giữ những ký ức hào hùng và rút ra bài học quý báu để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 135 của Bác ( 19/5/1890-2025 ).

Trong chiều dài lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành mối quan tâm sâu sắc đến việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử. Không chỉ là một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà tư tưởng lớn, Người còn là người viết sử, giữ sử, hiểu sử với một cái nhìn sâu sắc, khoa học và biện chứng. Tư tưởng lịch sử của Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống dân tộc với phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đặt nền móng vững chắc cho việc chép sử trong thời đại cách mạng và xây dựng đất nước.

Ngay từ những ngày đầu trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong muôn vàn khó khăn gian khổ, Bác vẫn dành thời gian nghiên cứu, viết nên tác phẩm “Lịch sử nước ta”, một bài thơ lục bát gồm 210 câu súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thấm nhuần lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Mở đầu bằng hai câu thơ nổi tiếng:

“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Bác đã xác lập một chân lý mang giá trị trường tồn: Hiểu lịch sử là điều kiện tiên quyết để yêu nước, để gìn giữ bản sắc, để phát triển.

Bác Hồ, người viết sử của Nhân dân
Khác với quan điểm “sử là chuyện của vua chúa, của triều đại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng: “Quần chúng là người làm nên lịch sử”. Theo Người, viết sử không phải để ca ngợi cá nhân, không phải để tô vẽ cho một thời đại hay phủ nhận một giai đoạn, mà là để phản ánh trung thực những gì nhân dân đã trải qua, đã đấu tranh, đã chiến thắng. Người viết sử là người chép lại sự thật, và chỉ có sự thật mới là ánh sáng soi đường cho dân tộc.

Bác đặc biệt phê phán tư tưởng thần thánh hóa cá nhân, xuyên tạc lịch sử hoặc viết sử theo ý chí chủ quan. Bác từng nhấn mạnh: “Viết sử là phải giữ cho đúng sự thật, nếu không là phản bội lịch sử, phản bội nhân dân”. Quan điểm ấy không chỉ là nguyên tắc viết sử, mà còn là một lời cảnh tỉnh đối với những ai đang vì động cơ cá nhân, vì quan điểm chính trị lệch lạc, mà bóp méo lịch sử dân tộc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử phải phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân và hướng đến sự phát triển của tương lai đất nước. Bởi thế, Bác yêu cầu viết sử phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ học, để từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể nắm được gốc tích nước nhà, từ đó nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Cảnh báo về những biểu hiện lệch lạc trong viết sử hôm nay
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên lĩnh vực nghiên cứu và viết sử đang xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại. Một số người nhân danh “tư duy mới”, “cách tiếp cận khách quan” để xuyên tạc, phủ nhận, thậm chí “lật ngược” những giá trị lịch sử vốn đã được khẳng định rõ ràng bởi các nhà nghiên cứu, bởi Đảng và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ cố tình mơ hồ hóa mốc lịch sử của dân tộc.

Từ câu thơ của Bác:“Kể năm hơn bốn ngàn năm/Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”, một số người đã sửa thành “Dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử”, bỏ qua mốc thời gian cụ thể, phủ định nguồn gốc dân tộc từ thời Hùng Vương. Họ lập luận rằng “dân tộc chỉ hình thành khi có nhà nước”, và như vậy là tước đoạt đi niềm tin và niềm tự hào về cội nguồn dân tộc của người Việt.

Không dừng lại ở đó, một số kẻ còn ngang nhiên tẩy trắng tội ác của những kẻ phản quốc như Nguyễn Ánh, người từng rước giặc vào nhà, cắt đất dâng cho ngoại bang. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Hồ Chí Minh đã viết rất rõ:

“Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi chạy ra nước ngoài…
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà”

Ấy thế mà hôm nay, có người tìm cách ca ngợi Nguyễn Ánh, coi ông ta là người “thống nhất đất nước”, là “nhà kiến thiết vĩ đại”, hoàn toàn đảo ngược sự thật lịch sử.

Họ cũng ra sức biện minh cho các nhân vật như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, những kẻ từng tiếp tay cho thực dân Pháp, từng đầu hàng, từng phản bội phong trào yêu nước. Thậm chí, có kẻ công khai phát biểu rằng: “Pháp không xâm lược Việt Nam, mà chỉ mượn đường đánh Trung Hoa”, một luận điệu trắng trợn, phản bội tinh thần đấu tranh giành độc lập suốt gần một thế kỷ của dân tộc ta.

Hiểm họa xét lại và trách nhiệm bảo vệ lịch sử
Những biểu hiện xét lại, tẩy trắng, xuyên tạc lịch sử như trên không đơn thuần là sai lầm học thuật. Đó là một phần trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, phá hoại từ gốc rễ tinh thần dân tộc. Bằng cách nhỏ giọt, từng bước thẩm thấu, họ đang âm mưu tạo dựng một lịch sử mới, thứ lịch sử không phục vụ Nhân dân, mà phục vụ cho những mưu đồ chính trị phản động.

Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, từ những diễn biến ở Ukraina, cho thấy: Một dân tộc mất đi sự thật lịch sử, sẽ mất luôn bản sắc, mất niềm tin, và mất cả tương lai.

Chính vì vậy, trách nhiệm của những người viết sử, dạy sử, học sử và cả chúng ta phải kiên quyết bảo vệ lịch sử chân thực của dân tộc. Không cho phép bất cứ ai, bất cứ thế lực nào được quyền xuyên tạc, bóp méo hay đánh tráo lịch sử. Chúng ta cần:

Kiên quyết phản bác các quan điểm sai trái, xét lại lịch sử.

Tăng cường giáo dục lịch sử trong trường học, bằng phương pháp mới mẻ nhưng phải dựa trên sự thật, tinh thần dân tộc và lập trường cách mạng.

Bồi dưỡng và bảo vệ đội ngũ nghiên cứu, viết sử trung thực, có bản lĩnh, đạo đức và lập trường chính trị vững vàng.

Xây dựng và ban hành Luật bảo vệ lịch sử dân tộc, để có cơ sở pháp lý xử lý các hành vi xuyên tạc lịch sử.

Kiên quyết phản bác các quan điểm sai trái, xét lại lịch sử.
Tăng cường giáo dục lịch sử trong trường học, bằng phương pháp mới mẻ nhưng phải dựa trên sự thật, tinh thần dân tộc và lập trường cách mạng.

Bồi dưỡng và bảo vệ đội ngũ nghiên cứu, viết sử trung thực, có bản lĩnh, đạo đức và lập trường chính trị vững vàng.

Xây dựng và ban hành Luật bảo vệ lịch sử dân tộc, để có cơ sở pháp lý xử lý các hành vi xuyên tạc lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta”. Đó không đơn thuần là một lời khuyên học sử, mà là một mệnh lệnh thiêng liêng, vang vọng từ trái tim yêu nước sâu sắc của vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước. Hiểu lịch sử không chỉ để tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông, mà còn để soi đường, dẫn lối cho hiện tại và tương lai. Lịch sử là nguồn cội, là căn tính của một dân tộc. Một dân tộc đánh mất sự thật lịch sử cũng đồng nghĩa với việc tự đánh mất linh hồn, danh dự và bản lĩnh tồn tại của chính mình.

Giữ gìn sự thật lịch sử là bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý và bảo vệ nền tảng tinh thần của quốc gia. Trước những âm mưu lật sử, xét lại lịch sử, bóp méo và xuyên tạc quá khứ nhằm phục vụ cho những mục tiêu phi chính nghĩa, mỗi người Việt Nam, từ những cựu chiến binh đã vào sinh ra tử vì độc lập, đến các nhà trí thức mang trọng trách gìn giữ tri thức dân tộc, và đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự thật lịch sử. Đó không chỉ là bảo vệ ký ức, mà là giữ gìn chủ quyền tinh thần và phẩm giá của cả một dân tộc đã đổ biết bao máu xương để tồn tại và phát triển.

Lịch sử là lương tri của dân tộc. Đánh mất lương tri ấy, chúng ta sẽ mất phương hướng, mất bản sắc, và cuối cùng là mất tất cả. Những sự thật đã được chứng minh bằng máu, bằng khổ đau và bằng thắng lợi vẻ vang của Nhân dân không thể bị phủ nhận bởi bất kỳ luận điệu xuyên tạc, nguỵ biện nào. Mỗi người viết sử hôm nay cần phải giữ vững lập trường, đạo đức và lòng trung thành tuyệt đối với sự thật lịch sử, với nhân dân và với Tổ quốc.

Hãy đừng để quá muộn khi những giá trị thiêng liêng nhất bị lãng quên, khi sự thật bị bóp méo và bị thay thế bằng những toan tính chính trị sai lạc, khi giới sử học không còn dũng khí đứng về phía công lý và Nhân dân, đó sẽ là lúc lịch sử trở thành công cụ của những thế lực phi dân tộc. Và nếu điều đó xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng khôn lường.

Vì thế, hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải hành động: Hành động để giữ gìn sự thật lịch sử, để bảo vệ Tổ quốc, để gìn giữ lương tri dân tộc và để không bao giờ hổ thẹn với thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập – tự do – hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam.

Thế Nguyễn/nguồn Facebook của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn