Ngày 9/6/2024, các cử tri tại 21 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu bầu trong ngày cuối cùng của kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Nghị viện châu Âu (EP) được bầu trong bối cảnh tiếng bom đạn từ cuộc chiến Ukraine đang vọng về.
Tổng cộng hơn 360 triệu cử tri đủ điều kiện trên khắp 27 quốc gia thành viên EU đã bắt đầu bỏ phiếu từ ngày 6/6. Kết quả sẽ quyết định thành phần của Nghị viện châu Âu và ai sẽ là lãnh đạo của Ủy ban châu Âu (EC) quyền lực. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Cử tri EU sẽ bầu ra 720 nghị sĩ châu Âu (MEP) cho nhiệm kỳ năm năm mới giữa những thách thức sinh tồn, từ an ninh quốc phòng tới kinh tế – xã hội, của khối kinh tế đa quốc gia hội nhập sâu lớn nhất thế giới với hơn 740 triệu người.
Chưa bao giờ trong chín cuộc bầu cử EP trước, kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên vào năm 1979, thậm chí trong vụ Brexit (Anh ra khỏi EU), mà trang web chính thức của Ủy ban châu Âu (EC) lại đăng khẩu hiệu vận động bỏ phiếu: “Hãy sử dụng lá phiếu của mình, bằng không người khác sẽ quyết định thay quý vị”.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã giáng đòn mạnh vào các nhà lãnh đạo Pháp và Đức: Các đảng cực hữu của châu Âu chiến thắng ở nhiều nơi, đứng đầu tại Pháp, Ý và Áo, và đứng thứ hai ở Đức.
Tổng thống Pháp tuyên bố giải tán Quốc hội và bầu cử sớm
Theo cập nhật của Hãng tin AFP sáng 10/6 (giờ Việt Nam), các đảng cực hữu đã đạt được những thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9/6.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/6 tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm, sau khi Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Hãng tin Reuters cũng đưa tin: “Thắng lợi của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9/6 đã thúc đẩy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi một cuộc bầu cử toàn quốc sớm, và làm tăng thêm sự bất ổn cho định hướng chính trị tương lai của châu Âu”.
Trong khi các đảng trung dung, tự do và xã hội vẫn giữ được thế đa số trong Nghị viện châu Âu (gồm 720 ghế), cuộc bầu cử đã giáng đòn mạnh vào các nhà lãnh đạo của cả Pháp và Đức, làm dấy lên những câu hỏi về cách thức các cường quốc này có thể thúc đẩy chính sách trong Liên minh châu Âu.
Theo mạng phát thanh và truyền hình BFMTV, Đảng FN – dưới sự lãnh đạo của chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella – đã giành được khoảng 32% tổng số phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ 15,4% mà Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron có được, tiếp đó là liên minh Place publique-Đảng Xã hội (13,9%) và Đảng Nước Pháp bất khuất cánh tả (9,3%).
Ông Macron cho rằng kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu không có lợi “đối với các đảng bảo vệ châu Âu”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong một sự kiện tại trụ sở Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) vào ngày diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm 9-6 – Ảnh: REUTERS
Liên minh cầm quyền của Đức thất bại nặng nề
Hãng tin Reuters bình luận rằng giống như ông Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng trải qua một “đêm đau đớn” khi Đảng Dân chủ xã hội (SPD) trung tả của ông phải chịu kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Theo kết quả sơ bộ, các đảng trong chính phủ liên minh hiện tại của Đức đã phải đối mặt với thất bại nghiêm trọng. SPD chỉ giành được 13,9% tổng số phiếu bầu, xếp thứ 3 và xếp sau Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cực hữu.
Đảng Xanh, cũng là thành viên của chính phủ liên bang, hứng chịu cú đòn nặng nề khi chỉ nhận được 11,9% phiếu bầu, giảm mạnh so với kỷ lục 20,5% trong kỳ bầu cử EP năm 2019.
AfD, vốn nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn trong những cuộc thăm dò dư luận kể từ năm ngoái, đứng thứ 2 với 15,9%. Tâm lý bất mãn của cử tri đối với chính phủ liên minh hiện tại là nguyên nhân chính dẫn đến sự trỗi dậy của AfD.
Đáng chú ý, các đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) giành được 30,2% tổng số phiếu bầu. Kết quả này của CDU/CSU được coi là động lực cho đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có cơ hội tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần thứ 10, có 34 chính đảng ở Đức, trong đó có 9 đảng mới tham gia lần đầu, tham gia cạnh tranh tổng cộng 96 ghế trong Nghị viện châu Âu – số ghế nhiều nhất trong số các quốc gia thành viên EU.
Sự nổi lên của AfD đã khiến dư luận Đức lo ngại. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn như Berlin, Stuttgart, Leipzig, Dresden, Munich và Frankfurt để phản đối đảng cực hữu này.
Thế Cương/tổng hợp