Thứ hai, Tháng mười hai 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Biến đổi khí hậu khiến nguy cơ các dòng sông băng nổi tiếng sẽ biến mất

ĐNA -

Theo nghiên cứu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) , một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới như các sông băng trên dãy Dolomites (Italy), ở các công viên quốc gia Yosemite và Yellowstone (Mỹ) và trên dãy núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ biến mất vào năm 2050 do tình trạng ấm lên toàn cầu.

Sông băng Aletsch lớn nhất trên dãy núi Alps. Ảnh minh họa: AFP

Biến đổi khí hậu khiến nguy cơ các dòng sông băng nổi tiếng sẽ biến mất
UNESCO đã theo dõi khoảng 18.600 sông băng tại 50 địa điểm Di sản Thế giới mà tổ chức này công nhận và dự đoán rằng khoảng 33% trong số sông băng này sẽ biến mất vào năm 2050. Số sông băng còn lại có thể được cứu nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong kịch bản lượng phát thải vẫn diễn ra như bình thường, khoảng 50% sông băng tại các địa điểm Di sản Thế giới này có thể gần như biến mất hoàn toàn vào năm 2100.

Theo tác giả của báo cáo, ông Tales Carvalho, các sông băng thuộc danh sách Di sản Thế giới của UNESCO mất trung bình khoảng 58 tỷ tấn băng/năm, tương đương tổng lượng nước dùng hằng năm của cả Pháp và Tây Ban Nha và “đóng góp” 5% vào mực nước biển dâng trên toàn cầu. Ông Carvalho nhấn mạnh biện pháp duy nhất để có thể ngăn chặn diện tích các sông băng thu hẹp là giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các sông băng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới chiếm khoảng 10% diện tích sông băng trên thế giới, trong đó có một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới. Do vậy, rất dễ nhận thấy sự biến mất của các sông băng này bởi chúng là những điểm du lịch nổi tiếng trên toàn cầu. UNESCO khuyến nghị giới chức các nước cần đưa vấn đề bảo vệ sông băng làm trọng tâm trong chính sách, bằng cách tăng cường giám sát và nghiên cứu, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Biển báo hiệu lãnh thổ Thụy Sĩ trên núi Alps. Ảnh: afp

Sông băng tan chảy làm dịch chuyển đường biên giới Thụy Sĩ – Italy
Nằm trên dãy Alps phủ đầy tuyết, đường biên giới giữa hai nước Thụy Sĩ – Italy được tính chạy dọc theo đường phân chia thoát nước. Sau khi sông băng Theodul tan chảy đã dịch chuyển đường phân chia thoát nước này, đẩy 2/3 diện tích nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino – một nơi nghỉ chân cho du khách khi tham quan đỉnh Testa Grigia cao 3.480 m chuyển sang thuộc Thụy Sĩ.

Frederic, một du khách 59 tuổi nghỉ chân tại nhà hàng, cho biết: ‘Thực đơn viết bằng tiếng Italy, và chúng tôi trả tiền bằng đồng euro thay vì đồng franc Thụy Sĩ. Song thực tế chúng tôi đang ở Thụy Sĩ hay Italy’.

Đây cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi trong các cuộc đàm phán ngoại giao từ năm 2018 và kết thúc bằng một thỏa hiệp. Tuy nhiên, các chi tiết trong thỏa thuận vẫn còn được giấu kín.

Khi nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino được xây dựng trong năm 1984, tất cả nội thất trong nhà nghỉ từ bàn ghế, giường tủ nằm hoàn toàn bên phía lãnh thổ Italy. Song hiện này, với sự dịch chuyển biên giới, 2/3 không gian nhà nghỉ, bao gồm phần lớn giường và nhà hàng, lại nằm ở phía Nam Thụy Sĩ.

Vấn đề được trở nên đáng quan tâm vì kinh tế khu vực này phụ thuộc vào du lịch. Đây là một trong những khu nghỉ mát trượt tuyết lớn nhất thế giới, và đang phát triển khi một ga cáp treo đang được xây dựng cách đó vài mét.

Từ năm 1973 đến năm 2010, sông băng Theodul đã mất gần 1/4 diện tích. Băng tan đã khiến lớp đá bên dưới lộ ra, thay đổi đường phân chia thoát nước và buộc hai quốc gia phải vẽ lại 100 m đường biên giới.

Ông Alain Wicht, quan chức phụ trách đường biên giới tại cơ quan lập bản đồ quốc gia Swisstopo của Thụy Sĩ, nói rằng những điều chỉnh như vậy xảy ra thường xuyên và thường được giải quyết bằng cách so sánh kết quả đọc của các nhà khảo sát, thay vì sự can thiệp từ các chính trị gia. ‘Phần diện tích lãnh thổ này không đáng là bao. Tuy nhiên, nơi đây lại xuất hiện một tòa nhà đem lại giá trị kinh tế cho khu đất’, Alain giải thích.

Về phần mình, những người đồng cấp Italy từ chối bình luận do tình hình quốc tế phức tạp. Cựu giám đốc Swisstopo, Jean-Philippe Amstein, cho biết những tranh chấp như trên thường được giải quyết bằng cách trao đổi các lô đất có diện tích và giá trị tương đương. Song trong trường hợp này, Thụy Sĩ không quan tâm đến việc lấy một mảnh sông băng và người Italy thì không thể đền bù một mảnh đất trên bề mặt cho Thụy Sĩ.
Chy Le/tổng hợp