Các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng minh của Mỹ và Mỹ từng được dự báo sẽ khiến cho Nga sụp đổ. Nhưng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga đã khiến cho các lệnh trừng phạt của phương Tây không tác dụng.
Kể từ ngày 23/2/2022, Hội đồng châu Âu đã thông qua 6 gói trừng phạt nhằm buộc Nga phải trả giá đắt về kinh tế và chính trị.
Các nước châu Âu đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đóng băng 315 tỷ USD trong số 550 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở nước ngoài.
Đầu tháng 4, Mỹ ra tuyên bố, những hạn chế kinh tế quy mô lớn và tác động mạnh mẽ nhất trong lịch sử sẽ khiến GDP của Nga giảm 15% trong năm nay, đồng thời xóa bỏ những thành tựu kinh tế mà Nga đạt được trong 15 năm qua. Nhưng hơn 4 tháng qua, mọi thứ dường như không diễn ra theo kịch bản như phương Tây dự đoán mà còn có hậu quả ngược lại.
Dựa trên khảo sát 27 chuyên gia kinh tế của nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có Credit Suisse, Goldman Sachs và J P Morgan, thực hiện từ 25-31/5, CBR dự báo GDP của Nga giảm 7,5% trong năm 2022, không giảm sâu như mức 9,2% trong cuộc khảo sát trước đó.
Tương tự, dự báo về lạm phát giá tiêu dùng của Nga năm 2022 cũng chỉ ở mức 17%, giảm so với mức 22% trong cuộc khảo sát trước.
Các lệnh trừng phạt ban đầu khiến đồng rúp của Nga “rơi tự do”, từ mức 76 rúp/USD giữa tháng 2, xuống 158,3rúp/USD vào ngày 7/3/2022. CBR buộc phải nâng lãi suất từ 9,5% lên 20% vào ngày 28/2/2022, nhằm củng cố sức mạnh của đồng rúp, cũng như kiềm chế rủi ro lạm phát.
Nhưng không lâu, đồng rúp đã phục hồi về mức 75-76 rúp/USD vào tuần thứ 2 của tháng 4 – và hiện đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục trong 7 năm qua, 53,4 rúp/USD. Ngân hàng Trung ương Nga liên tục hạ lãi suất và đưa về mức 9,5% vào ngày 10/6/2022.
Đồng rúp tăng giá, lạm phát có xu hướng giảm (chứ không tăng như Nhà Trắng dự báo) và GDP cũng không suy giảm sâu như dự đoán cho thấy, các lệnh trừng phạt của phương nhằm vào Nga Tây không gây ra tác động như mong muốn.
Vì sao các lệnh trừng phạt không có hiệu quả mong muốn?
Lý do chính là sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào năng lương từ Nga. Năm 2021, Nga chiếm 25,7% dầu khí, 44,5% khí đốt tự nhiên và 52,3% than đá nhập khẩu vào châu Âu.
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, trong 100 ngày đầu xung đột Nga-Ukraine, doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch đạt 98 tỷ USD. Trong số này phần châu Âu phải trả là 60 tỷ USD, chiếm 61%.
Trong gói trừng phạt thứ 6 đưa ra đầu tháng này, châu Âu quyết định giảm dần nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu từ Nga trong 6-8 tháng. Trước đó, châu Âu đã quyết định dừng hoàn toàn nhập khẩu than của Nga từ tháng 8 tới.
Các lệnh cấm của châu Âu đối với năng lượng của Nga vào mùa hè đã khiến cho châu Âu bối rối. làn sóng biểu tình chống giá nhiên liệu tăng cao. Châu Âu sẽ có câu trả lời vào mùa đông tới, khi nhu cầu năng lượng lên đến đỉnh điểm.
Châu Âu hiện chưa công bố bất cứ lệnh cấm nhập khẩu nào đối với khí đốt của Nga. Tuy nhiên, công ty năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm khí đốt tới nhiều nước châu Âu, gần đây nhất là Đức, Pháp và Italy.
Ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có nguy cơ phải chia tỷ lệ sử dụng năng lượng, đặc biệt là nếu mùa đông khắc nghiệt và kéo dài, thời tiết giá lạnh trùng vào thời điểm nhu cầu ở Trung Quốc tăng mạnh trở lại sau khi nước này dỡ bỏ các lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Vai trò của Trung Quốc và Ấn Độ
Khi châu Âu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Moscow cũng tích cực dạng hóa khách hàng và chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Hồi tháng 5, Nga đã vượt Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc. Giai đoạn 2021-2022, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 9 cho Ấn Độ. Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua. Moscow đã “nhảy” 7 bậc, thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp lớn thứ 2 chỉ sau Iraq.
Với việc Nga tiếp tục bán hàng sang châu Âu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ bằng chiến lược giảm giá, Nga đã đối phó hiệu quả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khiến chính phương Tây tổn hại?
Mặc dù xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã bắt đầu giảm về mặt khối lượng, do nhiều quốc gia và nhiều công ty né tránh giao dịch với Nga, nhưng giá tăng không chỉ bù lại những tác động của việc giảm khối lượng xuất khẩu mà còn mang lại cho Nga doanh thu lớn hơn, trong đó lại giảm được lượng tài nguyên xuất khẩu. Nghiên cứu cho thấy, giá xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trung bình cao hơn khoảng 60% so với năm 2021, mặc dù đã tính đến cả thực tế dầu mỏ Nga được giao dịch ở mức thấp hơn 30% so với giá thị trường thế giới. Do Nga đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế, xuất khẩu của nước này trong năm 2022 dự kiến sẽ không giảm mạnh so với năm 2021.
Không chỉ nhiên liệu hóa thạch, trong những tháng tới, các nhà quan sát dự đoán Nga sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lúa mì và phân bón.
Với vai trò là nhà cung cấp palađi và niken lớn nhất thế giới – tương ứng là đầu vào quan trọng của hệ thống kiểm soát khí thải và pin xe điện – bên cạnh hợp kim sắt, crôm và vanađi (cần thiết cho sản xuất thép), Nga dễ dàng đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây hơn so với trường hợp của Cuba, Iran hay Triều Tiên.
Mặt khác, khi áp các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga, Mỹ và các nước châu Âu dường như không nghĩ rằng chính họ sẽ gặp phải áp lực kinh tế như hiện tại.
Đòn trừng phạt nhằm vào Nga đã góp phần đẩy giá năng lượng tăng cao ở châu Âu, trong khi nhiều bang ở Mỹ cũng ghi nhận giá xăng trung bình lên mức 1,37USD/lít.
Nga đóng cửa bầu trời cũng khiến cho nhiều hãng hàng không châu Âu bên bờ vực phá sản.
Ông Andrew Weiss, chuyên gia về Nga và là Phó Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định, việc các nước châu Âu cấm vận Nga không những không có tác dụng mà còn bị tác dụng ngược. Kinh tế lạm phát, thể chế chính trị mất tín nhiệm với người dân các nước trong liên minh châu Âu.
Tiến Chí – Thanh Vân