Chủ Nhật, Tháng 2 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bát Xát (Lào Cai) đón hơn 21 nghìn lượt khách thăm quan trong dịp Tết Nguyên đán



ĐNA -

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và thông tin huyện Bát Xát (Lào Cai), trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện đón khoảng hơn 21 nghìn lượt khách du xuân. Các điểm thu hút nhiều du khách là Y Tý, Cột cờ Lũng Pô, Đền Mẫu Trịnh Tường…

Tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô, lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai.

Hơn 6 nghìn lượt khách đến Cột cờ Lũng Pô
“Cột cờ Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi đầu nguồn của sông Hồng đã trở thành biểu tượng của ý chí, tinh thần xung kích tình nguyện và sự quyết tâm của tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng quê hương, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, góp phần khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2, với chiều cao 31,43m – tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m. Tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô, lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai.

Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt Nam.

Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát (thuộc địa phận xã A Mú Sung), chia đường phân thủy 2 nước Việt-Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đây, tháng 2 năm 1979, nhà thơ chiến sĩ Dương Soái đã viết một bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Bài thơ nổi tiếng khắc họa bản lĩnh người chiến sĩ trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm và tình yêu của người lính trên chiến trường gửi về người yêu ở hậu phương.

“Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại cột mốc 92 được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai xây dựng với kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Đây được xác định là công trình thanh niên, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, vừa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn và cũng là công trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản lần thứ XI.

Du xuân, vãn cảnh Đền Mẫu Trịnh Tường.

Du xuân, vãn cảnh Đền Mẫu Trịnh Tường
Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Đền Mẫu Trịnh Tường là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn – Thánh Mẫu thứ hai trong Tam tòa Thánh Mẫu, cai quản nhạc phủ, tức là cai quản vùng rừng núi, trấn giữ biên ải. Bà Trần Thị Thanh, thủ nhang đền Mẫu Trịnh Tường cho biết: Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XX và được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2016. Trong những năm qua, huyện Bát Xát đã huy động nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích, đồng thời quản lý tốt các hoạt động lễ hội. Từ ngôi đền chính là căn nhà cấp 4 nhỏ làm nơi thờ tự, đến nay đền Mẫu Trịnh Tường đã được mở rộng với các hạng mục: Nhà đền chính, nhà sắp lễ, am hóa vàng, nhà hữu vu, cổng tam quan, hồ bán nguyệt…

Hằng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra Lễ hội đền Mẫu Trịnh Tường để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái, dân an. Lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn; khai thác được những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian đa sắc màu, hấp dẫn và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xuân 2025, hơn 3000 lượt khách đã đến Lễ hội.

Các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, các chương trình, sự kiện trong dịp Tết Nguyên đán cũng được tổ chức sôi nổi tại các xã, thị trấn góp phần tạo không khí đón xuân vui tươi, nhộn nhịp, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đền Mẫu Trịnh Tường góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân, đồng thời quảng bá và từng bước đưa đền Mẫu Trịnh Tường trở thành điểm đến hấp dẫn trong hệ thống du lịch lịch sử – văn hóa – tâm linh của tỉnh Lào Cai.

Khách du lịch du xuân tại Y Tý

Y Tý – Vùng đất săn mây bình dị và mộc mạc
Nằm trong số 135 xã đặc biệt khó khăn tại Lào Cai tại vùng biên giới huyện Bát Xát cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 100km, Y Tý sở hữu diện tích đất tự nhiên đến 8654 ha, và 11,94 km đường biên giới. Khi đến đây du khách không khỏi ấn tượng bởi cảnh vật thiên nhiên huyền bí, lý thú và bầu không khí trong lành nằm trên độ cao 2000m so với mực nước biển, mang lại tổng thể vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ khác biệt.

Ngoài ra, Y Tý còn là vùng đất tập trung sinh chủ yếu của 4 dân tộc chính là Hà Nhì, H’Mông, Dao, Kinh nên bản sắc văn hóa dân tộc rất đa dạng và vô cùng độc đáo. Y Tý khiến du khách không khỏi ngất ngây trước cảnh đẹp của cánh đồng bất tận, bầu trời mây lãng mạng hòa cùng dãy núi cao hùng vĩ. Tất cả mang đến khung cảnh hài hòa cho khu du lịch Y Tý và thu hút nhiều khác du lịch tham quan.

Khách du lịch thưởng thức ẩm thực dịp Tết Nguyên đán tại Y Tý.

Hơn 10 nghìn lượt khách du lịch đã du xuân tại Y Tý. Để đạt được kết quả trên, trước Tết Nguyên đán, huyện Bát Xát đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các biện pháp an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống dịch… Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động du lịch; bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong dịp Tết và các hoạt động Lễ hội Xuân 2025.

Trong những ngày tới tại các địa phương trên địa bàn huyện sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội Xuống đồng tại xã Quang Kim vào ngày 04/2/2025, (tức ngày mùng 07 tháng giêng năm Ất Tỵ); Lễ hội Văn hóa – Ẩm thực, quy mô cấp huyện được tổ chức tại x ã Mường Hum, từ ngày 08 đến 09/02/2025 (tức ngày 11 đến 12 tháng 01 âm lịch); Ngày hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Mông huyện Bát Xát năm 2025 cụm 4 xã người Mông Dền Thàng- Sàng Ma Sáo- Pa Cheo- Trung Lèng Hồ tại xã Dền Thàng, từ ngày 6-7/02/2025 (Tức ngày 9-10 âm lịch)…

Nhiều du khách lựa chọn Y Tý là điểm đến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thông qua các lễ hội nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách thập phương về nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết của cán bộ và nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, lao động, sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Tin, ảnh: Quang Phấn/Trung tâm VHTTTT Bát Xát.