Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cần sớm tầm soát ung thư vú khi chưa có biểu hiện lâm sàng



ĐNA -

Trong những năm gần đây sự thay đổi về cách nhìn nhận, ung thư vú là bệnh lý toàn thân, đồng thời nhờ các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm và các tiến bộ vượt bậc trong điều trị giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư vú.

Cần sớm tầm soát ung thư vú khi chưa có biểu hiện lâm sàng

Ung thư vú là bệnh ung thư gặp phổ biến nhất ở nữ giới. Theo Globocal 2018, trên toàn thế giới có 2.088.849 trường hợp ung thư vú mới được chẩn đoán và 626.679 phụ nữ tử vong do ung thư vú, đứng hàng thứ 5 trong số các nguyên nhân gây tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng gia tăng, lứa tuổi thường gặp trẻ hơn. Theo ghi nhận ung thư từ Globocal 2018, nước ta có 15.229 trường hợp mới mắc ung thư vú chiếm 20,6%, với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 29,9/100000 phụ nữ.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư vú

Yếu tố di truyền: trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.

Người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.

Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.

Béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác

Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.

Dùng hormone thay thế như estrogen và progesteron để điều trị các triệu chứng mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao.

Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

Đỏ, đau tức vùng vú ngoài chu kỳ kinh nguyệt

 Vú to bất thường so với vú đối diện

Sờ thấy khối u vùng vú

Da thay đổi dạng “da cam”

Đầu vú bị tụt hoặc tiết dịch máu

Nổi hạch nách

Ở những nước phát triển, có đến 1/3 trường hợp ung thư vú được phát hiện khi chưa sờ thấy trên lâm sàng. Ở những nước như Hà lan, có đến 50% trường hợp ung thư vú được phát hiện khi chưa sờ thấy. Tầm soát ung thư vú giữ vai trò quan trọng trong việc góp phần phát hiện sớm ung thu vú và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh: tăng điều trị bảo tồn, ít điều trị tận gốc, giảm hóa trị, giảm tỉ lệ tử vong và an tâm khi các test âm tính

Các phương tiện tầm soát ung thư vú

Tự khám vú (Breast Self Exam-BSE)

Phụ nữ tự kiểm tra tuyến vú (phải được học cách tự khám vú trước đó)

Không đắt tiền, không can thiệp, tăng nhận thức về sức khỏe. Bắt đầu tiến hành từ lúc 20 tuổi

Khám lâm sàng tuyến vú (Clinical Breast Exam)

Bác sĩ khám lâm sàng, tùy thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và thời điểm khám

Dễ dàng phát hiện tổn thương > 1cm. Theo hiệp hội ung thư Hoa kỳ (ACS) đối với bệnh nhân trên 40 tuổi nên khám mỗi năm 1 lần, từ 20 đến 40 tuổi khám mỗi 3 năm 1 lần

Chụp nhũ ảnh: Sử dụng tia X liều thấp để có hình ảnh, phát hiện tổn thương vi vôi hóa nhỏ < 100µm, phát hiện 1-2 năm trước khi thấy được bởi khám lâm sàng.

Siêu âm: là phương tiện hay được sử dụng đối với các trường hợp mô vú dày, đễ dàng thực hiện, có thể áp dụng nhiều lần

MRI:  Có độ nhạy cao (94- 99%) phát hiện nhưng tổn thương khó thấy, đa ổ, hạch vùng ,không sử dụng bức xạ ion hóa, kết hợp với nhũ ảnh tầm soát ở những bệnh nhân nguy cơ cao, tăng tỉ lệ phát hiện ung thư vú. Tuy nhiên chi phí cao (gấp 10 lần nhũ ảnh)

Xét nghiệm phát hiện đột biến gen BRCA1,2 bằng phương pháp giải trình tự gen trực tiếp hoặc giải trình trự gen theo thế hệ mới. Phương pháp này có thể phát hiện các nguy cơ ưng thư vú và các ung thư khác có liên quan như ung thư buồng trúng, vòi trứng, Xét nghiệm hiện đại có kết quả trong 5-7 ngày ,chỉ cần lấy máu tĩnh mạch

Hướng dẫn tầm soát ung thư vú của Hội ung thư Hoa Kỳ

Đối với phụ nữ bình thường: Bắt đầu chụp nhũ ảnh: từ 40 tuổi.

Đối với phụ nữ bình thường: Bắt đầu chụp nhũ ảnh: từ 40 tuổi.

Nữ 20-30: khám vú lâm sàng mỗi 3 năm khi khám sức khoẻ định kỳ. Nữ trên 40 tuổi: khám vú lâm sàng mỗi năm. Bắt đầu từ 20 tuổi: người phụ nữ nên được giải thích về lợi ích và giới hạn của việc tự khám vú.

Phụ nữ trên 65 tuổi: Phụ nữ lớn tuổi nên được xem xét trên từng trường hợp để cân nhắc ích lợi và nguy cơ của nhũ ảnh tùy tình hình khoẻ hiện tại. Người sức khỏe còn tốt nên được tầm soát bằng nhũ ảnh

Phụ nữ có nguy cơ cao có thể cần phải được tầm soát kỹ hơn bằng:  bắt đầu tầm soát sớm hơn, khoảng cách gần nhau hơn, bổ sung thêm cộng hưởng từ. Ngày nay có thể xét nghiệm phát hiện các đột biến gen để có biện pháp phòng ngừa từ sớm và từ xa.

Ung thư vú là một loại ung thư phổ biến ở nữ giới, có tỉ lệ mắc cao nhưng nếu phát hiện sớm thì có nhiều biện pháp can thiệp, điều trị hiệu quả, giảm chi phí điều trị. Tầm soát ung thư vú phát hiện ngay từ những yếu tố nguy cơ có thể ngăn chặn tiến triển thành ung thư. Đây là một ứng dụng khoa học kỹ thuật dựa trên nền tảng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng

Ts.Bs. Vũ Hồng Nam, Ths.Bs. Nguyễn Thanh Toàn, Lương Thị Hoa

Tài liệu tham khảo
Tầm soát ung thư, Ts.Bs. Trần Đặng Ngọc Linh, chủ nhiệm Bộ môn ung bướu, trường đại học y Dược Tp Hồ Chí Minh.

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị ung thư vú(2020), Bộ Y Tế
https://www.cancer.org/cancer/screening/american-cancer-society-guidelines-for-the-early-detection-of-cancer.html