Trước những khó khăn chưa từng thấy của đại dịch Covid-19 cũng cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế lớn chưa từng thấy mới giải quyết được.
Với 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát trong gần 2 năm vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh nghiệp bị đình đốn, sức chống chịu của các doanh nghiệp đã ngày càng cạn kiệt và tới hạn. Tuy nhiên, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, khi mà số ca nhiễm đang có xu hướng giảm và các ca khỏi bệnh đã dần tăng, nhiều “vùng đỏ, vàng” đã chuyển thành “vùng xanh”, nhiều doanh nghiệp đã dần hoạt động trở lại cho thấy nỗ lực chống dịch của Chính phủ, các địa phương và toàn xã hội.
Để sống chung với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, hàng loạt chính sách đã được ban hành, có thể kể đến như: Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành bù đắp những tổn thất, đổ vỡ và đứt gãy trước tác động của dịch bệnh; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19…
Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ và các nhà nghiên cứu cũng đang thảo luận rất sôi nổi về những giải pháp tiếp tục phục hồi kinh tế. Có thể nói, trước khó khăn chưa từng thấy của đại dịch Covid-19 cũng cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế lớn chưa từng thấy mới giải quyết được.
Chuyên gia kinh tế – TS. Võ Trí Thành nhận định, muốn tránh các kịch bản xấu thì phải phải chống dịch tốt. Hoặc là phải có cách thức hỗ trợ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng cho hay, tổng gói hỗ trợ trên GDP của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2,2% – mức còn quá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực hay cùng trình độ phát triển như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản…
Mặc dù nhiều gói hỗ trợ quan trọng đã được ban hành song từ thực tiễn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những gói hỗ trợ mạnh mẽ, trực tiếp hơn nữa. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, cần phải có chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trên diện rộng với các hộ kinh doanh và người dân. Thậm chí, có khuyến nghị còn đề xuất giảm 50% các khoản phí phải nộp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong thời gian tới. Những gói hỗ trợ cần đảm bảo quy mô đủ lớn và đáp ứng tỷ lệ cao các doanh nghiệp và đối tượng thụ hưởng khác.
Hiện nay, một số gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra đã rất có ích như giảm thuế VAT 30% cho doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành như du lịch, miễn 50% các khoản phải đóng cho hộ kinh doanh, người dân được nhận trợ cấp… Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng việc cân nhắc những chương trình hỗ trợ lớn hơn như hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội để vừa kích cầu kinh tế, vừa hỗ trợ người lao động. Nhìn những dòng người đi xe máy rời khỏi các trung tâm kinh tế lớn mới thấy nhu cầu an sinh xã hội rất cao; trong đó, có nhà ở cho công nhân là hết sức cần thiết.
(nguồn: Báo Đầu tư).