Thứ Bảy, Tháng 2 22, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Các không gian kiến trúc tổ chức lễ hội điện Huệ Nam



ĐNA -

Lễ hội Điện Huệ Nam là lễ hội tiêu biểu của cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu, đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2024. Tháng 3 và tháng 7 (Âm lịch) hằng năm và vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, đáp ứng nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng của người dân địa phương và tính đồ thờ Mẫu. Ngoài hệ thống niềm tin vào Mẫu để lại cho hậu thế, lịch sử hình thành và phát triển của Lễ hội điện Huệ Nam còn để lại trên đất Huế các công trình kiến trúc, cơ sở tín ngưỡng độc đáo, có giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, tiêu biểu là điện Huệ Nam, đình làng Hải Cát và cơ sở tín ngưỡng 352 Chi Lăng. Đây là các không gian tín ngưỡng gắn với lịch sử phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng đất cố đô.

Điẹn Huệ Nam (Hòn Chén) là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian một cách hài hòa, đặc sắc. Ảnh: Internet

Điện Huệ Nam
Điện Huệ Nam có tên gốc là Điện Hòn Chén (nay thuộc phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế), tọa lạc trên núi Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp nên dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén. Xét về tổng thể vị trí địa lý, núi Ngọc Trản là ngọn núi cuối của một rặng núi lớn kéo dài từ dãy Trường Sơn đến sông Hương thì bị chặn lại, nhô ra tạo thành thế núi rồng bay ngẩng cao đầu hướng ra biển Đông mà Ngọc Trản sơn là phần đầu rồng đang ngẩng cao, oai phong, hùng vỹ. Toàn bộ nước từ đầu nguồn sông Hương đổ về đây bị chặn lại, xoáy sâu và uốn mình thay đổi dòng chảy, ngay sau đó đập vào chân núi Vọng Cảnh lại phải uốn khúc đổi dòng lần thứ hai. Theo Đại Nam nhất thống chí, mục Đền Miếu (Thừa Thiên phủ): “Phía trước có vực rất sâu, tương truyền, đáy vực là hang thủy tộc, có con rùa lớn bằng tấm chiếu, mỗi khi nổi lên tất có sóng dữ dội, người ta trông thấy gọi là sứ giả của Hà Bá” . Theo quan niệm phong thủy của người xưa, từ gò Long Thọ nối đến đây là “Thiên Địa trục” (trục nối liền trời đất) nên hết sức linh thiêng. Bởi vậy, đền thờ Thánh Mẫu không phải vô cớ mà xuất hiện…

Nguyên xưa, điện Hòn Chén là đền thờ nữ thần PôYang Inô-Nagar (hay gọi tắt là Pô Nagar), nữ thần của đất đai, nông nghiệp và sự sinh sôi phát triển của người Chăm, sau này người Việt gọi bà là Thiên Yana. Trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Vào thời vua Đồng Khánh (1886-1888), ngôi điện được đổi tên là “Huệ Nam Điện” (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và được cho trùng tu, tôn tạo khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí thờ phụng để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Đồng thời, nhà Vua cho phép đưa nghi lễ cúng tế tại điện Huệ Nam vào hàng đại tự của triều đình nhà Nguyễn. Do đó, điện Huệ Nam là một chính điện mang tầm quốc gia. Sau khi vương triều Nguyễn kết thúc, dù lễ hội điện Hòn Chén không còn là quốc lễ nữa nhưng việc tổ chức lễ vẫn được duy trì đều đặn và sức ảnh hưởng của nó vẫn còn rất lớn.

Cúng lễ tại chánh điện.

Điện Huệ Nam là cụm công trình gồm khoảng 10 hạng mục kiến trúc lớn nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tán cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính điện tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát viện, chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây. Minh Kính điện chính là nơi tổ chức tế lễ ở điện Hòn Chén, ngày xưa được triều đình quy định mỗi năm tổ chức hai lần vào thượng tuần tháng 3 và tháng 7 âm lịch, có cả quan chức được cử về làm chủ tế. Minh Kính đài chia làm 3 cung, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Đệ Nhất cung (còn gọi là Thượng cung), nơi thờ Nữ thần Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Đồng Khánh và một số vị thần khác; Đệ Nhị cung thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, là nơi bày biện các đồ thờ cúng để rước sắc trong những dịp lễ lớn; Đệ Tam cung thiết hương án, hai bên đặt trống, chuông, là chỗ cử hành lễ, cũng là nơi khách thập phương dâng hương cúng bái. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu lấy hình ảnh con chim phụng để trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo.

Lễ hội điện Huệ Nam 9Hòn Chén) được diễn ra theo 2 phần chính là: lễ nghinh thần và lễ chánh tế.

Điện Huệ Nam không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một thắng cảnh, điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 (Âm lịch) hàng năm. Điện đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 2009/1998-QĐ/BVHTT ngày 26 tháng 9 năm 1998; đồng thời, điện Hòn Chén thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009.

Đây là địa điểm chính để tổ chức Lễ hội điện Huệ Nam vào cả hai kỳ tháng 3 và tháng 7 (Âm lịch) với các hoạt động: Lễ Cung nghinh từ long thuyền lên Chánh Điện, lễ Khai hội và Cáo Yết, lễ Chánh tế và Cầu nguyện Quốc thái dân an, là nơi bắt đầu của lễ Cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ phủ lên dự lễ tế tại đình làng Hải Cát, và cũng là địa điểm thực hiện lễ Hoàn tạ rồi bắt đầu Hồi loan về 325 Chi Lăng để kết thúc lễ hội.

Đình làng Hải Cát trong lễ hội điện Huệ Nam tháng 7.

Đình làng Hải Cát
Đình làng Hải Cát thuộc phường Hương Thọ, thành phố Huế, cách Điện Huệ Nam chừng 2km ngược lên thượng nguồn sông Hương. Đình làng Hải Cát là một trong những ngôi đình khá hiếm hoi trong cách bố trí không gian thờ phụng, bao gồm hai phần là Nội cung và Ngoại điện. Cũng giống như điện Huệ Nam và cơ sở tín ngưỡng 352 Chi Lăng, đình làng Hải Cát cũng thờ đầy đủ các ban thờ Mẫu và các vị thần linh. Đây là một trong 3 điểm tổ chức Lễ hội Điện Huệ Nam vào kỳ lễ “tháng Bảy vía Cha” với các nghi lễ, hội hè: Lễ Cung nghinh, lễ Chánh tế, sinh hoạt hội hè của dân làng và con nhang đệ tử ở sân đình, bến sông và trên các Bằng, Án trong suốt ngày đêm diễn ra lễ hội, là nơi bắt đầu lễ Hoàn tạ và Hồi loan trong Lễ hội điện Huệ Nam.

Trong lịch sử, làng Hải Cát đã từng bao gồm điện Huệ Nam và chính thức là một trong hai đền thờ Tam Vị Thánh Mẫu của Hội Thiên tiên Thánh giáo Trung Việt kể từ sau khi Phủ Thủ hiến Trung Việt cho phép Hội Sơn Nam đổi tên thành Hội Thiên tiên Thánh giáo Trung Việt hoạt động trong phạm vi miền Trung của Việt Nam vào năm 1953. Trong khoảng thời gian thịnh hành của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế, Lễ hội Điện Huệ Nam trở thành “Quốc lễ”, đã từng diễn ra lễ rước Mẫu từ điện Huệ Nam lên Đình làng Hải Cát bằng đường bộ. “Nghi lễ rước Mẫu này có nguồn gốc từ việc nhân dân làng Hải Cát thường lên điện Huệ Nam rước thần vị Thánh Mẫu Thiên Y A Na, được họ tôn xưng là Thành Hoàng làng vào dịp Thu tế. Đó cũng chính là Lễ cung nghinh Thánh Mẫu từ Điện Huệ Nam về ngự ở đình làng Hải Cát, về sau được mở ra các khu vực lân cận và đã có một sự chuyển hóa một cách chính thống, được nâng lên hàng “quốc lễ” – kể từ thời vua Đồng Khánh. Tính chính thống của ngôi điện thờ được ghi nhận dưới thời Nguyễn cùng những nghi lễ liên quan, càng làm cho đám rước tăng thêm phần quy mô, trang trọng, trong thủy trình làng Hải Cát – điện Huệ Nam” .

Đình làng Hải Cát có giá trị về mặt văn hóa lịch sử gắn với sự phát triển hưng thịnh của tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng cố đô Huế, là nơi thờ phụng các vị Thánh mẫu, diễn ra các hoạt động nghi lễ tín ngưỡng liên quan từ xưa đến nay. Quan trọng hơn, làng Hải Cát còn là nơi còn lưu giữ hệ thống Sắc phong liên quan đến các tôn thần được thờ phụng tại điện Huệ Nam – một chính điện mang tầm Quốc gia của tín ngưỡng thờ Mẫu .

Kiến trúc chính tại cơ sở tín ngưỡng 352 Chi Lăng.

Cơ sở tín ngưỡng ở 352 Chi Lăng
Cơ sở tín ngưỡng ở 352 Chi Lăng (nay thuộc phường Phú Hậu, quận Phú Xuân, thành phố Huế) nguyên là Thánh đường Hội Thiên tiên Thánh giáo Trung Việt, được khánh thành và đưa vào hoạt động năm 1969 bởi cụ Ưng Lê là Chánh Hội trưởng đầu tiên của Hội lúc bấy giờ. Sự ra đời của Hội Thiên tiên Thánh giáo và đặt Thánh đường, Tổng Hội quán tại địa điểm 252 Chi Lăng (nay là 352 Chi Lăng) đã đánh một dấu mốc vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế nói riêng và cả nước nói chung. Đó là lý do mà ngày nay, cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn xem cơ sở tín ngưỡng 352 Chi Lăng là “Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo” và tiếp tục duy trì, hoạt động. Hiện nay, cơ sở tín ngưỡng này đồng thời là nơi đặt văn phòng của Chi hội Di sản Văn hóa Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu thành phố Huế, đại diện cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu đứng ra tổ chức lễ hội.

Vì mới được xây vào thập niên 60 của thế kỷ XX, may mắn không bị chiến tranh tàn phá nên kiến trúc của cơ sở tín ngưỡng này vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là một công trình kiến trúc mang tính hiện đại, thiết kế khá quy mô với hai phần rõ rệt: Nội cung và Ngoại cảnh. Phần Nội cung được xây dựng như một Thiên triều được bố trí gồm 2 tầng, ở tầng trên là ban thờ Tam cung vương Mẫu. Còn tầng dưới, nằm ở giữa chánh điện là ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Hội đồng Tứ phủ. Hai hàng phía sau ban thờ Hội đồng là án thờ Thập nhị Triều Quận (bên tả) và Thập nhị Triều Cô (bên hữu). Phần Ngoại cảnh (tính từ thềm của Thánh đường ra đến bờ sông Hương), nằm chính giữa sân là Trung Thiên Đài, cột cờ, Phật đài Quán Thế Âm Bồ Tát và am thờ các vị thần linh thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thừa Thiên Huế. Như vậy, các ban thờ được bài trí dựa trên thiết chế phong kiến, tạo nên sự đa dạng trong hệ thống thần linh, nhưng vai trò và chức năng vẫn là các vị Thánh Mẫu cai quản Tứ phủ .

Cơ sở tín ngưỡng 352 Chi Lăng là một trong những địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng lớn, đặc trưng của cộng đồng thờ Mẫu ở Huế. Trong tâm thức của các tín đồ thờ Mẫu ở Huế nói riêng và của cả nước nói chung, đây vẫn được xem là “Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo” như ngày đầu thành lập. Trong Lễ hội Điện Huệ Nam, địa điểm này là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc chuỗi các sinh hoạt nghi lễ và hội hè.

Điện Huệ Nam, đình làng Hải Cát và cơ sở tín ngưỡng 352 Chi Lăng là các công trình kiến trúc có giá trị về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, cùng với các giá trị tín ngưỡng của lễ hội để tạo nên tổng thể giá trị tiêu biểu của Lễ hội điện Huệ Nam ngày nay./.

Dương Thị Ngọc Linh