(Đà Nẵng). Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và Triển lãm Công nghệ của sinh viên trường Đại học Bách khoa (BKDN Techshow), Đại học Đà Nẵng, sự kiện học thuật và vận dụng sáng tạo mangt tính truyền thống học hiệu, định vị khả năng đổi mới phương pháp tiếp cận tri thức, nghiên cứu riêng của sinh viên nhà trường, vừa chính thức diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/12/2023.
Chương trình tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng, nét mới năm nay, BKDN Techshow được tổ chức tại trường THPT Trần Phú (các năm trước đã lần lượt diễn ra tại trường THPT Phan Châu Trinh và THPT chuyên Lê Quý Đôn).
Năm nay, có đến 75 sản phẩm công nghệ và 62 Posters đăng ký tham gia triển lãm, giới thiệu đa dạng sản phẩm từ các đề tài và tiềm năng nghiên cứu khoa học của sinh viên nhà trường.
Môi trường giáo dục phải sớm là vườn ươm
“Ươm mầm ý tưởng khoa học và công nghệ ngay từ môi trường giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây cũng là yếu tố tiên quyết, trong phát triển của xã hội.
Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn liền với thực tiễn, trong khuôn khổ các hoạt động khoa học và công nghệ thường niên của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; nghiên cứu khoa học của sinh viên là hoạt động rất được nhà trường đặc biệt chú trọng.
Thông qua hoạt động này, sinh viên chúng tôi vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề rất thực tiễn;đồng thời, các em cũng phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu”, PGS.TS Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.
Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và BKDN Techshow qua nhiều năm đã tạo được dấu ấn, tạo nên “sắc màu khác biệt” của trường. Sân chơi trí tuệ khoa học và công nghệ này, những năm gần đây cũng dành cho cả các bạn học sinh THPT và sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, lan tỏa được niềm đam mê nghiên cứu cho các em, tạo môi trường thuận lợi để các em chia sẻ các ý tưởng, kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu.
BKDN Techshow thực sự là Ngày hội khoa học công nghệ đúng nghĩa, một cơ hội để giao lưu học hỏi kiến thức mới, lan tỏa và hun đúc niềm đam mê sáng tạo khoa học công nghệ. Các anh chị sinh viên, thông qua ngày hội, truyền cảm hứng đến thế hệ đàn em của mình. Nhiều năm nay, BKDN Techshow được đầu tư tổ chức hằng năm.
STEM đi vào bậc học THPT, khơi dậy cảm hứng nghiên cứu khoa học
Đưa Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và BKDN Techshow về các trường THPT trên địa bàn đã được Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng xác định là điểm nhấn hợp tác quan trọng với các trường THPT. Hoạt động được cộng đồng ghi nhậnlà bước chuẩn bị để các em học sinh THPT vận dụng kiến thức đã học, hình thành tư duy sáng tạo khoa học công nghệ, tự tin trong nghiên cứu và đề xuất ý tưởng, giải pháp, giải quyết các vấn đề trong chính đời sống mà các em gặp phải, cũng như mạnh dạn có ý tưởng khởi nghiệp.
BKDN Techshow thực sự là Ngày hội khoa học công nghệ đúng nghĩa của cộng đồng trẻ.Ảnh: T.Ngọc.
Bên cạnh đó, đây cũng là nỗ lực triển khai chương trình STEM vào giáo dục phổ thông, gắn kết với các hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học.
PGS.TS Lê Tiến Dũng cho biết thêm, “Thời gian gần đây trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã phối hợp với các Trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, triển khai triển lãm khoa học công nghệ, giáo dục STEM. Chúng tôi xem đây là cơ hội để phổ biến, lan tỏa đến các em học sinh kiến thức liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Các hoạt động này cũng khơi dậy , làm bùng lên niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến các em học sinh bậc học THPT, thúc đẩy sự quan tâm của học sinh, chuẩn bị tốt hơn cho các em trong công việc tương lai, truyền cảm hứng nghề nghiệp từ những chuyên ngành liên quan đến STEM, hoặc từ STEM các em tiếp tục nâng cao kiến thức ở bậc đại học”.
BKDN Techshow cũng là dịp các Khoa giới thiệu về năng lực đào tạo.
AI đi vào nghiên cứu của sinh viên
“Nghiên cứu mới của em là đã sử dụng mô hình AI mở, như vậy ứng dụng có thể được tùy chọn theo nhu cầu của người dùng”, bạn Phan Ngọc Quý, sinh viên lớp 21KTMT2, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường: Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, tác giả giành giải Nhất (tại hội nghị cấp Khoa) đề tài: Giao tiếp và điều khiển máy tính thông qua cử chỉ tay trong lĩnh vực thị giác máy tính, cho biết.
Giải thích xuất phát điểm, động cơ chọn đề tài nghiên cứu, Quý cho hay, trong thời đại hiện nay, nhu cầu giao tiếp với thế giới thông qua Internet đang ngày một tăng, tuy nhiên điều này đối với một số người khiếm khuyết bẩm sinh hay di chứng do tai luôn là vấn đề khó khăn.
Bên cạnh đó, ở một số lĩnh vực, trong quá trình làm việc, con người rất cần sự hỗ trợ của máy tính. Dẫu vậy, vì nhiều lí do khách quan, có người đã không thể sử dụng được các thiết bị (ngoại vi/ accessories) để điều khiển máy tính. Xuất phát từ vấn đề đó, và sự phát triển về công nghệ, em đã chọn phát triển ứng dụng này. Trong quá trình học tập tại trường, bản thân em cũng đã gặp các khó khăn trên, tuy nhiên đến đầu năm học này, mới có đủ kiến thức để nghiên cứu và phát triển.
Không chỉ sử dụng mô hình AI mở, đề tài của bạn Phan Ngọc Quý, còn có nhiều điểm mới so với các nghiên cứu trước đó.Các nghiên cứu trước đây cần các thiết bị phần cứng đi kèm, tiếp theo đó là các thao tác được quy định ngay từ đầu, nên chưa phù hợp với các nhóm người khiếm khuyết khác nhau. Mặt khác, giá thành của các thiết bị cũng là một vấn đề quan trọng.
“Để thuận tiện hơn cho người dùng, nghiên cứu của em cho phép người dùng có thể tự xây dựng thao tác theo thể trạng và thói quen của mình. Bên cạnh đó ứng dụng cũng không yêu cầu thêm thiết bị mà chỉ sử dụng camera trên máy tính laptop cá nhân thì cũng có thể sử dụng được”, tác giả chia sẻ.
Thực tiễn cuộc sống “đặt hàng” giải pháp cho nhiệm vụ nghiên cứu
Được biết, năm học 2023-2024, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã triển khai 302 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học, thu hút sự tham gia của hơn 900 sinh viên đến từ nhiều khóa học, nhiều ngành/chuyên ngành khác nhau. Đặc biệt, lực lượng sinh viên nghiên cứu khoa học được ghi nhận “ngày càng trẻ hơn, sớm hơn”. Nhiều sinh viên năm ba, thậm chí từ năm thứ hai đã tham gia.
Đến nay, tất cả các Khoa đã tổ chức xong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học (với tổng cộng 283 đề tài tại 14 Tiểu ban chuyên môn). Thông qua kết quả hội nghị cấp Khoa, đề xuất từ các Tiểu Ban chuyên môn, nhà trường quyết định khen thưởng 14 Giải Nhất, 20 Giải Nhì, 29 Giải Ba. Các đề tài xuất sắc này, được tuyển chọn đăng vào kỷ yếu sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023.
Đặc biệt 14 đề tài của các tác giả đã giành giải Nhất cấp Khoa (theo chấm chọn của 14 Tiểu ban chuyên môn), đã có buổi báo cáo ở 3 Hội đồng cấp Trường. Căn cứ tính khoa học và ứng dụng, Hội đồng chọn 3 đề tài xuất sắc nhất, tham gia báo cáo tại phiên toàn thể của Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và BKDN Techshow: “Nghiên cứu về hiệu quả của Hệ thống Lam che nắng tự động trong công trình nhà ở: Mô phỏng và phân tích” của nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc, gồm: Nguyễn Vương Khánh Trinh, Nguyễn Trịnh Châu Anh, Nguyễn Thị Thảo Nhi, Đoàn Quang Vinh ; “Phát triển băng vết thương kháng khuẩn sử dụng sợi nano chitosan kết hợp cao chiết Cỏ Lào hay Cỏ Nhật (tên gọi khác là Cỏ Việt Minh, cây Cộng sản, Cây Ba bốp, Bớp bớp, hoặc Cây lốp bốp, …, tên khoa học là Chromolaena odorata (L.), họ Cúc. Tác giả đề tài là bạn Lê Thị Hoài Thu (sinh viên khoa Hóa). Đề tài thứ ba được chọn báo cáo là “Giao tiếp và điều khiển máy tính thông qua cử chỉ tay trong lĩnh vực thị giác máy tính”, của sinh viên Phan Ngọc Quý (Khoa Điện tử Viễn thông). Ngoài đề tài của sinh viên, còn có 8 đề tài của các bạn học sinh THPT, được chọn báo cáo tại phiên toàn thể của Hội nghị.
Đề tài nghiên cứu của sinh viên cũng như các bạn học sinh THPT, đã từng bước tiếp cận thực tiễn cuộc sống, lấy những vấn đề “cộm lên, hay cần phải cải thiện đế tốt hơn nữa”, từ chính cuộc sống, hướng mục tiêu nâng cao chất lượng sống, trở thànhđối tượng nghiên cứu và giải quyết. Nói cách khác, các em đã nhận đơn “đặt hàng” giải pháp cho nhiệm vụ nghiên cứu của chính mình, từ những gì các em và cộng đồng chung quanh đều cảm nhận và luôn quan tâm.
“Hệ thống lam che nắng tự động tối ưu hóa hiệu quả che nắng là 72,6%; làm mát gần 35% cho công trình nhà ở với độ chắn (ánh nắng trực tiếp) tốt hơn 72,3% và độ linh hoạt cao gần 52% so với lam thụ động.Vật liệu composite (được khuyến nghị sử dụng) trong lam che tự động, với hiệu quả năng lượng tiêu thụ cho việc làm mát cao hơn từ 5 đến 60% so với vật liệu nhôm hay nhựa phổ biến”, nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu về hiệu quả của Hệ thống Lam che nắng tự động trong công trình nhà ở: Mô phỏng và phân tích”, tự tin cho biết.
Nhận xét về 8 đề tài của các tác giả đến từ các trường THPT Đà Nẵng và Quảng Nam, PGS.TS Lê Tiến Dũng khẳng định: Từ các tiêu đề báo cáo, rõ ràng, các em học sinh cũng đã có ý thức quan tâm nghiên cứu đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã đề xuất là các ứng dụng hệ thống thông minh để nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống xã hội. Điều này cho thấy một tín hiệu rất vui, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong tương lai”.
Trung Đức