Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bình Phước: Lễ hội Phá Bàu của đồng bào dân tộc Khmer  

ĐNA -

Ngày 17/3/2023, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước diễn ra Lễ hội Phá Bàu của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer phản ánh đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Qua lễ hội, người Khmer ở Lộc Khánh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng được bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Toàn cảnh lễ hội Phá Bàu tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (Ảnh: Báo Bình Phước)

Lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer có từ xưa và được xã Lộc Khánh cố gắng khôi phục. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Sau khi được công nhận, địa phương đã giao lại việc tổ chức cho cộng đồng theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, lễ hội đã tổ chức được 3 năm; Lễ hội ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như người dân các địa phương xung quanh đến tham gia. Đây là nét truyền thống rất đặc sắc của người Khmer ở địa phương. Trong ngày đi lễ Phá Bàu, các gia đình chuẩn bị những vật dụng như: nơm, gùi, đồ xúc cá, giỏ đựng, nước uống. Dưới bàu nước, đàn ông, phụ nữ và trẻ em nhanh tay dùng các vật dụng như nơm, đồ xúc để bắt cá.

Dưới bàu nước, đàn ông, phụ nữ và trẻ em nhanh tay dùng các vật dụng như nơm, đồ xúc để bắt cá

Lễ hội Phá Bàu là một hoạt động văn hóa đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua các thế hệ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trước đây, lễ hội Phá Bàu được cộng đồng người Khmer duy trì ở nhiều nơi. Riêng xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cũng tổ chức lễ hội tại các bàu nước như: bàu K’Pot, bàu Sa Lét, bàu Cá lóc, bàu Sen. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức lễ hội chỉ còn được người Khmer duy trì hằng năm ở khu vực xã Lộc Khánh. Các bàu nước khác trong xã bị chuyển đổi chức năng, người dân và chính quyền địa phương thống nhất chỉ giữ lại bàu Sen để cộng đồng thực hiện lễ hội Phá Bàu.

Lễ hội nhằm tạo điều kiện giao lưu, sân chơi cho bà con, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc

Xã Lộc Khánh có gần 50% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó cộng đồng người Khmer chiếm đa số, là nơi duy trì lễ hội từ trước cho đến nay. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy di sản, chính quyền và nhân dân đã có các giải pháp bảo vệ. Hiện nay, huyện Lộc Ninh đã có phương án giữ lại các bàu nước để duy trì lễ hội. Đồng thời, tuyên truyền vận động bà con nhân dân bảo vệ các bàu nước, ngăn chặn trường hợp xâm hại, đánh bắt cá trái phép trong các bàu nước; thường xuyên bổ sung cá giống để phục vụ tốt hơn các hoạt động của lễ hội.

Hoạt động không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Phá Bàu, mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của địa phương, ban ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

The Cuong