Trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, cổng/cửa là một trong những loại hình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có thể nói, cổng/cửa chính là “người đại diện”, vừa phản ánh các đặc điểm đặc trưng của nền kiến trúc vừa phản ánh vị trí, quy mô của nền kiến trúc hay khu vực kiến trúc ấy. Đối với kiến trúc truyền thống Huế, đặc biệt là kiến trúc cung đình thời Nguyễn, điều ấy được thể hiện thật rõ nét.
Cho đến nay có thể nói rằng, không nơi nào trên đất Việt Nam này bằng Huế về sự phong phú, đa dạng của các loại cổng cửa theo kiểu thức truyền thống: Cửa ải, cửa Kinh thành, cửa hoàng cung, biệt cung, cửa vườn ngự uyển, cửa phủ đệ, cửa dinh thự của quan lại, cửa miếu từ, đình chùa.vv.. với đủ hình dáng, kiểu thức về kiến trúc: quan ải, tam quan, khuyết, môn, dịch môn, môn lâu, lâu môn, nguyệt môn, linh tinh môn, phường môn.vv…Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi Huế vốn là cố đô cuối cùng và duy nhất của Việt Nam vẫn còn giữ được diện mạo của một kinh đô thời quân chủ. Và còn hơn thế, về lịch sử kiến trúc, Huế chính là một ví dụ điển hình cho sự chuyển biến, tích hợp cực kỳ uyển chuyển của một đô thị-Kinh đô từ thời Trung đại qua Cận đại đến Hiện đại. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ bước đầu thống kê, phân loại và giới thiệu các loại hình cổng/cửa tiêu biểu nhất của Huế.
Cửa Quan(hay quan ải)(1): Nguyên là một loại hình kiến trúc quân sự có từ thời cổ đại, thường đặt ở nơi hiểm yếu để trấn giữ một vùng đất quan trọng tại biên giới hai nước hoặc 2 tỉnh, 2 phủ… ở hai đầu bắc nam của Kinh đô Huế xưa đã nổi tiếng với hai cửa quan là Hoành Sơn Quan và Hải Vân Quan.
Muốn vào Kinh đô Huế bằng đường Thiên lý, nếu từ phía bắc, người xưa phải vượt qua Hoành Sơn Quan sừng sững trên đèo Ngang; còn nếu từ phía nam, lại phải vượt qua Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan vòi vọi uy nghi trên đỉnh núi Hải Vân. Đây chính là hai chiếc cửa đáng chú ý nhất trên đường Thiên lý xưa của người Việt; cả hai đều được vua Minh Mạng cho khắc hình tượng vào Cửu Đỉnh đặt trên sân Thế Miếu. Hơn ba trăm năm trước, khi ngang qua cửa ải Hải Vân, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cảm tác:
Vào nam ải hiểm là đây,
Kém gì đường Thục, non xây chập chùng.
Ngước lên đỉnh núi mây lồng,
Hay đâu người ở tận cùng trời xanh.(2)
(Quốc Sử Qúan: 1959)
Ngày nay, cụm kiến trúc cửa ải Hải Vân được xây từ năm 1826 vẫn còn khá nguyên vẹn trên đỉnh đèo Hải Vân. Có thể cho rằng, Hải Vân Quan là một cụm công trình với nhiều yếu tố cấu thành làm nên một pháo đài quân sự khá kiên cố. Cụm quan ải này tọa lạc giữa đỉnh đèo Hải Vân, gồm 5 công trình chính là : hai chiếc cửa vòm, nhà Trú Sở (nơi ăn ở, làm việc của quan Trấn thủ), Võ Khố (kho chứa thuốc súng) và hệ thống thành lũy. Ngoài ra còn có các khẩu thần công, hệ thống bậc cấp.vv… Hai chiếc cửa vòm cuốn xây gạch là Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan-cửa nhìn về phía đông (phía Huế) và Hải Vân Quan-cửa nhìn về hướng nam (phía Đà Nẵng). Về kích thước của hai chiếc cửa vòm Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, theo Đại Nam nhất thống chí, Hải Vân Quan cao và dài đều 15 thước (đo thực tế là 6,2m), dày17 thước 1 tấc (7,7m); Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan cao 15 thước (6,2m), dài 11 thước (5,2m), dày 18 thước 1 tấc (7,9m). Lòng các cửa vòm nguyệt đều cao 10 thước 8 tấc (4,5m), rộng 8 thước 1 tấc (3,6m). Còn các di tích Trú Sở, Võ Khố nay đều không còn dấu vết (Quốc Sử Qúan, 1960).
Nhìn chung, cả hai chiếc cửa trên đều có chung kiểu thức với Hoành Sơn Quan trên đèo Ngang. Chúng là những công trình khá lớn, xây gạch đặc, vừa mang chức năng cửa/cổng vừa có chức năng như những lô cốt/pháo đài để kiểm soát và phòng ngự cho toàn khu vực. Chúng đều dựa vào sự hiểm yếu của địa hình để bố trí, nhằm tạo nên thế “Nhất phu đương quan vạn phu mạc khai” (Một người giữ cửa vạn người khó vào) mà khoa học quân sự thời cổ thường nhấn mạnh.
Cửa Kinh Thành
Tức các cửa của Kinh thành (hay Kinh Sư thành). Kinh thành Huế thời Nguyễn có đến 10 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy (không kể cửa Trấn Bình, thông qua Trấn Bình Đài không có vọng lâu vốn chỉ được xem như một cửa phụ). Mười cửa đường bộ đều có vọng lâu 2 tầng và xây dựng bằng gạch đá theo cùng một thức: tầng dưới cùng trổ xuyên qua thân thành theo dạng Nguyệt môn. Lòng cổng hình vòm cuốn, rộng 3,82m; cao 5,19m. Cửa có 2 cánh lớn bằng gỗ lim nẹp sắt rất đồ sộ, dưới có gắn bánh xe để tiện việc đóng mở, các cối cửa, cối then đều làm bằng đá thanh khá kiên cố. ở mặt trước cửa, phía trên vòm cửa đều có gắn một tấm hoành bằng đa thanh rất lớn( cở 2,31m x 1,10m x 0,15m) ghi tên cửa ( như Chính Nam Môn, Quảng Đức Môn.vv..); hai tầng vọng lâu bên trên xây cao vượt lên mặt thành hơn 9m, dạng Tam quan-cổ lâu truyền thống, mái lợp ngói ống. Toàn bộ chiều cao của mỗi cửa đến hơn 17m (Phan Thuận An, 2000).
Điều đáng chú ý là dù giữa cửa thành được xây dựng theo phong cách truyền thống còn phần thân thành lại xây theo phong cách Vauban của phương Tây nhưng lại rất hài hòa với nhau. Các kiến trúc sư thời Nguyễn đã khéo gắn kết và điều hòa các khối vuông nặng nề của thân cửa và thân thành bằng 2 hệ thống lan can lối đi bộ đặt ngay trên thân thành, được tạo dáng như những đường lượn hình bán nguyệt rất mềm mại. Vậy nên, từ phía sau trông lại, các cửa Kinh thành vừa thanh mảnh vừa có duyên, rất phù hợp với phong cách chung của kiến trúc truyền thống Huế.
Về cách bố trí các cửa Kinh thành cũng có đặc điểm rất nổi bật: Trừ 2 cửa thành mặt trước có tên riêng là Thể Nhơn và Quảng Đức ra, 8 cửa còn lại đều mang tên theo phương vị mà chúng tọa lạc và được bố trí đăng đối với nhau thành từng cặp (như Chánh Nam, Đông Nam, Chánh Bắc, Đông Bắc…); 8 chiếc cửa này chia Kinh thành Huế thành 9 ô theo kiểu thành phương Đông truyền thống. Dưới thời Nguyễn, 4 trục đường nối liền 8 cửa thành này cũng chính là 4 tuyến phố chính bên trong Kinh thành.
Nhưng mặt khác, việc bố trí đến 4 cửa ở mặt trước lại thể hiện sự tiếp thu văn minh phương Tây khá rõ của Kinh thành, bởi đối với người phương Đông, con số 4 (tức Tứ-phát âm gần giống như chữ Tử, nghĩa là sự chết chóc) là một con số rất nên tránh, nhất là khi bố trí cửa ngõ.(3)
Một số cổng kinh thành Huế.
Cửa Hoàng thành-Tử Cấm thành
Cửa bố trí trên vòng tường Hoàng thành
Hoàng thành Huế chỉ có 4 cửa, trổ tại khoảng giữa 4 mặt thành nam, bắc, đông, tây là Ngọ Môn, Hòa Bình Môn, Hiển Nhơn Môn và Chương Đức Môn, mỗi cửa đều có chức năng riêng và trong lịch sử tồn tại đã có những biến đổi nhất định.
Ngọ Môn nguyên ban đầu là Nam Khuyết Đài, dựng từ năm 1804. Công trình này có kiểu cấu trúc kết hợp đài-môn-điện: dưới là Nam Khuyết Đài, trổ 2 cửa Tả-Hữu Đoan Môn, trên là điện Càn Nguyên. Đến năm 1833, vua Minh Mạng mới cho triệt giải và xây cửa Ngọ Môn có cấu trúc như hiện thấy (Viện Sử học, 1969)
Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng thành với bình diện hình chữ U duyên dáng như một vòng tay đón khách, dù nhìn từ chính diện hay một bên Ngọ Môn vẫn có vẻ đồ sộ như một toà lâu đài. Thức cấu trúc của Ngọ Môn là sự kết hợp đài-môn-lâu, trong đó phần đài bên dưới cao hơn 5m, trổ 5 cửa xuyên qua thân theo lối “minh tam ám ngũ” (nhìn phía trước thấy 3 cửa nhưng nhìn phía sau là 5 cửa). Phần lầu Ngũ Phụng bên trên gồm 2 tầng, cao hơn 10m, mái lợp ngói ống lưu li kiểu “một lầu vàng 8 lầu xanh” rất sinh động. Có lẽ những ai từng đến thăm Cố cung Bắc Kinh, từng ngắm nhìn cửa Ngọ môn-cửa chính của Tử Cấm Thành Trung Hoa thì mới thấy hết vẻ diễm lệ, xinh xắn của Ngọ Môn Huế. Nổi bật giữa bóng cây xanh, hoa cỏ và mặt nước, Ngọ Môn Huế luôn gợi cho người ta một cảm giác thật thư thái và yên bình. Có lẽ vì thế mà thật tự nhiên, hình ảnh chiếc cửa này đã trở thành biểu tượng cho xứ Huế.
Cửa Hòa Bình: là cửa phía bắc của Hoàng thành, nguyên ban đầu tên là cửa Củng Thần, làm theo kiểu tam quan-môn lầu. Năm 1821, đổi tên là cửa Địa Bình, năm 1833, lại đổi tên thành cửa Hòa Bình. Năm 1839, vua cho hạ bớt phần lầu phía trên. Năm 1894, thời vua Thành Thái lại được trùng tu. Cửa Hòa Bình có cấu trúc khá đặc biệt, dạng tam quan xây gạch nhưng chỉ có một tầng, cửa có vì nóc và mái lợp ngói như một ngôi điện. Nguyên xưa, chiếc cầu Kim Thủy nối từ cổng băng qua hồ Nội Kim Thủy đến trước cửa Tường Loan của Tử Cấm thành được làm theo lối “thượng gia hạ kiều” với phần mái lợp ngói ván nhưng nay phần mái này đã bị triệt giải.
Cửa Hiển Nhơn và cửa Chương Đức: là 2 cửa phía đông và phía tây của Hoàng thành. Đây là 2 chiếc cửa có cùng kiểu thức và quy mô.
Nguyên 2 cửa này được xây dựng vào năm 1804, cùng với việc xây dựng Hoàng Thành, tuy nhiên lúc đó nó mới có cách thức đơn giản và chưa có vọng lâu. Đến Năm Gia Long thức 10 (1811), cửa Chương Đức được cải tạo và xây thêm phần vọng lâu bên trên (cùng đợt với 2 cửa Hiển Nhơn và Củng Thần). Từ đây trở đi, 2 cửa Hiển Nhơn, Chương Đức mang kiểu thức của một tam quan-môn lâu khung gỗ tiêu biểu thời Nguyễn hiện thấy như Hiển Đức Môn (Lăng Minh Mạng), Hồng Trạch Môn (Lăng Thiệu Trị), Khiêm Cung Môn (Lăng Tự Đức), nghĩa là cửa gồm 3 gian, mỗi gian mở 1 cửa, bên trên có vọng lâu, phần mái lợp ngói.
Lần cải tạo quan trọng nhất đối với 2 cửa Hiển Nhơn và Chương Đức là vào thời Khải Định. Cửa Chương Đức được làm lại vào năm 1921, cửa Hiển Nhơn vào năm 1923. Khi cải tạo cửa Chương Đức, người ta đã hạ giải hoàn toàn kết cấu gỗ của tam quan cũ và xây dựng lại trên nền cũ với quy mô lớn hơn một tam quan đồ sộ 2 tầng hoàn toàn bằng gạch, vôi vữa với hình thức trang trí đắp gắn mảnh sành sứ rất tiêu biểu của phong cách thời Khải Định. Hai năm sau đó, cửa Hiển Nhơn cũng được cải tạo lại theo nguyên mẫu của cửa Chương Đức và hình thức kiến trúc của cả hai cửa này còn tồn tại cho đến ngày nay.
Có thể nói, hai cửa Hiển Nhơn, Chương Đức là những công trình tiêu biểu cho phong cách thời Khải Định. Hầu hết các diện tích mặt tường ngoài đều có các hoạ tiết trang trí gắn sành sứ dưới nhiều hình thức, chi tiết khác nhau như: hổ phù, ô hộc trang trí, các chi tiết có dạng phù điêu áp tường, gờ chỉ. Các chi tiết trang trí này được phân bố với một mật độ khá dày đặc, nhưng hài hoà cả về màu sắc, bố cục mang đến cho cửa một nét kiến trúc tráng lệ độc đáo. Với phong cách đó, các cửa Hiển Nhơn và Chương Đức như những điểm nhấn nổi bật trên 2 mặt đông-tây của Hoàng Thành Huế bên cạnh hình thức thô chắc, vững chãi của tường thành và Đông-Tây Khuyết Đài ở gần đó.
Cửa Tử Cấm Thành:
Tử Cấm thành Huế nguyên xưa có 7 cửa: mặt nam 1 cửa, ba mặt còn lại mỗi mặt 2 cửa (chưa kể cửa Dịch môn ở phía đông). Về sau có mở thêm cửa Văn Phòng Môn ở phía bắc, Duyệt Thị Môn ở phía đông nhưng bịt cửa Cấm Uyển Môn và Dịch môn.
Trong các cửa của Tử Cấm thành, đáng chú ý nhất là cửa chính Đại Cung Môn ở mặt nam. Đây là một chiếc tam quan-môn lâu làm bằng gỗ, được xây dựng năm 1833 thời Minh Mạng. Có thể nói, Đại Cung Môn là chiếc tam quan gỗ lớn và đẹp nhất của Hoàng cung Huế. Cửa rộng 5 gian, bộ vì kèo kiểu chồng rường được chạm trổ rất công phu; các liên ba khảm đầy thơ và các họa tiết trang trí; mái lợp ngói lưu li vàng; toàn bộ cửa sơn son thếp vàng lộng lẫy…
Sáu cửa còn lại của Tử Cấm thành đều làm theo kiểu nguyệt môn 1 gian, mái đắp nhiều tầng, các chi tiết trang trí đều đắp vữa gắn sành sứ, riêng 2 cửa Tường Loan, Nghi Phụng ở mặt bắc, thân cổng có gắn những tấm gạch hoa đúc rỗng để trang trí trông khá lạ mắt.
Cửa Duyệt Thị ở mặt đông Tử Cấm thành có lẽ được mở vào cuối thời Nguyễn được làm theo kiểu tam quan với phần trán cửa nhô cao giả kiểu cổ lâu nhưng phần “lâu” phía trên này được làm đơn giản và cách điệu khá hiện đại với những lớp mái đắp giả ngói ống.
Nhìn chung, các cửa của Tử Cấm thành được bố trí theo lối “thất khẩu” với 7 cửa phân bố kiểu 1-2-2-2, nhưng các cửa không đăng đối với nhau.
Bên trong Tử Cấm thành cũng có khá nhiều cổng/cửa được bố trí trên các vòng tường giới hạn giữa các khu vực, như vườn Thiệu Phương có 4 cửa, khu vực Duyệt Thị Đường có 3 cửa…Các cửa này phần lớn đều có tên riêng trừ một số cửa dạng Dịch môn (cửa hông, cửa nách). Chúng tôi đã thống kê được trên toàn bộ các khu vực bên trong Tử Cấm thành có khoảng 20 cửa. Các cửa này đại đa số có chung một kiểu thức dù kích thước có khác nhau đôi chút: cửa xây gạch vòm cuốn kiểu nguyệt môn, phía trên không có phần mái đắp giả ngói nhiều tầng như các cửa bố trí trên vòng tường Tử Cấm thành mà chỉ đắp hình 1 chiếc khánh để trang trí.
Phường môn, dạng tam quan độc đáo của Huế.
Cửa các khu vực khác trong Hoàng Thành
Nhìn chung về cách quy hoạch, Hoàng thành cũng được chia thành 9 khu vực và tại mỗi khu vực đều có một hệ thống tường thành và cổng/cửa để giới hạn phân lập với khu vực khác. Theo thống kê của chúng tôi, toàn bộ khu vực Hoàng thành và Tử Cấm thành có đến hơn 80 chiếc cổng/cửa các loại.
Nhìn chung, tùy vào quy mô và chức năng của khu vực kiến trúc mà người ta bố trí số lượng cổng/cửa cho thích hợp nhưng có thể nói rằng, khu vực càng quan trọng, mật độ kiến trúc càng lớn thì số lượng cổng/cửa càng nhiều. Như khu Tử Cấm thành có số lượng cửa nhiều nhất, đến gần 30 cửa (kể cả cửa trên tường thành), sau đó là khu Hưng-Thế miếu với 13 cửa, Triêụ-Thái Miếu 13 cửa, cung Diên Thọ 6 cửa, cung Trường Sanh 5 cửa.vv.. Đó là tính trên tổng số, còn nếu chỉ tính hệ thống cửa bố trí trên vòng tường bao quanh khu vực thì kiểu thức bố trí đều theo dạng “thất khẩu” (Tử Cấm thành), “trùng thành ngũ khẩu” (khu Hưng-Thế Miếu, Triệu-Thái Miếu), “tứ khẩu” ( cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ), “tam khẩu” (phủ Nội Vụ)…Nghĩa là số lượng cửa cũng tỉ lệ thuận với tầm quan trọng của khu vực ấy.
Cổng Cửa tại các lăng tẩm triều Nguyễn
Như chúng ta đã biết, triều Nguyễn ngoài 7 khu lăng của các hoàng đế còn có hàng chục lăng, sơn phần, viên tẩm của các chúa Nguyễn (đều được tái xây dựng dưới thời Nguyễn), các hoàng hậu, phi tần, hoàng thân… Các lăng, Sơn phần, Viên tẩm đó đều có kiểu thức cấu trúc tương đối thống nhất dùõ quy mô có khác nhau. Điều này được quy định rõ tại quyển 216, phần Bộ Công sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Mỗi khu lăng hay Sơn phần, Viên tẩm đều gồm 2 lớp tường thành xây gạch đá bao bọc, phía trước mở một cửa theo lối nguyệt môn, mái cửa thường không đắp giả ngói nhiều tầng mà chỉ trang trí đơn giản bằng cách chia một dãy ô liên ba để trống hoặc đắp hình một chiếc khánh như các Dịch môn tại Tử Cấm thành.
Riêng 7 khu lăng hoàng đế do có cấu trúc và quy mô khác nhau nên hệ thống cổng/cửa cũng có những đặc điểm riêng.
Lăng Gia Long không có vòng la thành bao bọc, chỉ có hệ thống cửa bố trí tại khu vực tẩm điện theo kiểu “tứ khẩu” và 1 cửa tại Bửu thành.
Lăng Minh Mạng mở 3 cửa trên la thành theo lối “tam khẩu”, trong đó cửa giữa là một tam quan. Khu vực tẩm điện có các cửa cũng bố trí theo kiểu “tứ khẩu”, ngoài ra còn có hai phường môn đúc đồng và cửa Bửu thành làm bằng đá Thanh.
Lăng Thiệu Trị cũng không có la thành nên hệ thống cửa bố trí như lăng Gia Long nhưng có thêm hai phường môn đúc đồng và cửa Bửu thành bằng đá thanh tựa như lăng Minh Mạng ở phần lăng và một phường môn bằng đá Thanh đặt phía trước phần tẩm.
Lăng Tự Đức cũng mở 3 cửa trên la thành theo lối “tam khẩu” như lăng Minh Mạng nhưng các cửa bên trong lại bố trí như lăng Thiệu Trị; điểm khác là không có các phường môn và cửa Bửu thành làm kiểu nguyệt môn xây gạch, mái đắp 2 tầng giả ngói.
Lăng Dục Đức có cách bố trí cửa đặc biệt hơn, phần tẩm điện bố trí kiểu “tứ khẩu” còn phần lăng bố trí kiểu “tam khẩu” với 3 cửa mặt trước dàn ngang, trong đó cửa chính là một tam quan 3 tầng đồ sộ, kiểu thức gần giống như Trường An Môn ở cung Trường Sanh nhưng 2 tầng lầu bên trên làm cao vượt lên có các cửa nguyệt môn rõ ràng.
Lăng Đồng Khánh không có vòng la thành bao bọc chung, còn hệ thống cửa ở 2 khu lăng-tẩm có lối bố trí gần tương tự lăng Tự Đức.
Lăng Khải Định có cách bố trí cửa kiểu “tam khẩu” trong đó cửa chính là một tam quan nhưng kiểu thức đã chịu ảnh hưởng rõ nét của kiến trúc châu Âu; phía trong lại có 3 cửa phường môn dàn ngang và cũng mang phong cách hiện đại.
Tuy nhiên hệ thống cửa của 7 khu lăng này cũng có cũng có các đặc điểm chung sau: Mỗi khu lăng nếu có vòng la thành bao bọc đều trổ 3 cửa theo lối “tam khẩu” trong đó cửa chính là một tam quan.
Năm khu lăng được xây dựng theo kiểu truyền thống là lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh đều có tam quan gỗ có môn lâu trước phần tẩm điện. Các tam quan này về kiểu thức cơ bản là giống nhau, tương tự như các cửa Hiển Nhơn, Chương Đức tại Hoàng thành trong giai đoạn sớm. Cửa chính của lăng có tam quan xây gạch, mái đắp làm 3 tầng giả ngói, tương tự cửa chính các miếu thờ tại Hoàng thành (trừ lăng Gia Long và lăng Thiệu Trị do không xây la thành), riêng lăng Dục Đức có tam quan 3 tầng khá độc đáo; lăng Khải Định thì tam quan đã có kiểu dáng hiện đại kiểu châu Âu.. Mỗi khu lăng đều có nguyệt môn trước Bửu thành (đều gọi là Bửu Thành Môn).
Cổng/cửa tại các đàn miếu, tự quán
Các miếu chính của triều Nguyễn, ngoài 5 khu miếu quan trọng nằm trong Hoàng thành còn có cung Khánh Ninh, cung Bảo Định, miếu Cung Tôn, Văn Miếu, Võ Miếu, Lịch Đại Đế Vương Miếu…
Quy mô cùng cách bố trí cổng/cửa tại các khu miếu trên có sự khác biệt khá lớn. Hai cung Khánh Ninh và Bảo Định vốn là những biệt cung của hai vua Minh Mạng, Thiệu Trị nên vốn là những cung điện đồ sộ, số lượng cửa phong phú. Cung Khánh Ninh có 14 cửa và 2 cửa phường; cung Bảo Định thì có đến 20 cửa và 2 cửa Linh tinh, cửa phường. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ cách bố trí cụ thể các cửa vì cả 2 cung điện trên đều đã bị triệt giải. Có lẽ cả hai miếu thờ quan trọng này đều áp dụng kiểu “trùng thành ngũ khẩu” như tại các khu Triệu-Thái Miếu và Hưng-Thế Miếu, hoặc có cách điệu đôi chút.
Văn Miếu đến 7 cửa nhưng không phải bố trí theo kiểu “thất khẩu” mà lại dàn thành 3 lớp: ngoài là cửa Linh tinh, sau đó là 3 cửa trước của vòng tường ngoài, trong đó cửa chính là Văn Miếu Môn cấu trúc kiểu tam quan-môn lâu; lớp tường trong cũng trổ 3 cửa theo lối “tam khẩu” nhưng bố trí ở mặt trước và 2 mặt hông. Đây là kiểu bố trí “trùng thành tam khẩu”, thường dùng cho các tự miếu tương đối quan trọng (chỉ sau hàng Liệt Miếu).
Miếu Cung Tôn (thờ vua Dục Đức) có hệ thống cửa theo kiểu “tứ khẩu” đặt trên tường cả 4 phía, trong đó cửa trước là một tam quan-môn lâu, 3 cửa còn lại là các nguyệt môn. Miếu Lịch Đại Đế Vương và miếu Đô Thành Hoàng đều có “tam khẩu” bố trí dàn ngang ở mặt trước trong đó cửa chính là một tam quan-môn lâu. Còn Võ Miếu, Khải Thánh Từ và các đền thờ khác nhìn chung đều chỉ có một cửa làm theo kiểu nguyệt môn bố trí ở mặt trước. Về các đàn tế thì cả đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc đều có chung thức “tứ khẩu” : 4 cửa bố trí ở bốn mặt tường thành, trong đó cửa chính là một tam quan-môn lâu.
Cửa tại các phủ đệ, dinh thự
Trên đất Kinh đô Huế xưa có hàng ngàn phủ đệ, dinh thự của thân vương, hoàng tử, công chúa và quan lại cùng các công sở của các cơ quan của triều đình. Qua nghiên cứu các tư liệu và khảo sát thực tế từ hàng chục phủ đệ, dinh thự hiện còn, chúng tôi nhận thấy hệ thống cổng/cửa vẫn còn được bảo quản tương đối tốt và có thể nói tốt hơn nhiều so với số phận chung của các phủ đệ, dinh thự gắn liền với chúng.
Nhìn chung các phủ đệ dinh thự đều chỉ có 1 cửa kiểu “nhất khẩu” bố trí ở vị trí trung tâm mặt chính diện (đôi khi cũng bố trí lệch về một bên, thậm chí ở đàng sau); chỉ có một số phủ đệ, dinh thự lớn mới mở 3 cửa kiểu “tam khẩu” dàn ngang ở mặt trước hoặc bố trí 1 cửa chính ở mặt trước và 2 cửa hông ở 2 bên, như công đường của Lục Bộ, Cơ Mật Viện, phủ Tùng Thiện Vương…
Cổng/cửa các phủ đệ dinh thự về hình thức cũng khá đa dạng, có loại tam quan-môn lâu bề thế và được trang trí rất công phu như cửa Nội Từ (đền thờ Kiên Thái Vương), cửa phủ Tuy Lý Vương, cửa đền thờ Đức quốc công Phạm Đăng Hưng, cửa đền thờ Diên Phước Trưởng Công Chúa, cửa chính Cơ Mật Viện.vv..; có loại làm theo lối cửa vòm nguyệt môn không trang trí, thậm chí có loại chỉ là 2 chiếc trụ thật đơn giản trên gắn đôi búp sen hoặc cặp lân gốm.
Về vật liệu xây dựng, cổng/cửa các phủ đệ, dinh thự phần lớn xây bằng gạch, cũng có loại làm bằng gỗ hay kết hợp giữa gỗ và gạch ngói nhưng không nhiều. Tuy nhiên, những chiếc cổng/cửa thuộc loại sau thường được tạo dáng khá công phu nên hình thức rất trang nhã và cuốn hút, có thể dẫn ra đây như cửa Lạc Tịnh Viên, cửa An Thường Công Chúa Từ…
Nhận xét
Cách quy hoạch bố trí hệ thống cổng/cửa trong kiến trúc cung đình Huế có thể nói là phong phú và có nhiều điểm độc đáo. Cách quy hoạch bố trí ấy khiến ta có cảm tưởng như các kiến trúc sư thời Nguyễn ít bị lệ thuộc vào những công thức truyền thống trong cách bố trí cổng/cửa mà dường như họ luôn tạo ra được sự phù hợp một cách sinh động.
Như Kinh thành có đến 10 cửa (chính) bố trí kiểu “thập khẩu” mà mặt trước lại bố trí 4 cửa-một trường hợp hi hữu trong kiến trúc phương đông, nhưng hình thức cấu trúc cùng tính đăng đối của các cửa vẫn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểu thành phương Đông truyền thống (như cách chia thành thành 9 ô, cách bố trí các tuyến giao thông gắn liền với cửa…). Trong khi đó, Hoàng thành lại có hệ thống cửa bố trí kiểu “tứ khẩu” vơí 4 cửa bố trí đều ở 4 mặt thành, còn Tử Cấm thành thì có 7 cửa nhưng bố trí không đều nhau với 1 cửa chính ở mặt trước và mỗi mặt còn lại thì bố trí 2 cửa. (xem sơ đồ 1, 2, 3).
Ở các lăng tẩm của triều Nguyễn, đặc biệt là tại 7 khu lăng Hoàng đế, tuy bị ràng buộc trong các “điển lệ” nhưng do cách bố trí hệ thống cổng/cửa phần lớn đều dựa vào đặc điểm địa hình nên nhìn chung ít trùng lặp và đều có phong cách riêng.
Ở các đàn miếu, tự quán cùng hệ thống phủ đệ, dinh thự cũng có đặc điểm tương tự khiến cách quy hoạch bố trí cổng/cửa của kiến trúc cung đình Huế trở nên thật đa dạng, phong phú.
Quy mô, hình thức và chất liệu của hệ thống cổng/cửa trong kiến trúc cung đình Huế cũng hết sức phong phú và có bản sắc riêng.
Trước hết về quy mô, toàn bộ Kinh đô Huế chỉ có duy nhất một cửa Ngọ Môn được làm theo kiểu ngũ quan/ngũ môn nhưng cũng đã được “nắn” lại theo bình diện chữ U để tạo nên dáng vẻ của một tam quan/tam môn, còn lại các cổng/cửa khác dù là cửa chính của công trình lớn cũng chỉ là những tam quan mà thôi. Có lẽ đây là một sự điều chỉnh cho phù hợp với quy mô chung của các công trình kiến trúc cung đinh Huế-một nền kiến trúc thiên về vẻ đẹp thanh mảnh và coi trọng về mức độ trang trí hơn là vẻ bề thế về quy mô. Bởi vậy, đôi khi cửa chính của cả một khu miếu lớn hay một cung điện lớn trong Hoàng thành quy mô trông cũng chỉ tương đương với một cổng làng hay cổng chùa trong dân gian (4).
Về hình thức kết cấu của các loại cổng/cửa thì lại hết sức phong phú. Các cửa thành kiểu tam quan 2 tầng kết hợp với thân thành thật khéo léo; cửa Ngọ Môn với 2 tầng lâu kết hợp 1 tầng đài trổ 5 cửa bên dưới cũng là kiểu cửa duy nhất ở Việt Nam; rồi các loại tam quan-môn lâu 3 tầng, 2 tầng, tam quan 1 tầng với các tầng mái đắp giả ngói, các nguyệt môn với các kiểu dáng thật đa dạng, phong phú.
Về chất liệu hay vật liệu xây dựng của cổng/cửa trong kiến trúc cung đình cũng khá đa dạng: bằng đồng, bằng đá, bằng gạch, bằng gỗ hoặc là sự kết hợp giữa nhiều loại vật liệu. Như Ngọ Môn được xây dựng kết hợp bằng cả gạch-đá-đồng (phần nền đài và cửa) với gỗ-ngói-mảnh sành sứ (phần lầu bên trên); cửa Hòa Bình vừa xây gạch (phần thân) vừa sử dụng gỗ-ngói (phần mái)… Tuy nhiên những cửa/cổng được làm bằng vật liệu thuần chất như các phường môn bằng đồng, đá luôn được xem là quý hiếm và chỉ đặt ở nơi thật quan trọng như trước sân điện Thái Hòa, trước Bửu thành lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị…
Với hai chất liệu gạch và gỗ thì vật liệu gỗ luôn được xem là quý hơn. Các cửa gỗ thường là những tam quan-môn lâu đóng vai trò là cửa chính của một khu vực kiến trúc như Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), Biểu Đức Môn (lăng Thiệu Trị), Khiêm Cung Môn (lăng Tự Đức), Cung Môn (lăng Đồng Khánh)… Theo thống kê của chúng tôi, trong hơn 80 chiếc cổng/cửa của khu vực Hoàng thành chỉ có chưa đầy 10 chiếc cổng/cửa có sử dụng vật liệu gỗ.
Cổng phủ Tùng Thiện Vuong và Tuy Lý Vương
Về giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật:
Như trên đã nói, trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, cổng/cửa là một trong những loại hình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó chính là “người đại diện”, vừa phản ánh các đặc điểm đặc trưng của nền kiến trúc vừa phản ánh vị trí, quy mô của nền kiến trúc hay khu vực kiến trúc ấy. Sự phong phú đa dạng cùng những đặc điểm độc đáo của kiến trúc cổng/cửa cung đình Huế thể hiện rõ mức độ “giàu có” đặc biệt của nền kiến trúc này. Cổng/cửa cũng phản ánh những dấu ấn lịch sử cùng sự thay đổi và phát triển của kiến trúc truyền thống Huế. Từ những chiếc cửa xây gạch có vẻ thô sơ đầu triều Nguyễn đến những chiếc tam quan gỗ cầu kì, những chiếc phường môn bằng đồng tinh xảo ở giai đoạn giữa đến những cửa phủ đầy những mảnh sành sứ trang trí của giai đoạn muộn đều phản ánh rất rõ điều này.
Kiến trúc cung đình Huế cũng có những chiếc cửa rất nổi tiếng như Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Thể Nhơn, Qủang Đức… trong đó cửa Ngọ Môn đã trở thành biểu tượng của Huế và từ lâu đã đi vào ca dao của xứ sở này:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu,
Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh.
Sinh em ra phận gái,
Chớ hỏi chốn Kinh thành để làm chi?
Sinh thời Họa sĩ Phạm Đăng Trí đã từng nghiên cứu, phân tích rất công phu để chứng minh rằng, Ngọ Môn của Huế có các số đo đạt đến tỉ lệ vàng mà người phương Tây đã mất hàng ngàn năm để tìm kiếm…
Còn một vấn đề nữa cũng hết sức thú vị liên quan rất mật thiết đến cổng/cửa là vấn đề phong thủy. Ngay trong dân gian thì đối với chuyện làm nhà cửa, việc mở cửa ngõ rộng hẹp hay làm cổng/cửa như thế nào cũng là điều hết sức quan trọng. Trong kiến trúc cung đình điều này lại càng có ý nghĩa quan yếu, thậm chí người xưa còn cho là nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh, tồn vong của triều đại. Tuy nhiên vấn đề thú vị này lại hết sức phức tạp và chúng tôi xin được bàn đến trong một bài viết khác./.
TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế
Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong, Bảo Minh và một số nguồn.
Chú thích
Quan hay (Quan ải): còn có các tên Quan Trại, Yếu Trại là sản phẩm của kiến trúc chiến tranh thời cổ đại. Loại hình kiến trúc này đã hình thành từ xã hội Chiếm hữu nô lệ. Đến thời Xuân Thu, do các nước chư hầu đánh nhau liên miên nên thiết lập các quan ải để phòng ngự nước đối địch. Kiến trúc quan vì thế mà phát triển rất nhanh về hình thức, quy mô và số lượng với các kiểu: Thành Phòng Quan, Phong Trại Quan, Dịch Đạo Quan, Tử Mẫu Quan, Liên Hoàn Quan.vv.. bố trí khắp nới trong nước. Tần Thuỷ Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc bèn cho phục hồi củng cố các cửa ải để tăng cường sức phòng ngự, Quan ải vì thế càng có nhiều. Nhưng nói chung, về loại hình, kiến trúc Quan có 2 loại lớn là: Trường Thành Quan và Dịch Đạo Quan.
-Trường Thành Quan: tức các quan ải thuộc bức Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng, được xây dựng và củng cố suốt từ thời Tần đến thời Minh. Các quan ải đều có đặc điểm chung là nằm tại những vị trí xung yếu về quân sự, đều dựa vào sự hiểm yếu của địa hình thiên nhiên để xây dựng. Trên dải Trường Thành có các quan ải nổi tiếng như Hải Sơn Quan, Cư Dung Quan, Tử Kinh Quan, Nhạn Môn Quan, Nương Tử Quan, Thần Mộc Quan, Gia Dụ Quan.vv..
– Dịch Đạo Quan: tức các quan ải trấn giữ trên các con đường xung yếu từ kinh đô về các tỉnh, phủ, châu, huyện… Loại cửa quan này đều có đặc điểm nổi bật là đều nằm giữa ranh giới các tỉnh, huyện, châu hoặc hùng cứ giữa 2, 3 tỉnh. Trong lịch sử Trung Quốc từng nổi tiếng với các Dich đạo quan nổi tiếng như Phong Lãnh Quan giữa 2 tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, Mai Quan giữa Quảng Đông và Giang Tô.vv..
Các cửa quan nói chung đều có một đặc điểm là đều dựa vào sự hiểm yếu của địa hình thiên nhiên để xây dựng, tạo nên thế “Nhất phu đương quan, vạn phu mạc khai” (Một người giữ cửa vạn người khó vào).
(Sở Nghiên cứu Văn vật Bắc Kinh-1991)
Ở nước ta không có Trường Thành quan mà chỉ có Dịch Đạo quan. Và trong lịch sử chúng ta cũng có những Dịch Đạo quan rất nổi tiếng từng gắn liền với những chiến công chống ngoại xâm hiển hách của dân tộc như ải Chi Lăng ở phía bắc, ải Vân Sơn ở phía nam…
2-Nguyên văn: “Việt nam hiểm ải thử sơn điên,
Hình thể hỗn như Thục đạo thiên.
Đản kiến văn hoành tam tuấn lĩnh,
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.
(Quốc Sử Qúan, 1959)
3-Kiểu bố trí 2 cửa Tả -Hữu Đoan Môn (số chẳn-số âm) ở mặt trước Hoàng thành đầu thời Gia Long cũng là một điều rất khác lạ đối với kiến trúc truyền thống. (Hoàng Lan Tường: 1997)
4- ở Hoàng cung Bắc Kinh Trung Quốc, các cửa Thiên An Môn, Đoan Môn, Ngọ Môn… đều thuộc dạng ngũ quan/ngũ môn. Các cửa này được bố trí theo quy tắc “tam triều ngũ môn” (3 tầng sân, 5 lần cửa) rất rõ. Ngoài sự biểu hiện vị trí, uy quyền tối thượng của bậc Hoàng đế, những chiếc cửa có kích thước rất lớn này còn nhằm để phù hợp với quy mô hùng vĩ của Kinh đô Bắc Kinh, bởi chỉ tính riêng Tử Cấm Thành Bắc Kinh, diện tích đã lớn gấp đôi Hoàng thành Huế (72.000m2 so với 36.000m2).
Tài liệu tham khảo:
1- Dương Đạo Minh-1988, Trung Quốc lăng mộ khái luận, in trong Trung Quốc Mỹ Thuật Toàn Tập; tập 2, Lăng Mộ Kiến Trúc. Trung Quốc Kiến Trúc công nghiệp xã. Bắc Kinh (Bản tiếng Hoa).
2- Hoàng Lan Tường-1997, Sơ khảo về Huế, Quốc đô Việt Nam thế kỷ XIX. Bản dịch của phòng Nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
3-Phan Thuận An- 2000, Kinh thành Huế. Nhà xuất bản Thuận Hoá. Huế.
4- Phan Thanh Hải-2002, Kinh đô Bắc Kinh-Cố đô Huế, tương đồng và dị biệt. In trong sách Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân. Nxb Thuận Hóa.
5-Quốc Sử Quán triều Nguyễn-1969, Đại Nam thực lục, Tiền biên. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH, Hà Nội.
6-Quốc Sử Quán triều Nguyễn-1960, Đại Nam nhất thống chí. Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo. Sài Gòn.
7- Sở Nghiên cứu Văn vật Bắc Kinh-1991, Trung Quốc cổ đại kiến trúc từ điển. Bắc Kinh.