Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Biểu tình lan rộng trên khắp châu Âu có thể gây bất ổn chính trị

ĐNA -

Trên khắp châu Âu, lạm phát tăng cao là nguyên nhân dẫn đến làn sóng bất bình đối với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và có nguy cơ gây ra bất ổn chính trị.Tại Romania, người biểu tình đi trên hàng loạt tuyến phố lớn để phản ánh nỗi thất vọng của họ. Người dân trên khắp nước Pháp đã xuống đường để yêu cầu chính phủ tăng lương theo kịp với đà tăng lạm phát.

Người biểu tình bên ngoài các cơ quan chính phủ ở Bucharest, Romania, ngày 20/10. Ảnh: AP

Những người biểu tình ở Séc đã tập trung lại để phản đối cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhân viên đường sắt Anh và phi công Đức đã tổ chức các cuộc đình công quy mô lớn đòi nâng lương trong bối cảnh giá cả đều tăng lên.

Với việc Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức chưa đầy hai tháng sau khi chính sách kinh tế của bà gây hỗn loạn cho các thị trường tài chính và tác động xấu đến nền kinh tế “ốm yếu” của khu vực, các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với những rủi ro rõ rệt hơn bao giờ hết.

Người dân châu Âu đã chứng kiến hóa đơn tiêu thụ năng lượng và giá lương thực tăng phi mã vì cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, mặc dù giá khí đốt tự nhiên đã giảm từ mức cao kỷ lục vào mùa hè cũng như việc các chính phủ phân bổ khoản cứu trợ năng lượng 576 tỷ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 9/2021, nhưng điều đó vẫn không đủ đối với một số người biểu tình.

Giá năng lượng đã đẩy tỷ lệ lạm phát ở 19 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung Eurozone lên mức kỷ lục 9,9%, khiến nhiều hàng hóa nhu yếu phẩm nằm ngoài khả năng chi trả của người dân. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài cách xuống đường phản đối.

Bác sĩ Rachid Ouchem, một trong số hơn 100.000 người tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều thành phố của Pháp những ngày qua cho biết: “Thời nay, mọi người có thể sử dụng các chiến thuật gây áp lực để được tăng lương”.Theo công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, hậu quả từ cuộc chiến tranh ở Ukraine đã làm tăng mạnh nguy cơ bất ổn dân sự ở châu Âu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ủng hộ mạnh mẽ Chính phủ Ukraine, gửi vũ khí cho nước này và cam kết từ bỏ nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Thế nhưng quá trình chuyển đổi trên không hề dễ dàng và có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng.

Nhà phân tích Torbjorn Soltvedt tại Verisk Maplecroft cho rằng: “Không có cách để nhanh chóng khắc phục cuộc khủng hoảng năng lượng. Lạm phát dường như sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới”.

Tại Pháp, nơi lạm phát đang ở mức 6,2%, thấp nhất trong 19 quốc gia khu vực đồng euro, công nhân ngành đường sắt và vận tải, giáo viên trung học và nhân viên bệnh viện công đã tham gia lời kêu gọi đình công yêu cầu tăng lương của một liên đoàn ngành dầu mỏ, cũng như phản đối sự can thiệp của chính phủ.

Tại Romania, hàng ngàn người dân đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Bucharest để phản đối giá cả năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Các nhà tổ chức hoạt động này cho rằng tình trạng chi phí đắt đỏ đang khiến hàng triệu người lao động rơi vào cảnh nghèo đói.

Tại Séc, các đám đông tuần hành ở thủ đô Praha vào tháng trước đã yêu cầu chính phủ từ chức, đồng thời chỉ trích việc nước này ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga Họ cũng chỉ trích chính phủ không nỗ lực hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng.

Trong khi người biểu tình đã lên kế hoạch về một buổi tuần hành khác ở Praha vào tuần tới, phong trào này cho đến nay vẫn chưa gây tác động đến giới chính trị, với việc liên minh cầm quyền của đất nước này giành được một phần ba số ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử tháng 10 mới đây.

Hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành đòi tăng lương tại Rennes, Pháp, ngày 18/10. Ảnh: AFP

Nhân viên đường sắt, y tá, công nhân bến cảng, luật sư và những người lao động khác ở Anh đã tổ chức một loạt cuộc đình công trong những tháng gần đây, yêu cầu tăng lương phù hợp với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 10,1%.

Kế hoạch kích thích kinh tế thất bại của bà Lizz Truss – gồm việc cắt giảm thuế và viện trợ hàng chục tỷ USD hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp mà không có kế hoạch chi trả rõ ràng – đã minh họa cho những rắc rối mà các chính phủ đang mắc phải khiến cho bà phải từ chức.

Cho đến nay, nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm nhà cửa vẫn ít hơn so với các tháng 10 thường lệ ở châu Âu. Tuy nhiên, nhà phân tích Torbjorn Soltvedt cảnh báo rằng khi nguồn cung cấp khí đốt của châu lục này giảm mạnh vào mùa đông sắp tới do lệnh cấm nhập khẩu từ Nga có hiệu lực, EU nhiều khả năng phải chứng kiến tình trạng rủi ro dân sự và bất ổn của chính trị gia tăng hơn nữa.

Truyền thông khu vực cho biết Đức đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình cuối tuần qua, nhưng ở Brussels cũng chứng kiến ​​cuộc tuần hành quy mô lớn hôm 23/10, khi hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình do Liên minh Khí hậu tổ chức, nơi quy tụ hơn 90 tổ chức môi trường, công đoàn và phong trào công dân, để kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Rebecca Thissen, điều phối viên của Liên minh Khí hậu cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn (quy mô của các cuộc biểu tình) kể từ năm 2018 và bất chấp đại dịch COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp khác, mọi người vẫn tiếp tục vận động và xuống đường để hành động vì khí hậu tốt hơn” .

Tờ Le Soir của Bỉ dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết 25.000 người tham gia tuần hành và tình hình giao thông bị ảnh hưởng cho đến 8 giờ tối (giờ địa phương).

Trước đó hôm 22/10, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại 6 thành phố của Đức để yêu cầu phân phối công bằng hơn các quỹ của chính phủ để đối phó với giá năng lượng tăng và chuyển đổi nhanh hơn khỏi nhiên liệu hóa thạch, theo Reuters.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố Berlin, Düsseldorf, Hannover, Stuttgart, Dresden và Frankfurt. Những người biểu tình đã cầm những tấm biển mang khẩu hiệu về nhiều chủ đề, từ trợ cấp năng lượng nhiều hơn và đóng cửa các nhà máy hạt nhân, đến giảm lạm phát. Theo Greenpeace, một trong những nhà tổ chức biểu tình, khoảng 24.000 người đã tham gia, trong khi cảnh sát cho biết 1.800 người đã tập trung tại thủ đô của Đức.

Andrea Kocsis, Phó chủ tịch Ver.di, một trong những công đoàn tổ chức cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi muốn kêu gọi cứu trợ tài chính khẩn cấp cho những công dân gặp khó khăn trong xã hội. Chính phủ đang làm rất nhiều nhưng họ đang phân phát ngân quỹ nhỏ giọt. Những người có thu nhập thấp cần được hỗ trợ nhiều hơn những người giàu có”.

Hàng nghìn người tiếp tục xuống đường biểu tình ở châu Âu cuối tuần qua. Ảnh: AFP

Quốc hội Đức hôm thứ 21/10 đã thông qua đề xuất của chính phủ về một quỹ trị giá 200 tỷ euro để giải quyết tình trạng giá năng lượng đang tăng vọt. Các hộ gia đình tư nhân có thể được hưởng lợi từ mức trần giá bắt đầu từ tháng 3/2023.

Tuy nhiên, quỹ 200 tỷ euro của Đức đã gây tranh cãi ở Brussels khi một số nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc Đức có xu hướng bảo hộ vì không phải tất cả các nước thành viên EU đều có khả năng tài chính như Berlin.

Theo dữ liệu được công bố bởi công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, dự báo sẽ có nhiều cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Thời gian gần đây, ở nhiều quốc gia đã chứng kiến ​​sự gia tăng các cuộc biểu tình, gây rủi ro bất ổn dân sự. “Khi các điều kiện dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự gia tăng ở một số quốc gia, mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cuộc biểu tình sẽ tăng tốc hơn nữa trong những tháng tới”, công ty tư vấn trên nhấn mạnh.
Huy Quang/tổng hợp Theo Euronews