Trong bài viết đăng trên

ngày 12/5/2025, nhà báo Đức Thorben Austen đưa tin về loạt hoạt động ngoại giao nổi bật diễn ra tại Matxcơva, nơi các Lãnh đạo Cuba, Venezuela và Brazil đã có nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng và cùng tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Sự kiện không chỉ thể hiện mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa các nước Mỹ Latinh và Nga, mà còn cho thấy những phát biểu đáng chú ý: chủ tịch Cuba cảnh báo về nguy cơ xuyên tạc lịch sử, Venezuela đẩy mạnh hợp tác thương mại với Nga, trong khi Tổng thống Brazil Lula đề xuất vai trò trung gian trong cuộc xung đột Ukraine.
Theo tin từ kênh Telesur, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã ký một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà ông mô tả là “có tầm quan trọng tối đa trong mười năm tới”, theo kênh tin tức Telesur. Một điểm cốt lõi của thỏa thuận là xây dựng một hạ tầng tài chính độc lập nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư mà không phụ thuộc vào hệ thống phương Tây. Maduro nhấn mạnh, cơ chế này sẽ giúp hai nước tiến tới một mối quan hệ toàn diện, trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương đã tăng 64% trong năm qua, đạt khoảng 200 triệu USD.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường đầu tư chung trong lĩnh vực dầu khí và khai khoáng, tận dụng công nghệ của Nga và nguồn tài nguyên dồi dào của Venezuela. Ngoài ra, hợp tác trong khuôn khổ OPEC+ và Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt sẽ được mở rộng, cùng với kế hoạch thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực công nghệ và y tế.
Theo truyền thông Nga, kể từ năm 2019, Nga và Venezuela đã ký 350 thỏa thuận và duy trì 18 ủy ban hợp tác chung, con số mà thỏa thuận mới được kỳ vọng sẽ vượt qua. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định rằng quan hệ giữa hai nước chỉ thực sự được nâng lên một tầm cao mới khi cố Tổng thống Hugo Chávez lên nắm quyền.
Trong chuyến thăm, Maduro cùng Lavrov cũng nhấn mạnh bối cảnh lịch sử và ý nghĩa của Ngày Chiến thắng. Ông ca ngợi sự hy sinh của 27 triệu công dân Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít, đồng thời gọi Hugo Chávez là “một nhà lãnh đạo quan trọng của Mỹ Latinh” có tầm ảnh hưởng vượt thời gian.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, người cũng có mặt tại Moscow, đã cùng Maduro đặt vòng hoa tại tượng đài Simón Bolívar, người anh hùng giải phóng Mỹ Latinh. Trước đó, ông tới Saint Petersburg để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc bao vây Leningrad trong Thế chiến II – một trong những thảm kịch lớn nhất lịch sử hiện đại với khoảng 1,5 triệu người thiệt mạng.
Tại Moscow, ông Díaz-Canel đã thăm tượng đài Fidel Castro và được trao huy chương kỷ niệm 80 năm Chiến thắng vĩ đại bởi Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov. Trong các phát biểu, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ ký ức lịch sử và cảnh báo về “những nỗ lực viết lại lịch sử”, đặc biệt liên quan đến vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Díaz-Canel cũng ca ngợi sự hỗ trợ lâu dài mà Nga dành cho Cuba trong bối cảnh lệnh cấm vận kéo dài hơn sáu thập kỷ từ Hoa Kỳ.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin, lãnh đạo Cuba tái khẳng định mối quan hệ ngoại giao Cuba – Nga, vốn bắt đầu từ thời Liên Xô vào ngày 8 tháng 10 năm 1960. Ông đồng thời cảnh báo về “những biểu hiện mới của chủ nghĩa phát xít” và kêu gọi đấu tranh để kể lại sự thật lịch sử.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng đến Nga vào giữa tuần với mục tiêu thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Theo truyền thông Brazil, ông tiếp tục đề xuất vai trò trung gian của Brazil trong nỗ lực chấm dứt xung đột, đồng thời tìm cách tăng cường hợp tác với Nga trong khuôn khổ BRICS+.
Sự hiện diện đồng thời của các nhà lãnh đạo Cuba, Venezuela và Brazil tại Moscow không chỉ mang tính biểu tượng trong dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng mà còn phản ánh xu hướng tái định hình liên minh toàn cầu giữa các quốc gia Mỹ Latinh và Nga. Trong bối cảnh phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt và cô lập Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, những mối quan hệ song phương và đa phương kiểu mới – từ hợp tác năng lượng, thương mại đến bảo tồn ký ức lịch sử – đang cho thấy nỗ lực thiết lập một trật tự quốc tế đa cực.
Cả Maduro, Díaz-Canel và Lula đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, sự tôn trọng chủ quyền và chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại. Dù mỗi nước theo đuổi lợi ích và chiến lược riêng, điểm chung giữa họ là mong muốn thúc đẩy vai trò độc lập của các nước phương Nam trong các vấn đề toàn cầu. Moscow, trong hoàn cảnh hiện tại, rõ ràng xem đây là một cơ hội để tăng cường ảnh hưởng chiến lược ngoài không gian hậu Xô viết – đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh giàu tài nguyên và đang khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế.
Hồ Ngọc Thắng chuyển ngữ/nguồn https://www.nachdenkseiten.de/?p=132666