Thứ Ba, Tháng 7 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cảnh giác với mưu đồ muốn Việt Nam suy yếu tiềm lực quốc phòng



ĐNA -

Gần đây, xuất hiện không ít cá nhân tự khoác lên mình vỏ bọc “yêu nước”, “tâm huyết”, “trách nhiệm”, liên tục bày tỏ sự “trăn trở với vận mệnh quốc gia” để đưa ra những quan điểm lệch lạc, sai trái, gây nhiễu loạn, lừa bịp dư luận. Đáng lưu ý, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết liệt thực hiện tinh, gọn bộ máy hệ thống chính trị thì một số đối tượng tung ra những thông tin xuyên tạc, không vì mục tiêu chung mà nhằm động cơ chống phá. Họ cho rằng đất nước hoà bình rồi “Quân đội không còn cần thiết nữa…” nên phải “cải tổ mạnh mẽ hơn” để “tiết kiệm ngân sách quốc phòng” đầu tư cho những lĩnh vực khác thiết thực hơn…

Đại tá, nhà báo Phùng Kim Lân (Kim Ngọc), nguyên Phó tổng biên tập Báo QĐND.

Đây là luận điệu hết sức sai trái, lộ rõ mưu đồ chống phá. Trước hết cần phải nhận thức sâu sắc rằng, dù trong thời chiến hay thời bình việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng vẫn rất quan trọng. Bởi lẽ, dù không có chiến tranh nhưng các mối đe dọa từ bên ngoài vẫn có thể xảy ra. V.I. Lênin đã từng chỉ rõ: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được…”. Rõ ràng xây dựng một Quân đội mạnh là yếu tố then chốt để chúng ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sự hiện diện của một Quân đội mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao còn có tác dụng răn đe các thế lực thù địch, ngăn chặn nguy cơ xâm lược và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Mặt khác, với vị trí địa lý như Việt Nam thiên tai, thảm họa, hay các tình huống khẩn cấp khác có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xác định: “Phòng, chống thiên tai, thảm hoạ là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội thời bình”. Quân đội được huấn luyện bài bản, kỹ càng, có bản lĩnh, khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trong các tình huống sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Một Quân đội mạnh mẽ, có khả năng tự vệ và răn đe, cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, việc xây dựng Quân đội cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp quốc phòng, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Có một Quân đội mạnh mẽ, hiện đại cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực… Như vậy, có thể khẳng định xây dựng Quân đội trong thời bình không chỉ là để bảo vệ đất nước mà còn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia.

Mặt khác cần hiểu rằng, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn và mang lại nhiều lợi ích của Đảng và Chính phủ ta. Thế nhưng không phải chỉ vì “đầu tư cho quân đội nhiều” nên phải “cải tổ mạnh mẽ hơn…” để “tiết kiệm ngân sách quốc phòng” đầu tư cho các lĩnh vực khác… Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Quân đội không đứng ngoài cuộc mà hưởng ứng rất tích cực. Nhưng việc tinh, gọn tổ chức trong Quân đội không chỉ đơn thuần là để giảm ngân sách mà mục tiêu quan trọng nhất được Đảng và Chính phủ ta xác định là nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu và hiệu quả hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh mới. Điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức của Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh” sẽ giúp giảm bớt các khâu trung gian, tinh giản bộ máy, từ đó tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao tính hiệu quả và khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị, từ đó tăng cường khả năng thích ứng với các tình huống phức tạp của Quân đội.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, mang tính đặc thù sâu sắc. Do đó, không thể đánh đồng việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, địa phương với tinh, gọn bộ máy trong Quân đội. Mặt khác, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng có tính chất rất đặc thù, nên việc điều chỉnh tổ chức của Quân đội phải theo đề án riêng. Việc điều chỉnh tổ chức trong Quân đội vừa đáp ứng với yêu cầu chung vừa phải phù hợp với đặc thù chức năng, nhiệm vụ.

Theo tinh thần đó, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định cải cách là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, gắn liền với quá trình xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc cải cách phải tập trung vào nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, chỉ huy, điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mục tiêu hướng tới của cải cách là xây dựng một quân đội “tinh, gọn, mạnh, hiện đại”. Trong đó, có việc giải thể, sáp nhập, thành lập mới và điều chỉnh tổ chức một số cơ quan, đơn vị từ cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng đến cấp chiến dịch, chiến thuật, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ bảo đảm.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh gần 2.900 tổ chức. Trong đó, giảm 1 tổng cục, 2 quân đoàn, 37 cơ quan cấp cục và tương đương, gần 300 cấp phòng… Đặc biệt, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp Bộ Quốc phòng đã quyết định giải thể Ban CHQS cấp huyện, thành phố, thị xã thuộc Bộ CHQS cấp tỉnh; thành lập các Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ CHQS tỉnh; thành lập các ban chỉ huy phòng thủ khu vực thuộc Bộ CHQS tỉnh… Số các doanh nghiệp quốc phòng cũng giảm mạnh từ hơn 300 doanh nghiệp (trước năm 2000) nay theo đề án mà Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, chỉ còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

Thực tế đó đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc về việc thực hiện chủ trương tinh, gọn bộ máy trong Quân đội, đặc biệt là luận điệu cho rằng thời bình “Quân đội không còn cần thiết nữa” cần phải “cải tổ mạnh mẽ hơn”… Luận điệu ấy cho thấy rõ ý đồ của các thế lực thù địch, phản động là muốn Việt Nam suy yếu tiềm lực quốc phòng, muốn Quân đội nhân dân Việt Nam “ngày càng teo đi” về sức mạnh, nhất là sức mạnh chính trị – tinh thần để chúng dễ bề thực hiện những mục tiêu chính trị. Chúng ta cần hết sức cảnh giác với mưu đồ này, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị khu vực và trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay./.

Kim Ngọc