Thứ tư, Tháng mười 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên: TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022.

ĐNA -

ASEAN NewsNgày 8-1, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dự và chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong năm 2021, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta đã tác động nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực của thành phố.

Việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và chủ đề năm diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, thách thức và chưa từng có tiền lệ. Cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội đều được huy động vào nhiệm vụ ưu tiên công tác phòng chống dịch, chăm lo cho sức khỏe và sinh mạng của người dân.

Trong bối cảnh đó, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, TPHCM vẫn đạt được nhiều điểm sáng, trong đó, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tập trung nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội. TPHCM đã chi trên 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ, đạt 104,5% dự toán năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 12,9% so với cùng kỳ. Đầu tư FDI tăng 38% so với cùng kỳ. Lượng kiều hối về TP ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

TPHCM đã hoàn thành 14/29 chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 mà HĐND TPHCM đề ra.

3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thực tiễn cho thấy thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế – xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn mà TP HCM cần đặc biệt quan tâm.

Một là, vấn đề quản trị thành phố trong tình hình mới; nhất là sự bất cập về cơ cấu kinh tế – cơ cấu lao động – phân bố dân cư – nhà ở – việc làm – hệ thống đảm bảo an sinh – xã hội và môi trường sống…

Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành đồng bộ công tác quản trị thành phố.

Ba là, từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng hành phố trong tương lai.

“Đây là những vấn đề lớn, đòi hỏi TP HCM phải có những giải pháp mang tính đột phá, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, phù hợp cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương mới có thể từng bước khắc phục được” – Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận.

15 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022, trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2022 của TP. HCM vẫn là kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Việc này đòi hỏi TP HCM phải giữ vững thành quả chống dịch, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố trong năm 2022.

Việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6%- 6,5% thể hiện quyết tâm cao, đồng thời bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022. Vấn đề rất quan trọng, để đạt được các mục tiêu của năm 2022, bao gồm: Nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện và nâng cao hiệu lực- hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, điều hành DN, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. “Trong đó, an toàn phòng chống dịch là điều kiện cần để TP HCM phục hồi và phát triển” – Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

TP.HCM sẽ tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đó là yêu cầu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị. Thời gian vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh Covid-19 với hơn 150 ngày cao điểm khiến cả thành phố chìm sâu vào khủng hoảng. Tình hình kinh tế, đời sống xã hội cũng vì vậy mà mất đà, lần đầu tiên TP.HCM chứng kiến mức tăng trưởng âm. Các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cao mang tính toàn cầu, rằng tình hình hiện nay đầy trục trặc, nhiều mơ hồ, thiếu ổn định… “Chỉ có một điều chắc chắn là phải thay đổi. Do đó, chúng ta phải luôn trong tâm thế thích ứng linh hoạt, mới có thể ứng phó hữu hiệu với tình hình mới để phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022”- Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết.

The Cuong.