Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bình Định, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đón bằng di sản phi vật thể quốc gia

ĐNA -

Ngày 19/2/2023, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn tại Chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang. Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 4/8/2022.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 4/8/2022.

Được biết, khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất,  là nơi thông thương, giao lưu buôn bán giữa Bình Định với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến cũng di cư sang đây mở phố buôn bán.

 Nơi đây hình thành nhiều dãy phố buôn bán tấp nập với đủ các loại hàng hóa từ miền xuôi đến miền ngược, là nơi tàu thuyền và các thương nhân nước ngoài thường xuyên lui tới bang giao, buôn bán, trao đổi hàng hóa, đánh dấu đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong.

Từ năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh thì Chùa Bà được khởi dựng. Ban đầu là một ngôi miếu đơn sơ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân nơi đây. Họ thường đến đây để đi lễ, tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ một cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Dần dần, khi đã an cư, lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn cũng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn, từ đó tên gọi “Chùa Bà” ra đời.

Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu thánh mẫu – một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Tục thờ Thiên Hậu của người Hoa hòa nhập với tục thờ Mẫu của người Việt chính là linh hồn của lễ hội Nước Mặn.

Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa khi biên giới nước ta mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả – Phú Yên).

Cho đến ngày nay, tuy cảng thị đã suy tàn nhưng chùa Bà vẫn còn, lễ hội Nước Mặn vẫn còn. Nơi đây, người dân thắp đèn lồng vào các ngày lễ, các nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với lễ hội và xem đây như là dịp tết lớn thứ hai trong năm.

Ngoài ra, Nước Mặn còn là địa điểm diễn ra quá trình nghiên cứu việc Latin hóa tiếng Việt, góp phần quan trọng vào việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

Ông Lâm Hải Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật bài chòi Bình Định.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày cuối cùng của tháng giêng âm lịch đến ngày 2 tháng 2 âm lịch).

Việc Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này; khẳng định vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa. Trong số đó có lễ cầu an, lễ tế bà, lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông.

Lễ hội còn có lễ nghinh thần rước sắc – rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng đắp bờ; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc… nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.

Phần lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như hội đánh bài chòi, hát tuồng… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Hoàng Hạnh