Căn cước công dân gắn chip điện tử là “chiếc thẻ thông minh”, tích hợp nhiều thông tin của công dân góp phần kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Tích hợp các thông tin liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh
Thẻ CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp phát cho mỗi công dân thay thế cho Chứng minh nhân dân trước đây được đánh giá là một trong những chiếc thẻ CCCD hiện đại trên thế giới với nhiều tính năng, tác dụng hữu ích cho người dân.
Bên cạnh những thông tin cần thiết trên CCCD còn tích hợp mã QR Code với 7 giúp cho việc khai thác, sử dụng các thông tin cơ bản của chủ sở hữu, nhất là trong những trường hợp, tình huống cần cấp thiết. Giờ đây, không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân để chứng minh nhân thân, lai lịch, công dân chỉ cần quét mã QR trên CCCD gắn chip điện tử thì các thông tin cơ bản của người đó sẽ được hiển thị tại chỗ một cách nhanh chóng như khi làm các thủ tục hành chính, mua vé tàu, xe, máy bay,… Không những thế, ở mặt sau CCCD gắn chip điện tử có chứa mã MRZ (Machine – readable zone) – Mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO; chip điện tử tích hợp các thông tin cơ bản, chứa thông tin sinh trắc học ảnh chân dung và vân tay của công dân, tất cả các thông tin lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Điều đặc biêt hơn nữa, để góp phần cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Công an đã nghiên cứu, bổ sung nhiều tính năng, tác dụng trên thẻ CCCD gắn chip điện tử trong đó lấy mã QR Code làm nền tảng, cốt lõi để tích hợp các tính năng, tác dụng như: Thông tin thẻ xanh, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng chính sách cuả Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thông tin người phụ thuộc đi cùng với người có CCCD gắn chip điện tử (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,…), kiểm tra thông tin tại các chốt kiểm dịch về, các trường hợp là F0, F0 khỏi bệnh, hộ chiếu, bằng lái xe,… giúp cơ quan chức năng chủ động trong công tác truy vết, quản lý dân cư, con người, kiểm soát và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các dữ liệu trên được cập nhật, bổ sung từ rất nhiều nguồn vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: dữ liệu về quản lý người nước ngoài, dữ liệu từ các tổ chức doanh nghiệp, thông tin tiêm chủng, khai báo y tế,… đồng thời luôn được lực lượng Công an cơ sở rà soát, kiểm tra, xác minh, đối chiếu nhất là thông tin về các ca F0, F0 đã khỏi bệnh,… nhằm đảm bảo thông tin chính xác với dữ liệu lưu trữ trên hệ thống quốc gia.
Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục hướng đến việc chuyển đổi số qua thẻ CCCD găn chip điện tử với việc xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử, triển khai nhiều ứng dụng, tính năng, tiện ích như giao dịch ngân hàng, thanh toán điện tử,… Qua đó, góp phần hạn chế rủi ro về tín dụng, phòng, chống rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…
Triển khai cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện
Liên quan đến việc có rất nhiều ý kiến phản hồi từ công dân khi đến nay vẫn chưa được cấp, phát thẻ CCCD trong khi đã làm thủ tục từ rất lâu, thậm chí trên các kên thông tin đại chúng, mạng xã hội có ý kiến cho biết đợi CCCD đã 1 năm nay, thậm chí còn lâu hơn. Việc chưa được “sở hữu” CCCD gắn chip điện tử đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc công tác, học tập, sinh hoạt của nhân dân.
Phía Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an lý giải nguyên nhân tình trạng trên là do ảnh hưởng của đại dịchCovid-19 đã khiến cho việc sản xuất chip điện tử gặp khó khăn dẫn đến việc nhập khẩu chip từ nước ngoài về Việt Nam, làm chậm đến tiến độ sản xuất và cấp trả thẻ CCCD cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều thông tin trong hồ sơ thu nhận cấp CCCD do người dân khai không trùng khớp với thông tin trong dữ liệu dân cư, nên lực lượng Công an phải xác minh, chỉnh sửa hồ sơ, mất rất nhiều thời gian. Một số trường hợp đã hoàn thành CCCD, nhưng bị sai thông tin, Công an phải kiểm tra, xác minh, gọi điện thông báo trực tiếp, mời công dân lên thực hiện thu nhận lại hồ sơ cấp CCCD. Mặt khác, việc vận chuyển trả CCCD cho người dân qua đường bưu điện cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển trả như công dân không còn sinh sống tại địa chỉ khai báo nhận thẻ mà đã về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay đổi nơi sinh sống theo nơi làm việc mới,…
Đến nay, lực lượng Công an toàn quốc đã hoàn thành cấp, phát CCCD gắn chip điện tử cho trên 50 triệu công dân. Để đẩy mạnh công tác này, Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an vừa qua đã có chỉ đạo lực lượng Công an trên cả nước “duy trì thường xuyên cập nhật thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sống, sạch”, khẩn trương triển khai cấp thẻ CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện, bổ sung, hoàn thiện và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CCCD phục vụ có hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển xã hội”.
Việc cấp, phát và sử dụng CCCD gắn chip điện tử là góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid – 19 vừa phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời duy trì, đảm bảo tốt tình hình an ninh, trật tự của đất nước.
QUỲNH NHƯ