Những năm gần đây, tình trạng xét lại, đánh tráo lịch sử đang diễn ra công khai trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, giáo dục đến truyền thông. Các biểu hiện như đề xuất bỏ Tết cổ truyền, phủ nhận vai trò của các anh hùng liệt sĩ, thay đổi cách gọi trong lịch sử, nói tránh ý nghĩa ngày Chiến thắng 30/4… không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá hoại nền tảng tư tưởng – văn hóa dân tộc.

Từ bản sắc văn hóa đến sự bào mòn lịch sử
Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi mỗi dịp Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới mà còn là dịp linh thiêng để người dân tưởng nhớ tổ tiên, gìn giữ mối liên kết thiêng liêng giữa các thế hệ. Đề xuất “bỏ Tết cổ truyền” với lý do “lãng phí thời gian, ảnh hưởng phát triển kinh tế” là một lối suy nghĩ thiển cận, phiến diện, phủ nhận vai trò cố kết cộng đồng và giá trị nhân văn cốt lõi của dân tộc Việt.
Lịch sử không thể viết lại theo ý người khác
Gần đây, xuất hiện những đề xuất “bỏ từ ngụy” trong sách giáo khoa và tài liệu lịch sử, với lý do “hòa hợp dân tộc” hoặc “theo xu hướng thế giới”. Đây là ngụy biện. Hòa hợp không đồng nghĩa với xóa bỏ sự thật. Ngay từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách khoan hồng, tạo điều kiện để những người từng lầm đường, lạc lối trở về với cộng đồng, thậm chí nhiều người đã góp sức tích cực cho xã hội. Nhưng không vì thế mà lịch sử bị bẻ cong. “Ngụy” là từ phản ánh đúng bản chất một chính quyền tay sai, bán nước, không thể vì chiều lòng ai đó mà xóa bỏ.
Không ai có quyền phủ nhận những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc
Việc bôi nhọ các anh hùng liệt sĩ như Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu là hành vi phản cảm, lệch lạc và đáng lên án. Dù họ là nhân vật lịch sử hay biểu tượng truyền thông, thì họ đã trở thành biểu tượng tinh thần, góp phần nuôi dưỡng lý tưởng yêu nước, hy sinh vì độc lập dân tộc trong tâm hồn các thế hệ người Việt Nam.
Chiến thắng là niềm tự hào, không thể “nói giảm, nói tránh”
Ngày 30/4/1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hy sinh của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào, quân và dân ta đã hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Đó là chiến thắng của chính nghĩa trước bạo quyền, là niềm tự hào chính đáng của dân tộc Việt Nam. Việc gọi đây là “không bàn chuyện thắng thua” là sự phủ nhận trắng trợn giá trị lịch sử và xúc phạm đến bao máu xương của các thế hệ đã ngã xuống.
Không thể “xóa sổ” Chí Phèo và văn học hiện thực
Việc cho rằng tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao “không phù hợp giáo dục” là cách nhìn sai lệch về văn học. Chí Phèo không phải hiện thân của cái ác, mà là hình ảnh một con người bị tha hóa bởi xã hội phong kiến nửa thực dân tàn bạo – một minh chứng sống động và chân thực về thân phận người nông dân nghèo dưới chế độ cũ. Việc phủ nhận tác phẩm này không khác gì tẩy trắng tội ác của thực dân Pháp và những kẻ cấu kết với chúng.
Cảnh giác trước những âm mưu diễn biến hòa bình trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa
Khi xâu chuỗi hàng loạt hiện tượng như phủ nhận anh hùng, đề xuất bỏ Tết, sửa ngôn từ lịch sử, né tránh sự thật… có thể thấy rõ một kịch bản bài bản đang được triển khai nhằm từng bước xóa nhòa bản sắc văn hóa, bào mòn lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng của nhân dân. Đây chính là hình thức “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, là bước chuẩn bị cho những âm mưu sâu xa hơn như “cách mạng màu”, gây bất ổn chính trị, phá hoại thành quả cách mạng.
Lịch sử là tài sản thiêng liêng của dân tộc. Mọi hành vi xuyên tạc, bóp méo lịch sử đều là sự xúc phạm đối với tiền nhân, là đòn tấn công nguy hiểm vào tinh thần dân tộc. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần tỉnh táo, cảnh giác và kiên quyết bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của dân tộc Việt Nam.
Đỗ Hải Triều HN