Ngày 7/10/2024, Tạp chí Health Affairs công bố trực tuyến nghiên cứu về một phân tích mới cho thấy cảnh báo hộp đen (“black box warning”: cảnh báo hộp đen là những phần trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kê đơn phải được in đậm và có đường viền màu đen để nhấn mạnh các tác dụng phụ có khả năng gây nguy hiểm theo qui định của FDA) được thêm vào thuốc chống trầm cảm về nguy cơ tự tử tăng cao có liên quan đến việc giảm điều trị sức khỏe tâm thần và gia tăng các nỗ lực tự tử và tử vong ở người trẻ.
Các nhà điều tra cho biết, toàn bộ bằng chứng ủng hộ việc “đánh giá lại và có thể thay thế” cảnh báo hộp đen của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bằng các cảnh báo thường quy trên nhãn sản phẩm.
“Những tác động đột ngột, đồng thời và sâu rộng của những cảnh báo này — việc giảm điều trị trầm cảm và gia tăng tự tử — đã được ghi nhận trong suốt 14 năm nghiên cứu chuyên sâu. Sự nhất quán trong những tác hại được quan sát thấy và không có lợi ích được quan sát thấy sau những cảnh báo hộp đen cho thấy đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên”, tác giả chính Stephen Soumerai, ScD, giáo sư y học dân số, Trường Y Harvard tại Viện chăm sóc sức khỏe Harvard Pilgrim, Boston, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Cách chúng ta tiếp cận đến sự việc này như thế nào?
Vào tháng 10 năm 2003, FDA đã cảnh báo rằng thuốc chống trầm cảm có thể liên quan đến hành vi tự tử ở những người dưới 18 tuổi ngay sau khi bắt đầu điều trị. Vào tháng 1 năm 2005, FDA yêu cầu phải có cảnh báo hộp đen vĩnh viễn về rủi ro này trên nhãn sản phẩm và trong quảng cáo trên truyền hình và báo in cho tất cả các loại thuốc chống trầm cảm.
Vào tháng 5/2007, FDA đã mở rộng cảnh báo hộp đen năm 2005 để bao gồm cả những người trẻ tuổi đến 24 tuổi và cảnh báo rộng hơn này vẫn có hiệu lực cho đến ngày nay.
Soumerai và các đồng nghiệp đã đánh giá các kết quả mong muốn và không mong muốn của các cảnh báo về thuốc chống trầm cảm ở thanh thiếu niên thông qua một đánh giá có hệ thống về “bằng chứng đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực này”.
Thông qua quá trình tìm kiếm tài liệu đầy đủ, các nhà nghiên cứu đã xác định được 34 nghiên cứu về bệnh trầm cảm và hậu quả liên quan đến tự tử được công bố trên các tạp chí được bình duyệt sau khi cảnh báo được đưa ra.
11 trong số các nghiên cứu này đã đo lường những thay đổi đột ngột trong xu hướng kết quả sau các cảnh báo và được đưa vào phân tích của họ. Các kết quả này bao gồm theo dõi ý định tự tử, thăm khám bác sĩ để điều trị trầm cảm, chẩn đoán trầm cảm, thăm khám trị liệu tâm lý, điều trị và sử dụng thuốc chống trầm cảm và ngộ độc thuốc hướng thần (đại diện cho các nỗ lực tự tử) và tử vong do tự tử.
Nhiều tác hại hơn là lợi ích
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng 04 nghiên cứu với hơn 12 triệu bệnh nhân đã tìm thấy “bằng chứng nhất quán về sự suy giảm đột ngột và đáng kể” trong thời gian dài về số lần khám bệnh trầm cảm và chẩn đoán trầm cảm sau các cảnh báo của FDA.
Các nghiên cứu này cho thấy sự gia tăng trong các chuyến thăm khám bác sĩ để chẩn đoán trầm cảm và bệnh trầm cảm trong những năm trước khi có cảnh báo và sự suy giảm đột ngột, kéo dài, từ 20% đến 45%, trong các chuyến thăm khám và chẩn đoán sau khi có cảnh báo. “Một số sự lan tỏa đã xảy ra trong các nhóm so sánh gồm người lớn, những người không bị cảnh báo của FDA nhắm đến”, nhóm nghiên cứu cho biết.
07 nghiên cứu đã tiết lộ bằng chứng cho thấy các cảnh báo của FDA đã dẫn đến việc giảm đột ngột việc điều trị và sử dụng thuốc chống trầm cảm, từ 20% đến 50%. Hầu hết các nghiên cứu này đều cho thấy việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ngày càng tăng trong những năm trước khi có cảnh báo của FDA, sau đó là việc giảm sử dụng đột ngột và liên tục.
03 nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về xu hướng giảm hoặc ổn định trong tình trạng ngộ độc thuốc hướng thần và tử vong do tự tử ở bệnh nhân nhi trước khi có cảnh báo, sau đó là sự gia tăng đột ngột của những xu hướng này sau khi cảnh báo được đưa ra.
Mục đích của các cảnh báo là tăng cường giám sát của bác sĩ đối với ý định tự tử ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, nhưng dữ liệu cho thấy điều này đã không xảy ra.
Ít hơn 5% bệnh nhi được theo dõi theo khuyến cáo về lịch trình tiếp xúc của FDA sau khi cảnh báo được ban hành. Tỷ lệ thấp này không thay đổi so với tỷ lệ trước khi có cảnh báo.
Không có nghiên cứu nào ghi nhận sự cải thiện trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc sự suy giảm trong các nỗ lực tự tử hoặc tự tử sau khi các cảnh báo có hiệu lực.
Các tác giả viết: “Bằng chứng rõ ràng cho thấy việc tiếp tục sử dụng những cảnh báo này có thể gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích”.
Liên quan đến dữ liệu
Tiến sĩ Roger McIntyre, giáo sư khoa tâm thần học và dược lý học, Đại học Toronto, Toronto, Canada và là trưởng khoa Tâm thần dược lý rối loạn tâm trạng, chia sẻ với Medscape Medical News rằng kết quả “rất đáng lo ngại và đưa ra lý do để tạm dừng, xem xét lại và có thể hiệu chỉnh lại các khuyến nghị về cảnh báo trong hộp đen liên quan đến thuốc chống trầm cảm ở nhóm dân số trẻ tuổi” .
McIntyre, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết dữ liệu “thật không may” cung cấp bằng chứng cho thấy cảnh báo trong hộp đen có “hậu quả không mong muốn là làm tăng khả năng mọi người sẽ không nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho chứng rối loạn tâm thần của họ, do đó dẫn đến những kết quả bất lợi, bao gồm cả ý định tự tử”.
Ông nói thêm, “Hai thập kỷ đã trôi qua với thông tin bổ sung có sẵn, không chỉ giúp hiệu chỉnh lại đánh giá rủi ro ban đầu mà còn mang đến cho chúng ta cơ hội giảm thiểu tác động bên ngoài của việc giảm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với những người mắc bệnh tâm thần trong những năm tháng tuổi trẻ”.
Người phát ngôn của FDA chia sẻ với Medscape Medical News rằng “nói chung, FDA không bình luận về các nghiên cứu cụ thể mà đánh giá chúng như một phần của cơ sở bằng chứng để hiểu rõ hơn về một vấn đề cụ thể và hỗ trợ sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng của chúng tôi”.
Nghiên cứu này không có nguồn tài trợ thương mại. Các thông tin tiết lộ cho tác giả được liệt kê cùng với bài báo gốc. McIntyre đã nhận được phí diễn giả/tư vấn từ Lundbeck, Janssen, Alkermes, Neumora Therapeutics, Boehringer Ingelheim, Sage, Biogen, Mitsubishi Tanabe, Purdue, Pfizer, Otsuka, Takeda và Neurocrine.
Đinh Hoàng Anh