(New York, Hoa Kỳ). Sáng ngày 27/02/2024 (giờ địa phương), đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc với Tổ chức tư vấn tài chính Hoa Kỳ – Financial Services Volunteer Corps (FSVC) tại trụ sở tổ chức ở New York (Hoa Kỳ).
Chủ tịch kiêm CEO FSVC, người có kinh nghiệm 18 năm là thành viên Hội đồng quản trị Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai (DIFC), ông Andrew Spindler, cùng các cộng sự, đã tiếp và làm việc đoàn công tác thành phố Đà Nẵng.
Ông Andrew Spindler nhấn mạnh rằng: Hiện nay, có sự dịch chuyển các trung tâm tài chính ra khỏi Hồng Kông và hướng về Đông Nam Á – khu vực có quy mô dân số gần 700 triệu người và quy mô kinh tế lên tới 3.64 nghìn tỷ USD, đang trở thành một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực tài chính.
Trao đổi với FSVC, Phó Chủ tịch Thường trực Hồ Kỳ Minh đã giới thiệu khái quát về tiềm năng và thế mạnh của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư lĩnh vực tài chính quốc tế.
Thành phố có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sân bay quốc tế kết nối với các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực như (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore… trong thời gian bay khoảng dưới 5 giờ); nguồn nhân lực chất ượng và có khả năng giao tiếp tiếng Anh; môi trường sống thuận lợi, và sự cởi mở, cầu thị của chính quyền…
Đà Nẵng đã và đang tham gia cùng với Trung ương xây dựng dự thảo về “Đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam” (dự kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng).
Về mô hình trung tâm tài chính thành phố, Đà Nẵng tập trung vào 3 nội dung:
Hình thành trung tâm dịch vụ tài chính hải ngoại (OFC – Oversea Financial Center), tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế nhằm thành lập các định chế tài chính, tổ chức thị trường, và cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ (hiện có trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn) trong nước và khu vực; Phát triển công nghệ tài chính Fintech. Trung tâm này cũng phát triển các dịch vụ tư vấn tài chính, hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong Trung tâm tài chính, dịch vụ tiện ích khác.
Đại diện FSVC, ông Andrew Spindler, khẳng định rằng 3 nội dung Đà Nẵng đang tập trung là đúng hướng và khẳng định, đây là thời điểm rất quan trọng để bắt đầu triển khai xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam nói chung (Đà Nẵng nói riêng).
FSVC đánh giá cao triển vọng phát triển của Đà Nẵng, và cam kết sẽ hợp tác hỗ trợ Đà Nẵng tiếp cận với các định chế tài chính, nguồn lực tài chính, giải pháp phù hợp để thực hiện hoá mục tiêu của thành phố. Đặc biệt, đã khuyến nghị cần có sự thống nhất giữa mô hình trung tâm tài chính của Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tài chính vào Việt Nam.
Theo ngài Chủ tịch kiêm CEO FSVC, tại khu vực Đông Nam Á thì ngoài Singapore, Việt Nam đang là một đất nước nổi lên như một nơi thu hút đầu tư. Lãnh đạo FSVC cũng nhắc lại nội dung trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng tại trụ sở tổ chức ở New York tháng 7 năm 2023.
Đó là đề cập đến các yếu tố cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu thành lập trung tâm tài chính quốc tế, trong đó nhấn mạnh các địa phương cần phải chú ý đến các yếu tố vĩ mô như khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, hạ tầng, nguồn nhân lực có trình độ tiếng Anh tốt, môi trường làm việc sáng tạo và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đại diện từ FSVC cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại Dubai, Moscow và Istabul.
Được biết, ngay sau chuyến công tác tại Hoa Kỳ lần này, cơ quan chuyên môn của thành phố Đà Nẵng sẽ thiết lập ngay và kết nối tổ chức họp trực tuyến (giữa UBND thành phố Đà Nẵng, FSVC và các đối tác tài chính quan trọng), cụ thể hóa lộ trình triển khai trung tâm tài chính tại thành phố Đà Nẵng.
Ngay trong chiều ngày 27/2, Đoàn Công tác thành phố Đà Nẵng cũng đã đến thăm làm việc với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ).
Đại sứ Đặng Hòa Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra nhiều gợi ý đề xuất để hợp tác, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong thu hút đầu tư và hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác tại Hoa Kỳ. Tập trung vào 3 mục tiêu chính: vi mạch bán dẫn, AI; trung tâm tài chính và cảng biển quốc tế.
Về mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính Đà Nẵng, Phái đoàn mong muốn cùng đồng hành, tham gia kết nối (chính quyền, ngành chức năng) thành phố với các tổ chức quản lý và trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố New York.
Đại sứ Đặng Hòa Giang cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm của chính quyền thành phố New York trong tạo môi trường thuận lợi, cung cấp hạ tầng, khung pháp lý, giảm thuê để thu hút doanh nghiệp tư nhân đến đầu tư tại đây và tạo lập ra Trung tâm Tài chính New York như bây giờ. Tương tự, trong thu hút đầu tư và phát triển cảng biển quốc tế, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã nêu các hướng hỗ trợ đoàn công tác thành phố Đà Nẵng, kết nối với các Ban quản lý cảng lớn tại New York and New Jersey, nhằm trao đổi kinh nghiệm vận hành cảng biển, thăm thực tế mô hình vận hành.
Trao đổi về thu hút đầu tư vi mạch bán dẫn, ông gợi ý thành phố cần tập trung nghiên cứu, phát triển ngành bán dẫn theo hướng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh chip bán dẫn và năng lượng sạch đang là hai lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có thể xem xét, nghiên cứu tích hợp hai lĩnh vực để thu hút đầu tư, tạo tiền đề phát triển bền vững trong tương lai.
Người đứng đầu Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tiếp tục và tăng cường hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng trong các lĩnh vực phát triển mà thành phố đang cần, nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương./.
Lê Hoàng Phúc/từ New York – Hoa Kỳ