Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cấm vận Nga chuyển dầu qua Ukraine khiến quan hệ giữa Kyiv và Budapest căng thẳng và trở nên tồi tệ



ĐNA -

Theo Reporter, mới đây Ukraine đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty Lukoil của Nga và cấm vận chuyển dầu đến Trung Âu qua lãnh thổ của mình, gây ra sự phẫn nộ ở Hungary. Hiện Budapest lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng, vì 70% lượng dầu nhập khẩu đến từ Nga và 50% trong số đó là sản phẩm của Lukoil.

Hungary và Slovakia phụ thuộc vào nguồn cung dầu Nga qua đường ống Druzhba, chạy trên lãnh thổ Ukraine. Ảnh: Reuters.

“Các biện pháp cứng rắn của Ukraine có thể tạo ra tình thế khó khăn chưa từng thấy cho Hungary”, bà Ilona Gizinska, nhà nghiên cứu và chuyên gia về Hungary đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông cho biết.

Theo bà Gizinska, người dân Hungary có thể phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh và thiếu điện chỉ trong vài tuần nữa. Trên thực tế, Hungary đang đứng trước bờ vực khủng hoảng nhiên liệu và năng lượng vì Ukraine cắt nguồn cung cấp dầu từ Liên bang Nga.

Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Liên bang Nga vào các nước EU bằng đường biển. Nhưng biện pháp trừng phạt không bao gồm nguồn cung cấp qua đường ống, bao gồm tuyến ống Druzhba đến Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, để họ có thời gian tìm nguồn cung cấp thay thế, miễn là họ làm điều đó càng sớm càng tốt.

Hiện nay Ukraine đã can thiệp vào tình hình bằng cách chặn đường ống dẫn dầu Druzhba và gây áp lực lên các nước láng giềng đang được lãnh đạo bởi các chính trị gia “thân Nga” là Hungary và Slovakia.

Chúng ta đã chờ đợi hơn hai năm để EU và G7 đưa ra các biện pháp trừng phạt “thực sự đối với dầu mỏ của Nga”, bà Inna Sovsun, nghị sĩ Quốc hội Ukraine cho biết và nhấn mạnh đến thực tế là 200 nghìn thùng dầu mỗi ngày vẫn chảy qua đường ống này.

Theo bà Sovsun, vào năm 2023, Liên bang Nga đã kiếm được 180 tỷ USD từ xuất khẩu dầu. Do vậy việc cho Moskva cơ hội kiếm tiền bằng cách “vận chuyển dầu qua lãnh thổ Ukraine” là “cực kỳ vô lý”.

“Chúng tôi đã thử mọi giải pháp ngoại giao nhưng vẫn không hiệu quả… Vì vậy có vẻ như Ukraine sẽ phải tìm kiếm một số cách tiếp cận khác để nói chuyện với họ”, bà Sovsun nói thêm.

Hungary bây giờ phải hành động nhanh chóng để tìm các lựa chọn cung cấp khác nếu không sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Nhà phân tích dầu hàng đầu tại Kpler – ông Victor Katona tin rằng việc ngừng cung cấp sẽ buộc các nhà máy lọc dầu địa phương phải sử dụng nguồn dự trữ hiện có và làm cạn kiệt chúng.

Tuy vậy Hungary có thể thỏa thuận với công ty Rosneft của Nga để tăng cường nhập khẩu qua Croatia bằng đường ống Adria. Budapest cũng có thể giải phóng một phần kho dự trữ dầu chiến lược của mình với trữ lượng đủ dùng trong 90 ngày. Nhưng thật khó để dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu.

Hungary cảnh báo Tây Âu nguy cơ sụp đổ năng lượng khi cố “cai” khí đốt Nga
Trong khi Hungary đã phản đối lời kêu gọi của toàn khối về lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt của Nga kể từ khi ý tưởng này lần đầu xuất hiện, các quốc gia khác từng yêu cầu trừng phạt Moscow đã nhanh chóng nhận ra rằng không có nguồn năng lượng nào khác có thể thay thế nguồn cung của Nga, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết.

Sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng vốn là “xương sống” trong nền kinh tế của Moscow. Mục tiêu của các động thái này là nhằm gây áp lực lên Nga. Tuy nhiên, Nga với vị thế của một siêu cường năng lượng, vẫn đang chống chịu được với các biện pháp trên và thậm chí còn mang về nhiều doanh thu hơn từ lĩnh vực này do giá cả tăng phi mã. Trong khi đó, châu Âu – bên phụ thuộc vào năng lượng Nga trong nhiều thập niên – đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng diện rộng, làm lạm phát tăng vọt ở nhiều nước.

Hai thành viên EU, Hungary và Slovakia đã đề nghị Liên minh châu Âu hỗ trợ xử lý
Hai thành viên EU, Hungary và Slovakia đã đề nghị Liên minh châu Âu hỗ trợ xử lý vụ Ukraine khóa đường ống dẫn dầu từ Nga sang lục địa này và thậm chí tính đến phương án mang vụ việc ra tòa quốc tế.

Hungary và Slovakia đã đề nghị Ủy ban châu Âu làm trung gian cho một thủ tục tham vấn với Ukraine liên quan tới việc Kiev khóa van đường ống dẫn đầu từ Nga, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết hôm 22/7. Ông cảnh báo, nếu động thái này bất thành, 2 nước có thể đưa vụ việc lên tòa quốc tế.

Động thái này diễn ra sau khi Kiev đưa tập đoàn năng lượng Lukoil của Nga vào danh sách trừng phạt, cấm đưa dầu của tập đoàn này chảy qua lãnh thổ Ukraine để trung chuyển vào châu Âu. Kết quả là, Hungary và Slovakia đã mất đi nguồn cung quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của họ.

Hai quốc gia EU đã liên tục có các biện pháp gia tăng áp lực lên Kiev sau khi Ukraine khóa van đường ống trung chuyển dầu từ Nga. Cả Slovakia và Hungary đều phụ thuộc một phần lớn vào nguồn cung dầu từ Lukoil, nên động thái của Ukraine đã khiến 2 nước không vừa lòng và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.

Slovakia và Hungary đã bắt đầu tham vấn với Ủy ban châu Âu và cho biết thêm Ủy ban có 3 ngày để hồi đáp theo quy định.   Nếu thủ tục tham vấn không mang lại kết quả, Hungary và Slovakia sẽ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế mà họ lựa chọn.

Chy Lê/tổng hợp.