Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 diễn ra trong các ngày 22-24/10/2024 tại Kazan, Nga, đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Có thể trong tương lai, BRICS sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và vượt qua các nước phát triển nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh. Với lợi thế đó, BRICS đã trở thành nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
BRICS đang chiếm tỷ trọng hơn 35% kinh tế toàn cầu cũng như sở hữu thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người và dự kiến đến năm 20230 sẽ chiếm 50% quy mô kinh tế toàn cầu. Chiếm gần một nửa dân số thế giới và đóng góp khoảng 30% GDP toàn cầu, BRICS đã trở thành nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
So sánh giữa BRICS và G7
Kể từ khi thành lập năm 2006, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành nơi tập hợp các nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới. Năm 2024, tỷ trọng của các nước BRICS trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tính theo sức mua tương đương (PPP), ước đạt kỷ lục 36,7%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 29,6% của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Số liệu này cho thấy vai trò của các nước BRICS trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng lên đáng kể và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế BRICS sẽ đạt 4,4% mỗi năm, so với con số toàn cầu là 3,2%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước G7 sẽ chỉ ở mức 1,7%. Tăng trưởng kinh tế mang tới cơ hội để các nước BRICS hành động độc lập hơn, mà không cần e ngại về quan điểm từ các quốc gia phương Tây.
Theo Finam Financial Group, chuyên gia Alexander Potavin, nhà phân tích tại, đánh giá BRICS có một số lợi thế nổi trội so với G7.
Thứ nhất, BRICS là một thị trường khổng lồ, vì dân số của các nước thuộc nhóm này cao hơn ba lần so với dân số của các nước G7 (hơn 3 tỷ người so với 777 triệu người).
Thứ hai, BRICS gồm những quốc gia có nguồn tài nguyên khá phong phú. Hơn nữa, mỗi quốc gia BRICS đều có thế mạnh riêng. Trung Quốc là công xưởng thế giới, nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Nga là những quốc gia có tài nguyên thiên nhiên lớn. Brazil là quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latinh.
Thứ ba, các nước BRICS có nguồn nhân lực dồi dào, có thể chưa phải chất lượng cao nhất, nhưng về mặt số lượng lớn hơn các nước G7.
Với những lợi thế vượt trội trên, rất nhiều nước đang mong muốn gia nhập BRICS. Các chuyên gia dự đoán làn sóng mở rộng BRICS sẽ bắt đầu sau khi xác định được tiêu chí thành viên. Cho tới lúc đó, BRICS sẽ lập danh sách các quốc gia đối tác, các ứng cử viên tiềm năng gia nhập BRICS.
Nếu tính cả các nước đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS sẽ có một danh sách khá dài. Giáo sư Nghiên cứu châu Âu, chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai Stanislav Tkachenko cho rằng, tham gia vào các dự án kinh tế BRICS sẽ cho phép các ứng cử viên “đạt được lợi ích chung đáng kể”, và vì vậy nhiều quốc gia đang nỗ lực để được đưa vào danh sách đối tác. Ngày 24/10, Indonesia và Malaysia đã chính thức gia nhập danh sách 13 quốc gia đối tác mới của BRICS.
BRICS tập trung phát triển kinh tế và đặt mục tiêu về một nền thương mại quốc tế bình đẳng
Hội nghị BRICS lần thứ 16 đã ra Tuyên bố chung nêu ra những mục tiêu dài hạn. Trong 130 điều của Tuyên bố chung Kazan chỉ có một điều dành cho quan điểm giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Ukraine. Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy BRICS tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế và đặt mục tiêu về một nền thương mại quốc tế bình đẳng.
Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc tài chính quốc tế để giải quyết các vấn đề tài chính toàn cầu. Các nước tham gia hội nghị nhấn mạnh về việc cần phải tạo nên hệ thống quản lý công bằng và củng cố vai trò của đồng nội tệ. Tuyên bố chung Kazan cũng nói về vai trò then chốt của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) nhằm ủng hộ các dự án hạ tầng và bền vững.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, phần lớn nội dung của Tuyên bố chung không liên quan đến chính trị, mà mang tính chất tài chính-kinh tế. Theo đó, các nước thành viên BRICS xem nhau trước hết là đối tác ưu tiên cho hợp tác kinh tế vì sự phồn vinh của chính các nước này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các quốc gia thuộc nhóm BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tàn phá của những biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với nền kinh tế thế giới và thương mại quốc tế, cũng như đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, BRICS không có kế hoạch xây dựng hệ thống thanh toán riêng vì cơ sở hạ tầng hiện đủ khả năng giải quyết vấn đề thanh toán xuyên biên giới. Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Putin cho biết, các quốc gia thành viên nhận ra rằng phương thức thanh toán là một trong những trở ngại chính đối với sự hợp tác trong nhóm và sẽ sử dụng các hệ thống hiện có để giải quyết vấn đề này.
Tổng thống Putin nêu rõ hệ thống nhắn tin tài chính hiện tại do Ngân hàng trung ương Nga tạo ra cũng như hệ thống tương tự do ngân hàng trung ương các nước BRICS khác điều hành có thể được sử dụng để thực hiện các khoản thanh toán chung bằng tiền tệ quốc gia. Ông nhấn mạnh các nước thành viên sẽ tăng cường liên kết ngân hàng và thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.
Thanh Hoàn/Tổng hợp