(Đà Nẵng). Hưởng ứng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ; trong các ngày 12 và 13/4/2025, tại trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Nghiên cứu khoa học và Triển lãm công nghệ (BKDN Techshow) dành cho sinh viên, mở rộng đến đối tượng học sinh của các trường trung học phổ thông trên địa bàn, lan tỏa và hun đúc niềm đam mê khoa học công nghệ đến với học sinh năm cuối cấp.

BKDN Techshow cũng là hoạt động hợp tác quan trọng của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, với các trường trung học phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, với mục đích vừa tổng kết, đánh giá các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Nhà trường, vừa tham gia chuẩn bị cho các em học sinh trung học phổ thông kiến thức về tư duy sáng tạo khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề ngay trong đời sống, cũng như ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Năm 2025, BKDN Techshow có 70 sản phẩm công nghệ và gần 50 poster tham gia triển lãm. Sự kiện khoa học và công nghệ thường niên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã trở thành sinh hoạt khoa học truyền thống, sản phẩm rất đặc trưng riêng biệt của Học hiệu “Bách khoa Đà Nẵng”.
“Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Từ đó, hình ảnh của một “thế hệ vươn mình” – những công dân trẻ bản lĩnh, năng lực toàn cầu, sánh vai cùng bạn bè quốc tế – đã trở thành khát vọng và mục tiêu của cả dân tộc.

Một trong những nhiệm vụ tiên phong của nhà trường của giảng đường là khơi dậy và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, trao truyền cho thế hệ trẻ – những học sinh, sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường – hành trang vững chắc về kiến thức, kỹ năng, và đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề của ngành Giáo dục và Đào tạo trước đất nước, trước thế hệ trẻ”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.
Được biết, trong năm học 2024-2025, Nhà trường đã triển khai 366 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Hơn 1000 sinh viên đến từ nhiều khóa học khác nhau. Trường cũng nhìn nhận, đội ngũ sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng trẻ hơn, ngoài lứa sinh viên đã chín chắn, có kinh nghiệm (năm thứ ba, tư, …), nhiều sinh viên từ năm thứ hai đã tự tin tham gia.
![]() |
![]() |
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thăm không gian giới thiệu của trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) .
Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa đã được tổ chức đồng loạt hôm 29/3/2025 với tổng cộng 366 đề tài được trình bày và đánh giá tại 14 Khoa. Theo đề xuất từ các Tiểu Ban chuyên môn, Trường đã khen thưởng 14 giải Nhất thuộc 14 Tiểu ban, 22 giải Nhì, 35 giải Ba và 47 giải Khuyến khích.
Bên cạnh đề tài của sinh viên, BKDN Techshow năm nay đón nhận 19 đề tài của học sinh THPT tham gia báo cáo tại phiên toàn thể của sự kiện (sáng 13/4/2025).
“Chúng tôi vô cùng vui mừng khi hội nghị năm nay có sự tham gia của 19 đề tài đến từ các bạn học sinh THPT của các trường Trần Phú, Thái Phiên, Thanh Khê, THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), các trường Huỳnh Thúc Kháng, Lương Thế Vinh (tỉnh Quảng Nam). Đây là tín hiệu rất đáng mừng, là bước đầu xây dựng cầu nối vững chắc giữa nhà trường đại học và các trường phổ thông trong việc phát triển nghiên cứu khoa học trong học sinh”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ thêm.
Còn theo phân tích của Nhà giáo Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, “Những ngày hội nghiên cứu khoa học của sinh viên, có mở rộng đối tượng là học sinh tham gia, đã tạo điều kiện và môi trường tốt để các em học sinh THPT làm quen với nghiên cứu khoa học, biến ý tưởng của mình thành đề tài cụ thể.

Tại thành phố Đà Nẵng, cũng như tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, nỗ lực triển khai các dự án giảng dạy – học và thực hành STEM, vào chương trình giáo dục phổ thông, song hành là gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học, đã thay đổi rõ rệt phương pháp học tập của học sinh. Cùng với định hướng nghiên cứu khoa học được lan tỏa, các em cũng tự mình hướng nghiệp tốt hơn, khi đánh giá được năng lực của bản thân.
Riêng với thành phố Đà Nẵng, các em học sinh THPT năm học vừa qua gửi 3 dự án ứng tuyển, thì 1 dự án lọt vào vòng chung kết (sẽ diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 5/2025).
Những điều này cũng cho thấy khi STEM và tư duy nghiên cứu khoa học đi vào nhà trường, chất lượng dạy và học của nhà trường phổ thông cũng đã được nâng lên rõ nét”.
Với sự đa dạng của đối tượng cùng có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học, BKDN Techshow đã thật sự trở thành một sân chơi trí tuệ khoa học công nghệ, có sức thu hút đối với học sinh – sinh viên. Nơi các bạn được học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm khi làm quen với nghiên cứu khoa học, và sáng tạo công nghệ, nuôi dưỡng và bồi đắp tính sáng tạo.
Sự kiện đã gắn kết, thôi thúc các bạn trẻ tự tin đến với một diễn đàn học thuật, bắt đầu từ tinh thần có phương pháp học tập hiệu quả, có phương pháp củng cố, trau dồi và nâng cao kiến thức môn học, không ngừng làm mới tri thức và phương pháp vận dụng kiến thức một cách sáng tạo của cá nhân, cũng như tham gia các nhóm nghiên cứu. BKDN Techshow khuyến khích nghiên cứu khoa học bắt đầu từ những vấn đề nảy sinh của cuộc sống, giải quyết những bài toán khó mà cuộc sống đặt ra cho cộng đồng khoa học trẻ.
![]() |
![]() |
Bạn Nguyễn Tuấn Danh Khoa (bìa phải ảnh), bạn Trần Võ Quốc Huy và Cô giáo Võ Thị Hường (GV hướng dẫn) đề tài “Hệ thống phân loại màu sắc vải”.
Bạn Nguyễn Tuấn Danh khoa, học sinh lớp 10/4, thành viên của Nhóm tác giả đề tài “Hệ thống phân loại màu sắc vải (giải Ba, giải Ý tưởng; giải Nhì đề tài nghiên cứu khoa học) cho biết, xuất phát từ công việc đơn giản nhất là tự giặt quần áo và giúp bố mẹ trong công việc gia đình, Nhóm của mình đã nghĩ đến việc cần phân loại quần áo có màu và không có màu khi giặt. Điều này tránh làm loang nhiễm màu lên những áo quần màu trắng. Có khi không tẩy sạch được, làm hỏng quần áo trắng.
“Để tối ưu hơn việc phân loại, nhất là ở những nơi có số lượng áo quần lớn, phải giặt bằng quy trình công nghiệp, thiết bị phân loại sẽ hạn chế tình trạng nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn đối với người phải trực tiếp làm công việc phân loại.Chẳng hạn như bệnh viện, công xưởng. Hệ thống phân loại màu sắc vải thực hiện thao tác nhanh hơn, an toàn cho yêu cầu giặt tẩy quần áo”, bạn Nguyễn Tuấn Danh khoa cho biết.
Để hệ thống này được thương mại hóa, Danh Khoa cũng cho biết, cần được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn. Mắt (cảm biến) quang học (nhận diện màu) phải trang bị mắt có khả năng nhận biết nhiều màu hơn. Hiện tại, thiết bị mới sử dụng giác hút chân không, chưa ứng dụng cánh tay Robot thông minh …
![]() |
![]() |
“Bộ Kit Test hàn the từ bột Nghệ” của tác giả Nguyễn Hồ Thảo Nguyên (học sinh lớp 10), một trong những đề tài xuất phát từ vấn đề xã hội luôn quan tâm: An toàn thực phẩm.
Cũng trong sáng nay (13/3/2025), phiên làm việc toàn thể của 2 hội nghị (Đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học và đề tài học sinh nghiên cứu khoa học được báo cáo riêng) đã làm việc để xác định các đề tài xuất sắc, trao giải, vinh danh các tác giả.
Ở bảng dành cho sinh viên, có 14 đề tài của các Nhóm tác giả đã giành giải Nhất cấp Khoa, sau đó báo cáo (lần 2) ở 3 Hội đồng cấp Trường, và có 3 đề tài xuất sắc nhất về tính khoa học và ứng dụng, đã tham gia báo cáo tại phiên toàn thể của sự kiện BKDN Techshow. Kết quả giải Nhất được trao cho đề tài “MedCapNet- Giải pháp mới cho việc phát hiện và phân tích chi tiết khối u” của tác giả Phan Minh Nhật (21TCLC_KHDL, Khoa Công nghệ thông tin).
2 giải Nhì thuộc về 2 đề tài: “Tổng hợp xúc tác Co/F-EG cho quá trình sản xuất hydro từ phản ứng thủy phân sodium boron hydride” của 2 tác giả Hà Thị Trúc và Phạm Hoàng Công Thịnh (21H5, Hóa) và “Nghiên cứu lớp phủ gốc xi măng sử dụng Hydrophilic Fumed Silica và Pholyvinyl Alcohol cho lớp sàn bê tông mô phỏng vữa Microcement trang trí” của các tác giả Nguyễn Văn Tân, Đoàn Ngọc Hoàng, Lê Minh, Võ Bá Hưng và Lê Chí Dũng (21VLXD và 24VLXD, Khoa Xây dựng Cầu đường).

Bảng dành cho các bạn học sinh THPT, Ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất, 3 giải Nhì và 3 giải Ba. Trong đó, 3 giải Nhất có 2 giải thuộc về các tác giả là học sinh trường THPT Trần Phú: “Mô hình hệ thống phân loại sản phẩm ứng dụng cánh tay robot tích hợp xử lý ảnh”, tác giả: Đỗ Phú Hưng; “Thiết kế, chế tạo mô hình xe điện sử dụng pin nhiên liệu hydro”, của các tác giả: Phan Tiến Bảo Long, Trần Nguyên Nguyên, Phạm Lê Thế Bảo, Nguyễn Mạnh Tuấn; và “Thiết bị nâng cao khả năng tương tác với không gian xung quanh dành cho người khiếm thị” của hai bạn học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng: Nguyễn Hữu Hoàng, Hồ Phong Lĩnh.
Ban tổ chức cũng đã trao các giải thưởng của hoạt động triển lãm BKDN TECHSHOW, với giải Nhất – Nhì – ba và Khuyến khích ( Giải Tập thể) lần lượt thuộc về Khoa Điện, Khoa Hoá, Khoa FAST và Khoa Xây dựng Cầu đường.

Ở giải Công nghệ, Ban tổ chức đã chấm chọn và trao 1 giải Nhất (Sản phẩm: Energy-Efficient Location Tracking Device Using Find My Network with alert system for campus Assets của Khoa FAST), 2 giải Nhì và 3 giải Ba.
Tương tự, ở giải Ý tưởng, Ban tổ chức đã trao giải 1 giải Nhất (Sản phẩm: Kombucha Đẳng sâm của Khoa Hóa), cùng 2 giải Nhì và 3 giải Ba.
Trong 3 giải Ba, có 2 giải thuộc về trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng (Hệ thống phân loại màu sắc vải) và THPT Lương Thế Vinh, Quảng Nam (Tư duy cố định và tư duy phát triển của học sinh THPT địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng).
![]() |
![]() |
Ban tổ chức trao giải thưởng Công nghệ (ảnh bên trái) và Ý tưởng.
Trần Ngọc