Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cầu Trường Tiền, một biểu tượng của cố đô Huế tròn 125 năm tuổi

ĐNA -

Thật hiếm có nơi nào như Huế vì sự giàu có của biểu tượng vùng đất, mà đó đều là biểu tượng văn hóa. Cố đô có một chùa Thiên Mụ biểu tượng của xứ Thiền kinh, có một Ngọ Môn biểu tượng của văn hóa cung đình… và đặc biệt, lại có chiếc cầu Trường Tiền biểu tượng của sự nối liền kim cổ, sự gắn kết của quá khứ với hiện tại và suốt về tương lai.

Cầu Trường Tiền trong những thời khắc lịch sử

“Nón trắng hỡi thuở tìm em không thấy,
Nắng minh mang mấy nhịp Trường Tiền.
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế,
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Đó là những câu thơ bất hủ của nhà thơ Thu Bồn trong bài Tạm biệt Huế. Lời thơ như vẽ lên khuôn mặt người con gái Huế lấp ló trong vành nón trắng cong cong, như hình ảnh dịu dàng của cố đô in bóng dưới dòng Hương Giang, xanh biếc lúc bình minh ló rạng, tím mờ buổi hoàng hôn buông giăng…

Nổi bật trên nền khung cảnh ấy là hình ảnh chiếc cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp đã gắn bó, thăng trầm cùng cố đô suốt 125 năm lịch sử.

Thật hiếm có nơi nào như Huế vì sự giàu có của biểu tượng vùng đất, mà đó đều là biểu tượng văn hóa. Cố đô có một chùa Thiên Mụ biểu tượng của xứ Thiền kinh, có một Ngọ Môn biểu tượng của văn hóa cung đình… và đặc biệt, lại có chiếc cầu Trường Tiền biểu tượng của sự nối liền kim cổ, sự gắn kết của quá khứ với hiện tại và suốt về tương lai.

Cầu Trường Tiền là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, cũng là một trong những chiếc cầu đầu tiên được xây dựng theo kỹ thuật mới ở xứ Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, bản in thời Duy Tân năm thứ 3 (1909) thì cầu Trường Tiền được khởi công năm Thành Thái 9 (1897) hoàn thành năm Thành Thái 11 (1899), tức là đến nay chiếc cầu này tròn 125 tuổi. Dù theo sách Đại Nam thực lục hay báo cáo của Toàn quyền Paul Doumer có ghi thời điểm xây dựng và hoàn thành cầu Trường Tiền có khác đi đôi chút (khởi công năm 1898, hoàn thành năm 1900) thì ý nghĩa của việc xây dựng chiếc cầu lịch sử này cũng không hề thay đổi.

Dù có nhiều tên gọi chính thức: Cầu Thành Thái, cầu Clémenceau, cầu Nguyễn Hoàng, nhưng phần lớn người Huế chỉ biết đến tên gọi cầu Trường Tiền. Tên gọi này xuất phát từ nguyên do cầu bắc qua sông Hương ở gần vị trí xưởng đúc tiền cũ từ thời Chúa Nguyễn. Hồi xưa, khi chưa có cầu, bến đò ngang ở đây cũng gọi là bến đò Trường Tiền.

Qua hơn một thế kỷ thăng trầm cùng xứ Huế, cầu Trường Tiền cũng có những nổi đoạn trường khó chia sẻ:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em qua không kịp tội lắm anh ơi.
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời,
Có xa nhau đi chăng nữa cũng bởi tại ông trời mà xa.
(Ca dao Huế)

Cầu Trường Tiền gắn liền với hình ảnh áo dài, nón lá và người phụ nữ Huế

Khi mới xây dựng lần đầu, cầu có khung sắt, sàn lát ván gỗ, nhưng đã đủ dáng vẻ 6 vài 12 nhịp duyên dáng khó cây cầu nào bì kịp. Sự chắc chắn của cây cầu mới này khiến viên Toàn quyền Pháp tại Đông Dương tự đắc tuyên bố: “Khi nào cầu sập thì Pháp sẽ trả lại độc lập cho nước Nam”. Ai dè, mới chưa đầy 5 năm sau, cơn bão năm Thìn (1904) khủng khiếp đã xô sập cả cầu Trường Tiền, 6 vài mất 4 chỉ còn lại 2…

Sau đó cầu Trường Tiền được sửa lại, mặt sàn đúc bằng bê-tông. Rồi đến năm 1937, cầu được công ty Eiffel đại trùng tu và làm thêm 2 hành lang hai bên dành cho người đi bộ. Vẻ duyên dáng trữ tình của chiếc cầu lại tăng lên gấp bội.

Khi thực dân Pháp quay lại quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa, cuối năm 1946, để chặn bước tiến quân thù, ta đã đặt mìn giật sập một vài cầu. Cầu được sửa tạm năm 1948, năm 1953 mới sửa hoàn chỉnh lại như cũ.

Và thêm một lần nữa, trong chiến dịch Xuân 68, ngày mùng 7 tháng 2, quân Giải phóng Miền Nam một lần nữa đã đánh sập cầu Trường Tiền để chặn địch phản kích tái chiếm Huế. Sau đó vài cầu bị sập sau được thay tạm bằng gỗ.

Mãi đến tháng 5/1991, cầu Trường Tiền mới được trùng tu tân tạo. Trong lần này, cầu bị thay đổi một số đặc điểm khá quan trọng. Màu sơn cũ của cầu vốn là màu dụ bạc sáng đổi thành màu xanh lam. Các ban công đặt trên hành lang dành cho người đi bộ dừng chân nghỉ ngơi hóng mát bị bỏ hoàn toàn. Lòng cầu bị hẹp lại do có thêm 2 ống sắt nẹp vào hai bên… Vì thế cầu bị mất đi khá nhiều nét thanh thoát, duyên dáng vốn có. Tháng 5/1995, khi khánh thành cầu “Tràng Tiền”, người Huế xao xác bởi sự lạ lẫm của dáng vẻ cây cầu và cả cái tên gọi cũng có phần hơi khác. Rất may rồi cầu cũng được trả lại tên cũ là TRƯỜNG TIỀN. Rồi đến năm 2017, hệ thống lan can và đường đi bộ lại được khôi phục như nguyên xưa để khách đi bộ có thể dừng chân trên cầu để ngắm sông Hương. Cầu Trường Tiền còn được lắp thêm các dàn đèn chiếu sáng nghệ thuật để cố đô lung linh, huyền ảo hơn về đêm. Và chiếc cầu đã trở thành một phần không thể thiếu của các lễ hội của Huế trong các kỳ Festival quốc tế từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

Dẫu qua bao nổi truân chuyên, cầu Trường Tiền vẫn được xem là một trong những cây cầu đẹp nhất của Việt Nam. Dĩ nhiên, cũng là nhờ gắn liền với vẻ đẹp lãng mạn của dòng sông Hương thơ mộng. Trong tấm lòng mỗi người Huế, cầu Trường Tiền luôn là niềm tự hào, là biểu tượng cho vẻ đẹp của quê hương, và của cả tình yêu đôi lứa.

Đó là sự nối liền của quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai. Mà cũng chỉ có Trường Tiền mới xứng đáng với trọng trách ấy.

Sông Hương không lớn, nhưng “Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, là biểu tượng của dòng chảy văn hóa xứ Huế. Và Trường Tiền là cây cầu đầu tiên nối liền đôi bờ bắc-nam sông Hương. Là sự gắn kết của một cổ thành rêu phong dĩ vãng, những cung điện vàng son một thuở, những dinh thự phủ đệ trầm mặc,  những khu nhà vườn tĩnh tại… ở bờ bắc với phố xá nhộn nhịp, khách sạn cao tầng, nhà hàng, công sở, quầy bar cùng những khu dân cư rực rỡ sắc màu, đầy tràn nhựa sống ở bờ Nam.

Đó là sự nối liền của quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai. Mà cũng chỉ có Trường Tiền mới xứng đáng với trọng trách ấy.

Dẫu sau đó, trên dòng Hương Giang đã có thêm nhiều cây cầu nữa: Cầu Bạch Hổ, cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên, cầu Bãi Dâu, cầu Tuần…và sắp tới là cầu Nguyễn Hoàng nhưng dường như chúng chỉ làm cho Trường Tiền thêm nổi bật, và khiến cho những kẻ hoài cổ thêm bâng khuâng mỗi khi ngắm chiếc cầu huyền thoại này…

Cho đến nay, trong biểu tượng chính thức của Huế, hình ảnh cầu Trường Tiền được thể hiện cách điệu cùng mái lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn). Biểu tượng này do họa sỹ Nguyễn Thiện Đức, Giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế sáng tác và đã được Thành phố Huế chính thức công nhận là biểu tượng của cố đô kể từ ngày 19/12/2003.

Đã 125 năm trôi qua nhưng cầu Trường Tiền vẫn không hề cũ và có lẽ cả trăm năm sau, cầu Trường Tiền vẫn là một phần không thể thiếu của xứ Huế mộng mơ./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh: Tư liệu, Anh Phong, Lê Đình Hoàng.