Thành phố Huế, sau khi đưa vào sử dụng khu hành chính tập trung trên đường Võ Nguyên Giáp, đã từng bước hiện đại hóa bộ máy công quyền, góp phần tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực quản lý. Tuy nhiên, đi cùng thành quả đó là một hệ quả rõ ràng: hàng loạt trụ sở cũ của các sở, ngành, đơn vị hành chính Nhà nước đang bị bỏ hoang, xuống cấp. Điều này không chỉ gây lãng phí đất đai và tài sản công, mà còn làm giảm mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, và bỏ lỡ cơ hội khai thác các giá trị văn hóa gắn liền với du lịch.

Những tòa nhà từng là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Dân số, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật… tọa lạc trên các tuyến đường như Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ ngày nay đóng cửa im lìm, cỏ dại mọc um tùm, rác thải vương vãi, gây nhếch nhác cảnh quan đô thị. Không chỉ là sự lãng phí nhãn tiền về vật chất, đó còn là sự lãng phí cơ hội phát triển, nhất là khi Huế là thành phố di sản đang thiếu trầm trọng hạ tầng văn hóa, du lịch, thể thao: thiếu nhà hát, thiếu trung tâm trình diễn nghệ thuật lớn, thiếu bảo tàng, thư viện hiện đại, thậm chí là không gian sáng tạo dành cho giới trẻ và nghệ sĩ.
Hiện nay di tích di sản cần không gian để phục dựng, trưng bày; nghệ thuật truyền thống cần “sân khấu” để sống lại và kết nối với cộng đồng; trong khi ngành du lịch văn hóa vốn là mũi nhọn của Huế khao khát được nâng cấp hạ tầng tương xứng cầnchuyển đổi mục đích sử dụng hay thu hút đầu tư.
Trên thực tế, việc tái sử dụng các trụ sở công không phải là điều mới mẻ. Nhiều địa phương trong nước đã mạnh dạn cải tạo trụ sở cũ thành bảo tàng, thư viện, không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp… Một trong những ví dụ điển hình là thành phố Đà Nẵng, chính quyền đã quyết định cải tạo một công trình kiến trúc Pháp cổ kính, tọa lạc ở vị trí đắc địa bên bờ sông Hàn, vốn là trụ sở Hội đồng Nhân dân thành phố thành Bảo tàng Đà Nẵng. Thành phố đã mạnh dạn đầu tư thêm 500 tỷ đồng để nâng cấp toàn diện công trình này, biến nó thành một điểm đến văn hóa tiêu biểu của thành phố biển. Sau khi đi vào hoạt động, Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ thu hút lượng lớn khách tham quan, mà còn trở thành một thiết chế văn hóa biểu tượng, góp phần làm sống động bản sắc đô thị.

Hay ở Hà Nội, nhiều biệt thự Pháp cổ vốn là công sở, sau khi di dời, đã được phục hồi làm không gian sáng tạo, thư viện nghệ thuật, trung tâm thiết kế… nhờ các mô hình hợp tác công tư linh hoạt, minh bạch. Những ví dụ đó cho thấy: vấn đề không nằm ở “thiếu tiền” hay “thiếu luật”, mà nằm ở quyết tâm, tư duy đổi mới và cách tổ chức thực hiện.
Huế đang là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc bậc nhất cả nước, là nơi lưu giữ giá trị di sản dân tộc. Cũng chính vì vậy, Huế cần phải đi đầu trong kiến tạo hạ tầng văn hóa, không chỉ ở quy mô mà cả về chiều sâu giá trị. Việc cải tạo trụ sở cũ thành nhà hát, không gian trình diễn nghệ thuật, trung tâm trưng bày về văn hóa cung đình, bảo tàng ngành nghề truyền thống hay trung tâm trải nghiệm công nghệ số gắn với di sản… chính là giải pháp đôi bên cùng có lợi: giải quyết bài toán tài sản công bị lãng phí và đồng thời nâng tầm diện mạo văn hóa Huế.
Muốn làm được điều đó, Huế cần một đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, biết vận động chính sách. Cần xây dựng ngay một đề án tổng thể về chuyển đổi, sử dụng lại các trụ sở cũ theo hướng phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa, du lịch sáng tạo. Đề án ấy phải được xây dựng trên tinh thần minh bạch, công khai, với sự tham gia của nhiều bên: chính quyền, truyền thông, doanh nghiệp, giới chuyên gia, nghệ sĩ và cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cần đề xuất cơ chế đặc thù với Chính phủ cho phép áp dụng những cơ chế “thí điểm”, “đặc thù” để chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản công hiệu quả, gắn với chiến lược phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế tri thức.
Chúng ta không thể nói mãi về “thành phố văn hóa” khi những tài sản công bị bỏ hoang ngay giữa trung tâm. Chúng ta cũng không thể phát triển du lịch bền vững nếu không có hạ tầng văn hóa tương xứng. Tận dụng trụ sở cũ không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà là thước đo năng lực tư duy và hành động – là dấu hiệu cho thấy Huế có dám bước ra khỏi lối mòn để đi con đường phát triển bền vững, bản sắc và khai phóng.
Huế với tư cách là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025, cần chứng minh năng lực kiến tạo mô hình quản trị hiện đại, năng động. Và tận dụng hiệu quả quỹ trụ sở dôi dư sau tái cấu trúc hành chính, chính là một bước đi đầu tiên nhưng mang ý nghĩa chiến lược không chỉ để phát triển văn hóa du lịch, mà còn để khẳng định một bản lĩnh cải cách mạnh mẽ từ tư duy đến hành động./.
Minh Anh