Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bình Định hai quật phế tích công trình quân sự thời Tây Sơn



ĐNA -

Ngày 31/7/2024, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã công bố kết quả sơ bộ cuộc khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích tháp Đại Hữu do Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện.

Tháp Đại Hữu đã được xác định có bình đồ hình vuông, với mỗi cạnh của thân tháp dài 9m. Lòng tháp có kích thước 3,8×3,8m, nền móng chân đế tháp gần như vuông vức, với cạnh dài từ 12,7-13m. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Định

Phế tích Đại Hữu nằm trên đỉnh núi Đất, thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Với diện tích khoảng 4.000m2, nơi đây đã từng là một trung tâm tôn giáo và quân sự quan trọng. Cuộc khai quật đợt 2, được thực hiện từ ngày 9/5-10/7/2024 trên diện tích 300m2, là một phần của nỗ lực tiếp tục bảo tồn và nghiên cứu di sản văn hóa quan trọng này.

Tại buổi báo cáo, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã chia sẻ những phát hiện quan trọng từ cuộc khai quật năm 2024. Theo ông Triệu, cuộc khai quật đã giúp lộ diện toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía Đông, cùng các nền móng chân đế ở phía Bắc, Nam và Tây của tháp. Những khám phá này giúp làm sáng tỏ kiến trúc tổng thể của tháp Đại Hữu, một công trình có kiến trúc đặc trưng của văn hóa Chămpa.

Qua hai đợt khai quật, kiến trúc tháp Đại Hữu đã được xác định có bình đồ hình vuông, với mỗi cạnh của thân tháp dài 9m. Lòng tháp có kích thước 3,8×3,8m, nền móng chân đế tháp gần như vuông vức, với cạnh dài từ 12,7-13m. Dựa trên những di tích và di vật này, ông Triệu nhận định rằng phế tích tháp Đại Hữu có thể có niên đại từ khoảng giữa thế kỷ XIII, tương ứng với giai đoạn phát triển của vương quốc Chămpa.

Tháp có cửa ra vào phía Đông và hệ thống cửa giả. So sánh về bình diện với các tháp Chămpa khác thì bình diện tháp Đại Hữu có quy mô lớn. Kết hợp giữa quy mô kiến trúc to lớn và nằm trên vị trí cao nhất của đỉnh núi.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 156 hiện vật bằng đá, bao gồm các loại đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Những hiện vật này có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, bao gồm bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá và các phù điêu trang trí hình người, động vật, cùng các tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ngoài ra, cuộc khai quật cũng thu được 522 hiện vật bằng đất nung, cung cấp thêm thông tin về đời sống và sinh hoạt của người dân xưa.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 156 hiện vật bằng đá, bao gồm các loại đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Định

Đặc biệt, cuộc khai quật còn phát hiện một số mảnh gốm gia dụng có niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII, liên quan đến thành Chánh Mẫn, một căn cứ quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn. Những hiện vật này cho thấy khu vực phế tích tháp Đại Hữu đã từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử quân sự của Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã đánh giá cao giá trị của những hiện vật được tìm thấy tại tháp Đại Hữu. Ông cho biết, các hiện vật như bệ thờ, mái nhà cung điện Chămpa và các tác phẩm điêu khắc được phát hiện đều rất đẹp, độc đáo và là những hiện vật quý hiếm lần đầu tiên được tìm thấy tại Bình Định.

Những phát hiện từ cuộc khai quật tại tháp Đại Hữu không chỉ giúp làm sáng tỏ thêm về lịch sử văn hóa Chămpa mà còn đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về vai trò của khu vực này trong lịch sử quân sự của nhà Tây Sơn. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và nghiên cứu di sản văn hóa tại Bình Định.

Thế Cương