Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Châu Âu ‘có thể sai lầm’ khi muốn tịch thu vĩnh viễn tài sản Nga



ĐNA -

Theo Economist đánh giá châu Âu nên cảnh giác với việc tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga, vì nó là “một ý tưởng có thể sai lầm”.

Hơn 100 ngày sau cuộc chiến ở Ukraine, chương trình trừng phạt lớn nhất với một nền kinh tế lớn vẫn đang được thắt chặt. Mỹ và châu Âu đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga tại các ngân hàng phương Tây. Liên minh châu Âu đã cùng với Mỹ và Anh đặt lệnh cấm vận một phần với xuất khẩu dầu của Nga, đồng thời cắt Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước này, khỏi hệ thống SWIFT.

Du thuyền Amadea của tỷ phú Nga Suleyman Kerimov neo đậu tại thị trấn Bodrum, tỉnh Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đây, tài sản của một nhóm những nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt. Chiếc siêu du thuyền Amadea dài 100 m với sân bay trực thăng và bể bơi tại Fiji đang bị đề nghị tịch thu. Các máy bay cá nhân gửi ở Dubai và câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh cũng có số phận tương tự.

Nga có khoảng 300 tỷ USD dự trữ ở châu Âu và lên tới 1.000 tỷ USD tài sản chủ yếu của tư nhân ở nước ngoài. EU thậm chí muốn dùng tài sản tịch thu này để tái thiết Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cũng đề xuất phát mãi tài sản của các tài phiệt Nga để “khắc phục những tổn thất mà Nga gây ra và giúp xây dựng lại Ukraine”.

Các lệnh trừng phạt đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho kinh tế Nga và nếu được duy trì, sẽ làm giảm hiệu suất nền kinh tế trong nhiều năm. Mặc dù vậy, chúng cũng có những hạn chế rõ ràng. Dầu thô Brent có giá khoảng 120 USD một thùng, nhờ giá năng lượng cao, Nga đang có doanh thu khấm khá. Chỉ có các nước châu Âu và một số đồng minh châu Á đang thực thi các biện pháp trừng phạt nên nhiều khách hàng vẫn tiếp tục mua dầu của Nga.

Vào cuối năm 2023, sản lượng dầu thô của nước này dự kiến chỉ thấp hơn khoảng 20% mức trước chiến sự. Các ông trùm có liên hệ với Điện Kremlin vẫn được tự do đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Và xung đột quân sự với Ukraine có khả năng vẫn không chấm dứt.

Theo một số ước tính, chi phí để xây dựng lại các thành phố bị tan hoang và khôi phục cơ sở công nghiệp đổ nát của Ukraine sẽ rất lớn, lên tới 600 tỷ USD. Điều đó khiến nhiều người tự hỏi liệu châu Âu có nên chuyển từ chỉ đóng băng tài sản của Nga tạm thời sang tịch thu vĩnh viễn hay không. Sau đó, chúng có thể được sử dụng để trả cho việc tái thiết Ukraine.

Ý tưởng bên phát động xung đột phải trả giá cho những thiệt hại nghe có vẻ hấp dẫn và phổ biến. Tuy nhiên, lý do pháp lý và logic chiến lược của các biện pháp trừng phạt đang áp dụng là chúng nhằm làm suy giảm khả năng theo đuổi hành động hiện tại và có thể thay đổi hành vi của một quốc gia. Nếu quốc gia đó đổi ý, tài sản sẽ được trả lại.

Việc chuyển đổi từ cách tiếp cận này sang chính sách tịch thu vĩnh viễn sẽ là một bước tiến lớn, và chỉ có thể chính đáng nếu làm sáng tỏ hai điểm. Đầu tiên là bất kỳ chính sách mới nào cũng tương thích với pháp quyền. Và thứ hai là nó có chiến lược bồi thường rõ ràng.

Bắt đầu với pháp quyền. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các nước Baltic và Slovakia nằm trong số những bên lên tiếng ủng hộ đề xuất này. Họ cho rằng bên khơi chiến nên có trách nhiệm tái thiết Ukraine thay vì để châu Âu tự gánh vác.

“Tổng số tiền sẽ được đưa vào một quỹ chung cho các nạn nhân Ukraine và có thể để tham gia vào những bước đầu tiên trong việc tái thiết Ukraine. Nhưng tất nhiên, để làm được điều đó, ta phải chuyển quyền sở hữu từ phong tỏa thành tịch thu. Với một quyết định của tòa án, sẽ có thể triển khai việc đó”, bà Ursula von der Leyen nói về ý tưởng này.

Tuy nhiên, việc thực hiện tịch thu tài sản Nga trên thực tế có thể gặp khó khăn ở tất cả 27 quốc gia và cả Mỹ.

Ở Mỹ, tổng thống có quyền đóng băng tài sản của chính phủ nước ngoài nhưng thường không thu giữ chúng, trừ khi Mỹ có chiến tranh với quốc gia đó. Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ rõ ràng phải thừa nhận là không có xung đột công khai với nước này.

Nhánh hành pháp của Mỹ có thể chuyển quyền kiểm soát một số tài sản nước ngoài khi họ ngừng công nhận chính phủ của một quốc gia, như với một số quỹ thuộc về Venezuela và Afghanistan. Tuy nhiên, trong trường hợp của xung đột Ukraine, Mỹ cho biết họ không tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở Nga.

Thứ hai, theo luật quốc tế, việc bồi thường thường có sự đồng ý của quốc gia chi trả, thường là một phần của hiệp ước hòa bình. Các cuộc đàm phán như vậy còn lâu mới có kết quả. Việc thu giữ các tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân Nga trước khi bị tòa án kết tội cũng là điều đáng nghi ngờ. Ở một số quốc gia, chẳng hạn Đức, làm vậy có thể vi hiến.

Thay vì dùng đến biện pháp tịch thu tài sản, The Economist cho rằng châu Âu nên tăng cường viện trợ cho Ukraine. Điều đó có nghĩa là cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng hơn và tăng tốc độ triển khai cũng như huấn luyện các lực lượng Ukraine sử dụng chúng.

Đồng thời, có thể vẫn duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi Nga dừng chiến dịch. Và phải làm rõ rằng ngay cả khi không có thỏa thuận hòa bình nào được ký kết và không có khoản bồi thường nào của Nga, châu Âu và Mỹ vẫn sẽ phải hỗ trợ xây dựng lại nền kinh tế đang đổ vỡ của Ukraine.

Còn về lợi ích chiến lược của châu Âu, trong ngắn hạn, việc tịch thu vĩnh viễn sẽ không ảnh hưởng gì đến khả năng của Nag tài trợ cho quân đội. Ông Putin vốn đã không thể sử dụng các tài sản nước ngoài bị đóng băng.

Về lâu dài, tiền lệ được đặt ra bởi việc tịch thu mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ khiến tất cả tài sản xuyên biên giới, bao gồm cả tài sản của phương Tây, dễ bị các chính phủ chiếm đoạt nhằm ăn miếng trả miếng. Nó cũng sẽ tạo thêm động lực cho các quốc gia không liên minh với Mỹ, hoặc có quan hệ không ổn định với Mỹ, vượt qua hệ thống tài chính do Mỹ lãnh đạo, vốn là nền tảng của quyền lực phương Tây.

PV (theo The Economist)