Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bế mạc CITA, AWRIS 2024: Dấu ấn học thuật của VKU cùng Cộng đồng đại học Đông Nam Á 

ĐNA -

(Đà Nẵng). Sau 2 ngày làm việc (19 và 20/07/2024, tại thành phố Đà Nẵng và Hội An, tỉnh Quảng Nam), hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực – Conference on Information Technology and its Applications/ CITA ” XIII – năm 2024 đã chính thức khép lại.

Được khởi xướng vào năm 2012, CITA là chuỗi hội thảo khoa học về công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực, được VKU chủ trì và đăng vai tổ chức thường niên. Mục tiêu chính của hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà nghiên cứu, giới khoa học, đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Tại diễn đàn CITA, đại biểu tham gia sẽ công bố, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và thời sự ứng dụng kỹ thuật, công nghệ.

Các đại biểu tham dự CITA XIII – năm 2024 chụp ảnh lưu niệm trong phiên bế mạc (Hội An, Quảng nam, Việt nam). Ảnh: VKU.

CITA XIII năm 2024, được cộng đồng chuyên gia đầu ngành tham dự, nhất quán nhìn nhận: đã “đánh dấu bước phát triển vượt bậc, khẳng định hơn nữa uy tín, quy mô và chất lượng một hội thảo quốc tế”. Đặc biệt Volume 1 của kỷ yếu hội thảo , tiếp tục được xuất bản trong Lecture Notes in Network and Systems (Springer) thuộc cơ sở dữ liệu DBLP, Scopus, Web of Science.

Phiên tổng kết, bế mạc hội thảo CITA 2024 đã vinh danh, trao thưởng các bài báo (khoa học) xuất sắc nhất. Giải “Student Best Paper – bài báo xuất sắc nhất dành cho sinh viên”, được Ban tổ chức trao cho  “A Gan-based Rain Augmentation for Enhancing the Accuracy of the License Plate Detection” của nhóm tác giả Anh Tuan Nguyen Dai, Thanh Binh Nguyen đến từ Trường Đại học CNTT, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Thay mặt nhóm điều hành phiên làm việc đặc biệt về An ninh mạng, pháp y số và mật mã học; PGS.TS. Lê Khắc Nhiên Ân (Đại học Dublin, Ireland) đón nhận giải thưởng Best Special Session từ GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Trường Đại học Bách Khoa Wroclaw-Ba Lan). Ảnh: VKU.

Bài báo giành được giải thưởng “Regular Best Paper” (Xuất sắc nhất của CITA 2024) là “MCST-Net: A Multi-Cross-Spatial Attention U-Net with Transformer Block for Skin Lesion Segmentation”  của nhóm tác giả Manh Hung Vu, Du Ngoc Tran, Hoang Minh Quang Le, Thi Thao Tran và Van Truong Pham (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Nhóm GS.TS Kim-Kwang Raymond Cho (Singapre), TS. Huu-Tram Truong (Singapore) và PGS.TS. Nhien-An LE-KHAC (Ireland) nhận giải thưởng Best Special Session (dành cho vai trò chủ trì, điều hành đặc biệt xuất sắc nhất) với Phiên làm việc đặc biệt về An ninh mạng, pháp y số và mật mã học (Special Session on Cyber Security, Digital Forensics & Cryptography).

173 bài báo khoa học của hơn 450 tác giả, từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi về tham dự CITA 2024
Trong phiên toàn thể của CITA 2024, Hội thảo đã nghe 2 báo cáo đề dẫn rất chất lượng của GS.TS. Kang-Hyun Jo (Đại học Ulsan, Hàn Quốc) với chủ đề “Bird-Eye Vision based AI Service”, và GS.TS. Gottfried Vossen (Đại học Münster, Đức) với chủ đề “Sharing and Trading Data and Language Models”.

Lần hội thảo năm nay, Ban tổ chức nhận được 173 bài báo khoa học của hơn 450 tác giả đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu biểu như Áo, Canada, Pháp, Ấn Độ, Ireland, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Malaysia. Myanmar, Hongkong, Indonexia, Singapore, Na Uy, Ba Lan, Luxembourg, Nga, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Ban tổ chức trao chứng nhận, vinh danh tác giả/nhóm tác giả có Best Paper tại CITA 2024. Ảnh: VKU.

 Sau quá trình phản biện hết sức chặt chẽ và nghiêm túc, mỗi bài báo có từ 2-4 phản biện; dưới sự chủ trì và cố vấn chuyên môn của các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số như GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (Việt Nam), PGS.TS. Lê Khắc Nhiên Ân (Ireland), GS.TS. Kang-Hyun Jo, GS.TS. Yeong-Seok Seo (Hàn Quốc), GS.TS. Kim-Kwang Raymond Choo (Hoa Kỳ), PGS.TS. Lê Đình Thắng (Canada),… đã có 43 bài báo được lựa chọn (đạt tỷ lệ chấp nhận là 25%) và đăng vào Volume 734 (Volume 1) của Lecture Notes of Networking and Systems.

Bên cạnh đó, có 37 bài báo chất lượng khác được đăng vào Volume 2 (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế CITA 2024 với ISBN 978-604-80-9774-5), trong số đó, có 6 báo cáo có chất lượng được lựa chọn để xuất bản trong số dành riêng của Chuyên san “Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng, dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (ISSN 1859-3526), của Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam).

CITA 2024 còn có thêm phiên báo cáo đặc biệt về Artifical Intelligence and Collective Intelligence for Social Media (Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ tập thể {thông minh} cho truyền thông xã hội); Cyber Security, Digital Forensics and Cryptography (An ninh mạng, Mật mã học và Điều tra dân số); Business Intelligence In The Digital Economy (Trí tuệ kinh doanh trong nền kinh tế số); Computer Vision (Thị giác máy tính).

VKU và Cộng đồng các trường đại học Đông Nam Á làm nên dấu ấn học thuật
CITA 2024 do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng, Cộng đồng các trường đại học Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học (ACIR), Hiệp hội các Khoa-Trường-Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức.

Uy tín của sự kiện đã nhận được bảo trợ chuyên môn và đồng hành của Nhà xuất bản Springer, IEEE SMC, Trường Đại học Bách Khoa Wroclaw (Ba Lan), Đại học Dublin (Ireland). Đặc biệt, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thông qua một dự án ODA, đã tài trợ cho sự kiện.

Với tiếng vang về chất lượng luôn được khẳng định, kể từ năm 2022, hội thảo CITA nhận được sự đồng hành và bảo trợ chuyên môn của các tạp chí có uy tín quốc tế: “Journal of Information and Telecommunication” (Scopus, eSCI) của nhà xuất bản Taylor and Francis (https://www.tandfonline.com/toc/tjit20/current) và Tạp chí “Vietnam Journal of Computer Science” (Scopus, eSCI) của nhà xuất bản World Scientific Publishing. Cả 2 tạp chí đều được trích dẫn trong cơ sở dữ liệu in Scopus và e-SCI. Qua đó, có thêm nhiều bài báo chất lượng tốt được lựa chọn tại các phiên báo cáo của CITA để mở rộng và xuất bản trong các số đặc biệt của các tạp chí này.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp: Campuchia trở thành điểm đến đầu tiên ngoài Việt Nam của CITA. Ảnh: VKU.

Tại CITA XIII – 2024, đã có đến 11 phiên báo cáo song song với nhiều chủ đề hay và đang là xu thế công nghệ, kỹ thuật phát triển mạnh hiện nay (trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số): Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo;  Xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin; Mạng và Truyền thông; Kinh tế số; …

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo CITA (đồng thời là Chủ trì đồng sáng lập Cộng đồng ACIR), đã phát động, gọi bài cho Hội thảo khoa học quốc tế CITA 2025, dự kiến được tổ chức tại Campuchia, vào các ngày 11-12 tháng 7 năm 2025. Học viện Công nghệ Kỹ thuật số Campuchia đã chính thức đón nhận vai trò đăng cai.

Campuchia trở thành điểm đến đầu tiên ngoài Việt Nam của CITA, minh chứng cho tầm lan tỏa của một diễn đàn học thuật đang vươn dần ảnh hưởng đến các cộng đồng đại học Đông Nam Á. Tại Việt Nam, duyên hải trung Trung bộ là nơi diễn ra nhiều nhất các phiên làm việc của CITA (Đà Nẵng, Huế, Hội An).

Tại CITA 2024, có đến 11 phiên báo cáo song song với nhiều chủ đề hay và đang là xu thế công nghệ, kỹ thuật phát triển mạnh hiện tại. Ảnh: Báo cáo đề dẫn của GS.TS. Kang-Hyun Jo (Đại học Ulsan, Hàn Quốc) với chủ đề “Bird-Eye Vision based AI Service”. Ảnh: T.Ngọc.

CITA 2024 khởi động AWRIS lần thứ nhất – Hội thảo học thuật của sinh viên Đông Nam Á+
Qua 13 năm hình thành và phát triển, là đơn vị khởi xướng CITA, Học hiệu VKU – Đại học Đà Nẵng, càng khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình với cộng đồng và sự phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Miền Trung – Tây Nguyên và đất nước.

Tại CITA 2024, cũng đã diễn hội thảo ACIR+ lần thứ nhất, chủ đề “Nghiên cứu và Đổi mới cho Sinh viên các trường đại học Đông Nam Á_ – The 1st ACIR+ Workshop of Research and Innovation for Students – AWRIS 2024). AWRIS hướng đến múc tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên các quốc gia Đông Nam Á.

AWRIS 2024 có sự tham gia của sinh viên 10 trường đại học uy tín ở Đông Nam Á (Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Công nghệ King Mongkut’s Bắc Bangkok (KMUTNB), Thái Lan; Học viện Công nghệ số Campuchia (CADT); Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU), Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Phenikaa; Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST); Viện Công nghệ Thông tin (ITI)– ĐHQG Hà Nội; Học viện Kỹ thuật Mật mã Việt Nam (ACTVN); Đại học Cần Thơ (CTU) và Cộng hòa Pháp (Đại học Cote d’Azur).

Nội dung của AWRIS 2024 xoay quanh các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên.

AWRIS 2024 đã diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo CITA XIII năm 2024 (sáng ngày 19/07/2024 tại VKU – Đại học Đà Nẵng. Và dự kiến, đây sẽ là hoạt động thường niên dành cho sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á với sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng ACIR (Asean Consortium for Innovation and Research).

AWRIS phiên thứ nhất (2024), có 10 báo cáo của các nhóm sinh viên và 3 phát biểu chia sẻ đến từ các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Song song, sinh viên các trường đã tích cực tham gia hoạt động teambuilding, giao lưu văn hóa, trao đổi thảo luận về chủ đề AI.

Báo cáo khoa học của các nhóm sinh viên trong một phiên làm việc của AWRIS 2024. Ảnh: T.Ngọc.

“Hy vọng với khởi đầu này, AWRIS 2024 trở thành nơi hội tụ và là cầu nối hiệu quả giữa sinh viên các cơ sở giáo dục đào tạo trong cộng đồng ACIR, đồng thời thúc đẩy hợp tác, trao đổi học thuật, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao cho Việt Nam nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á, thế giới nói chung.

AWRIS cũng là một diễn đàn do VKU chúng tôi khởi xướng, được cộng đồng các nhà khoa học, các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức KOICA, các nhà khoa học Hàn Quốc, Ba Lan, Ireland,…

Chúng tôi đồng thuận cùng tổ chức AWRIS với mục tiêu, diễn đàn trẻ này  sẽ tạo động lực , thúc đẩy và kết nối được cộng đồng sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học. Các bạn sinh viên có thêm cơ hội trình bày những ý tưởng sáng tạo, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, cũng như những kinh nghiệm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Chủ trì đồng sáng lập Cộng đồng ACIR vui mừng chia sẻ. Bởi cả CITA, ACIR lẫn AWRIS 2024 đều đã thành công trọn vẹn, để lại dấu ấn đóng góp sâu đậm cho học thuật của VKU cùng Cộng đồng đại học Đông Nam Á./.

Trần Ngọc