Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Châu Âu đối phó với khủng hoảng năng lượng.

ĐNA -

Để đối phó với các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt liên quan đến xung đột tại Ukraine, Nga đã cắt giảm lượng khí đốt đến châu Âu khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Paris tắt đèn tháp Eiffel, Milan tắt đài phun nước công cộng, trong khi những người đi xem phim ở Warsaw đang đạp xe để tạo ra điện… tất cả đều cho thấy khủng hoảng năng lượng đang ngày càng ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống thường nhật của châu Âu.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 5/9/2022, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng: “Các vấn đề về nguồn cung khí đốt nảy sinh do các lệnh trừng phạt áp đặt lên đất nước chúng tôi từ các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Đức và Anh”.

Do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn tiếp tục được triển khai ở Ukraine nên các quốc gia phương Tây khó có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Moscow, đồng nghĩa với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa nhìn thấy hồi kết.

Giáo sư Đại học Quốc gia Australia John Blaxland cho rằng, đây là phép thử của Nga đối với khả năng chống chọi của phương Tây. “Việc cắt giảm dầu khí sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến người dân châu Âu”, Giáo sư John Blaxland nhận định.

Do khủng hoảng năng lượng, các nước châu Âu đang nghĩ ra đủ mọi cách để tiết kiệm điện. (Nguồn: Getty)

Do nguồn cung khí đốt bị cắt giảm, các nước châu Âu đang nghĩ ra đủ mọi cách để tiết kiệm điện.
Tại “kinh đô ánh sáng”, một phần đèn điện đã bị tắt. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo, đèn nhấp nháy của tháp Eiffel sẽ tắt mỗi ngày vào lúc 23g45′ thay vì 1g như mọi khi. Thay đổi này có hiệu lực kể từ ngày 21/9/2022. Ông Jean-François Martins, người đứng đầu công ty quản lý tòa tháp, cho biết, đây là một hành động mang tính biểu tượng nhằm nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu, đồng thời truyền cảm hứng cho mọi người tiết kiệm năng lượng ở những nơi họ có thể.

Warsaw yêu cầu khán giả… đạp xe đạp để tạo ra năng lượng
Khi giá năng lượng tăng cao, một rạp chiếu phim ngoài trời ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) đã yêu cầu khán giả đạp xe đạp để tạo ra ít nhất 50% công suất cần thiết để chiếu phim. Công ty dịch vụ Impel đang thực hiện một số sáng kiến tại các thành phố của Ba Lan để truyền cảm hứng cho mọi người tìm ra những cách sống bền vững hơn. Sáng kiến rạp chiếu phim ngoài trời ở công viên Pole Mokotowskie tại trung tâm Warsaw là một phần trong chuỗi dịch vụ sống bền vững của Impel. Khoảng 6 chiếc xe đạp đã được cắm vào máy phát điện để tạo ra nguồn điện chạy rạp chiếu phim.

Hanover tắt hệ thống sưởi của vòi hoa sen
Trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, Hanover, một thành phố ở phía Bắc nước Đức, đã tắt cơ chế làm nước nóng để rửa tay trong các tòa nhà công cộng của thành phố. Nguồn cung cấp nước nóng cũng đã bị cắt đối với vòi hoa sen tại các hồ bơi và phòng tập thể thao. Ngoài ra, mỗi nơi đều phải điều chỉnh nhiều cách khác nhau để tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, màn hình chiếu sáng hằng đêm trên hầu hết các tòa nhà công cộng đã bị tắt, thành phố Hanover cũng cấm sử dụng máy lạnh di động, máy sưởi và bộ tản nhiệt.

Amsterdam giảm bớt 1 độ tại các bể bơi
Nếu những người bơi lội thường xuyên đến các hồ bơi do thành phố Amsterdam tự quản và cảm nhận thấy nước lạnh hơn một chút thì khủng hoảng năng lượng chính là thủ phạm. Theo NH Nieuws, chính quyền địa phương đã quyết định giảm 1 độ C cơ chế sưởi ấm trong các bể bơi để tiết kiệm chi phí trước tình trạng hóa đơn năng lượng tăng cao. Ông Marco van der Horst, đại diện trung tâm nghỉ dưỡng De Mirandabad tại Amsterdam, nhấn mạnh trên đài truyền hình North Holland rằng: “Để đảm bảo cho tương lai và để khách hàng không phải đối mặt với việc tăng giá vé quá mức, chúng tôi hiện đang hạ nhiệt độ xuống như một biện pháp phòng ngừa”. Nhằm kiểm soát chi phí năng lượng, vùng Lombardy ở Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tắt khoảng 50 đài phun nước công cộng ở Milan. Tuy nhiên, phán quyết này không áp dụng đối với các vòi cung cấp nước uống cho người dân thành phố hoặc những nơi có cá hoặc thực vật. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác cũng đang được cân nhắc bao gồm việc yêu cầu người dân duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức 26 độ C.

Milan tắt đài phun nước công cộng. (Nguồn: Getty)

Madrid áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về điều hòa không khí
Ảnh hưởng của việc tăng giá năng lượng đã diễn ra mạnh mẽ ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha trong mùa Hè vừa qua, nơi chính phủ đã yêu cầu người dân để nhiệt độ máy điều hòa không thấp hơn 27 độ C. Tin tức được đưa ra đúng vào lúc Madrid trải qua đợt nắng nóng kỷ lục của miền Bắc châu Âu với nhiệt độ khoảng 40 độ C.

Nhà sản xuất bia nổi tiếng của Bỉ ngừng sản xuất
Lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, hãng bia mang tính biểu tượng của Bỉ Brewery Huyghe đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất. Trả lời Strait Times, đại diện nhà sản xuất bia Delirium Tremens chia sẻ rằng, khi mùa Đông tới, nhiệt độ ở châu Âu giảm xuống và các hộ gia đình chỉ có nhu cầu thiết yếu là sưởi ấm, các chủ doanh nghiệp sẽ buộc phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Ông Alain De Laet, chủ sở hữu hãng bia, nói: “Tôi có thể phải dừng sản xuất cho đến khi tìm được một giải pháp khác, đây là lần đầu tiên chúng tôi phải tính đến chuyện dừng hoạt động kể từ năm 1906”.
Chy Le/theo SBS News