Thứ bảy, Tháng mười hai 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bộ đôi mang sóng gió tới NATO và EU



ĐNA -
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: Hungary Today)

Nỗ lực đối phó với Nga của châu Âu và NATO đang bị hãm lại bởi 2 nhà lãnh đạo ưu tiên lợi ích quốc gia của mình và hướng về dư luận trong nước.

Hồi giữa tuần, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chặn quyết định ban đầu của NATO về việc giải quyết đề nghị của Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh này. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục chặn ngăn chặn nỗ lực của EU nhằm đưa ra một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga vốn là một phần của gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga vì chiến sự ở Ukraine.

New York Times đánh giá trong khi NATO và EU cố gắng gạt bỏ bất đồng, đi tới thống nhất trong phản ứng chống lại Nga, hành động của 2 lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đang kìm chân đáng kể nỗ lực này.

Ông Erdogan và ông Orban đều được xem là “ngoại lệ” trong khối của mình nhưng họ đều có quyền sử dụng nguyên tắc đồng thuận của NATO hay EU để chặn hành động của các nước thành viên còn lại trong liên minh.

Hôm 18/5/2022, các đại sứ NATO nhóm họp để tìm cách mở cuộc đàm phán chỉ vài giờ sau khi cả 2 Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh. Tuy nhiên, Ankara được cho là đã chặn cuộc bỏ phiếu về việc bắt đầu đàm phán, yêu cầu NATO trước hết phải giải quyết các lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara muốn Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt ủng hộ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ “các tổ chức khủng bố”, chủ yếu là đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu hôm 19/5/2022, Tổng thống Erdogan nhắc lại lập trường này. “NATO là một tổ chức an ninh. Chúng tôi không thể chấp nhận sự hiện diện của các tổ chức khủng bố ở trong đây”, ông Erdogan bình luận.

“Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dẫn độ 30 tay súng khủng bố. Họ nói sẽ không giao cho chúng tôi. Họ không giao nộp khủng bố nhưng lại muốn gia nhập NATO. Chúng tôi không thể tán thành một tổ chức an ninh nhưng thiếu đảm bảo an ninh”, ông Erdogan cho hay. PKK là tổ chức chính trị và phong trào vũ trang của người Kurd đòi độc lập. Giao tranh giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 1984 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.  Ông Erdogan nhiều lần cáo buộc Mỹ và Thụy Điển hỗ trợ lực lượng liên kết với PKK ở Syria. Năm 2021, Ankara yêu cầu dẫn độ một số thành viên PKK từ Stockholm.

Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần trước, ông Ibrahim Kalin – phát ngôn viên và cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan cho biết Ankara không đóng sập cánh cửa vào liên minh với Thụy Điển và Phần Lan. “Nhưng về cơ bản, chúng tôi đang nêu ra vấn đề này như một mối lo ngại với an ninh quốc gia đối với Thụy Điển”, ông Kalin cho hay.

An ninh quốc gia cũng là cụm từ mà Thủ tướng Orban nhiều lần nhắc tới khi ngăn cản EU thông qua lệnh cấm dầu Nga. Hungary nhập 85% khí đốt tự nhiên và hơn 60% dầu từ Nga. Các nhà máy điện hạt nhân của quốc gia Trung Âu cũng sử dụng công nghệ của Moskva. Budapest đồng thuận với tất cả 5 gói trừng phạt Nga trước của EU, bao gồm cả lệnh cấm vận với than đá Nga. Nhưng ông Orban khẳng định lệnh trừng phạt nhắm vào dầu mỏ của Moskva chẳng khác nào một “quả bom nguyên tử” dội vào nền kinh tế nước này.

Tương tự như ông Erdogan với NATO, ông Orban là người hiếm hoi trong khối của mình đi ngược lại với ý định của các thành viên còn lại.

Các cuộc đàm phán về cấm vận dầu mỏ Nga bắt đầu từ giữa tháng 4. Nhưng sự phản đối của Hungary khiến vòng cấm vận mới của EU với Nga tới nay vẫn chưa được thông qua.

Trên thực tế EU đã có những nhượng bộ nhất định với Budapest. Khối này đầu tiên đề xuất để Hungary và Slovakia mua dầu của Nga từ các đường ống cho đến cuối năm 2023 trước khi tiến tới lệnh cấm hoàn toàn. Hungary cho rằng chừng đó là chưa đủ. EU tiếp tục chấp thuận và kéo dài thời hạn này tới cuối năm 2024. Dù vậy, ông Orban vẫn tỏ ra ngần ngại, nhấn mạnh Hungary cần hàng tỷ USD từ khối để bảo vệ nền kinh tế. Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết sẽ cần 5 năm và 19 tỷ USD để chuyển qua sử dụng các loại dầu khác và hiện đại hóa hệ thống năng lượng.

Sự phản đối của Hungary phá vỡ sự thống nhất chưa từng có trong liên minh đối với việc trừng phạt Nga và nhận được sự hoan nghênh từ Moskva.

Dmitri Medvedev – Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga khẳng định việc Orban phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ là “một bước đi can đảm”.

Các nhà ngoại giao tin rằng ông Orban sớm muộn sẽ chấp nhận lệnh cấm vận dầu mỏ Nga khi được đảm bảo về thời gian và nguồn tài trợ bổ sung. Nhưng các tuyên bố bày tỏ thiệt hại với nền kinh tế của ông có thể sẽ kéo các cuộc đàm phán tới cuối tháng 5, thời điểm các lãnh đạo EU gặp nhau ở Brussels.

Các quan chức NATO cũng có niềm tin tương tự với ông Erdogan. Họ tin nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO để đổi lấy một số nhượng bộ sẽ giúp ông cải thiện hình ảnh ở quê nhà trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khủng hoảng và cuộc bầu cử mới sắp diễn ra.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto mới đây cho biết phía Ankara “đã thông báo với chúng tôi từ nhiều nguồn rằng họ sẽ không chặn tư cách thành viên của chúng tôi”. Ông Niinisto tin tưởng một quá trình phê duyệt nhanh chóng sẽ được thực hiện. Gọi Thụy Điển là một “nơi trú ngụ của khủng bố”, nhà lãnh đạo Thụy Điển nhấn mạnh “nếu có một quốc gia nói không, họ sẽ không thể gia nhập NATO”.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rõ rằng ý định của họ không phải là ngăn cản tư cách thành viên. Do đó, tôi tin tưởng có thể giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ theo cách không làm trì hoãn quá trình gia nhập”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói vào tuần trước.

PV (tổng hợp)