Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại tiểu vùng Mekong – tác động tới Việt Nam

ĐNA -

Tiểu vùng Mekong ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của các nước lớn. Bên cạnh đó, những động thái phức tạp của các nước lớn trong cục diện thế giới biến chuyển nhanh chóng càng làm cho các nước lớn quyết tâm đưa khu vực Tiểu vùng Mekong trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển toàn cầu của mình. Bài viết tập trung phân tích những toan tính của các nước lớn đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc cũng như xác định vị trí đa dạng của hai cường quốc trong Tiểu vùng. Bằng cách truy tìm lịch sử, thông qua những chính sách tác giả xem xét các tác động cấu trúc quyền lực của Mỹ và Trung Quốc đối với Tiểu vùng. Qua đó, đưa ra những hệ quả cũng như giải pháp mang tính chiến lược cho vấn đề cho khu vực và Việt Nam.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại tiểu vùng Mekong – tác động tới Việt Nam.

Tiểu vùng Mekong hình thành từ sự ra đời của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tổ chức được thành lập theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào năm 1992. Tiểu vùng Mekong là khu vực địa – kinh tế, địa – chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, là điểm giao thoa lợi ích của nhiều cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, sự phân mảnh nội khối lâu đời cộng thêm sự thay đổi nhanh chóng trong các động lực quyền lực châu Á và bối cảnh địa kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, tiểu vùng Mekong bị tác động của các nước lớn nên có sự chênh lệch về việc phân bổ quyền lực cấu trúc ở giữa các nước. Đó là lý do tại sao các nước hạ lưu sông Mekong chào đón các đối tác lớn từ bên ngoài tham gia vào khu vực này. Từ đó, ở Đông Nam Á lục địa hình thành địa bàn cạnh tranh mới của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… “làm mới lại” các cam kết hợp tác trước đó.

 Hiện nay, với sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc về sự hiện diện quyền lực và ảnh hưởng chính trị đối với các quốc gia Mekong thông qua việc thúc đẩy sáng kiến” Vành đai và Con đường” cùng diễn đàn Hợp tác Mekong-Lan Thương với các nước trong khu vực. Mỹ cũng đang ở tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược này nhằm cân bằng thế độc tôn của Trung Quốc, đặc biệt là trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Sự trở lại của Mỹ cũng đã thúc đẩy các đối tác khác trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, thắt chặt quan hệ với các nước Mekong thông qua cơ chế hợp tác riêng của mỗi nước. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các nước trong Tiểu Vùng. Do đó, cần xem xét, đánh giá tác động của cấu trúc quyền lực giữa các nước lớn để đưa ra giáp pháp mang tính bền vững cho khu vực này.

Những toan tính của các nước lớn
Trung Quốc
Tiểu vùng Mekong có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược hợp tác khu vực và ngoại giao ngoại vi của Trung Quốc. Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS-ECP) là một trong những chương trình hợp tác khu vực sớm nhất và hiệu quả nhất mà Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, sự phát triển của hợp tác tiểu vùng vẫn bị cản trở bởi những nút thắt về kinh tế, chính trị, xã hội và các rào cản khác cần được các quốc gia liên quan cùng giải quyết. Phải đến năm 2010, Bắc Kinh đã theo đuổi các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia này thông qua sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh” (Rolland, 2017). Sau đó, Trung Quốc đưa ra Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Sáng kiến ​​Con đường Tơ lụa trên biển lần thứ 21 (Lu, 2016) trong chuyến thăm Trung Á và Đông Nam Á vào năm 2013 cho thấy Trung Quốc đang tìm cách nâng cấp hợp tác tiểu vùng. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã thông qua một loạt các chính sách và biện pháp. Đáng chú ý nhất là sự ra mắt của Hợp tác Mekong-Lancang với nỗ lực chung của các quốc gia hạ lưu sông Mekong vào ngày 12/11/2015. Đây là một phần mở rộng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm điều phối sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trong tiểu vùng và quản lý sông Mekong. Việc Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo MLC chắc chắn sẽ giúp củng cố vai trò lãnh đạo khu vực và tham vọng của nước này. Hợp tác Mekong-Lancang là một minh chứng điển hình cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo khu vực trong lĩnh vực này. Trong vòng một vài năm sau khi thành lập, MLC đã trở thành đầu mối thể chế trong hợp tác tiểu vùng bất chấp các sáng kiến ​​khác đã có từ trước. Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo MLC tại Phnompenh năm 2018 đã thể chế hóa hợp tác thông qua Kế hoạch hành động đặt ra tương lai của LMC đến năm 2022.

Sự tham gia tích cực của Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ mang lại lợi ích cho việc mở rộng kinh tế cho tiểu khu này. Đây là một phần mở rộng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm điều phối sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trong tiểu vùng và quản lý sông Mekong trong sáng kiến “Vàng đai và Con đường” năm 2018 của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu và Tiểu vùng Mekong chính là nơi tập trung phần lớn cơ sở hạ tầng cốt lõi trong chiến lược đầy tham vọng này. Nơi đây thu hút một số dự án đường vành đai, đường bộ quan trọng nhất của Trung Quốc, kèm theo đó là nhiều dự án khác bao gồm đường sắt giữa Trung Quốc, Lào và Thái Lan, cũng như cái gọi là hành lang Trung Quốc – Đông Nam Á (Gong, 2018). Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được xem là chiến lược định hình chính sách đối ngoại mới và tạo lập phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Quan hệ của Trung Quốc với hầu hết các quốc gia khu vực cũng rất thân thiện ngoại trừ quan hệ với Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Đổi lại, những mối quan hệ hữu nghị này tạo điều kiện cho vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này, cả về kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh rộng lớn hơn, việc tham gia tích cực của Trung Quốc vào Tiểu vùng liên quan đến chiến lược chính sách đối ngoại của Bắc Kinh về vai trò lãnh đạo toàn cầu và khu vực.

Vậy đâu là lý do để Trung Quốc tập trung hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với Tiểu vùng dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong đầu tư của Trung Quốc như tính minh bạch của đầu tư thấp, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và lao động, đầu tư quá mức tập trung vào nguồn lực? Có nhiều nguyên nhân để lý giải việc này. Thứ nhất, về mặt kinh tế, Tiểu vùng Mekong là khu vực phát triển nhanh và toàn diện, có nền tảng hợp tác kinh tế vững chắc và nhu cầu thị trường mạnh mẽ, đồng thời cũng mang ít rủi ro về tranh chấp lãnh thổ và các mối đe dọa khủng bố. Đây có lẽ là khu vực thử nghiệm thích hợp nhất để sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” tạo ra bước đột phá. Hơn nữa, về năng lực sản xuất, hầu hết các nước sông Mekong đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và có nhu cầu mạnh mẽ về phát triển cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghiệp tiên tiến và năng lực sản xuất trưởng thành và Tiểu vùng chính là sân sau để Trung Quốc đưa kinh nghiệm của mình ra thế giới. Khu vực sông Mekong cũng là một thành phần quan trọng cho sự thành công của BRI vì nó là trung điểm kết nối Trung Quốc với phương Tây qua Hành lang Kinh tế Bán đảo Đông Dương – Trung Quốc (CIPEC). Trong hơn năm năm qua, CIPEC đã có nhiều tiến bộ trong kết nối cơ sở hạ tầng và xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới thông qua hành lang này (Lei, 2019). Đường cao tốc Côn Minh-Bangkok được hoàn thành và vận hành từ năm 2008 với khoảng 1.900 km từ Côn Minh qua Xiaomenyang đến Jinghong và qua biên giới Lào tại Mohan (tỉnh Vân Nam) trước khi kết thúc tại Bangkok; trong khi đó các tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào và Trung Quốc-Thái Lan và một số dự án khác đang được tiến hành tốt (LMC, 2018). Hợp tác cũng đã bắt đầu trong việc xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Lào cũng như các nỗ lực đã được thực hiện trong Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan. BRI đã tạo nên bước tiến vững chắc trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, cả năm quốc gia trong GMS đều chiếm gần một nửa quy mô các dự án ASEAN được BRI hỗ trợ trong năm 2018, xấp xỉ 355,2 tỷ USD trong tổng số 739 tỷ USD (Phidel, 2019).

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc và nếu sự chú ý của họ đối với MLC vẫn còn nguyên vẹn, hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và tiểu vùng chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của nước này vào Tiểu vùng, và cùng với đó là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các định hướng chính sách dài hạn của vùng. Do đó, MLC có thể là một công cụ địa kinh tế- chính trị chia cắt các quốc gia thành viên ASEAN thành các nhóm đối lập. Thứ hai, về mặt chính trị- an ninh, khi có nhu cầu cấp bách về hợp tác kinh tế tiểu vùng thì việc mở rộng hợp tác bao gồm các lĩnh vực an ninh, chính trị và xã hội cũng sẽ xuất hiện. Các vấn đề an ninh phi truyền thống trong tiểu vùng ngày càng nổi bật, có khả năng ảnh hưởng đến hàng triệu người ở các vùng ven sông. Một phần của vấn đề này lại bắt nguồn từ việc quản lý nước ở thượng nguồn của Trung Quốc trong khi các cơ chế khu vực hiện có ít tham vấn, khó áp đặt lên Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đặt ra một chương trình phát triển chung liên quan đến dòng chảy là MLC để có thể trở thành một công cụ khác giúp Trung Quốc đưa ra nguyên tắc, tiêu chuẩn cũng như giải quyết các vấn đề đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và tình trạng biến đổi khí hậu, băng tan trên dãy Himalaya sẽ cạn dần, Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng mất cân bằng nguồn cung ngày càng nghiêm trọng (Xie, 2022). Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Chiến lược đi ra ngoài” bao gồm chiến lược “Tiến về Tây Nam” nhằm thúc đẩy phát triển tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong định hướng phát triển với các quốc gia GMS và chiến lược đối ngoại mới với tên gọi “một trục, hai cánh” với các nước Đông Nam Á (một trục là hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, hai cánh là Hợp tác GMS mở rộng và Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng) (Bình P. T., 2021) nhằm thúc đẩy đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài như tài nguyên nước và năng lượng, tiếp cận thị trường đang phát triển, cơ hội mở rộng thị trường, lợi ích mang lại từ hoạt động di chuyển lao động trong tiểu vùng. Vì vậy, việc khao khát tài nguyên nước để phục vụ nhu cầu trong nước buộc Trung Quốc tăng cường hợp tác với Tiểu vùng để sử dụng tài nguyên nước một cách có hợp thức và còn biến nó thành công cụ áp lực chính trị đối với các quốc gia hạ nguồn sông Mekong.

Hơn nữa, việc kiểm soát đối với sông Mekong cho phép Trung Quốc xây dựng và đẩy mạnh các hoạt động trong Hợp tác Mekong – Lan Thương, một tổ chức liên chính phủ tương đối mới nhằm “gạt sang lề” Ủy hội sông Mekong được thành lập hơn 25 năm trước. MLC cho phép Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình giống như ở Biển Đông, qua đó tạo ra “sự đã rồi” nhằm kiểm soát sông Mekong. MLC là một công cụ ngoại giao mới của Trung Quốc. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt đầu tư, mà đây chính là cơ chế hợp tác đầu tiên tại Đông Nam Á của Trung Quốc, thể hiện vai trò nước lớn trong chính sách đối ngoại của mình. Vì vậy, Trung Quốc đã cố gắng đưa hợp tác MLC ở cấp bộ trưởng và cao hơn họp thượng đỉnh với sự tham gia của người đứng đầu chính phủ các nước, giống như các cơ chế hợp tác của ASEAN, APEC…và đã thành công. Trong vòng một vài năm sau khi thành lập, MLC đã trở thành đầu mối thể chế trong hợp tác tiểu vùng bất chấp các sáng kiến ​​khác đã có từ trước và không loại trừ khả năng thay thế các cơ chế hợp tác khác của các quốc gia Đông Nam Á như của MRC, ASEAN vốn mang tính hình thức, thiếu thực chất và tỏ ra yếu kém hơn hẳn.

Sau cùng, sáng kiến và thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc cũng nhằm loại bỏ vai trò của Mỹ sau hàng chục năm Mỹ thúc đẩy các dự án Mekong như một cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ giới thiệu sáng kiến hạ nguồn sông Mekong (The Lower Mekong Initiative – LMI) từ năm 2009. MRC cũng xuất phát từ những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy các dự án phát triển trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ tham gia các cơ chế hợp tác sớm hơn nhưng cam kết của Mỹ tại khu vực này quá ít và lỏng lẻo khiến cho Trung Quốc tuy muộn hơn nhưng nhanh chóng “mổ xẻ” khu vực này. Trong khi đó, khoản chi tiêu của Mỹ để hỗ trợ cho khu vực này trong mười năm qua là 120 triệu USD thấp hơn nhiều so với các khoản chi gần 300 triệu USD của Trung Quốc trong năm đầu tiên – 2016 (Linh, 2020). Điều này cho thấy Trung Quốc đang chiếm ưu thế, cả trong kiểm soát nguồn nước và ảnh hưởng đối với các nước ở lưu vực sông Mekong. Dù đang xảy ra cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng nó không ngăn cản nổi tham vọng vươn ra toàn cầu của Trung Quốc đặc biệt ở khu vực Sông Mekong. Phải thừa nhận Trung Quốc chậm mà chắc. Mỹ mở đầu bằng hợp tác nông nghiệp thì bảy năm sau Trung Quốc cũng triển khai tương tự và kèm món khổng lồ là kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bắc Kinh có thể đã sử dụng và tham gia đầy đủ vào các kế hoạch tiểu vùng hiện có để định hình hướng đi của họ đối với lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, các sáng kiến ​​khác, do các cường quốc bên ngoài khác dẫn đầu như GMS với vai trò dẫn đầu của Nhật Bản là ADB và Sáng kiến ​​Hạ nguồn Mekong do Mỹ khởi xướng cũng bị Trung Quốc nghi ngờ, coi đó là phương tiện chống lại – cân bằng lợi ích của Trung Quốc.

Không ngạc nhiên khi những chính sách và cách tiếp cận thực dụng này đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về sự hiện diện quyền lực của Trung Quốc và ảnh hưởng chính trị đối với các nước Mekong khác. Thông qua đầu tư, hợp tác, chiến lược cài “bẫy nợ” đã phát huy công dụng của nó là làm hạn chế quyền tự chủ cũng như gây bất ổn an ninh cho các nước ở khu vực này. Tuy ít sự đòi hỏi nhưng nhiều quốc gia đã có sự “phụ thuộc” vào Trung Quốc như Campuchia và Lào. Khi được thể chế hóa, MLC cuối cùng có thể gây ra sự chia rẽ hơn nữa giữa Đông Nam Á lục địa và trên biển. Điều quan trọng nhất là Trung Quốc giàu có, liền kề, đầu tư vào tiểu vùng tăng tưởng đều đặn và trở thành một nguồn đầu tư quan trọng cho các quốc gia ở Tiểu vùng. Thông qua các sáng kiến của mình, Trung Quốc sẽ đóng vai trò toàn diện hơn trong hợp tác với tiểu vùng qua đó định hình vai trò chủ đạo cũng như đưa ra quy tắc riêng của mình. Rõ ràng, với việc tập trung quyền lực của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn. Ông Tập quyết tâm gia tăng ảnh hưởng và khả năng của Trung Quốc trong việc dẫn dắt và định hình một trật tự quốc tế mới. Trung Quốc hiện đã sẵn sàng để viết quy tắc và đóng một vai trò quốc tế. Đông Nam Á lục địa là chính là sự quan tâm chủ đạo của Bắc Kinh.

Mỹ
Các nước Mekong là đối tác ngoại giao, kinh tế và an ninh quan trọng của Mỹ. Nước này đã phân bổ hơn 4,3 tỷ USD hỗ trợ phát triển cho các sáng kiến ​​song phương và khu vực ở sông Mekong trong 12 năm qua (Blinken, 2021). Năm 2009, Sáng kiến ​​Hạ nguồn Mekong được Bộ Ngoại giao Mỹ sáng lập nhằm thúc đẩy chủ nghĩa khu vực và phát triển bền vững ở khu vực Mekong. Tính đến năm 2019, chính phủ Mỹ đã cung cấp hơn 120 triệu USD cho lập trình LMI (Center E.-W. , 2020). Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Mỹ với khu vực Đông Nam Á có sự mâu thuẫn nhất định, đặc biệt ở Tiểu vùng Mekong với sự cam kết chưa rõ ràng, thiếu điểm nhấn dưới thời Tổng thống Obama, đã khiến Trung Quốc tìm được kẽ hở ở “sân sau” và đang thành công trong nỗ lực đẩy mạnh cơ chế hợp tác của mình. Phải đến khi Mỹ đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng năm 2017, khu vực này đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong cam kết của Mỹ. Sự can dự ngày càng nhiều của Mỹ vào vấn đề sông Mekong nhằm gia tăng ảnh hưởng và chính trị hóa vấn đề tài nguyên nước sông Mekong như là một phần trong nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Sáng kiến Hạ vùng Mekong đã được khôi phục như một công cụ để Mỹ tăng cường hợp tác trở lại với tiểu vùng này. Sau đó, tại Hội nghị cấp bộ trưởng LMI lần thứ 10 năm 2017, “Sáng kiến dữ liệu nguồn nước Mekong” đã được thành lập nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu hệ thống sông Mekong của Ủy hội Sông Mekong (MRC). Năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định LMI như một đầu tàu chủ chốt nhằm thúc đẩy sự kết nối, hội nhập kinh tế, phát triển bền vững và quản lý hiệu quả (Parnership, 2018). Năm 2019, Mỹ tiếp tục đưa ra đề nghị một khoản đầu tư 15.000 USD cho các dự án nghiên cứu liên quan đến Tiểu vùng Mekong (Partnership M. U., 2019). Bên cạnh các dự án hợp tác nghiên cứu, Mỹ còn tăng cường hỗ trợ cho các sáng kiến khác như chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ dữ liệu nguồn nước sông Mekong, Asia EDGE, lãnh đạo trẻ châu Á… Điều này cho thấy, LMI dưới thời chính quyền Trump trở nên sôi động hẳn. Sau hội nghị Bộ trưởng đối tác Mekong – Mỹ lần đầu tiên, Mỹ công bố cam kết tài trợ tổng cộng 156,4 triệu USD cho một loạt các sáng kiến ​​trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Mỹ – Mekong, bao gồm 52 triệu USD để hỗ trợ khôi phục kinh tế sau Đại dịch Covid-19; 55 triệu USD để chống lại tội phạm xuyên quốc gia; 33 triệu USD để phát triển thị trường năng lượng trong khuôn khổ Asia EDGE; 6,6 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng và thị trường ở Tiểu vùng Mekong và 2 triệu USD để chống buôn người (Spokesperson, 2019). Thông qua Quan hệ Đối tác Mekong – Mỹ, chính phủ Mỹ mong muốn xây dựng quá trình hợp tác bền vững và lâu dài để đảm bảo một Tiểu vùng Mekong phát triển trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Các sáng kiến hợp tác Mỹ – Mekong đã góp phần chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Mỹ hoạt động trong lưu vực và với chính quyền các nước nằm ở lưu vực Mekong. Vai trò mang tính xây dựng của Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy các quốc gia trong lưu vực cùng hợp tác phát triển, hướng đến việc xây dựng “Tiêu chuẩn Mekong”.

Thực tế hợp tác của Mỹ với Tiểu vùng Mekong những năm qua cho thấy, Mỹ có thể tạo điều kiện hình thành một diễn đàn tập hợp các bên liên quan và chia sẻ công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy các giải pháp khu vực nhằm tạo ra những tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường đi liền với cơ sở hạ tầng, nguồn nước. Mỹ đã và đang theo đuổi các chính sách chuyển hướng ở khu vực Mekong. Thay vì tập trung vào các dự án lớn do nhà nước tài trợ, LMI cung cấp các dự án liên quan đến các công nghệ sáng tạo của Intel, Trường Đại học Harvard, và tư vấn về các đánh giá và tiêu chuẩn tác động từ Ủy ban Sông Mỹ và Khảo sát Địa chất Mỹ (Prashanth, 2012). Thêm vào đó, Hoa Kỳ cũng đã cáo buộc Trung Quốc về “những thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng đe dọa môi trường tự nhiên và sự tự chủ kinh tế của khu vực Mekong” (Pompeo, 2020). Rõ ràng, những cáo buộc của Hoa Kỳ cho thấy động cơ chính trị của mình cùng với việc tuyên bố khởi động quan hệ đối tác Mỹ- Mekong như một phần không thể thiếu trong “tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” có thể là một mặt trận mới chống lại Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng đặt Tiểu vùng sông Mekong trong một bối cảnh chung là cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ và chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong thế phản ứng với sự trỗi dậy ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ cũng khắc phục xu hướng không được liên tục và nghiêng về quan hệ song phương trong quan hệ với các nước Tiểu vùng Mekong. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố cuối năm 2017 đã xác định rõ, cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra quyết liệt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; Philippines và Thái Lan vẫn là đồng minh và là thị trường quan trọng của Mỹ; Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore đang phát triển thành các đối tác an ninh và kinh tế của Mỹ; ASEAN và APEC vẫn là những trung tâm của cấu trúc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và là nền tảng thúc đẩy trật tự dựa trên tự do. Quan hệ Mỹ – Tiểu vùng Mekong đang góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định thịnh vượng và an ninh trong khu vực, tạo ra những động lực quan trọng để các nước trong khu vực phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, LMI còn tạo ra một nền tảng để đưa Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước có ảnh hưởng khác hợp tác với các dự án này. Chẳng hạn, Mỹ hợp tác với Nhật Bản cung cấp 29,5 triệu USD cho các dự án phát triển mạng lưới điện khu vực. Mỹ và Hàn Quốc cũng hợp tác trong các dự án hình ảnh vệ tinh nhằm hỗ trợ việc đánh giá thực trạng hạn hán ở lưu vực sông Mekong. Việc Mỹ và đồng minh tham gia ngày một sâu rộng tại khu vực đã hình thành một trật tự lưỡng cực ở khu vực. Điều này chứng tỏ một lần nữa vị trí địa chính trị của các quốc gia thuộc ASEAN.

Như vậy, việc Mỹ quay lại, coi trọng khu vực như là một cú hích để giải quyết những vấn đề mang tính thách thức của các nước trong Tiểu vùng. Cách thức này của Mỹ xây dựng sẽ giúp tạo cảm giác rằng Mỹ là quốc gia hàng đầu, dân chủ, minh bạch và hành động phù hợp với bất cứ điều gì mang lại lợi ích chung cho khu vực. Đối với Mỹ, việc tiếp nối và mở rộng LMI thành Đối tác Mekong- Hoa Kỳ thể hiện sự tái cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á với lời kêu gọi ASEAN đứng lên chống lại Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Sự quay lại của Mỹ ở Tiểu vùng là tìm cách giảm nhẹ và cân bằng lại thái độ hung hăng nhằm kiểm soát nguồn nước của Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự lo ngại về những cạm bẫy trong việc làm ăn với Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Mỹ và các cường quốc bước vào cuộc chơi. Việc Mỹ điều chỉnh chính sách không chỉ giải quyết vấn đề tự tung tự tác của Trung Quốc ở Đông Nam Á lục địa mà nó phù hợp với quan điểm của Mỹ về tính ổn định, thống nhất của ASEAN và cũng chính là sự ổn định của nước Mỹ. Mỹ sẽ có thêm yếu tố thuận lợi và tác nhân quan trọng để triển khai chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bởi vì, một ASEAN mạnh mẽ, có đủ năng lực, là trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là yếu tố then chốt cho việc tiến tới một cơ cấu khu vực có thể hỗ trợ quản trị dân chủ và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ coi ASEAN là một bên đóng vai trò trung tâm và chiến lược, không chỉ ở việc Hoa Kỳ tái cân bằng ở châu Á mà quan trọng hơn là trong việc xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực mạnh mẽ và đáng tin cậy cho châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, ASEAN nói chung và Tiểu vùng Mekong nói riêng có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với Hoa Kỳ. Do đó, Tiểu vùng Mekong ngày càng được chú ý và đang trở thành vấn đề địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, để giải quyết hiệu quả tương lai của Tiểu vùng, cần hơn hết là nắm rõ ý đồ cũng như cuộc tranh giành thế lực giữa Mỹ và Trung Quốc, đi kèm với sự phức tạp của vốn có của Tiểu vùng Mekong để có thể đưa ra những giải pháp cần thiết.

Lãnh đạo cấp cao 6 nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc chụp ảnh chung tại Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6. Ảnh: TTXVN

Giải pháp đối với Tiểu vùng Mekong và hàm ý cho Việt Nam
Cả Trung Quốc và Mỹ đều có những mục tiêu khác nhau ở Tiểu vùng Mekong. Đối với Trung Quốc, ngoài việc khao khát nguồn tài nguyên đáp ứng cơn khát năng lượng cũng như tìm kiếm lợi ích về thị trường, nhân lực thì Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng và khẳng định vị thế trong khu vực. Nghĩa là, Trung Quốc muốn đóng vai trò toàn diện hơn trong hợp tác tiểu vùng và thể hiện hiệu quả sáng kiến ​​và quyền lực ra quy tắc của mình. Trong khi đó, Mỹ muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc với cách thức là hướng đến những giá trị khá khác biệt so với Trung Quốc và tạo ra những cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc. Bắc Kinh xây dựng cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương để áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, đồng thời triển khai như một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh – một chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc, mang tham vọng bá chủ toàn cầu. Về phía Hoa Kỳ, phải đến thời kỳ của chính quyền Tổng thống D. Trump, Mỹ mới đẩy mạnh can dự và tham gia sâu hơn, thể hiện sự tái cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á, và được củng cố hơn nữa dưới thời Jose Biden bằng cách chú ý đến phát triển cơ sở hạ tầng với tăng cường liên kết với ASEAN. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự phân bổ một cách cân bằng về các ưu tiên chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc cạnh tranh địa chính trị chống lại Trung Quốc (Derek, 2022).

Có thể thấy, dưới sức ép và sự cạnh tranh của các nước lớn, chính sách đối phó với nước lớn trong thời đại này là vô cùng phức tạp và đầy thử thách. Việc tồn vong trong thời đại này không còn là mục tiêu được ưu tiên cao nhất nữa, thay vào đó các thách thức dành cho các nước nhỏ là quyền tự chủ trong hành động, bảo vệ lợi ích tối đa của quốc gia trước sự o ép từ những nước lớn. Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn đặt các nước trong khu vực buộc phải điều chỉnh chính sách phù hợp. Những biến động về trật tự quyền lực giữa các nước lớn mang đến cho Tiểu vùng Mekong cả cơ hội lẫn thách thức. Tiểu vùng Mekong được coi là một khu vực có vai trò quan trọng tiềm tàng của ngành du lịch và lưới điện trong việc hình thành bản sắc khu vực và phát triển bền vững, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và xây dựng cộng đồng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên cho đến những công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong là mối đe doạ trực tiếp trong vấn đề đảm bảo an ninh, văn hóa cho cả cộng đồng. Đây quả là một ván cờ mà cả năm quốc gia Đông Nam Á có thể đối mặt với thiệt thòi về chính trị, môi trường, dân sinh trước Trung Quốc tham vọng. Nó có thể gây ra một cuộc chiến tranh nguội giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong, đặc biệt là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể thấy, Việt Nam đang ở trong một tình cảnh như một gọng kìm từ hai phía: phía Biển Đông là nguy cơ chiến tranh nóng với bàn đạp là Biển Đông cùng các vũ khí hiện đại; phía Tây là chiến tranh nguội với bàn đạp là sông Mekong và vũ khí chiến lược là nước. Điều này sẽ là bài toán cực kỳ nan giải nếu Trung Quốc sử dụng cả hai để tạo sức ép đối với Việt Nam, mà thực sự hiện nay Trung Quốc đã và đang làm như vậy. Điều này có thể thấy vấn đề sông Mekong và Biển Đông đi đôi với nhau, đều có điểm chung là sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Trong ván cờ này, nếu không có một cơ chế lớn hoặc ngang bằng để có thể kiềm chế cơ chế của Trung Quốc thì các nước Đông Nam Á nói chung và Tiểu vùng Mekong nói riêng cũng bị cuốn vào một trật tự do Trung Quốc giữ vai trò trung tâm chi phối.

Trung Quốc đã và đang “sẵn sàng làm sâu sắc lòng tin chính trị giữa các nước”, điều này sẽ khiến ASEAN có thể bị chia rẽ và bị thách thức khi Trung Quốc ngày một can thiệp sâu rộng vào từng khu vực, từng quốc gia trong ASEAN. Sự quan tâm ngày càng lớn của Mỹ vào vấn đề sông Mekong ít ra sẽ buộc Trung Quốc phải lắng nghe nhiều hơn các nước khác trên lưu vực. Thêm vào đó, sự khác biệt trong cách sử dụng, khái thác nguồn nước sông Mekong ở mỗi quốc gia cũng như những sự khác biệt khác về cách nhìn nhận và cách thức theo đuổi lợi ích quốc gia của các thành viên trong Tiểu vùng sẽ dẫn đến việc cam kết ở các mức độ khác nhau về khả năng ứng phó với các nguy cơ, thách thức an ninh ở khu vực. Điều này sẽ gây ra những khó khăn cho việc định hình một quan điểm chung, thống nhất. Đây được coi là khó khăn lớn nhất đối với các nước Tiểu vùng sông Mekong trong việc bảo đảm các giá trị địa – chiến lược của khu vực. Do đó, các nước vừa phải hợp tác cân bằng với cường quốc, vừa tính toán cách thức hợp tác để không ảnh hưởng đến tương lai. Có thể con đường hướng tới sự hội nhập sâu sắc hơn nữa sẽ bị chậm lại nếu như có sự chia rẽ quan điểm nội khối. Chưa kể các quốc gia tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới sẽ gặp phải nhiều hơn nữa các thách thức truyền thống và phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước. Việc “giữ chân” các cường quốc tham gia vào các cơ chế ở Tiểu vùng cũng như để mắt tới nhau khiến cho khu vực này không thể tùy ý gây hấn được là điều nên làm, từ đó giúp ổn định, cân bằng và xây dựng cộng đồng khu vực phát triển. Tuy nhiên, xu hướng đa cực hóa và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tạo ra sự xung đột thì Tiểu vùng rất có thể trở thành chiến trường bất cứ lúc nào và một cách cực kỳ dễ dàng. Và điều này không phải không thể xảy ra vì lịch sử cả trăm năm qua đã chỉ ra rằng chỉ cần các siêu cường nổi lòng tham và mất kiểm soát, họ sẽ làm tất cả để đạt được mục đích. Do đó, Tiểu vùng Mekong cần phải tỉnh táo trong các mối quan hệ để có thể cân bằng, tránh xảy ra xung đột trong guồng quay các cuộc cạnh tranh của cường quốc lớn. Các nước trong Tiểu vùng cần đoàn kết, thống nhất và gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tăng cường hợp tác với các cường quốc bên ngoài không thể bị đánh đồng với việc chọn bên” (Bình L. H., 2020).

Nhìn khía cạnh tích cực, việc Mỹ tăng cường hợp tác với các nước Tiểu vùng Mekong đánh dấu bước quay trở lại với vai trò dẫn dắt khu vực mà Mỹ đã đánh mất từ tay Trung Quốc. Chính sách của Mỹ ở Tiểu vùng mang tính chất cạnh tranh, đối đầu trực tiếp hơn với Trung Quốc so với trước đây sẽ là một cú hích để giải quyết những vấn đề mang tính thách thức của các nước trong Tiểu vùng. Hoa Kỳ thể hiện tham vọng ở khu vực này bằng một kế hoạch phối hợp, định hình hướng đi phù hợp với lợi ích quốc gia. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và làm sâu sắc thêm lòng tin và cảm giác được chia sẻ lợi ích chung. Việc Mỹ gia tăng kết nối ở Tiểu vùng là một bước quan trọng để thu hẹp sự chia rẽ trong nhóm và nuôi dưỡng xây dựng cộng đồng thực sự. Hơn nữa, tiểu vùng cần một mối quan hệ rộng lớn hơn, bao gồm các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… tham gia trong khu vực này mới có thể hóa giải tình thế khó khăn của các nước hạ nguồn sông Mekong phải gánh chịu. Việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng Mekong không chỉ đem lại lợi ích cho các nước trong khu vực mà còn mở ra nhiều lựa chọn hơn để tăng cường phát triển kinh tế.

Hơn nữa, các nước thuộc Tiểu vùng không chỉ chia sẻ chung dòng sông Mekong mà còn có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội và lịch sử. Tiểu vùng sông Mekong là tiểu vùng có nhiều dân tộc, sắc tộc có nguồn gốc, tiếng nói, tôn giáo khác nhau, nhưng chủ yếu là các dân tộc gốc châu Á. Ở đây, chủ yếu chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn ở phương Đông là Trung Hoa và Ấn Độ. Vì vậy, quá trình thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa luôn được duy trì mặc dù mỗi nước vẫn có những bản sắc riêng. Đây chính là nền tảng, cơ sở hình thành một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng, đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa các nước ở Tiểu vùng; là cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trong tiểu vùng, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế ở giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai. Với chiều sâu văn hóa tiềm ẩn, các dân tộc ở đây hun đúc tinh thần dân tộc quật cường, mỗi khi giành được quyền quyết định vận mệnh của mình, các quốc gia- dân tộc ở đây đều quay về chấn hưng và mở mang mối bang giao láng giềng thân thiện. Vì vậy, quá trình này tạo cơ hội thuận lợi cho bước hội tụ mới trong hợp tác và phát triển, tăng cường đối thoại, giao lưu và hợp tác giữa các nền văn hóa, góp phần xây dựng Đông Nam Á nói chung, Tiểu vùng sông Mekong nói riêng trở thành một khu vực ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. Do đó, cần xây dựng niềm tin, tôn trọng lẫn nhau trong khi giải quyết các vấn đề có liên quan tới các quốc gia khác trong cộng đồng, nhìn nhận các vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, đứng ở vị trí và cấp độ khác nhau để xem xét và đánh giá.

Ví dụ, hiện nay Campuchia đang lên kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo vào cuối năm 2024. Theo đánh giá của các chuyên gia thì sau khi xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam như khí tượng, thủy văn thay đổi, biến đổi khí hậu gia tăng… Các thông tin và tác động ảnh hưởng của dự án còn rất hạn chế, vì thế Campuchia cần chia sẻ minh bạch các thông tin chi tiết về dự án bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án cho các bên liên quan. Vì vậy, Ủy hội sông Mekong quốc tế cần tham gia và hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động (Phương, 2024).

Việt Nam – quốc gia có vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng và giàu tiềm năng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và trong Tiểu vùng nói riêng, là tâm điểm chú ý của các nước lớn về nhiều phương diện, trong đó có quốc phòng, an ninh với cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Vì vậy, cân nhắc lựa chọn chính sách phù hợp trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung luôn là một bài toán cẩn trọng và phức tạp. Trung Quốc là cường quốc láng giềng, có mối quan hệ truyền thống, và là đổi tác chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đến Mỹ để phát triển kinh tế, xã hội và phần nào hạn chế việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Xét vị trí địa-chiến lược đặc thù và lịch sử đối ngoại, đối sách hợp lý nhất của Việt Nam trong quan hệ với các nước là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tuyệt đối tránh “nhất biên đảo” với bất cứ một quốc gia nào; đồng thời thực hiện chính sách cân bằng động giữa các nước lớn. Cụ thể với Trung Quốc, Việt Nam phải tiếp tục “phòng bị nước đôi”, không thể lựa chọn chính sách ngoại giao đối đầu, không thể tham gia các tập hợp lực lượng kiềm chế chiến lược của Trung Quốc một cách công khai, trực diện. Việt Nam cần “vạch rõ phương châm, định hướng trong quan hệ đối ngoại, tránh những tác động tiêu cực có thể gặp. Việt Nam nên ứng biến sao cho cân bằng quan hệ các nước lớn, vừa tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước lại vừa củng cố mối quan hệ bền vững tốt đẹp với Trung Quốc” (Nguyễn Thị Quế, 2018). Việc tham gia vào nhiều cơ chế đa phương khác nhau cũng có thể giúp cho Việt Nam tránh khỏi những chính sách cực đoan, uy hiếp từ phía Trung Quốc. Trong khi chưa tìm ra được một đối sách chung dành cho Trung Quốc, việc cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh vừa tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dường như là biện pháp khả dĩ nhất hiện nay mà Việt Nam có thể làm. Bên cạnh đó, Việt Nam nên chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác cấp khu vực trong việc sử dụng lợi ích dòng sông Mê Kông với các nước lớn. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội tạo ra một làn sóng phản đối với các con đập của Trung Quốc để cùng các quốc gia lưu vực sông Mekong điều chỉnh hướng giảm số lượng đập thủy điện, đàm phán với chính phủ các nước hạ lưu sông Mekong xem xét tạm dừng các dự án thủy điện trong khu vực để tiến hành đánh giá một cách toàn diện, độc lập và minh bạch; đồng thời với tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế và chính sách phát triển bền vững, bởi vì thúc đẩy các giải pháp năng lượng mới cùng các sáng kiến phát triển bền vững sẽ góp phần tăng cường khả năng phục hồi cho cả lục địa Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các sáng kiến của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, EU… để phát triển bền vững ở khu vực này. Có như vậy, vai trò của Việt Nam ngày càng lớn trong khu vực cũng như tạo một môi trường phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động và tạo một sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia, giảm bớt gọng kìm từ Bắc Kinh đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh có những chuyển biến to lớn, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực trong thế kỉ XXI, Tiểu vùng Mekong với những lợi thế về vị trí, vai trò và tiềm năng hợp tác đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn vào việc hợp tác với các nước tiểu vùng. Sự tham gia của các nước lớn vào hợp tác quốc tế ở Tiểu vùng đều ẩn chứa những ý đồ riêng về địa kinh tế, địa chiến lược của mỗi nước. Tác động của sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đối với cục diện địa chính trị Tiểu vùng là rất rõ ràng và phức tạp. Vì vậy, các quốc gia trong tiểu vùng cần phải sắp xếp các lợi ích quốc gia khác nhau của mình, đồng thời lên kế hoạch và làm việc chung vì ” lợi ích chung” và “thịnh vượng chung”. Tuy nhiên, việc hợp tác, tăng cường liên kết có hiệu quả như thế nào để tạo điều kiện phát triển của một không gian chính trị – xã hội – văn hóa có lợi cho sự phát triển của các nước trong Tiểu vùng và ASEAN nói chung là điều cần tính đến. Do đó, việc hiểu được những lợi thế, giá trị địa – chiến lược cũng như thách thức đối với giá trị địa – chiến lược đó sẽ góp phần xây dựng tốt chiến lược, kế hoạch cho một không gian an ninh, hội nhập và phát triển của các nước tiểu vùng Mekong, trong đó có Việt Nam là hết sức cần thiết.

Phan Thị Hải Yến/Khoa Đông phương, Trường đại học Văn Hiến

Tài liệu tham khảo
ADB. (2015). Chương trình phát triển kinh tế- Tiểu Vùng Mekong mở rộng. Retrieved from

https://www.adb.org/sites/default/files/publication/161504/gms-ecp-overview-2015-vi.pdf
ASEAN, U. M. (2019). Opening Remarks at the Lower Mekong Initiative Ministerial. Retrieved from ASEAN. U.S. Mission. Gov: https://asean. usmission.gov/opening-remarks-at-the-lower-mekonginitiative-ministerial/
ASEAN, U. M. (2019). Strengthening the US – Mekong Partnership. Retrieved from asean.usmission.gov: https://asean.usmission.gov/ strengthening-the-u-s-mekong-partnership/
Bình, L. H. (2020). Tập hợp lực lượng trong thế kỳ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. Retrieved from (Lê Hải Bình (2020), Tập hợp lực lượng trong thế kỳ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Bình, P. T. (2021, 11 29). Chiến lược của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Retrieved from Tạp chí Cộng Sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/824385/chien-luoc-cua-trung-quoc-va-nhat-ban-trong-khu-vuc-tieu-vung-song-mekong-mo-rong-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam.aspx
Blinken, A. J. (2021, 8 5). The United States and the Friends of the Mekong: Proven Partners for the Mekong Region. Retrieved from U.S Department of State: https://www.state.gov/the-united-states-and-the-friends-of-the-mekong-proven-partners-for-the-mekong-region/
Bower E, P. P. (2012, 7 24). U.S. moves to strengthen ASEAN by boosting the lower Mekong Initiative. Washington DC: Washington DC: Center for Strategic and International Studies. Retrieved from Washington DC: Center for Strategic and International Studies.
Bruma, U. E. (2019, 8 7). Joint Statement on the JapanUnited States Mekong Power Partnership (JUMPP). Retrieved from mm.usembassy.gov: https://mm.usembassy.gov/joint-statement-on-the-japan-united-states-mekong-power-partnership-jumpp-burmese/
Center, E. W. (2020). The Mekong Matters for America (Tạm dịch: “Các vấn đề của sông Mekong đối với Mỹ”),. Retrieved from JSTOR: www.jstor.org/stable/resrep25016
Chanda, N. (2002). China and Cambodia: In the Mirror of History. Asia-Pacific Review, 2. Retrieved from Asia-Pacific Review.
Derek, G. (2022, 1 12). Time for America to Play Offense in China’s Backyard. Retrieved from Foreign Policy: https://foreignpolicy.com/2022/01/12/biden-cambodia-laos-southeast-asia-strategy-geopolitics/
EIA. (2013, 4 4). The South China Sea is an important world energy trade route. Retrieved from eia.gov: https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=10671
Gong, X. (2018). The Belt & Road Initiative and China’s influence in Southeast Asia. The Pacific Review, 635-655.
Gungwu, W. (2001). Don’t leave home : migration and the Chinese. Singapore: Singapore : Times Academic Press.
Kegiang, L. (2014, 12 20). The Speech of Li Keqiang at the Opening Ceremony of the 5th Summit of the Greater Mekong Sub-region Economic Cooperation Program. Retrieved from Tân Hoa Xã: http://www.gov.cn/guowuyuan/2014-12/20/content_2794565.htm
Lei, Z. (2019). China’s connectivity with mainland ASEAN: The Strategy, Progress and Prospect- With a focus in Myanmar. World Scientific, 25-64.
Li, K. (2014, 12 20). The Speech of Li Keqiang at the Opening Ceremony of the 5th Summit of the Greater Mekong Sub-region Economic Cooperation Program. Retrieved from Tân Hoa Xã: http://www.gov.cn/guowuyuan/2014-12/20/content_2794565.htm
Linh, H. (2020, 7 26). Sông Mekong trở thành yếu tố cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Retrieved from Thông Tấn Xã Việt Nam: https://baotintuc.vn/the-gioi/song-mekong-tro-thanh-yeu-to-canh-tranh-moi-giua-my-va-trung-quoc-20200724181412075.htm
LMC. (2018, 4 20). Five-Year Plan of Action on Lancang-Mekong Cooperation (2018–2022). Retrieved from Chian Daisy:
http://www.chinadaily.com.cn/a/201801/11/WS5a56cd04a3102e5b17374295.html
Long, T. V. (2018). Dự báo xu hướng cạnh tranh nước lớn tại tiểu vùng Mekong. Tạp chí Lý luận chính trị.
Lu, G. (2016). China Seeks To Improve Mekong Sub-Regional Cooperation: Causes And Policies. Singapore: RSiS.
Nguyễn Thị Quế, N. T. (2018). Chính sách cùa Trung Quốc đối với tiểu vùng sông MeKong mở rộng hiện nay. Lý luận Chính trị, 103.
Parnership, M. U. (2018, 08 04). 11th LMI Ministerial Joint Statement. Retrieved from Mekong- US Parnership: https://mekonguspartnership.org/2018/08/
Partership, M.-U. (2019, 12 23). LMI Annual Scientific Symposium. Retrieved from mekonguspartnership.org:
https://mekonguspartnership.org/2019/12/23/lmi-annual-scientific-symposium/
Partnership, M. U. (2019, 12 23). Mekong-US Partnership. Retrieved from LMI Annual Scientific Symposium: https://mekonguspartnership.org/2019/12/
Partnership, M.-U. (2018, 8 04). 11th LMI Ministerial Joint Statement. Retrieved from mekonguspartnership.org:
https://mekonguspartnership.org/2018/08/ 04/1 lth-lmi-ministerial-joint-statement
Phidel, V. (2019). Tweaking BRI: What Southeast Asia Can Do. In Commentary. Singapore: RSIS. Singapore: S.Rajaratnam School of International Studies (RSIS). Retrieved from RSIS. Singapore: S.Rajaratnam School of International Studies (RSIS).
Phương, M. (2024, 4 17). Phù Nam Techo – Dự án kênh đào tham vọng của Campuchia. Retrieved from Dân Trí: https://dantri.com.vn/the-gioi/phu-nam-techo-du-an-kenh-dao-tham-vong-cua-campuchia-20240416133000863.htm
Pompeo, M. R. (2020, 9 14). U.S. Embassy & Consulate in Viet Nam. Retrieved from The Mekong-U.S. Partnership: The Mekong Region Deserves Good Partners: https://vn.usembassy.gov/the-mekong-u-s-partnership-the-mekong-region-deserves-good-partners/
Pongphisoot, B. (2018). Grabbing the Forgotten: China’s Leadership Consolidation in Mainland Southeast Asia through the Mekong-Lancang Cooperation. Singapore: ISEAS.
Pongsudhirak, T. (2020, 11 27). China-US rivalry on Mekong mainland. Retrieved from Bangkok Post:
https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/2026215/china-us-rivalry-on-mekong-mainland
Prashanth, B. P. (2012, 7 24). U.S. moves to strengthen ASEAN by boosting the lower Mekong Initiative. Washington DC: Washington DC: Center for Strategic and International Studies. Retrieved from Washington DC: Center for Strategic and International Studies.
Qiaosu, Z. (2014, 11 29). 习近平出席中央外事工作会议并发表重要讲话. Retrieved from xinhuanet: http://www.xinhuanet.com/politics/2014-11/29/c_1113457723.htm
Rolland, N. (2017, 6 5). Deciphering Beijing’s Vision for the Region as a “Community of Common Destiny”. Retrieved from The Asan Forum: https://theasanforum.org/eurasian-integration-a-la-chinese-deciphering-beijings-vision-for-the-region-as-a-community-of-common-destiny/
Spokesperson, O. o. (2019, 08 2). Strengthening the U.S. – Mekong partnership. Retrieved from U.S. Embassy & Consulate in VietNam:
https://vn.usembassy.gov/strengthening-the-u-s-mekong-partnership/
Strangjo. (2020). How meaningful is the new US-Mekong Partnership? Retrieved from thediplomat.com:
https://thediplomat.com/2020/09/howmeaningful-is-the-new-us-mekong-partnership/
Thailand, U. E. (2019, 8 2). Strengthenging the U.S. – Mekong partership. Retrieved from Thailand. US Embassy.gov: https://th.usembassy.gov/strengthening-the-u-s-mekong-partnership/
Tuấn, B. T. (2022, 8 10). Giá trị địa – chiến lược của Tiểu vùng sông Mekong. Retrieved from Tuyên giáo: https://tuyengiao.vn/the-gioi/gia-tri-dia-chien-luoc-cua-tieu-vung-song-mekong-140193
Vineles, P. (2019). Tweaking BRI: What Southeast Asia Can Do. In Commentary. Singapore: RSIS. Singapore: S.Rajaratnam School of International Studies (RSIS). Retrieved from RSIS. Singapore: S.Rajaratnam School of International Studies (RSIS).
White, H. (2011, 9 5). Chuyển dịch quyền lực: Tái xác định vị trí của Úc trong Thế kỷ Châu Á. Retrieved from nghiencuuquocte: https://nghiencuuquocte.org/2013/09/05/53-chuyen-dich-quyen-luc-hugh-white/
Xie, E. (2022, 6 11). ‘Asian water tower’ is facing a worsening supply imbalance, study finds. Retrieved from South China Morning Post: https://www.scmp.com/news/china/science/article/3181278/asian-water-tower-facing-worsening-supply-imbalance-study-finds
Zhuning, L. (2019). China’s connectivity with mainland ASEAN: The Strategy, Progress and Prospect- With a focus in Myanmar. World Scientific, 25-64.