Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

 Buổi bình minh văn minh Đông Nam Á, nơi lưu giữ những kiệt tác rực rỡ của một huyền thoại, kỳ 1

ĐNA -

(Đông Nam Á) – Văn minh Đông Nam Á là một trong những nền văn minh lâu đời và phong phú nhất trên thế giới. Nền văn minh này, có kết hợp đa dạng các yếu tố từ Ấn Độ, Trung Quốc và các nền văn minh khác. Và cũng chính sự đa dạng này, đã tạo nên nhiều nét đặc trưng riêng cho văn minh và văn hóa Đông Nam Á.

Ngày nay, trên toàn thế giới, chỉ có một bảo tàng độc nhất, lưu giữ được những giá trị quan trọng của một nền văn minh (nghệ thuật, kiến trúc) từng tỏa sáng rực rỡ trong quá khứ. Bảo tàng đó hiện ở Miền Trung – Việt Nam.

Bảo tàng Chăm (Musée Cham) – Đà Nẵng (Tourane) năm 1919. Ảnh: Viện Viễn Đông Bác cổ  (EFEO) – Biên mục: Cổ vật Chăm ở Đà Nẵng.

Đó là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, được khởi công xây dựng từ năm 1915, tên gọi ban đầu (tồn tại trong cách nói của người Đà Nẵng đến những năm 1980) là Musée Cham, Tourane (Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng). Bảo tàng được người Pháp thiết kế và xây dựng. Toàn bộ công trình kiến trúc này độc đáo ở chỗ, kết hợp rất hài hòa, tinh tế đường nét phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, xen lẫn kiến trúc đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung.

Sử chép: “Vương quốc Chămpa là vương quốc (Mandala) của các tiểu vương quốc tồn tại gần 15 thế kỉ (từ thế kỉ II đến thế kỉ XV), phân bố ở miền Trung Việt Nam từ núi đến biển, gián cách nhau bằng các đèo, từ đèo Ngang đến đèo Cả – Đại Lãnh… có độc lập và liên lập, có một tổng thể văn hóa chung mà cũng có sắc thái văn hóa vùng. Có 4 vùng lớn nằm ở miền đồng bằng ven duyên hải: Amaravati (địa phận các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam – Đà Nẵng); Vijaya (Quảng Ngãi, Bình Định); Kauthara (Nha Trang- Khánh Hoà) và Panduranga (Phan Rang, Phan Thiết)”.

Và những bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu (giai đoạn từ thế kỷ V đến thế kỷ XIV) của nền văn minh vương quốc Chămpa, được tìm thấy ở những ngọn tháp, thành lũy, đã lần lượt quy tụ về một nơi, được lưu giữ tập trung tại Bảo tàng này. Chính vì thế, đây là Bảo tàng điêu khắc trưng bày di vật – di sản cực quý của nền văn hóa Chăm “độc nhất vô nhị” trên toàn cầu.

Có cả báu vật là “linh thú” song sinh
Bảo vật quốc gia là tượng Gajasimha có mặt tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào năm 1935. Tượng được làm bằng chất liệu sa thạch, cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm. Trong thần thoại Ấn Độ, Gajasimha là hình tượng linh thú, đầu voi, thân sư tử. Tượng Gajasimha được đặt trước cửa với vai trò hộ pháp, bảo vệ chốn tôn nghiêm linh thiêng của đền, tháp. Tượng Gajasimha này có kích thước lớn, còn nguyên vẹn toàn thân, thể hiện khá đầy đủ các đặc điểm tiếu tượng của linh thú Gajasimha.

Có một câu chuyện thú vị về tượng Gajasimha – báu vật quốc gia đặt ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng với tượng Gajasimha (tương tự) được đặt tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định.

Theo PGS.TS Ngô Văn Doanh, tượng Gajasimha (Bảo tàng tổng hợp Bình Định), được phát hiện Tháp Mắm, có niên đại thế kỷ XII – XIII (một trong những giai đoạn muộn nhất của nghệ thuật điêu khắc Champa). Theo phong cách nghệ thuật Tháp Mắm (một phong cách nghệ thuật rất riêng),  tượng Gajasimha được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghệ thuật và điêu khắc, xếp vào nhóm “tác phẩm điêu khắc đẹp và có giá trị của nền nghệ thuật cổ Champa”, sánh ngang với pho tượng Gajasimha “bảo vật quốc gia” của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (cũng được phát hiện ở Tháp Mắm vào năm 1933 – 1934).

Tượng linh thú Gajasimha, ảnh bên trái tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định, bên phải Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Nguồn: PGS.TS Ngô Văn Doanh và Musée Cham Tourane.

Rất có khả năng, trong lịch sử trước đây, hai pho tượng Gajasimha này đã từng là một cặp tượng được tạo ra và đặt trước cổng của khu đền thờ. Và cũng rất có thể là một trong những ngôi đền thờ ở khu di tích Tháp Mắm (Tháp này do học giả người Pháp là J. Y. Claeys phát hiện năm 1934).

Đã từng là nơi lưu giữ bảo vật quốc gia nhiều nhất
Trong hàng ngàn hiện vật quý được lưu giữ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, trước thời điểm đầu năm 2024, có đến 6 hiện vật được công nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Bảo vật quốc gia là Đài thờ Trà Kiệu có niên đại trong khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ X. Đài thờ (được làm từ đá sa thạch xanh xám) này còn rất nguyên vẹn. Cả 3 phần đế thờ, thân thờ và vật thờ được tìm thấy vào năm 1918 tại tháp chính ở di tích kinh đô Trà Kiệu (làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Các nhà nghiên cứu nhận xét đài thờ Trà Kiệu là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Nổi bật nhất của đài thờ là 4 cạnh chạm nổi, hoạt cảnh đám cưới của chàng Rama và nàng Sita, nhân vật đi vào thế giới tạo hình từ bộ sử thi vĩ đại văn học Ấn Độ: Ramayana.

2 bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn E1 (ảnh trái) và Đài thờ Trà Kiệu. Ảnh: Võ Văn Thắng và Musée Cham.

Báu vật quốc gia khác nữa là Đài thờ Mỹ Sơn E1 (niên đại thế kỷ VII – VIII). Kiệt tác này được nghệ nhân tạo hình công phu lắp ghép từ nhiều khuôn hình chạm nổi, mô tả những sinh hoạt đời thường của các tu sĩ Bà-la-môn như: chơi nhạc, đàm đạo, làm thuốc… với chất liệu chính là đá sa thạch vàng nhạt.

Đài thờ này được phát hiện tại tháp E1 thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), và là tác phẩm nghệ thuật có tính đại diện cho phong cách mở đầu nghệ thuật điêu khắc Chămpa.

Tính độc đáo của báu vật thứ ba là Tượng Bồ tát Tara được dân làng Đồng Dương (xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phát hiện vào năm 1978. Đây là bức tượng bằng đồng nguyên chất lớn nhất mang phong cách nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Ẩn chứa trong sâu thẵm của pho tượng là những bí mật của một nền văn hóa rực rỡ. Như nhiều quốc gia cổ đại khác ở Đông Nam Á, ở Chămpa không có kì thị tôn giáo, ngược lại, bao trùm lên toàn bộ lịch sử Chămpa là sự hỗn dung giữa tất cả các tôn giáo và giáo phái của Ấn Độ. Người dân Chămpa tiếp nhận tất cả: đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo, tình thương của Visnu giáo và cả tính hung bạo và quyền lực của Shiva giáo.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc lạ tượng Bồ tát Tara Đồng Dương. Ảnh: T.Ngọc.

Công trình nghiên cứu (Nhận thức mới về pho tượng bồ tát bằng đồng của Đồng Dương: Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita hay Tara?) về Tượng Bồ tát Tara, của hai nhà nghiên cứu: Trần Kỳ Phương (Hội Khảo cổ học Việt Nam) và Nguyễn Thị Tú Anh (Thạc sỹ, SOAS University London), khẳng định: Việc thờ Tara tại Champa phản ảnh mối giao lưu kinh tế và văn hóa rộng rãi của vương quốc giàu có này với vùng Đông Nam Á, Nam Ấn và Tây Hoa Nam qua “con đường tơ lụa trên biển” từ phía đông nam, cũng như qua mạng lưới trao đổi hàng hóa bằng đường bộ liên vùng từ hướng tây bắc.

Tượng Bồ tát Tara cao 1,148m, ngoại hình được tạc khá cân đối, hai tay của ngài hướng ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở, bên trong có gương sen. Tóc của tượng được tết thành nhiều lọn nhỏ, búi cao hai tầng trên đỉnh đầu. Ở tầng tóc thứ hai, có gắn tượng Đức A Di Đà (ngồi xếp bàn). Đây là chi tiết đặc trưng, giúp nhận biết những tác phẩm thể hiện hóa thân Bồ tát.

 Bức tượng có vẻ đẹp thanh thoát, thể hiện một hoá thân của Bồ tát Tara với nét mặt hiền hòa. Nghệ thuật tạo hình của tượng đạt đến đỉnh cao, hài hòa cả về hình thể, trang phục, đến kiểu tóc. Năm 2023, trong 10 sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội nổi bật của Đà Nẵng, có sự kiện sưu tầm, tiếp nhận 2 chi tiết (hoa sen và con ốc), liên quan đến bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara (Đồng Dương), sau hơn 45 năm thất lạc.

Tháng 11/2018, Tổng thống Ấn Độ và phu nhân khi đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã xem tượng Thần Ganesha. Ảnh: Hoàng Vinh.

Hiện vật độc bản có giá trị “đặc biệt tiêu biểu” của văn minh Đông Nam Á
Gần đây nhất (năm 2020), Bảo tàng Điêu khắc Chăm tiếp tục có tác phẩm hiếm được công nhận là bảo vật quốc gia (trong đợt thứ 9). Có hiện vật là độc bản, giá trị văn hóa, lịch sử có yếu tố đặc biệt tiêu biểu của văn minh Đông Nam Á.

Đó là “Tượng Ganesha” là bảo vật quốc gia Việt Nam (theo quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2020) được tạo tác bằng chất liệu sa thạch, cao 0,95m, dài 0,48m, rộng 0,34m, thuộc loại tượng có kích thước lớn. Tượng mang đậm phong cách sáng tác điêu khắc Champa giai đoạn thế kỷ VII – VIII. Trở thành minh chứng rất sinh động về sự du nhập từ rất sớm, hình tượng (thần linh) Ganesha vào Đông Nam Á nói chung và vương quốc Champa nói riêng.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Hương Duyên – Chuyên viên Phòng Giáo dục – Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hình tượng Ganesha xuất hiện trong điêu khắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Và chủ đề về thần Ganesha không có nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa, và số lượng (nếu có), được lưu giữ đến ngày nay cũng rất hiếm.

“Tượng Ganesha” cũng là một trong những tượng (dạng thức) tròn hiếm hoi, thể hiện Thần Ganesha ở thế đứng, còn tương đối nguyên vẹn. Đặc biệt là yếu tố độc đáo về “tiếu tượng học” với đầy đủ các vật biểu trưng (dù hiện nay đã thất lạc).

Ảnh trái là tượng Ganesha được thành viên đoàn khảo cổ Pháp, ông Charles Carpeaux chụp ngay tại nơi khai quật, bên cạnh là là bản vẽ tượng Ganesha của Henri Parmentier – Nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ.

Hiện trạng tượng (lúc phát hiện), chỉ còn một cánh tay trái bên dưới, cầm cái chén với chiếc vòi đặt vào trong. Tượng được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) phát hiện trong chuyến khảo cổ tại đền – tháp E5 thuộc nhóm E, di tích thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam năm 1903. Năm 1918, tượng được đưa về lưu giữ, sau đó trưng bày tại Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng).

Do tầm quan trọng của pho tượng trong văn hoá, tôn giáo của vương quốc Chămpa và sự độc đáo, quí hiếm; các Bảo tàng danh tiếng trên thế giới đã (có thủ tục theo quy định) “tạm mượn” báu vật này, và thực hiện trưng bày tại các phiên triển lãm đặc biệt.

Đến nay, tượng thần Ganesha được chọn trưng bày tại (triển lãm) Kho tàng nghệ thuật Việt Nam, điêu khắc Chămpa (Trésors d’art du Vietnam, la sculpture du Champa), tại Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á – Guimet Paris, năm 2005–2006. Bảo tàng Guimet cũng là một trong những bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật châu Á nằm ngoài châu Á; và Những vương quốc đã mất: Tác phẩm điêu khắc Ấn Độ giáo – Phật giáo ở Đông Nam Á thời kỳ đầu (The Lost Kingdoms: Hindu – Buddhist Sculpture of early Southeast Asia), Bảo tàng Nghệ thuật (New York, Hoa Kỳ), năm 2014. Là một trong những bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới, theo quy trình bắt buộc, mọi cổ vật được trưng bày tại Metropolitan đều phải qua các bước lựa chọn khoa học, thẩm định nghiêm khắc, công phu. Tuyệt tác tượng thần Ganesha xứng đáng là một báu vật quốc gia Việt Nam./.

Trần Ngọc

Mời độc giả xem tiếp: Nơi lưu giữ những kiệt tác rực rỡ của một huyền thoại, kỳ 2